Phương pháp Tâm Vận Động

2.7 Tầm quan trọng của Trò Chơi

Trẻ em vừa chơi, vừa học.

Nói đúng hơn, theo quan điểm của BOUDART ( 1995 ) :

« Không phải trẻ em chơi để học. Trái lại, chúng nó có khả năng học, vì chúng nó biết chơi ».

Hẳn thực, trò chơi có rất nhiều chức năng, trong đời sống khám phá và học hỏi của trẻ em :

  • Nhờ trò chơi, trẻ em càng ngày càng phát huy những khả năng của mình,
  • Qua trò chơi, chúng nó thâu lượm những kiến thức về không gian, với những chiều kích khác nhau,
  • Qua trò chơi, chúng nó biết sử dụng các đồ vật có mặt trong môi trường sinh sống hằng ngày,
  • Khi chơi, trẻ em cảm nghiệm một cách cụ thể thế nào là thời gian, với nhiều bộ mặt khác nhau.
  • Dụng cụ để chơi ( hay là đồ chơi ) càng hiếm hoi và không có sẵn những cách chỉ dẫn, trẻ em càng vận dụng trí tưởng tượng và khả năng phóng ngoại của mình.
Ngoài ra, trò chơi không phải chỉ là phương tiện để học hành. Trò chơi còn là một sinh hoạt có chức năng đáp ứng những nhu cầu của đời sống tâm linh.

  • Hẳn thực, nhờ trò chơi, trẻ em tống xuất ra ngoài những nỗi lo
  • sợ, bức xúc của mình.
  • Khi chơi, trẻ em bộc lộ và hóa giải những xung đột có mặt trong nội tâm.
  • Trò chơi giải tỏa và giảm hạ những áp lực khống chế của đời sống xúc động.
  • Cũng nhờ trò chơi, trẻ em tổ chức và trình diễn ra ngoài thành một màn kịch, những tư tưởng ước mơ còn mông lung, hỗn độn, không rõ ràng, trong nội tâm. Theo cách gọi chuyên môn của Phân Tâm Học, đó là những « mơ tưởng ».
Theo cách định nghĩa của WINNICOTT ( 1971 ), một bác sĩ chuyên trách về trẻ em :

« Khi chơi, trẻ em tập hợp nhiều hiện tượng có mặt trong môi trường khách quan bên ngoài và từ đó sáng chế ra những vật tư xây dựng đời sống nội tâm.

Trò chơi là nhịp cầu thỏa hiệp giữa hai thành tố : Thứ nhất là những đòi hỏi khắt khe của cấu trúc Siêu Ngã. Thứ hai là những sức ép mãnh liệt của Vô Thức ( còn được gọi là Xung Năng ) đang gào thét tìm đường thoát ra ngoài, để đuợc thỏa mãn.

Khi chơi, trẻ em sử dụng hai cơ chế tâm lý là Phóng Ngoại và Nhập Nội, để kiến dựng những Đối Tượng nội tâm ».

Mỗi lần đề cập đến đời sống tâm linh của trẻ em, dù muốn dù không, chúng tôi đã sử dụng rất nhiều thuật ngữ của Tâm Lý đương đại, nhất là của khoa Phân Tâm Học. Để người học viên không bị lạc loài trong vòng mê cung của ngôn ngữ, chúng tôi xin đưa ra một số định nghĩa quan trọng :

1.- ĐỐI TƯỢNG

Mỗi lần trẻ em có một ước muốn, thèm khát hay nhu cầu, Phân tâm học phân biệt hai thành tố có quan hệ chặt chẽ với nhau. Thành tố thứ nhất đáp ứng câu hỏi : AI thèm khát ? AI ước muốn ? Đó là con người của trẻ em, đang ở vị thế chủ thể năng động. Thành tố thứ hai : Thèm khát GÌ ? Ước muốn GÌ ? Đó là ĐỐI TƯỢNG, được chủ thể nhắm tới, để thỏa mãn khát vọng hoặc nhu cầu của mình. Đối tượng thông thường của một chủ thể là NGƯỜI KHÁC ( không phải là mình, ở ngoài mình ).

