Phương pháp Tâm Vận Động

2.8 Những loại lo hãi của trẻ em

Trên đây, khi nói đến những sản phẩm tưởng tượng của trẻ em, chúng ta đã nêu ra hai loại nội dung : Xúc động và Mơ tưởng. Đồng thời chúng ta cũng liệt kê một số tác dụng tích cực, năng động của các sản phẩm ấy, trên đời sống tâm linh của trẻ em, nhất là trong giai đoạn phát triển từ 0 đến 7 tuổi.

Chương này trình bày thêm nhiều chi tiết về đời sống xúc động và những mơ tưởng ấy.

Trước khi sinh ra, lúc trẻ em còn là bào thai trong lòng mẹ

Khi mẹ có những cử động vận chuyển trong không gian bên ngoài, đứa bé trong bào thai cũng có những cảm giác vận động. Mỗi lần mẹ phát âm, đứa bé cũng có những phản ứng thuộc địa hạt thính giác. Với hai loại giác quan nầy, đứa bé đã tiếp xúc, trao đổi với mẹ mình và thế giới bên ngoài.

Và khi bào thai có những cử động, bà mẹ cũng cảm nhận, phản ứng, đưa ra những ý nghĩa, theo cách thuyên giải của mình. Ngoài ra bà mẹ còn mơ tưởng, hình dung, tuởng tượng về đứa con. Ngày ngày trong tâm tưởng, quả tim và cuộc sống, bà đã bố trí, trang bị một không gian, để sẵn sàng đón nhận đứa con.

Thay vì ước muốn, chờ đợi một cách tích cực, bà cũng có thể có thái độ tiêu cực, như từ chối, bất mãn, chịu đựng…

Trước khi sinh ra, đứa bé đã có mặt trong tâm tưởng của người thân. Suốt thời gian chín tháng, môi trường gia đình đã có những ảnh hưởng trên thân xác của đứa bé, không những trên bình diện sinh lý và thể lý, mà còn trong lãnh vực tình cảm và xúc động.

Tác giả C. DOLTO ( 1989 ) đã đưa ra một số chi tiết cụ thể như sau :

« Từ những ngày đầu tiên, trong cung dạ của mẹ, đứa bé đã nghe với làn da của mình, nhất là những âm thanh thuộc giọng trầm. Cơ quan thính giác chỉ bắt đầu hoạt động thực sự, vào tam cá nguyệt cuối cùng.

Vào tháng thứ ba, nếu có người phát âm rõ ràng, sử dụng những cung điệu hiền hòa, dịu dàng, trình bày một nội dung hợp tình hợp lý, và đang đứng sát bụng của người mẹ mang thai, đứa bé sẽ có cử động « xích lại gần » tiếng nói. Vào những buổi đầu của cuộc sống, con người rất nhạy cảm đối với âm thanh rung chuyển, cho nên sẵn sàng tiếp thu những ký hiệu phát ra thuộc loại nầy ».

Nhờ những tiến bộ khoa học, các nhà nghiên cứu về khả năng của đứa bé, đã thâu đạt nhiều thành quả lạ lùng. Cách đây một vài năm về trước, những tin tức ấy còn thuộc địa hạt vô tưởng, vượt ra ngoài những dự phóng của con người.

Sự cố SINH RA

Đây là một sự cố rất quan trọng, trong đời sống của đứa bé. Ra khỏi lòng mẹ có nghĩa là đi vào một cõi trống không và vô định. Theo lối nói của tác giả AUCOUTURIER, trẻ em có một cảm giác thiếu thốn, hụt hững, vì từ giây phút nầy, không còn có bọc nước bao quanh thân xác.

