Phương pháp Tâm Vận Động

2.10 Khả năng Hình Dung


Hình dung có nghĩa là gì ?

Theo lối định nghĩa của Tự Điển Tâm Lý :

« Đó là một tiến trình tạo nên những sản phẩm như : diễn kịch, hội họa, tạc hình, tạc tượng. Tiến trình ấy bao gồm nhiều giai đoạn, từ khi khởi đầu đến lúc kết thúc. Hình Dung một sự vật không có nghĩa là chế tạo, hay là sản xuất lại sự vật ấy giống hệt như lần đầu. Khi hình dung, chúng ta vừa chuyển hóa, vừa giữ lại một vài đặc tính và tác dụng của sự vật. Càng giữ lại nhiều dữ kiện có mặt lúc ban đầu, chúng ta càng có một sản phẩm tương tự với sự vật được hình dung ».

Chẳng hạn, khi đứa bé sơ sinh, nằm một mình trong nôi, có những phản xạ bú mú, nó đã bắt đầu hình dung hành vi bú mút nấm vú thực sự của bà mẹ. Sau nầy, trong những trò chơi, nó sẽ hình dung những đối tượng vắng mặt, những tình huống được ghi nhớ. Ở lớp học, nó sẽ có khả năng tạo hình, với những loại đất sét công nghiệp có pha thêm các màu.

Trong khuôn khổ của chương nầy, chúng tôi chỉ khảo sát ba loại hình dung sau đây của trẻ em, trong các buổi sinh hoạt Tâm Vận Động:

  • Hình dung tạo hình, với chất liệu đất sét,
  • Những trò chơi điều khiển và kết ráp bằng tay,
  • Hình dung trong địa hạt ngôn ngữ.
Như chúng tôi đã lặp đi lặp lại nhiều lần trước đây, khi thao tác những trò chơi vận động, trẻ em sẽ vận dụng trí tưởng tượng của mình. Đồng thời, chúng nó kể ra những câu chuyện, với thân thể, cũng như với các dụng cụ có sẵn trong tầm tay của mình. Trong những loại trò chơi bắt chước và đồng hóa, trẻ em sẽ dùng thêm ngôn ngữ, từ 1-2 tuổi trở lên. Ngôn ngữ đi kèm theo trò chơi và có thể thay thế những hành động cụ thể bên ngoài. Khi trẻ em tiến lên những cấp độ phát triển từ Ba, Bốn trở lên, trẻ em có thể bắt đầu trình bày những dự án của mình ( những điều mình dự phóng), bằng ngôn ngữ. Sau đó, chúng nó mới thực hiện dự án, với trò chơi vận động của mình. Tư duy của trẻ em càng ngày càng được tổ chức và có thứ tự. Về mặt nội dung, tư duy càng ngày càng trở nên phong phú.

Khi tư duy có những cấu trúc rõ ràng, trẻ em sẽ có khả năng tạo khoảng cách, không tức khắc lao mình vào hành động một cách vội vàng, máy móc, tự động. Cũng nhờ có tư duy điều hợp, nghĩa là soi sáng, hướng dẫn, xúc động không còn bùng nổ, tràn ngập với những hành vi bạo động ( đấm đá, xô đẩy, đàn áp, làm hại kẻ khác ).

Là chuyên viên Tâm Vận Động, chúng ta có vai trò giúp đỡ trẻ em tạo ra cho mình những KHOẢNG CÁCH như vậy. Tạo khoảng cách, bằng cách HÌNH DUNG, thay vì tức khắc lăn xả vào hành động, vận dụng tay chân, điều động toàn diện cơ thể của mình. Với những sinh hoạt như hội họa, tạo hình, kết ráp, kiến trúc… trẻ em sẽ dần dần phát huy khả năng hình dung. Ngoài ra, khi nghe kể chuyện và tập kể chuyện, trẻ em có thể cảm nghiệm những xúc động, bằng cách đồng hóa với các nhân vật, mà không cần thao tác những trò chơi vận động.

Xuyên qua tất cả những sinh hoạt, mà chúng tôi vừa trình bày, trẻ em sẽ có khả năng hình dung một hành động, mà không cần thực thi hành động ấy.

Thể theo lối nhìn của tác giả AUCOUTURIER (1996 ):

« Hình dung là đi theo chiều hướng của tư duy, mà không cần thực thi nhửng cử động thực sự của cơ thể ».

Hẳn thực, khi đi vào lãnh vực và thể thức tổ chức của tư duy, trẻ em sẽ suy tư về kinh nghiệm mà mình đã sống. Chúng ta sẽ thấy, khi trẻ em tổ chức một hình vẽ, trên trang giấy, những nhân vật càng lúc càng có thêm nhiều chi tiết. Các màu sắc càng lúc càng có những sắc thái riêng biệt. Những đồ vật nổi bật lên. Câu chuyện do trẻ em hình dung và chia sẻ cho chúng ta, càng lúc càng được tổ chức một cách mạch lạc, trong thời gian và không gian.

Tất cả những cách làm ấy, như lời nhận xét của AUCOUTURIER, có thể được mô tả như một con đường dài trình bày sức sống vươn lên của trẻ em. Trên những chặng đường ấy, trẻ em đã bắt đầu với những vui thích do hành động tạo nên. Và cuối cùng chúng nó đã kết thúc, với những vui thích xuất phát từ khả năng tư duy của mình.