Có hai loại đối tượng. Thứ nhất là đối tượng toàn diện, toàn phần. Đó là chính con người của người khác. Thứ hai là đối tượng phiến diện. Đó là một phần, một cơ phận của người khác, như : nấm vú, khuôn mặt, làn da, liếc nhìn hay là bộ phận sinh dục…

Phân tâm học còn dùng những lối nói khác : Đối tượng của Xung năng, Đối tượng đồng hóa ( khuôn mẫu mà chúng ta muốn sao chép, khuôn đúc lại trên bản thân mình ).

Ví dụ : « đối tượng đầu tư » đầu tiên của đứa bé là người mẹ.

2.-PHÓNG NGOẠI

Trẻ em hoặc chủ thể sử dụng động tác hay là cơ chế tâm lý nầy, để chuyển ra bên ngoài, những nội dung có mặt bên trong nội tâm của mình, như những tư tưởng, những xúc động hay là những quan niệm, lối nhìn…

Khi thực thi động tác phóng ngoại, chủ thể có cảm tưởng rằng : bao nhiêu nội dung ấy có mặt một cách khách quan, trong thế giới hiện thực bên ngoài.

Nói khác đi, một cách vô thức, chủ thể gán cho kẻ khác, những gì thuộc về bản thân của mình. Chủ thể đem phóng ra ngoài những gì có mặt trong nôi tâm. Trong những nội dung được phóng ngoại như vậy, có những điều tốt, có khả năng thỏa mãn nhu cầu của chủ thể. Cũng có những điều xấu, mang lại cho chủ thể những tình huống khó chịu, căng thẳng, bất mãn, bức xúc.

Ví dụ : trẻ em phóng ngoại « hình ảnh con chó sói », có lẽ vì trong thực tại nội tâm, chúng nó đang có những « thèm khát cắn xé, nhai nghiến » hay là những « nhu cầu nuốt vào », lấp cho đầy một khoảng trống rỗng bên trong.

3.-NHẬP NỘI

Với cơ chế Nhập Nội, chủ thể chuyển vào bên trong hay là biến hóa thành mộng tưởng những đối tượng bên ngoài hay là những đặc tính có mặt trong các đối tượng ấy. Nói khác đi, trẻ em sở hữu hóa hay là nhận làm của mình những tư cách hay là những nét cá biệt tốt hoặc xấu của một người khác.

Ví dụ : Chính khi trẻ em bú sữa từ nấm vú của mẹ, chúng nó có cảm tưởng mình đang có tất cả tính chất của nấm vú, nghĩa là có khả năng làm giảm hạ tình trạng căng thẳng, do cơn đói gây ra.

4.-ĐỒNG HÓA

Với cơ chế nầy, chủ thể tham gia một cách tích cực và năng động vào công cuộc xây dựng bản sắc làm người của mình. Một đàng, chủ thể khẳng định lại là của mình, một số tư cách có sẵn trong bản thân mình, hay là có mặt trong môi trường bên ngoài. Đàng khác, chủ thể loại trừ, không nhận làm của mình, một số đặc điểm mà mình cảm thấy không thích hợp với nhu cầu của mình.

Ví dụ : Khi trẻ em giả bộ làm chú công an điều khiển trật tự an ninh, chúng nó đang đồng hóa với hai đặc điểm : một, tôi điều khiển và kiểm soát trật tự bên ngoài. Hai, mọi người tuân hành mệnh lệnh và uy quyền của tôi.

