Phương pháp Tâm Vận Động

2.9 Những Sản Phẩm Tâm Vận Động và các ý nghĩa


Đứa bé sơ sinh thường có những cử chỉ vùng vẫy, múa động, đu đưa, ném liệng đồ vật, vổ tay hay là đưa tay sờ mó các phần thân thể của mình.

Những hành vi tự phát nầy có chức năng thoa dịu, vổ về, giúp trẻ em trở về tình trạng yên ổn, thoải mái và an toàn, vượt qua những tình huống lo hãi thuộc giai đoạn đầu đời.

Đó là những « trò chơi giải trí », hay là những sinh hoạt « thể thao » của chúng nó. Trong các buổi sinh hoạt Tâm vận động trị liệu hay là can thiệp, chúng ta cần vận dụng những loại trò chơi nầy.

Những loại trò chơi thuộc Cấp MỘT :

Ở vào lứa tuổi từ 0 đến 10 tháng, có ba loại « đồ chơi » có khả năng tạo vui thích cho trẻ em : Thứ nhất là chính thân thể của trẻ em, thứ hai là thân thể của người khác, thứ ba là những sự vật có mặt trong tầm tay của chúng nó, chung quanh nó.

Nhờ những vui thích, do các trò chơi nầy cung ứng, trẻ em từ từ khám phá được rằng : chúng nó có một thân thể, TÁCH RỜI khỏi thân thể của người khác.

Sau đây là những loại trò chơi có thể được quan sát, ghi nhận hay là sử dụng trong giai đoạn đầu tiên nầy :

  • Những trò chơi giác quan và vận động : lăn tròn, tuột xuống, đu đưa và được đu đưa, giữ thăng bằng, nhảy xuống trên một tấm nệm, vùi thân, ẩn trốn…
  • Trò chơi sử dụng chân tay : cầm lấy-thả rơi, cho-nhận, liệng xa-tìm lại, lấp đầy-đổ ra, gom lại-tung ra, ngậm vào-nhả ra…
  • Trò chơi phát âm : la lớn lên, làm những tiếng kêu…
  • Trò chơi trao đổi giữa hai cơ thể : siết chặt, vuốt ve, vổ nhẹ, đẩy ra, đưa ngón tay kéo một đường dài…
  • Trò chơi bao bọc che phủ : che lại, mở ra, xoa bóp…
Có ba loại chủ đề thường lui tới trong các loại trò chơi thuộc Cấp Một nầy : Lo sợ Biến Mất, Lo sợ Khoảng Không và Lo sợ Bị Lột Da.

Những loại trò chơi thuộc Cấp Hai :

Cấp Hai bắt đầu, từ khi trẻ em biết đi, chung quanh 10-12 tháng.

Những chủ đề thường trở lui trở tới trong các loại trò chơi thuộc Cấp Hai gồm có : Tách rời, Tự lập, Qui luật, Tấn công, Ý thích khẳng định mình, Ý thích có quyền năng, Ý thích giữ lại và Lo sợ đánh mất.

Sau đây là những loại trò chơi thuộc Cấp Hai nầy :
  • Chạy, nhảy, rơi xuống,
  • Làm rơi xuống, xây lên, phá tan, chém giết và bị giết ( mơ tưởng hủy diệt ),
  • Biến mất, hiện ra ( mơ tưởng biến mất ),
  • Đồng hóa với những con vật tấn công như : chó sói, cá sấu, cọp… đuổi bắt, bị đuổi bắt. Vừa đồng hóa với con vật tấn công, vừa kèm theo những âm thanh và cử điệu, khi trẻ bắt đầu dùng ngôn ngữ, chung quanh 2-3 tuổi. Vừa đồng hóa, vừa gọi tên con vật, một cách rõ ràng, khi trẻ em lên 4-5 tuổi ( mơ tưởng nuốt vào ).
  • Làm người mạnh và người yếu, thắng và thua, tấn công và bị tấn công, làm người ở trên, làm người chỉ huy ( mơ tưởng toàn năng ). Đồng hóa với những loại người tấn công như người đi săn, người dơi, người nhện, tướng cướp, chú công an. Ở đây cũng vậy, lúc khởi đầu trẻ em chỉ dùng bộ điệu, để gợi lên hình tượng đồng hóa. Dần dần trẻ em gọi tên một cách rõ ràng. Từ ngoài nhìn vào, người khác có thể nhận ra trẻ em đang đồng hóa với loại người nào, trong trò chơi của mình ( mơ tưởng bắt bớ, hành hạ, cơ thể không nguyên vẹn)
.

