Phương pháp Tâm Vận Động

2.2.2 Quan Hệ Trương Lực Cơ và Xúc Động

Tình trạng Trương Lực Cơ của cơ thể là tình trạng co giản của các bắp cơ, có liên hệ chặt chẽ với đời sống xúc động. Khi bạn tức giận hoặc lo sợ, toàn thân của bạn co quắp lại, ngoài ý muốn của bạn. Một vài người, trái lại, lúc tức giận, có thể mất hết trương lực cơ và sinh lực của mình. Họ trở nên thụ động và mền nhũn, vì họ ức chế cơn giận. Trái lại, khi bạn cảm thấy an toàn và tự tin, toàn thân của bạn thư giản và trở nên thư thái, thoải mái. Đó là tình trạng trương lực cơ trở về ở mức độ cơ bản, bình thường, riêng biệt cho từng mỗi người. Nói cách chung, cơ thể bộc lộ những xúc động của mình, một cách mạnh hay yếu, tùy trường hợp cá biệt của mỗi người. Cách bộc lộ nầy hoàn toàn vô thức, không thể thuộc quyền kiểm soát và điều chế của chúng ta. Mỗi người có một ngôn ngữ, một hình thức đặc thù, trong cách phản ứng tự động và tự phát của mình.

Ngoài ra, khi có người đụng đến cơ thể của bạn, bạn sẽ có phản ứng, đối với sự va chạm ấy, tùy theo cách bạn cảm nhận : Vui thú, an toàn, được tôn trọng ? Hay là khó chịu, đáng lo ngại, bị xâm nhập và thương tổn ? Cách thức cảm nhận của bạn có thể được diễn tả bằng lời nói. Hay là bằng thái độ không lời, như tin tưởng, buông xả, thoải mái… hoặc co cứng lại, sợ sệt, khép kín, tự vệ... Thông thường phản ứng ấy xuất hiện một cách vô thức và có mặt tức khắc, ít nhất vào lúc khởi đầu. Theo nhận xét của chúng tôi, mặc dù người khởi phát cố tình muốn va chạm một cách rất dịu dàng, trân trọng… đối với người tiếp nhận, sự va chạm ấy có thể gợi lên nhiều điều không đứng đắn và thích hợp, cho nên bị khước từ. Phản ứng của một người, tùy vào tình trạng xúc động hiện tại của người ấy. Tuy nhiên, xúc động, trong hoàn cảnh hiện tại nầy, chịu ảnh hưởng của nhiều xúc động khác, đã xảy ra trong quá khứ, nhưng vẫn còn được ghi nhận và để lại những dấu vết sâu đậm, trong cơ thể.

« Cơ thể tiếp nhận » sẽ trả lời cho « cơ thể khởi phát » là mình đồng ý hay từ chối. Tiếp sau đó, cơ thể khởi phát sẽ tìm cách thích ứng và điều chỉnh hay không, có lời nói đi kèm theo hay không. Cách làm nầy được chúng tôi đặt tên là « điều hợp, điều chỉnh ». Thể thức chúng ta đón nhận một ký hiệu trao đổi của người khác, tùy thuộc vào lịch sử của chúng ta. Cho nên dựa vào phương pháp học tập, nâng cao chất lượng ý thức về ngôn ngữ không lời của cơ thể, chúng ta có thể tinh luyện, bổ túc, kiện toàn thể thức tiếp nhận của chúng ta.

Những trao đổi, diễn ra giữa hai cơ thể của mình và người khác, giữa người lớn và trẻ em, giữa giáo viên và học sinh, giữa người mẹ và đứa con sơ sinh của mình… mang tên là QUAN HỆ TRƯƠNG LỰC CƠ và XÚC ĐỘNG. Đây là ngôn ngữ đầu tiên, giữa đứa bé sơ sinh và người chăm nuôi thường trực. Đây cũng là ngôn ngữ, được nhà chuyên viên Tâm Vận Động sử dụng, trong những trao đổi với trẻ em, trên bình diện thể lý hay là vận động. Cho nên, trước khi có thể giúp đỡ và can thiệp một cách hữu hiệu, người chuyên viên Tâm Vận Động phải có kỹ năng vận dụng và điều hợp loại ngôn ngữ trương lực cơ và xúc động nầy.