Khi chơi những trò chơi như vậy, trẻ em có cảm tưởng mình đang xác định những tư cách sau đây :

  • tôi là đứa con trai có sức mạnh,
  • tôi biết phân biệt cái gì có thể làm, cái gì không được làm,
  • tôi biết hậu quả nào sẽ xảy ra, khi có những vi phạm luật lệ.
Để có thể thực thi động tác Đồng Hóa như vậy, trẻ em cần vận dụng nhiều cơ chế tâm lý, trong cùng một lúc : nhập nội, phóng ngoại những đối tượng xấu và tốt, hội nhập, chọn lựa, bắt chước…

Nói tóm lại, Đồng Hóa có hai mục đích : thứ nhất là trở nên giống như một mẫu khuôn. Thứ hai, để có thể rập khuôn như vậy, phải thay đổi chính mình.

5.- HÌNH TƯỢNG ( hay BIỂU TƯỢNG )

Khi vận dụng khả năng hình tượng, chúng ta dựa vào một phương tiện có mặt và có sẵn trong tầm tay của chúng ta, để trình bày, gợi ra, làm xuất hiện một người hay là một sự vật đang vắng mặt. Phương tiện được một cá nhân chọn lựa, có thể mang sắc thái riêng biệt của cá nhân ấy. Tuy nhiên, nhiều trẻ em khác cũng có thể tham gia và chia sẻ ý nghĩa, nếu phương tiện sử dụng đã được qui định và lưu hành trong môi trường sinh sống.

Ví dụ : Trong khi chơi, trẻ em chọn lựa những nhân vật, tình huống và sự vật, để trình bày một sự cố đã xảy ra thực sự như : một đám tang, một tiệc cưới, một lễ giỗ. Những trẻ em khác có thể tham dự vào trò chơi, nếu chúng nó đạt khả năng hiểu biết phải làm những gì.

6.- Tưởng Tượng ( hay là Hình Dung )

Tưởng tượng là sản phẩm của tư duy, cá nhân hay tập thể. Thực tại, trái lại, là những gì có tính khách quan, có mặt ở bên ngoài và có thể đuợc nhiều người quan sát và ghi nhận.

Ngoài ra, chủ thể có thể hình dung, tưởng tượng, tạo ra một hình ảnh về thực tại.

Kết quả của tưởng tượng có thể được trình bày ra ngoài cho kẻ khác, bằng con đường ngôn ngữ hay là những phương tiện khác như hội họa, diễn kịch…Hay là những kết quả ấy được chủ thể giữ kín cho riêng mình.

Ví dụ : trẻ em vẽ chiếc xe ô-tô của ba, có những dây ăng ten rất dài và những bánh xe rất nhỏ. Hình vẽ ấy không phản ảnh một cách trung thực, thực tại khách quan bên ngoài. Đó là cách ghi nhận hoàn toàn chủ quan và cá biệt, phát xuất từ trí tưởng tượng của trẻ em.

Trái lại, khi trẻ em hình dung những quang cảnh bị quỉ ma tấn công, dọa giẫm và nuốt sống, chúng nó vận dụng những ảnh tượng tập thể, đang lưu hành trong môi trường sinh sống hằng ngày.

7.- Mơ tưởng ( mộng mơ và tư tuởng )

Mơ tưởng là những tư tưởng cụ thể, còn ở thể trạng hình ảnh. Mơ tưởng có những đặc tính sau đây :

  • Có thể thuộc địa hạt vô thức hay ý thức ( như trong trường hợp mộng mơ ban ngày, khi chúng ta biết mình đang thả mình trôi theo những mộng mơ ).
  • Nội dung bao gồm một hay nhiều nhân vật,
  • Có chức năng trình diễn, ngoại hiện một ước mơ của chủ thể, dưới hình thức ngụy trang, vừa úp vừa mở.
Chúng ta sẽ trở lại khảo sát chủ đề nầy, với nhiều chi tiết hơn, trong chương kế tiếp.

8.-Xung Năng (hay là Sức Ép phát xuất từ những tầng sâu của nội tâm )

Xung Năng là kho tàng năng lực cơ bản, tác động ở chiều sâu nội tâm của chủ thể.

Xung năng cung ứng cho chủ thể những sức mạnh cần thiết, khi phải hoạt động.