Những loại trò chơi thuộc Cấp Ba

Từ 4 đến 6 tuổi, trẻ em thường bộc lộ những « mơ tưởng về thân thể không nguyên vẹn », trong những loại trò chơi « khẳng định phái tính ». Thông thường, để đồng hóa, con trai chọn lựa những nhân vật nam nhi, con gái chọn lựa những nhân vật phụ nữ.

Những trò chơi của trẻ nam thường có những đặc điểm sau đây :

  • chủ đề : sức mạnh, quyền lực,
  • sinh hoạt vận động : chạy, nhảy, ném ra xa, lại gần…
  • dụng cụ : súng ống, gươm dao, gậy gộc…
  • hình thức trình diễn : những cuộc thi đua, những tai nạn xe hơi, những trò chơi « đền bù » như : bệnh viện, bác sĩ, xưởng sửa chữa xe ô tô, người đánh cá


Những trò chơi của trẻ nữ bao gồm những sắc thái như sau :

  • những loại sinh hoạt : tô điểm, cho con bú, khám bệnh nhân…
  • những hình tượng đồng hóa : làm mẹ, làm cô giáo, làm công chúa, vừa có quyền uy, vừa có bộ mặt quyến rủ…
  • Vị trí sinh hoạt : những sinh hoạt thường xảy ra trong nhà, hay gần nhà, cùng với bạn bè và người thân…
Nói cách chung, những trò chơi của trẻ nam thường hướng ngoại. Những trò chơi của trẻ nữ, trái lại, có tính cách qui nội. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp ngoại lệ. Trẻ nữ vẫn có thể chơi như trẻ nam. Và trẻ nam cũng có thể cùng chơi với trẻ nữ.

Những loại trò chơi thuộc Cấp Bốn, chung quanh 5-6 tuổi :

  • Thể thao, thể dục,
  • Hội họa,
  • Trò chơi kiến trúc : xây dựng nhà cửa và những công trình khác như cầu cống, nhà máy, ga xe lữa…
  • Trò chơi tạc tượng, tạc hình với đất sét hay là các vật liệu tương tự…
Nói cách chung, trong các trò chơi thuộc giai đọan nầy, trẻ em chú trọng vào mục tiêu tôi luyện những kỹ năng và đua tranh với bạn bè cùng lứa tuổi.

Những loại trò chơi thuộc Cấp Năm, từ 6-7 tuổi trở lên

  • Từ đây, vui thích thực sự chỉ có thể xuất hiện, khi con người biết vận dụng khả năng tư duy của mình.
  • Trẻ em có thể dùng ngôn ngữ, để diễn tả, trình bày những gì có mặt trong nội tâm, mà không cần đi qua những sinh hoạt của cơ thể, như vận động, điệu bộ…
  • Thậm chí trong những sinh hoạt cần vận dụng cơ thể bên ngoài như vũ, kịch, thư giãn, yoga…khả năng nhìn mình, quan sát những gì xảy ra bên trong nội tâm, cũng rất cần thiết và quan trọng.
  • Thể dục, thể thao vẫn có vai trò rất quan trọng, trong giai đoạn nầy. Tuy nhiên, để có thể tiến bộ trong loại sinh hoạt nầy, thậm chí người lớn cũng cần vận dụng tư duy, để phát huy những kỹ năng mới, nhằm thỏa mãn những nhu cầu mới.
Để tạo mọi điều kiện thuận lợi, khả dĩ giúp trẻ em phát triển và tiến bộ, trong những loại trò chơi trên đây, chúng ta - người chuyên viên Tâm Vận Động - cần phát hiện những TÍN HIỆU của cơ thể, đang cung cấp nhiều tin tức về thực trạng tâm lý của trẻ em :

  • Chúng nó đang ngoại hiện những mơ tưởng nào ?
  • Chúng nó đang sử dụng những loại trò chơi nào ?
  • Chúng nó đang diễn tả những loại lo hãi nào ?
Dựa vào những dữ kiện cụ thể và khách quan ấy, chúng ta chuẩn bị những dụng cụ cần thiết, bố trí không gian sinh hoạt thích ứng với tình huống của trẻ em. Nói tóm lại, chúng ta BIẾT phải làm những gì cụ thể, để trẻ em có thể chuyển hóa một cách tích cực thực trạng nội tâm của mình.