Mặc dù điều kiện sinh nở ngày nay đã được cải tiến, những thay đổi xảy ra một cách đột xuất đột biến, cho đứa bé, là điều không thể nào tránh khỏi. Khi sinh ra, đứa bé đã mất đi một tình trạng thoải mái, dễ chịu. Và từ đây, trong suốt cuộc đời, đứa bé không ngừng khát khao đi tìm lại thiên đường đã mất. Một cõi « niết bàn ». Một tình trạng hạnh phúc toàn mãn. Hay là tìm đường trở về một quá khứ xa xưa… Cuộc đi tìm ấy cũng là động cơ thúc đẩy đứa bé không ngừng tiến bộ và phát triển.

Ở vào giai đoạn bắt đầu cuộc đời, trẻ em vừa có những cảm giác vui thích, hứng khởi, vừa có những kinh nghiệm khó chịu, bực bội. Cả hai tình trạng luôn luôn hòa trộn vào nhau.

Những cảm xúc đau khổ, khó chịu đều được ghi nhận, lắng chìm trong ký ức của thân thể. Những vết tích hoài niệm nầy tạo nên những vùng mong manh, dễ thương tổn, trong nhiều cơ phận khác nhau của cơ thể. Tác giả MONTAGU đã đề cập vấn đề nầy, trong tác phẩm : « Làn da và xúc giác ».

Từ ngày sinh ra

Tuy dù đứa bé đã tách rời khỏi mẹ, cuống rốn đã được cắt lìa, nó vẫn còn tiếp tục cuộc sống « đồng nhất » với mẹ.

  • Nó chưa phân biệt bên ngoài và bên trong,
  • Mỗi lần bám sát vào mẹ, nó chưa biết phân biệt đến đâu là làn da của mình, từ đâu là làn da của mẹ,
  • Khi ngậm vú sữa của mẹ, cũng như khi nhìn mẹ và được mẹ nhìn, đứa bé đang tiếp tục nối dài cuộc sống của bào thai. Hai mẹ và con vẫn còn là một.
  • Từ từ với thời gian, đứa bé sẽ học tập, khám phá sự khác biệt giữa cơ thể của mẹ và cơ thể của mình.
Theo cách trình bày của tác giả AUCOUTURIER (1990 ) :

« Với thời gian, đứa bé sẽ nhận ra sự khác biệt giữa mình và khuôn mặt của mẹ, là người đang bảo đảm và duy trì sự sống còn cho mình.

  • Khi mẹ có mặt, đứa bé có những cảm xúc vui thích, sung suớng.
  • Khi mẹ vắng mặt, nó cảm thấy lo ngại, phân vân, mặc dù, trong cùng một lúc ấy, nó muốn đẩy mẹ đi ra xa, để tự tạo cho mình « cảm giác có mọi quyền năng ».
  • Vui thích và ước muốn có phần vụ tích cực và năng động, là thúc đẩy đứa bé đi ra, tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chấp nhận tình huống xa cách và mất mát.
  • Nhưng đồng thời, những mất mát ấy cho phép đứa bé tìm ra những lối bù đắp, về mặt hình tượng. Đó là những vui thích do trò chơi và ngôn ngữ mang lại, trong giai đoạn này. Trong những giai đoạn kế tiếp, những kiến thức và hiểu biết về môi trường, cũng như những sinh hoạt học tập và suy luận sẽ cung cấp cho trẻ em những loại vui thích tương tự ».
Một cách vắn gọn, chúng ta hãy ghi nhận những trọng điểm sau đây :

  • Tình huống xa mẹ phát sinh nơi đứa bé những tâm tình và cảm xúc lo hãi trầm trọng,
  • Để khắc phục và vượt qua những cơn lo hãi nầy, trẻ em sẽ tìm ra những trò chơi « đền bù », còn mang tên là trò chơi « tìm lại niềm tin và an toàn cơ bản »,
  • Nếu trò chơi tạo được hứng thú và vui thích, trẻ em sẽ có khả năng vượt qua những tâm tình và xúc động lo hãi của mình,
  • Đồng thời, những mơ tưởng có liên hệ với tình huống lo hãi cũng sẽ giảm bớt. Như chúng ta sẽ thấy, đó là những mơ tưởng xoay quanh chủ đề về xác thân, trong những giai đoạn phát triển đầu tiên.
Vì lý do sư phạm, trong chương nầy, chúng tôi chỉ khảo sát những loại lo hãi của trẻ em.

