Phương pháp Tâm Vận Động

1.2 Phương Pháp Tâm Vận Động: Tinh thần và Ý hướng

Tâm Vận Động là một phương pháp can thiệp thuộc lãnh vực tâm lý và giáo dục, nhằm giúp trẻ em phát triển một cách đồng bộ, trong mọi địa hạt thuộc đời sống của con người. Phương pháp nầy lưu tâm một cách đặc biệt đến hai trọng điểm sau đây :

Trọng điểm thứ nhất là nhấn mạnh vai trò của những hành vi hoặc tác phong vận động. Vận động được khảo sát ở đây có liên hệ chặt chẽ với địa hạt tâm lý.

Trọng điểm thứ hai là ý hướng hội nhập một cách hài hòa hai loại chức năng vận động và tâm thần, bằng cách vận dụng vai trò và ảnh hưởng của hệ thần kinh, trong giai đoạn còn đang phát triển và tăng trưởng, nhất là từ 0 đến 7 tuổi.

Ngoài cách định nghĩa trên đây, được rút ra từ cuốn Tự Điển Larousse 1994, tôi còn muốn trích dẫn thêm chính lời nói của tác giả Bernard Aucouturier :

Mục đích của Tâm Vận Động, theo lối nhìn của tác giả nầy, là « nâng đỡ, xúc tác tiến trình phát triển của trẻ em, trong đời sống tâm lý và tình cảm, bằng cách dựa vào những sinh hoạt thể lý để tác động, hay là sử dụng những thành tố cơ thể làm địa bàn để can thiệp ».

Nói khác đi, mục tiêu của phương pháp Tâm Vận Động là phát huy, kiện toàn quan hệ giữa con người và cơ thể của mình, xuyên qua con đường sinh hoạt cụ thể thuộc lãnh vực vận động, thay vì khai thác và sử dụng phương tiện ngôn ngữ. Hẳn thực, lời nói vẫn được đón nhận, trân trọng…Tuy nhiên, đó không phải là một dụng cụ ưu tiên của nhà chuyên viên Tâm Vận Động, khi sinh hoạt và tiếp xúc với trẻ em.

Nền tảng thiết yếu của Phương Pháp Tâm Vận Động được thu tóm trong một số định đề sau đây. Định đề ( postulat ), theo cách định nghĩa thông thường, là những mệnh đề được chấp nhận như là hiển nhiên, không cần chứng minh.

Định đề thứ nhất :

Nhằm thiết lập quan hệ tiếp xúc và trao đổi với người khác, trẻ em bắt đầu sử dụng cơ thể hay là xác thân của mình. Trẻ em cảm nghiệm, trước khi có khả năng vận dụng một cách có ý thức những khả năng và sinh hoạt khác.


Nói khác đi, trẻ em lớn lên, phát triển, xuyên qua mọi phương tiện và hình thức sinh hoạt của xác thân. Nhờ những kinh nghiệm cụ thể thuộc địa hạt thể lý nầy, trẻ em từ từ có khả năng phát triển trí tuệ, ngôn ngữ và toàn diện nhân cách của mình.

Tác giả CARELS đã khẳng định :

« Trẻ em cử động, vùng vẫy, chạy nhảy, để có cảm giác là mình đang sống thực sự, và đồng thời cảm nhận trong xác thân của mình những nỗi niềm vui thích, hứng thú, hăng say và hồ hởi ».

Hẳn thực, nếu không đi qua giai đoạn vận động, không tìm cách thay đổi những tư thế của xác thân, hay là không thực thi nhiều cử chỉ khác biệt nhau, làm sao một trẻ em có thể cảm nghiệm, thừa hưởng hay là làm phát sinh trong con người của mình những cảm xúc sung sướng, hạnh phúc và hân hoan ?

Nhà tâm lý người Pháp, Henri WALLON ( 1968 ) cũng đã trình bày một quan điểm tương tự :

« Bằng phương tiện vận động, trẻ em bộc lộ ra bên ngoài chính cuộc sống tâm linh của mình, cho đến khi ngôn ngữ xuất hiện, để đảm nhận công việc diễn tả những nhu cầu và ý thích có mặt trong nội tâm ».

