Phương pháp Tâm Vận Động

2.2.8 Vai trò của Văn Hóa

Tình hình của trẻ em ở Sénégal diễn biến như thế nào ? Tất cả những kinh nghiệm đầu tiên của một em bé sơ sinh, được bàn đến trên đây, thể hiện thế nào trong cuộc sống thường ngày ?

Cuốn sách « L-enfant du lignage » ( Đứa con trong giòng họ ) của tác giả Jacqueline RABAIN ( 1979 ) phản ảnh một cách khá trung thực những nhận xét của chúng tôi về cuộc sống thường ngày của các đứa bé sơ sinh :

  • Nhiều thành viên sống « chung đụng » trong cùng một không gian eo hẹp. Nhưng cuộc sống chung ấy là một « lớp da tập thể » tạo an toàn cho đứa bé.
  • Xúc giác là một thứ ngôn ngữ không lời, có vai trò rất quan trọng, trong nền giáo dục ở Sénégal. Không những bà mẹ, mà các thành viên khác của gia đình, như chú bác, cô cậu, ông bà, người hàng xóm, kẻ giúp vịệc… đều xử dụng loại ngôn ngữ nầy. Một đứa bé 4 tuổi đã biết cõng đứa em mới sinh, trên lưng mình.
  • Theo cách mô tả của Rabain, từ lúc vừa sinh ra, đứa bé đã ở giữa một mạng lưới trao đổi, về mặt thể lý. Người lớn thường sinh hoạt trên nền nhà, ở ngang tầm nhìn của đứa bé. Trẻ em di động từ cơ thể của người nầy đến cơ thể của người khác. Khi hai người lớn chuyện trò trao đổi, lời nói ở ngang tầm tiếp thu của các cơ quan thính giác của trẻ em. Thêm vào đó, trẻ em có dịp leo trèo, trượt ôm, đung chạm, kéo lôi, xô đẩy, một cách thỏa thích.
  • Người lớn kêu mời, khuyến khích trẻ em, bằng nhiều cách khác nhau, như xoa bóp, kéo tới, đẩy lui, nâng lên, đặt xuống, chọc ghẹo, trao đổi, chuyện trò… Mọi người tham gia, chia sẻ một niềm vui tập thể. Không những chỉ có người mẹ, mà toàn thể các thành viên trong nhóm, đều đóng góp vào công cuộc trao đổi, tiếp xúc, cư xử, tạo quan hệ với trẻ em, trong những địa hạt vận động, trương lực cơ và xúc động. Mỗi thành viên trong nhóm, từ người già đến người trẻ, đều có những vai trò nhất định, và phối hợp với nhau, tùy vào tuổi tác, phái tính và liên hệ bà con của mình, trong toàn diện tập thể gia đình mở rộng.
  • Tác giả RABAIN đưa ra nhiều minh họa về hai loại trò chơi khác nhau, trong địa hạt vận động và xúc giác. Trong những trò chơi nầy, trẻ em vừa chủ động, vừa bị động, trong cùng một lúc. Loại thứ nhất gồm có những thể thức tiếp xúc đại loại, tổng thể như nằm dài ra, thu mình lại, bám sát vào, ôm choàng, chen lấn nhau, được siết chặt, ôm ẵm, bồng bế, bao bọc…Loại thứ hai bao gồm những trò chơi hạn chế vào từng phần của thân thể như ngón tay, môi miệng, hay là những loại khám phá đặc biệt, khi thân thể tiếp cận với nhiều loại diện tích có đặc tính khác nhau như sỏi đá, cát sạn, lúa đậu, thân cây, giường chiếu, ghế ngồi…Trong những trò chơi hằng ngày, theo nhận xét của tác giả RABAIN, còn có những loại trò chơi tranh đấu, khả dĩ tạo điều kiện cho trẻ em bộc lộ, phóng ngoại xu thế tấn công của mình. Đồng thời, khi tiếp xúc với trẻ em, người lớn có những cử chỉ thoa dịu, nhằm giảm hạ tình trạng bức xúc, căng thẳng của trẻ em, như cho bú, đặt nằm xuống, cho uống nước, kẹp trẻ em vào giữa đùi chân và bụng. Thông thường trong những cách hành xử như vậy, cử chỉ và điệu bộ đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, ngôn ngữ vẫn được sử dụng. Một cách đặc biệt, người lớn có nhiều cách tạo nên những tiếng động và âm thanh lạ lùng, khi tiếp xúc, vui đùa với trẻ em.
  • Loại tiếp xúc không lời nầy luôn luôn có mặt, đúng như câu thành ngữ thường được dùng trong dân gian : « Hai đùi chân của bà mẹ là chỗ ngồi tuyệt hảo cho đứa con ». Hẳn thực, trong gia đình của người Sénégal, trẻ em không bao giờ sống một mình. Tuy nhiên, ngoài bà mẹ, còn có rất nhiều thành viên cũng có mặt, để tạo khoảng cách và những va chạm cần thiết, cho việc tăng trưởng của trẻ em. Thêm vào đó, tuy dù bà mẹ luôn luôn ôm giữ đứa con sát cạnh mình, bà còn phải đưa mắt canh phòng nhiều công việc khác, phải làm bao nhiêu điều cùng một lúc.
  • Khi nói đến tiếp xúc và trao đổi, chúng ta không thể không nói đến một loại xoa bóp đặc biệt, thường được bà nội đảm nhiệm. Đây là một cách xoa bóp có mục đích « uốn nắn và khuôn đúc cơ thể », theo đúng những đòi hỏi thuộc phái tính của trẻ em. Loại xoa bóp nầy làm cho cơ thể nguời nam được cường tráng, và làm cho cơ thể người nữ được nở nang phát triển, có khả năng đảm nhiệm những vai trò làm mẹ sau nầy.
Xuyên qua những nhận xét trên đây, chúng ta cần ghi nhận những điểm quan trọng sau đây :