Nói cách khác, đây là những sức ép tạo áp lực, thúc đẩy chủ thể phải hoạt động, khi cần giải tỏa một tình trạng căng thẳng, bức xúc khó chịu, hay là khi cần tấn công, hủy diệt một đối tượng. ( Đó là cách giải tỏa xung năng, theo quan điểm của Tâm Vận Động Aucouturier ).


Đàng khác, về mặt tích cực và xây dựng, Xung Năng cũng là nguồn lực phát sinh những sức sống vươn lên, được thể hiện trong ước muốn hoạt động, học tập và phát triển.

9.- Siêu Ngã

Đây là cấu trúc hay là giai đoạn « Phán Quyết », thuộc đời sống nội tâm của con người.

Cấu trúc nầy gây ức chế hay là cản trở chủ thể hoạt động.

Cấu trúc nầy tạo nên những mặc cảm tội lỗi và phát sinh những tâm tình tiếc nuối, hối hận.

Về mặt tích cực, cấu trúc nầy từ bên trong, cung ứng cho chủ thể những chuẩn mực hành động. Dựa vào đó, chủ thể biết phân biệt điều nào cần làm, điều nào phải xa lánh.

Ví dụ : khi trẻ em nhắc nhở cho một người khác về một qui luật, chính khi ấy, chúng nó đang tìm cách hội nhập, nhận làm của riêng mình những qui luật, mà chúng nó đang học tập và tuân hành.

Trong những buổi sinh hoạt Tâm Vận Động, chúng tôi soạn sẵn ra ngoài nhiều dụng cụ, để trẻ em có thể dựa vào đó, sáng tạo những trò chơi, được gọi là trò chơi Đồng Hóa. Qua những câu chuyện tưởng tượng, trẻ em diễn tả và trình bày những xúc động quan trọng. Chúng tôi, người lớn, có mặt với trẻ em, để đón nhận, hướng dẫn và khai thông, nếu cần, mọi sản phẩm mơ tưởng, do trẻ em sáng tạo và trình bày.

Những sản phẩm tưởng tượng nầy cũng đóng góp vào công việc kiến dựng bản sắc của trẻ em, giống như những trò chơi vận động. Cả hai loại đều tác động trên nhau và tạo ảnh hưởng thuận lợi cho nhau. Hẳn thực, trẻ em càng vui thích, sung sướng, trong những loại trò chơi cảm xúc và vận động, được lặp đi lặp lại, hay là chia sẻ với người khác, chúng nó càng vận dụng tưởng tượng, sáng tạo nhiều câu chuyện có nhiều nhân vật và loài vật xuất hiện. Nhờ vào những hình ảnh nầy, có tác dụng kích thích và động viên, trẻ em sẽ nâng cao chất lượng và mức độ vận động, trong các trò chơi của mình.

Nói tóm lại, nhờ những trò chơi, thuộc cả hai loại : vận động và tưởng tượng, trẻ em cảm thấy vui thích, hứng thú, trong toàn diện cơ thể của mình. Trò chơi trở thành một phương tiện xã hội hóa. Xuyên qua trò chơi, trẻ em tiếp xúc và trao đổi. Xuyên qua trò chơi, trẻ em phát huy khả năng thương lượng với bạn bè…

Tất cả những thành quả như khám phá mình, khám phá người khác, khám phá thời gian, không gian và các sự vật… đều thâu lượm được, nhờ trò chơi. Những thành quả nầy sẽ giúp trẻ em càng ngày càng phát huy một hình ảnh tích cực về mình. Đó cũng là những cơ may, để trẻ em từ từ phát huy đời sống tự lập, khả năng tiếp xúc và sáng tạo.

Trên cơ sở nầy, trẻ em có khả năng mở rộng môi trường sinh hoạt, đi ra với thế giới bên ngoài, sẵn sàng đón nhận và tiếp thu những hình thức học tập khác, thuộc lãnh vực học đường và xã hội.