Một cách đặc biệt, trong quan hệ Mẹ-Con, tình trạng quân bình sẽ dần dần được kiến tạo, giữa hai hành trang khác nhau : hành trang Trương Lực Cơ của đứa bé, đã có sẵn lúc sinh ra, và hành trang Trương Lực Cơ của người Mẹ. Thành quả trong công việc thiết lập quan hệ- thành công tốt đẹp hay thất bại đáng tiếc - tùy vào chất lượng trao đổi của người mẹ, mỗi lần tiếp xúc, bồng ẵm và chăm nuôi cho đứa con. Người mẹ càng hạnh phúc, vui tươi, sung sướng VỚI đứa con của mình, bà càng CÓ MẶT với con, khám phá và nhận ra những nhu cầu cơ bản của con…Nhờ đó, đứa con càng ngày càng lớn lên và phát huy một cách hài hòa, mọi chiều kích của cuộc sống làm người.

2.2.3 Thể thức bồng bế tạo an toàn và tin tưởng (Holding)

Với cách thức bồng bế : nâng lên, hạ xuống, siết mạnh vào mình…chúng ta có thể tạo nên cảm giác tin tưởng và an toàn cho đứa bé, khi nó còn ở trong thể trạng mong manh, yếu ớt, lệ thuộc vào người lớn. Hai tác giả WINNICOTT và BRAZELTON đã khảo sát vấn đề tiếp xúc và bồng bế, một cách tường tận, trong nhiều tác phẩm.

Họ đề nghị một cách bồng bế có khả năng tạo an toàn tối đa cho đứa bé : một tay ngữa ra làm chỗ tựa bằng phẳng ở phía dưới, tay kia ôm vòng ở phía trước, giữ cột sống thẳng đứng.

Thể thức bồng bế là nguồn gốc phát sinh cảm giác an toàn cơ bản, trong toàn diện con người của đứa bé, bởi vì cơ thể đóng một vai trò thiết yếu, trong vấn đề xây dựng bản thân và cuộc đời. Hẳn thực, khi một cánh tay vững vàng bồng ẵm đứa bé lên, cánh tay ấy sẽ đương nhiên chuyền qua cho thân thể của đứa bé một cảm giác vững vàng, an ổn. Thân thể của trẻ em sẽ từ từ hội nhập cảm giác ấy vào bên trong, và tạo nên cho toàn diện con người của mình một « sức mạnh nội tâm ».

Chính sức mạnh nầy làm cho đứa bé được vững tâm, có đầy đủ năng lực - cơ hồ một bộ máy có đầy đủ xăng nhớt - để khám phá, học hành và can đảm tiến tới, trên con đường làm người.

Cũng vậy, khi thân thể của người mẹ, từ bên ngoài, tạo được cho đứa con một điểm tựa vững vàng, chính cột sống hay là bộ sườn ở bên trong đứa bé, sẽ trở nên một điểm tựa kiên cố. Nhờ đó, đứa bé sẽ có khả năng ĐỨNG THẲNG LÊN, sau này.

  • Khi cõng con trên lưng, người mẹ làm một « tấm chắn, hay là một khiên mộc » bảo vệ cho con..
  • Khi bồng con, ở đằng bụng, quay mặt ra phía trước, người mẹ làm chỗ dựa lưng cho con.
  • Khi bồng con ở phía trước, quay mặt con về phía bụng của mình, người mẹ làm nơi ẩn núp, che chỡ, giống như trong giai đoạn nguyên thủy, khi hai mẹ con còn « đồng sinh », cùng chia sẻ một sự sống.


Từ từ, nhờ vào những khả năng vận động càng ngày càng thoải mái và nhuần nhuyễn, trẻ em sẽ sử dụng hai bàn tay, để bảo vệ. Dùng hai cánh tay để xua đuổi, đẩy lui. Dùng hai chân, để chạy trốn, tránh qua chỗ khác.

Nói tóm lại, càng cảm thấy mình được an toàn, vững mạnh, trẻ em càng có khả năng TỰ TIN, để khám phá, học hành, đi ra khỏi gia đình và tiếp xúc với những bộ mặt xa lạ, trong cuộc đời.