Trong tinh thần và đường hướng ấy, nếu chúng ta tác động trên địa hạt cơ thể và nhờ những phương tiện thể lý, chúng ta có thể tạo nên những điều kiện thuận lợi, để ngôn ngữ, tư duy và toàn diện con người của trẻ em có cơ may xuất hiện và triển nở một cách dễ dàng. Đồng thời chính đời sống xúc động và tình cảm của các em cũng được khai phóng, một cách hài hòa, thư thái, cởi mở và trung thực.

Qua lăng kính vừa được trình bày như vậy, giữa bốn thành tố khác nhau của sinh hoạt tâm lý là : trí tuệ, quan hệ tiếp xúc, tình cảm và vận động, có những liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại hai chiều, tạo ảnh hưởng giao thoa, chằng chịt và chồng chéo lên nhau. Khi một yếu tố đang vươn lên và tăng trưởng, tự khắc nó kéo theo ba yếu tố khác cũng đồng thời phát huy và tiến bộ.

Những nhận định sau đây minh họa một cách cụ thể những điểm vừa được đề xuất :

---Trước hết, nhờ có những quan hệ tiếp xúc và trao đổi với người khác, trẻ em sẽ mở rộng cửa lòng để đón nhận và tiếp thu những chiều kích mới lạ của thế giới bên ngoài. Câu nói « Mẹ chăm lo cho tôi » trình bày và diễn tả quan hệ ấy.

---Chính khi trẻ em tiếp xúc và trao đổi, ý thích tác động và nhu cầu tạo nên ảnh hưởng sẽ xuất hiện và nảy sinh. Ví dụ : tôi cần Mẹ, cho nên tôi thét la lên, để gọi Mẹ đến với tôi.

---Nhờ có ý thích tác động và tạo ảnh hưởng như vậy, trẻ em sẽ vận dụng mọi khả năng vận động hiện hữu của mình. Ví dụ : tôi cử động, vùng vẫy, thực thi những điệu bộ hay là dùng cơ quan phát âm, để khóc la, làm nên những tiếng động, nhằm gây chú ý cho những người chung quanh.

---Sau khi thực thi những cử điệu hay là phát ra những âm thanh, trẻ em cảm thấy : việc làm của mình mang lại những thành quả cụ thể và rõ rệt. Ví dụ : sau khi tôi la lên, mẹ đã đến với tôi. Và những lúc tôi khóc, mẹ đã đến nhanh hơn.

---Nhờ vào những nhận xét, cân nhắc và so sánh như vậy, trẻ em dần dần phát huy khả năng suy luận. Mỗi ngày, trẻ em sẽ thâu đạt thêm những tiến bộ mới, khi biết chọn lựa những cách làm hữu hiệu và loại trừ những hành vi không còn thích ứng với hoàn cảnh.

Nói tóm lại, trong những giai đoạn đầu tiên, sau ngày sinh ra, trẻ em chỉ có những phản xạ - nghĩa là những hoạt động có tính máy móc và tự động. Nhờ ngày ngày lặp đi lặp lại một số động tác, trẻ em từ từ khám phá một số yếu tố thường hằng, bất di bất dịch, có tính qui luật, nối kết vào nhau một cách có thứ tự. Dựa vào đó, trẻ em bắt đầu biết suy luận, tìm ra những sơ đồ hoạt động càng ngày càng phức tạp hơn. Khi trẻ em khám phá được những quan hệ nối kết hai hay nhiều yếu tố lại với nhau như vậy, đó là dấu hiệu cho chúng ta thấy : trẻ em đang phát huy trí tuệ của mình. Trí tuệ, được nói tới ở đây, phải được hiểu theo lối định nghĩa của J. PIAGET : « Đó là khả năng giải quyết nhiều vấn đề và tìm cách thích ứng với những hoàn cảnh mới lạ xảy đến trong cuộc sống ».

Để trẻ em có thể thâu đạt những thành quả ấy, vai trò thiết yếu của cha mẹ và người lớn là kích thích, xúc tác, tạo mọi điều kiện thuận lợi, cho phép trẻ em trở nên chủ động, có ý thích tác động trên môi trường và những người đang có mặt với mình.

Ýthích tác động nầy, như chúng ta vừa thấy trên đây, bắt nguồn từ gia tài phản xạ đã có sẵn, lúc trẻ em sinh ra. Hẳn thực, trong những ngày đầu tiên, trẻ em chỉ biết tác động trên môi trường thân nhân, với những phản xạ của mình.

