Phương pháp Tâm Vận Động

2.6 Nhìn Nhận

Khi chúng ta - người lớn - có mặt, chứng kiến, lưu tâm, như : NHÌN trẻ em làm, NGHE trẻ em nói, KHUYẾN KHÍCH trẻ em khám phá, tìm tòi… chúng ta đang có thái độ « NHÌN NHẬN ». Nói rõ hơn, chúng ta dùng ngôn ngữ có lời hay không có lời, để bày tỏ cho trẻ em biết rằng : chúng ta đang đón nhận những gì chúng nó nhắn gởi cho chúng ta.

Ví dụ, khi chúng ta phát biểu : « Cô thấy em đang ước muốn … », chúng ta nhìn nhận một sở thích đang chớm nở nơi trẻ em. Ngoài ra, chúng nó có tìm cách thực hiện nguyện vọng của mình hay không, đó chưa phải là mối bận tâm, trong giây phút hiện tại.

Nghe trẻ em phát biểu một yêu cầu, nhìn nhận lời yêu cầu ấy, sau đó chấp nhận hay từ chối, hoãn lại hay là thương lượng về thể thức thực hiện, thỏa mãn… đó là bao nhiêu giai đoạn hành động cho phép trẻ em khẳng định mình, một cách chủ động, nghĩa là làm chủ bản thân và sáng tạo cuộc sống.

Khi chơi một mình, chắc hẳn trẻ em đang vui sướng. Tuy nhiên, khi có người lớn đang có mặt và chứng kiến, niềm vui sướng của chúng nó sẽ tăng lên gấp bội lần. Khi trẻ em muốn mẹ nhìn : « Hãy nhìn nầy… », nó muốn mẹ nhìn mình, nhìn con người của chúng nó, chứ không phải nhìn cục đất, cục đá trong tay nó. Chỉ cần có mẹ hay người lớn nhìn, trẻ em đã sung sướng và hãnh diện về những thành tích của mình. Những lời reo ca, thán phục như : « Mẹ thấy con biết nhiều điều », hay là « Mẹ thấy con đang vui thích », và bao nhiêu cách làm tương tự khác tạo điều kiện cho trẻ em phát triển bản thân mình, và lưu tâm đến kẻ khác. Những cách làm ấy giúp trẻ em nhận biết những khả năng hiện hữu của mình. Đồng thời, khi biết nhìn nhận như vậy, người lớn khuyến khích trẻ em khám phá, tìm tòi nhiều hơn nữa. Đó là những thể thức chứng minh cho trẻ em : chúng ta đang tin tưởng vào chúng nó.

Ngoài ra, phải chăng chính người lớn chúng ta cũng cần được nhìn nhận như vậy ? Làm việc chuyên cần là một chuyện. Được kẻ khác nhìn nhận là mình có khả năng, lại là một chuyện khác. Rất ít người biết coi trọng nhu cầu được nhìn nhận nầy. Hẳn thực, một nỗi khổ tâm được kẻ khác nhìn nhận, sẽ giảm bớt cường độ. Một nỗ lực được nhìn nhận, sẽ trở nên nhẹ nhàng.

Tuy nhiên, ở đây, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh, một cách đặc biệt, đó là tầm quan trọng của LỐI NHÌN NÂNG ĐỠ. Lời nói PHẢN ẢNH những thành tựu của trẻ em có giá trị hơn chính hành động của chúng ta, nhất là khi chúng ta muốn làm thay, làm thế cho trẻ em. Chính vì lý do nầy, thay vì đưa tay giúp trẻ em leo trèo, chúng ta nên theo dõi chúng nó, với một liếc nhìn đầy tin tưởng và tạo an toàn. Hay là chúng ta chuẩn bị phòng sinh hoạt một cách đàng hoàng, bằng cách sắp sẵn những dụng cụ cần thiết, để trẻ em có thể tự túc, tự lập, trước đôi mắt chứng kiến của chúng ta.

Nếu trẻ em biết tự lập và tìm cách khẳng định nét khác biệt của mình, trước đôi mắt chứng kiến của người lớn, điều này có giá trị hơn là khi trẻ em thui thủi làm những điều ấy một mình.

Hơn ai hết, Bác sĩ WINNICOTT ( 1975 ) đã lưu ý chúng ta về điểm quan trọng nầy :

« Để phát huy một hình ảnh tích cực về mình, trẻ em cần được mẹ nhìn. Đôi mắt mẹ nhìn là tấm gương soi, trong đó trẻ em NHÌN mình và THẤY mình »

Tác giả RAISIN ( 1989 ) cũng có một quan điểm tương tự :

« Để xây dựng bản thân mình, trẻ em cần có một khuôn mẫu ở đằng trước. Dựa vào đó, trẻ em sẽ « làm như, làm giống, làm y hệt ». Và để khẳng định mình là ai, trẻ em phải biết « mình chỉ là một với »… « mình giống hệt như… ».

Liếc nhìn có nhiều lợi ích. Lợi ích thứ nhất là tạo được khoảng cách giữa người nhìn và trẻ em được nhìn. Lợi ích thứ hai là nhiều trẻ em được nhìn cùng một lúc. Ngoài ra, trong địa hạt giáo dục, khoảng cách là một điều thiết yếu. Chấp nhận giữ khoảng cách là một bài học quan trọng, cần được trẻ em tiếp nhận và thấm nhuần. Chấp nhận giữ khoảng cách là một thành tựu lớn lao, trong tiến trình làm người của chúng nó.

Khi người mẹ cho con bú, phải chăng bà cũng đồng thời đưa mắt nhìn đứa anh của nó và nói rằng : Con vẫn luôn luôn hiện hữu trong cõi lòng của mẹ ?