2.2.4 Thể Thức Cư Xử ( Handling )

Từ ngày mới sinh ra, đứa bé được mẹ chăm sóc, bồng bế, cho bú, cho ăn, tắm gội, thay đổi y phục. Đứa bé còn được mẹ ngắm nhìn, ôm ẵm vào lòng, trao ban hơi ấm… hay là đuợc mẹ tiếp xúc, chuyện trò… Những cách thức can thiệp và hành động của mẹ rất quan trọng và đáp ứng nhu cầu thực sự của đứa con. Tuy nhiên, những cách làm của mẹ cũng có thể quá xâm lấn, áp đặt tùy tiện, một chiều hay là không có đầy đủ liều lượng cần thiết. Cách làm và can thiệp ấy được bác sĩ người Anh là WINNICOTT và nhiều tác giả khác, gọi là « cách đối xử ». Từ tương đương được dùng trong tiếng Anh là « Handling ».

Nhờ những cách đối xử nầy, người mẹ kiến tạo cho đứa con của mình, một cái KHUNG bao bọc và che chỡ. Đồng thời cũng nhờ cái khung ấy, trẻ em có thể đón nhận những loại kích thích, từ môi trường bên ngoài, mà không bị tràn ngập. Nói được, cái khung ấy được so sánh như một cái lồng kính có nhiều lỗ thông ra ngoài.

Qua những lần trao đổi, tiếp xúc, người mẹ lưu tâm đến những sứ điệp không lời của đứa con. Đứa con cũng đón nhận những gì người mẹ muốn trao gửi cho mình. Khi trao qua gửi lại như vậy, cả hai mẹ con đều học lắng nghe nhau và trả lời cho nhau. Đứa con « bắt chước mẹ », phản ảnh những điều mẹ vừa làm. Khi đứa con phát ra một tin tức hay sứ điệp, bất kỳ dưới hình thức nào, người mẹ ghi nhận một cách trân trọng, và tìm cách « thuyên giải », nghĩa là khám phá một ý nghĩa, một giá trị. Nhờ cách trả lời của mình, người mẹ lấp cho đầy, làm cho đẹp và chuyển hóa cho tốt sứ điệp của đứa con.

Tùy theo chất lượng trong cách trao đổi của người mẹ, đứa con sẽ từ từ mở rộng con nguời của mình, hay là khép kín mình lại. Nó sẽ học phân biệt đâu là những lời kêu mời đóng góp, xây dựng… và đâu là những quyến rủ tai hại và nguy hiểm. Nhờ đó, nó sẽ kiến dựng cho mình, một « lớp da đại diện ( moi peau ) », khô cứng hay là mềm dẽo, nguyên lành hoặc có nhiều chỗ hư hỏng, không tạo đủ cho mình sức đối kháng và bảo vệ. Kết quả nầy tùy vào những kinh nghiệm vui thích hay là khổ đau, mà trẻ em đã kinh qua, trong quá khứ, với những nhịp điệu và cường độ riêng biệt của mỗi trường hợp.

Nói tóm lại, cách bồng bế tạo nên cho trẻ em lòng tự tin, như thế nào, thì lề lối đối đãi, cư xử cũng vậy, sẽ tạo nên niềm vui thích, hứng thú, trong lãnh vực trao đổi, thông đạt, nhận và cho. Đó là « tiền đề cơ bản » phát sinh và điều hướng, cũng như chuẩn bị và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình xã hội hóa của trẻ em, trong cuộc đời làm người của mình.

2.2.5 Cơ Chế Phản Hồi (Feed-Back)

Lối nói « phản hồi » được sử dụng, khi có những quan hệ trao đổi qua lại hai chiều, giữa người lớn và trẻ em. Trong những cuộc trao đổi như vậy, trẻ em không hoàn toàn giữ tư thế bị động, như nhiều người có xu thế lầm tưởng. Theo cách chứng minh của nhiều nhà nghiên cứu, với « phản xạ bám chặt vào (agrippement )», đứa bé đã tác động, tạo ảnh hưởng trên tác phong của bà mẹ. Trong đời sống của loài người, cũng như nơi loài vật, những phản xạ nầy kích thích nơi bà mẹ thái độ che chỡ, bênh vực. Hẳn thực, trẻ em càng bám chặt vào mẹ, người mẹ càng có ý thích cho con bú. Trẻ em bám chặt vào mẹ, bằng nhiều cách khác nhau : vừa bám chặt bằng liếc nhìn, vừa bám chặt vào hai vú sữa, vừa bám vào y phục của mẹ. Đứa bé càng bám chặt, người mẹ càng có tác phong muốn bênh vực đứa con. Trong kinh nghiệm cá nhân của mỗi người, chúng ta cũng có thể quan sát, ghi nhận những tác phong tương tự. Chẳng hạn, tại phòng khám nha sĩ, khi có người bám chặt vào chúng ta, vì đau đớn, lo sợ… chúng ta cũng tự nhiên có thái độ che chỡ, đối với người ấy.