Ngoài ra, để trẻ em có thể vận dụng thân xác và bộc lộ những xúc động, trong các trò chơi của mình, một đàng chúng ta phải tạo ra cho chúng nó mọi điều kiện an toàn về mặt tình cảm. Đàng khác, chúng ta phải hướng dẫn, khích kệ và động viên. Chúng ta có thể điều động chính mình, bằng nhiều cách khác nhau :

  • dùng cơ thể của mình, để phản ảnh trẻ em, nghĩa là làm theo, bắt chước…
  • Khi thì giữ khoảng cách,
  • Khi khác lại gần,
  • Khi thì nhìn,
  • Khi khác sử dụng xúc giác…
Chúng ta cũng dùng ngôn ngữ, chơi trò chơi làm nhiều tiếng động như trẻ em. Đôi khi, chúng ta cũng cần nhắc lại cho trẻ em những qui luật hành động, để chúng nó không lạc mất, trong những tình huống loạn động, quay cuồng và tai hại…

Sau đây, chúng tôi xin nêu ra một số tín hiệu của cơ thể :

  • Tín hiệu giác quan và vận động : trương lực cơ, nhịp thở, liếc nhìn, giọng nói, điệu bộ, nằm xuống đất, leo lên cao, va chạm, xô đẩy, lộn nhào, nhảy từ trên cao…
  • Tín hiệu bám sát bằng giác quan : Thị giác : luôn luôn nhìn theo,tránh liếc nhìn. Thính giác : nhu cầu phải nói, nhu cầu nghe…Xúc giác : xẩn vẩn chung quanh, được đụng vào…
  • Tín hiệu bằng hành động : Sát nhập : bắt chước, lệ thuộc, tìm lại gần, tìm được bao phủ, đu đưa, dính chặt vào, nằm sát đất…Nuốt vào : há miệng, quào cấu, thét la, siết chặt, lôi kéo, bám chặt, nuốt vào…Phá hủy : làm rơi, đánh đập, liệng xa, phá hủy…Bắt bớ : che chở, bảo vệ, chạy trốn, cô lập… Hành hạ : làm cực, nhổ lên, bứt lên, lấy trộm, chôn vùi…Toàn năng : lên ngồi trên cao, cử chỉ hùng mạnh, làm oai… Tan biến : ẩn núp, chạy trốn, giả bộ nằm chết…
  • Tín hiệu đồng nhất, như nhau : lặp đi lặp lại mãi hoài, sợ dừng lại, thay đổi, làm ngược lại, chỉ biết bắt chước…
  • Tín hiệu thời gian : tan vở, đứt đoạn, cắt đứt câu chuyện, chấm dứt những trao đổi…
Trò chơi nào tạo được vui thích và hứng khởi cho trẻ em, trò chơi ấy có hiệu năng giúp trẻ em vượt qua và chuyển hóa những mơ tưởng của mình. Trái lại, khi trẻ em có thái độ bị động, tê liệt, chán chường, bít kín, hay là quá kích động, đến độ tấn công, đập đánh kẻ khác…đó là những dấu hiệu cho chúng ta biết rằng : những trò chơi không thích hợp với cấp độ phát triển hiện tại của trẻ em. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta hãy cho phép trẻ em trở lui với những cấp độ nhỏ hơn, cho đến khi nào trò chơi tạo được cho chúng nó những cảm nghiệm vui thích, an toàn,hứng thú và mãn nguyện. Chính những trò chơi ấy sẽ làm cho trẻ em tăng trưởng và phát triển trên hai bình diện Tâm Vận Động và Tâm Linh.