Phương pháp Tâm Vận Động

2.5 Những Giới Hạn (Qui luật cần tôn trọng, không vượt qua)

Trước đây, chúng tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Vui Thích. Tuy nhiên, vai trò của những qui luật trong lãnh vực tác phong cũng rất thiết yếu, cho vấn đề tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Khi giới hạn không được tôn trọng, vui thích sẽ biến thành những khổ đau, phiền lụy.

Hẳn thực, khi một trẻ em có thể làm bất cứ chuyện gì, làm bất cứ ở đâu, làm bất kể lúc nào, trẻ em ấy đang sống với nhiều ảo tưởng, lo hãi và cô đơn.

Để có thể sống an toàn, tránh khỏi những hiểm họa vật thể ở bên ngoài, trẻ em cần được người lớn dạy bảo, hướng dẫn về những loại vấn đề sau đây :

  • Tôi có thể học hỏi, khám phá những điều nào ?
  • Tôi có thể thực hiện những ước mơ, dự tưởng, trong những không gian hoặc khuôn khổ nào ?
  • Tôi có thể lựa chọn thời gian hoặc hoàn cảnh nào để hoạt động ?
  • Sau hết, tôi có thể tiến hành công việc, với những bạn bè nào ?
Ở Sénégal, chẳng hạn, trong lảnh vực vui đùa và giải trí, bạn bè thay đổi tùy lứa tuổi. Những trò chơi « đấu tranh » chỉ được phép tổ chức, giữa những người cùng trang lứa mà thôi.

Trong cuộc sống thường ngày, người lớn có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, để trẻ em khám phá những hoạt động mới, sẵn sàng từ bỏ những ý định không chính đáng, hay là chấp nhận một số trở ngại và khó khăn…Khi làm như vậy, họ mở đường cho trẻ em biết tìm ra những vui thích, trong cuộc đới. Chẳng hạn, khi được mẹ đút cho ăn, nó cần chờ đợi một khoảng thời gian, ở giữa hai miếng ăn. Đó là thời gian, để trẻ em nhận thức được rằng mình đang có những ý thích, thèm muốn. Khoảng thời gian nầy phải có một độ dài tối thiểu, để ý thích có thể phát sinh và xuất hiện. Tuy nhiên, khoảng thời gian nầy không được kéo ra quá dài, để trẻ em khỏi phải thất vọng và bỏ cuộc, vì phải đợi chờ quá lâu. Hẳn thực, ngay trong vấn đề ăn uống, trẻ em đã biết chủ động, không còn sống bị động, lệ thuộc.

Không có những giới hạn cần tôn trọng, cuộc sống sẽ trở thành ảo tưởng, vượt khỏi tầm tay và thực tế hằng ngày của con người.

Nói tóm lại, vấn đề tổ chức thời gian và không gian là một điều kiện thiết yếu, cho việc tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Thể thức tổ chức có thể thay đổi, tùy xứ sở. Nhưng ở Sénégal, cũng như ở Âu Châu, trẻ em cũng cần có chỗ ngủ, chỗ chơi, chỗ vui đùa, chỗ chạy nhảy. Bất cứ ở nơi nào, trẻ em cũng cần tuân thủ một số giờ giấc nhất định trong ngày…

Khi biết rằng người lớn cũng phải tuân hành một số qui luật, trẻ em cảm thấy được an tâm ( vì người lớn cũng có một đơi sống giống như mình ). Vào một lứa tuổi, khi chúng nó hiểu được rằng vâng lời là một khả năng thuộc đời sống làm người, chúng nó sẽ hãnh diện vì mình có khả năng ấy. Khi lên 5 tuổi, trẻ em bày tỏ nỗi niềm sung sướng của mình, vì mình đã lớn khôn, biết điều nào nên làm, điều nào cần tránh. Khi còn 3 tuổi, trái lại, chúng nó thường hay có thái độ khiêu khích, muốn tìm hiểu chúng ta - người lớn - là ai, với chúng ta, chúng nó có thể làm được những gì, đạt đến những giới hạn nào…Tắt một lời, chúng nó muốn BIẾT. Để đáp lại, chúng ta cần có thái độ LIÊN TỤC, trong cách đề nghị những chuẩn mực rõ ràng, chắc chắn, thường hằng.

Xuyên qua tất cả những nhận định trên đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của qui luật. Nếu được trình bày một cách rõ ràng và cẩn trọng, qui luật kết hợp với tình yêu, trong thái độ giáo dục của cha mẹ, là nguồn gốc phát sinh mọi chí hướng vươn lên và ước vọng thăng tiến, trong cuộc sống làm người.