BAGHDAD 03/07/04 - Người Kitô Giáo Iraq có thể hãnh diện nói với thế giới rằng cách đây 2000 năm, Kitô Giáo đã có mặt tại đất nước này, từ thời các thánh Tông Đồ. Thánh Tôma Tông Đồ được coi là cha già đưa Kitô Giáo vào đất nước Iraq.

Nơi cư ngụ của các cộng đồng Kitô Giáo là thủ đô Baghdad và vài thành phố nhỏ ở phía bắc như Kirkuk, Irbil, và Mosul. Mosul là địa danh mà ngày xưa trong Cựu Ước gọi là thành Niniveh.

Dân số Iraq có 24.2 triệu người trong đó 3% tức khoảng 800,000 người Kitô Giáo. Còn lại 97% là người Hồi Giáo. Hồi Giáo ở Iraq chia làm hai phái: Phái Shi’ite chiếm đa số cư ngụ tại miền Nam, phái Sunni tại miền bắc. Cựu Tổng Thống Saddam Hussein thuộc phái Sunni nên trong những năm ông trị vì, phái Shi’ite bị đàn áp.

Người Kitô Giáo ở Iraq cũng thuộc nhiều Giáo Hội khác nhau như Assyrian Nestorian, Giáo Hội Công Giáo Syriac, Giáo Hội Chính Thống Syriac, Giáo Hội Chính Thống Armenian. Số người Công Giáo theo nghi lễ Chaldean chiếm 70% trong các nhóm Kitô Giáo nói chung.

Người Kitô Giáo từ trước đến nay vẫn có mối giao hảo tốt với người Hồi Giáo. Họ chung sống hòa bình không có những vụ bạo động, kỳ thị hay kình chống lẫn nhau.

Trai lại với chính quyền, theo đức Tổng Giám Mục Jean Sleinman, cai quản tổng giáo phận Baghdad, chế độ Saddam Hussein đã đứng đàng sau các vụ đàn áp người Kitô Giáo. Người Kitô Giáo đã bị bó buộc rời khỏi nước để đi định cư ở Hoa Kỳ hay ở Canada.

Sau chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất vào các năm 1990-1991, khoảng 150,000 người Kitô Giáo đã phải chạy khỏi nước tránh sự đàn áp của Saddam Hussein. Vào năm 2003, khi Saddam bị lật đổ, đảng Baath của chế độ cũ bị tan rã, nhiều người Kitô Giáo Iraq lại phải chạy sang các nước lân cận như Jordan, Syria. Hiện nay họ đang trông chờ tình hình ổn định để trở về Iraq.