Trong chương sau, chúng tôi sẽ trình bày những loại trò chơi, mà trẻ em sử dụng, để vượt qua và khắc phục những tình huống lo hãi ấy.

Những loại lo hãi

Những loại lo hãi được khảo sát trong chương nầy là những hiện tượng bình thường, có liên hệ đến tiến trình phân biệt giữa bản thân mình và người khác. Những tình huống lo hãi nầy xuất hiện trong khoảng lứa tuổi từ 0 đến 8 tháng. Với thời gian, những cơn lo hãi nầy sẽ được khắc phục và vượt qua, khi trẻ em kiến dựng được một hình ảnh nhất thống về cơ thể của mình, xuyên qua những kinh nghiệm và khám phá được diễn ra hằng ngày.

Tự Điển Tâm Lý ( 1992) đã cung ứng cho chúng ta một định nghĩa về lo hãi như sau :

« Lo Hãi, trong tinh thần và ý hướng của Phân Tâm Học, là một cảm xúc vui thích hoặc khó chịu, có nhiều cường độ khác nhau, xuất hiện một cách vô thức, khi chủ thể phải chờ đợi một sự cố, mà không biết phải gọi sự cố ấy như thế nào ».

Trong Tiến Trình Phát Triển, ở vào cấp độ Một, từ 0 đến 8 tháng, có những cơn lo hãi hỗn hợp sau đây:

  • Lo hãi « tan biến thành nước » : cảm thức biến mất trong người khác, cảm thức bốc thành hơi, từ phía trên hay là từ phía dưới, xuyên qua những lỗ thoát như lỗ miệng, hậu môn hay là cơ quan tiểu tiện, sợ khoảng trống, sợ bài tiết bằng đường đại và tiểu tiện, sợ vào phòng vệ sinh, sợ đánh mất những đồ vật của mình, sợ những khoảng trống ở giữa hai đồ vật, sợ tách rời các từ và các chữ ra khỏi nhau, sợ những cánh cửa mở.
  • Lo hãi « bị lột da » : cảm thức đánh mất làn da, khi thay áo quần, tắm rửa, bị kẻ khác va chạm. Sau nầy, những cảm thức bị lột da sẽ biến thành lo sợ, khi trẻ em nhìn thấy những vết thuơng.
  • Lo hãi « bị té rơi » : Cảm thức đánh mất mình, khi rơi xuống, sợ đi lên nơi cao, sợ mất quân bình, sợ bị cất hay nâng lên.
  • Lo hãi « đánh mất một nửa phần thân thể » : Cảm thức về các phần thân thể không dính liền vào nhau. Cảm thức nầy càng trở nên trầm trọng, khi trẻ em gặp nhiều vấn đề, trong những lãnh vực bồng bế, cư xử, liên tục, trương lực cơ, xúc động và sức khỏe thể lý.
Tất cả những loại lo hãi trên đây xuất hiện, khi trẻ em gặp nhiều khó khăn trở ngại, trong tiến trình khám phá sự TÁCH RỜI RA KHỎI NHAU, giữa cơ thể của mình và cơ thể của người khác.

Những loại lo hãi thuộc Cấp Độ Hai, từ 8 tháng đến 2 tuổi rưởi ( 30 tháng ) :

Trong giai đoạn nầy, trẻ em vẫn tiếp tục học hỏi và khám phá về sự khác biệt giữa cơ thể của mình và cơ thể của người khác.

Nhưng từ đây, một cách đặc biệt, lo hãi xuất hiện, mỗi lần có sự xa cách, từ biệt giữa trẻ em và người thân. Tuy nhiên, khi ra đi cũng như khi trở về, trẻ em sẽ dần dần khám phá được rằng : vui thích và lo sợ trộn lẫn vào nhau, như hình và bóng.