  • Mặc dù có nhiều hình thức khác biệt nhau, quan hệ phải có tính LIÊN TỤC, thường hằng, để tạo nên một cái KHUNG an toàn và che chỡ cho đứa bé phát triển.
  • Mặc dù sống chan hòa giữa bao nhiêu thành viên khác của gia đình, người MẸ ( hay là hình ảnh người mẹ ) vẫn có vai trò nổi bật trên tất cả, và cần thiết cho một đứa bé từ 0 đến 2 tuổi rưởi. Thông thường đây là tuổi cai sữa.
  • Một câu nói được lưu truyền trong dân gian, nhắc lui nhắc tới điều ấy : « Nếu đứa bé không bú sữa mẹ, nó không có sức mạnh. Đầu óc nó sẽ bị thiếu hụt. Trái lại, khi được mẹ cho bú và đồng thời được mẹ trao đổi chuyện trò, đứa con sẽ có một đầu óc đầy đủ, vẹn toàn » ( ZEMPLINI, 1996 ).
Khi quan sát và phân tích những tập tục của một dân tộc, như RABAIN đã làm, chúng ta nhận thấy rằng : trong mỗi nền văn hóa, chúng ta có thể nhận ra những giai đoạn và những thể thức xây dựng con người của trẻ em, có mặt trong lương tri và cách hành xử của quần chúng, tuy dù họ không am tường về những kiến thức lý thuyết. Vì vậy, chúng ta cần đề phòng những rối loạn có thể xảy ra trong những quan hệ giữa người lớn và trẻ em, do những trào lưu văn minh, đô thị hóa và vấn đề di dân… gây ra. Chúng ta cần ý thức đến vai trò của những thái độ giáo dục cỗ truyền, để tìm cách tiếp nối, duy trì hay là thay thế bằng những hình thức thích ứng, để tránh những hậu quả tai hại có thể xảy ra, trong các thành thị đông dân cư ngày nay.