Phương pháp Tâm Vận Động

2.4 Sức thúc ép từ bên trong nội tâm (Xung Năng )

Sinh ra làm người, ai ai trong chúng ta cũng có nhu cầu trao đổi, nhu cầu thương yêu cũng như nhu cầu giải trừ những tình trạng căng thẳng của nội tâm, tuy dù mỗi người lớn lên trong một môi trường giáo dục riêng biệt, đặc thù.. Rất ít khi có hai môi trường hoàn toàn giống nhau.

Vào tuổi trưởng thành, nhu cầu giải trừ những tình trạng căng thẳng nội tâm vẫn còn tồn tại trong con người của chúng ta. Nhưng vấn đề thường được chúng ta giải quyết, bằng nhiều thể thức khác nhau, như : những sinh hoạt thể thao, những sinh hoạt có tính tranh đua, phấn đấu hay là những sinh hoạt nhằm bộc lộ ra ngoài những xung đột ở bên trong nội tâm.

Bao nhiêu phương thức hoạt động ấy nhằm thỏa mãn nhu cầu tự vệ của chúng ta, trong cuộc sống làm người. Đồng thời những sinh hoạt ấy cũng có mục đích hướng dẫn và giáo dục chúng ta, trong cách giải quyết vấn đề tấn công và xung đột, theo những tiêu chuẩn hoặc qui luật được xã hội cho phép, chấp nhận, hay là ấn định một cách rõ ràng.

Tuy nhiên, trong nhiều môi trường sinh sống, trẻ em còn thiếu những điều kiện thiết yếu, cho phép chúng nó thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của mình. Cho nên trẻ em có thêm những căng thẳng phụ thuộc, ngày ngày chồng chất trong nội tâm của mình, cơ hồ một bình nuớc đậy nắp, đang sôi sục, ở bên trên một bếp lữa rực cháy. Tự mình, chúng nó không thể giải quyết vấn đề, bằng cách tìm ra những phương thức hữu hiệu có thể giảm hạ mức độ gây hấn và căng thẳng đang có mặt trong bản thân mình. Chính vì vậy, chúng nó có những hành vi lăng xăng, loạn động, bất ổn trong cơ thể của mình, cũng như trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi với người khác. Ở giữa một tình huống như vậy, làm sao chúng nó có khả năng nhận và cho, thông đạt, sáng tạo và học hành ?

Thêm vào đó, trong những hoàn cảnh tương tự, phản ứng thông thường của người lớn là tố cáo, la mắng, kết tội, với những lời lẽ bi quan, tiêu cực như : « Đồ mất dạy. Đồ cao bồi, du đãng… ».

Rốt cuộc, hoặc là trẻ em trở nên tê liệt, bị động, có những hành vi tự hủy, làm hại mình… Hay là chúng nó tấn công, đánh đập những trẻ em khác, gây rối loạn ở mọi nơi, cho mọi người. Thông thường, tất cả mọi trẻ em như vậy, đều có một hình ảnh rất tiêu cực về mình.

Nếu chúng ta buông xuôi, để cho chúng nó hoàn toàn tự do, làm gì thì làm, không có kỷ luật, không có giới hạn…chúng nó sẽ thoái hóa, trầm mình trong những tình trạng lo sợ, hốt hoảng, kinh hoàng… không còn biết mình là ai, mình sống ở đâu, mình có thể làm những gì …

Trong những buổi sinh hoạt Tâm Vận Động, thể thức can thiệp của chúng tôi bao gồm những điểm chính yếu sau đây :

  • Tạo một không gian ân cần đón tiếp trẻ em,
  • Chúng tôi « có mặt một cách năng động » với trẻ em,
  • Với kỹ thuật « nhìn nhận », chúng tôi cho phép và kêu mời trẻ em ngoại hiện những sức ép bên trong đang trấn áp chúng nó. Sức ép nầy mang tên là « xung năng », theo thuật ngữ của Phân Tâm Học.
  • Đồng thời chúng tôi hướng dẫn trẻ em từ từ chấp nhận « một số giới hạn » có khả năng tạo an toàn cho trẻ em, và giúp trẻ em kiến dựng bản thân mình.
Chính câu nói của BOUDART ( 1995 ) tóm lược ý hướng hành động của chúng tôi :

« Trong giai đoạn phát triển ban đầu, xung năng tấn công, nơi trẻ em, phải được hiểu và đón nhận như một sức sống đang vươn lên. Nó diễn tả ý muốn của trẻ em được trao đổi và thông đạt với người khác. Tuy nhiên, xung năng nầy cần được khai phóng, hướng dẫn và phát triển, ở bên trong một khuôn khổ tạo an toàn ».

Trong những chương tiếp theo, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu một số trò chơi nhằm thực hiện những mục tiêu vừa được trình bày.

Để tóm lược tất cả nội dung của chương nầy, chúng ta cần ghi nhận một số trọng điểm như sau :

  • Trẻ em cần có những kinh nghiệm vui thích, để sống và phát triển, một cách tốt đẹp và hài hòa,
  • Những xung năng nào, trong đời sống của trẻ em, được đón nhận và hóa giải, sẽ không còn tạo nên những áp lực khống chế.
  • Khi nội tâm của trẻ em tràn đầy vui thích, sung sướng, toại nguyện… không có xung năng nào có thể tạo nên những căng thẳng cho trẻ em
  • Xung năng chỉ tạo nên áp chế, khi nào cuộc sống của trẻ em có nhiều điều bất mãn, khó chịu và khổ đau trầm trọng.