Lo hãi trong giai đoạn nầy là sợ đánh mất người thân : Tôi xa lìa mẹ, nhưng nguy cơ có thể xảy ra là mẹ đi mất tiệt và không còn trở về với tôi.

Ngoài ra, vào lứa tuổi nầy, trẻ em bắt đầu học tập về qui luật. Do đó, những tình huống xung đột với người lớn sẽ xảy ra. Nhờ có những cơ hội va chạm như vậy, trẻ em mới có khả năng khẳng định ý thích của mình. Nhưng cũng vì những vụ va chạm ấy, trẻ em sẽ cảm nghiệm những loại lo hãi mới : sợ bị người lớn bỏ rơi mình, nếu mình đi ngược lại với ý định của họ.

Tất cả những loại lo hãi nầy được trẻ em diễn tả và trình bày ra ngoài, dưới hình thức những mơ tưởng. Dựa vào đó, chúng nó mới có thể tìm ra những phương thức khắc phục và vượt qua. Không đi qua con đường mơ tưởng, chúng nó sẽ bị ngụp lặn, tràn ngập, bất động, như chúng ta thường chứng kiến, với những trẻ em thuộc diện tâm thần và tự bế.

Những loại mơ tưởng

Sau đây là những loại mơ tưởng thường xuất hiện, nơi những trẻ em được gọi là « bình thường » :

  • Hòa nhập hay là Dính chặt vào : không tách rời ra khỏi người khác, bám sát vào kẻ khác, làm một với người khác.
  • Nuốt vào : ăn vào, cho vào bụng, đem vào làm thân xác của mình.
  • Toàn năng : có mọi quyền năng trên kẻ khác và các sự vật có mặt trong thế giới.
  • Tiêu hủy : có khả năng phá hủy, tiêu trừ kẻ khác.
  • Hành hạ : làm cho kẻ khác khổ đau, mất mát, thiệt thòi.
  • Bắt bớ : đeo đuổi, lùng bắt kẻ khác.
  • Làm tan biến : làm cho kẻ khác phải biến mất đi.
Tất cả những mơ tưởng nầy đều có tính lưỡng cực, lưỡng năng, vừa chủ động vừa bị động. Chẳng hạn, nếu tôi muốn nuốt kẻ khác, thì kẻ khác cũng có thể nuốt tôi. Nói cách khác, khi tôi có những mơ tưởng trên đây, thì đồng thời tôi cũng có những cảm xúc lo hãi liên hệ :

  • Lo hãi bị kẻ khác nuốt mất,
  • Lo hãi vì kẻ khác có mọi quyền năng trên tôi,
  • Lo hãi bi hủy hoại,
  • Lo hãi bị bắt bớ,
  • Lo hãi bị tan biến.
Nhờ di chuyển qua lại thường xuyên giữa hai đối cực chủ động và bị động, như chúng ta vừa trình bày, trẻ em sẽ từ từ quen thuộc và có khả năng vượt qua những mơ tưởng trên đây. Đồng thời, những cảm xúc lo sợ cũng dần dần suy giảm cường độ.

Chính vì đó, trong những buổi sinh hoạt Tâm Vận Động, người giáo viên hay chuyên viên nên lưu tâm quan sát : Trẻ em nào có khả năng di động một cách tự nhiên và dễ dàng từ cực nầy qua cực khác ? Trẻ em nào, trái lại, chỉ lặp tới lặp lui, nhai đi nhai lại một chủ đề duy nhất, trong các trò chơi tưởng tượng và vận động của mình ?

Cấp độ Ba : chung quanh 3 tuổi.

Trong giai đoạn nầy, trẻ em học tập « xây dựng và khẳng định phái tính của mình ».