Để thiết lập quan hệ, trẻ em thường đưa ra những ký hiệu mở đường như : phản xạ bám chặt, liếc nhìn, nụ cười, tiếng kêu la, những giọng bi bô líu lo hay là vận động.

Nếu không có những ký hiệu mở đường ấy, môi trường thân nhân - nhất là người mẹ - sẽ không biết dựa vào đâu, để tiếp xúc, trao đổi, tạo quan hệ với đứa con. Theo quan điểm của nhiều tác giả, tình trạng khiếm khuyết về dấu hiệu mở đường, lúc đứa bé vừa ra đời, đã tạo nên những rối loạn thuộc diện ô-ti-xơm ( tự bế ), hay là những rối loạn thuộc diện quan hệ, tiếp xúc, nơi những trẻ em có những thương động về mặt thể lý, não bộ ( trẻ bại não ). Trong những tình huống như vậy, môi trường thân nhân không biết phải hành xử như thế nào. Họ lo sợ. Họ cảm thấy mình bị loại trừ ra ngoài, không có khả năng nuôi con.

Về phía trẻ em, chúng nó cũng tiếp thu, đón nhận những ký hiệu như : liếc nhìn, giọng nói, mùi vị, xúc giác…Từ những ngày mới sinh ra, chúng nó đã có khả năng phân bịêt các vị mặn, ngọt, đắng, dễ chịu và khó chịu. Khi còn ở trong bào thai, chúng nó đã biết nhận ra giọng nói của các thân nhân trong gia đình.

Một hệ thống trao đổi, thông đạt dần dần được thiết lập, giữa đứa bé và môi trường thân nhân. Một đàng, đứa bé sẽ khám phá một thể thức thông đạt, để người khác có thể hiểu mình. Đồng thời, chúng nó cũng biết cách tác động trên môi trường và tìm hiểu những ký hiệu trao đổi của người thân. Đàng khác, người thân cũng từ từ phát hiện thể thức diễn tả, những điểm nhạy cảm cũng như những nhu cầu của đứa bé.

Nhờ cảm thấy được kẻ khác lắng nghe và hiểu biết, mỗi lần phát ra những sứ điệp, đứa bé càng ý thức mình có một sức mạnh nội tâm. Cho nên, nó càng có ý thích tiếp tục diễn đạt mình nhiều hơn nữa.

Nói cách chung, những kinh nghiệm vui thích thôi thúc đứa bé càng lúc càng khám phá, diễn tả, trao đổi và đáp ứng những nhu cầu và chờ đợi của người lớn. Trái lại, khi chỉ cảm nghiệm những tình trạng bực bội, khó chịu, khổ đau, trẻ em sẽ có phản ứng đề phòng, tự vệ, bằng cách lẩn tránh, tấn công hay là từ chối trả lời. Trên cơ sở đó, trẻ em sẽ từ từ cố thủ trong những cơ chế vòng vo, dẫm chân tại chỗ, khép kín mình, hay là ngụp lặn trong những tình trạng lo hãi, kinh hoàng, sợ sệt. Cuối cùng trẻ em đánh mất cơ thể và bản thân mình, không còn biết mình là ai, trở nên xa lạ, mất khả năng vận dụng tay chân và xác thân của mình, như chúng ta thường thấy, nơi những trẻ em thuộc diện tâm thần và tự bế.

Nói tắt một lời, cán cân thăng bằng giữa hai tình trạng vui thích và khổ đau là động cơ phát sinh mọi tiến bộ. Hay đó chỉ là trở ngại bẻ gãy mọi sức sống vươn lên, trên tiến trình tăng trưởng và phát triển của một trẻ em.