Cho nên, chủ đề xuất hiện trong mơ tưởng và cảm xúc lo hãi là : thân thể bị thiếu hụt, bị đánh mất hay bị thiến hoạn.

Cấp độ Bốn : Chung quanh 4-5 tuổi

Trong giai đoạn nầy, những đặc điểm sau đây cần được ghi nhận :

  • Khả năng vận động càng ngày càng được củng cố và mở rộng,
  • Khả năng xã hội hóa càng ngày càng phát triển, nhất là trong các trò chơi vận động,
  • Khả năng tuân hành những qui luật, cũng tiến bộ rõ rệt. Một cách đặc biệt, trẻ em muốn « sống rập khuôn », muốn « được chấp nhận » trong các nhóm sinh hoạt giữa bạn bè cùng lứa tuổi.
Đó là những dấu hiệu khách quan cho chúng ta thấy : trẻ em đang thành công, trong chiều hướng khắc phục những tình huống lo hãi của mình. Chúng nó đang tìm lại được mức độ an toàn nội tâm cần thiết, để có thể đầu tư tất cả năng lực của mình, vào công việc hiểu biết và suy luận, trong cấp độ tiếp theo.

Cấp độ Năm : Chung quanh 6-7 tuổi

Trong giai đoạn phát triển nầy, trẻ em sẽ có những bước tiến bộ, trong lãnh vực kiến thức và hiểu biết. Nhiều khả năng mới sẽ từ từ xuất hiện :

  • khả năng hình dung,
  • khả năng sinh hoạt tập thể : biết chờ đợi đến phiên mình,
  • khả năng suy luận,
  • khả năng vận động tinh.
Về mặt xúc động, trẻ em đang bước vào một giai đoạn ổn định. Với cơ chế tâm lý « Thăng Hóa » ( hay là thăng hoa, trong cách dùng của một số người ), trẻ em dùng lại những mơ tưởng cũ, trong một ý hướng hoàn toàn đổi mới và năng động.

  • Thay vì « nuốt kẻ khác », trẻ em tìm cách « tiếp thu những kiến thức », có mặt trong các môn học và sách vở,
  • Thay vì « hủy hoại, hành hạ kẻ khác », trẻ em « muốn thành công, thắng lợi » trong những trận đấu thể thao,
  • Thay vì đeo đuổi « ý chí toàn năng », trẻ em « khát khao học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu » những định luật của vũ trụ, được giảng dạy trong các lớp học.
Trong giai đoạn nầy, trò chơi vẫn chiếm địa vị quan trọng :

  • Với trò chơi, trẻ em tiếp tục xây dựng những nền tảng vững chắc, để cuối cùng tạo được một hình ảnh nhất thống về cơ thể của mình,
  • Với trò chơi, trẻ em tiếp tục khắc phục và vượt qua những tình huống lo hãi còn tồn đọng.
Cũng trong giai đoạn nầy, trẻ em từ từ chuyển hóa những sinh họat mơ tưởng, thành khả năng diễn tả bằng hình tượng, trong những sinh hoạt có liên hệ đến vận động, xúc động và tưởng tượng.

Để kết luận chương nầy, chúng ta cần ghi nhận những điểm quan trọng sau đây :

1.-Những mơ tưởng có mặt trong những ngày tháng đầu tiên của trẻ em, không bao giờ biến mất. Chúng nó được chuyển hóa thành hình tượng, có mặt trong hầu hết mọi địa hạt sinh hoạt của con người…

2.- Mỗi loại lo hãi phát sinh những mơ tưởng đặc thù. Mỗi mơ tưởng xuất hiện trong một trò chơi cụ thể.

Càng tạo được vui thích cho trẻ em và phát huy những quan hệ hài hòa, trò chơi càng có hiệu năng chuyển đổi những tình huống lo hãi của trẻ em.

Khi lặp đi lặp lại một trò chơi nhiều lần, trẻ em sẽ từ từ có khả năng diễn tả và hóa giải những xúc động của mình.