Ý thích tác động nầy càng lúc càng phát triển, nhờ vào ảnh hưởng của nhiều yếu tố được phối hợp lại với nhau :

yếu tố thứ nhất là khả năng của hệ thần kinh vận động, nơi trẻ em,

yếu tố thứ hai là chất lượng trong cách đáp ứng của những người thân nhân có mặt với trẻ em, bắt đầu từ người mẹ trong gia đình,

yếu tố thứ ba là tính lặp đi lặp lại của những hoàn cảnh giống nhau,

yếu tố thứ bốn là quan hệ tiếp xúc và trao đổi với những người BIẾT nâng đỡ trẻ em, trong việc bày tỏ, ngoại hiện ý thích của mình.

Người lớn có mặt với trẻ em càng tin tưởng vào trẻ em và càng ước muốn trẻ em tiến bộ và phát triển, thì trẻ em càng biết NÓI và biết LÀM. Mỗi một tác động của trẻ em, trong bất cứ địa hạt nào, cần được khảo sát, với bốn chiều kích khác biệt nhau, nhưng đồng thời có mặt với nhau.

  • Chiều kích thứ nhất : « Tôi có khả năng », nghĩa là tôi có những hành trang và phương tiện thể lý.
  • Chiều kích thứ hai : « Tôi ước muốn », nghĩa là tôi có sở thích và ước vọng.
  • Chiều kích thứ ba : « Tôi biết cách làm », nghĩa là tôi hiểu phải hành xử như thế nào, tôi biết suy tư.
  • Chiều kích thứ bốn : « Tôi có phép », nghĩa là nền văn hóa của tôi cho phép tôi làm điều ấy.
Nhằm phát triển CON NGƯỜI TOÀN DIỆN, phương pháp Tâm Vận Động lưu tâm đến tất cả bốn chiều kích ấy, khi tiếp xúc với trẻ em.

Định đề Thứ hai :

Cơ thể sử dụng một loại ngôn ngữ riêng biệt.

Đây là loại ngôn ngữ KHÔNG LỜI, làm bằng nhiều yếu tố như :


  • những tư thế khác nhau : đứng, đi, nằm, ngồi…
  • hơi thở nhanh hay chậm, khó khăn hay dễ dàng, êm đềm hay là náo động…
  • trương lực cơ : các bắp cơ co cứng lại hay là buông giản ra…
  • những điệu bộ : hung hăng hay là hiền từ…
  • những cách đi đứng : khó nhọc, nhanh nhẹ, chậm chạp, vội vàng…
  • những nét mặt : thư giản, nhăn nhó, tức giận, hiền hòa…
  • khả năng di động của toàn thân : khó khăn, cứng cõi hay là duyên dáng, bay lượn…
Bao nhiêu dấu hiệu khách quan và bên ngoài ấy là những chứng liệu quan trọng có khả năng bộc lộ cho chúng ta một vài đường nét thuộc về lịch sử của chính đương sự. Tất cả những phương tiện, được liệt kê trên đây, vừa diễn tả ra ngoài cách thế ở đời của người ấy : họ đang cần gì, xúc động của họ là gì, họ có thái độ và quan hệ nào khi đối diện với người khác…Căn cứ vào những phương tiện cụ thể ấy, người khác - chúng ta hay bất cứ một nguời nào - có thể đưa ra những lối ứng xử, khi tiếp xúc và trao đổi với người ấy.

Một cách đặc biệt, những nhà chuyên viên về ngành Tâm Vận Động được huấn luyện, để có khả năng hiểu rõ ý nghĩa của loại ngôn ngữ không lời nầy. Nhờ đó, họ có thể dễ dàng đón nhận và từ từ chuyển hóa loại ngôn ngữ nầy thành một phương tiện trao đổi, dễ dàng uốn nắn và có khả năng thích nghi với những điều kiện của thực tế.

Để thành tựu công việc chuyển hóa và uốn nắn nầy, nhà Tâm Vân Động cần sự đồng ý và hợp tác của trẻ em. Kết quả nầy sẽ tư từ xuất hiện và được củng cố, nếu nhà chuyên viên Tâm Vận Động có khả năng thiết lập những quan hệ thực sự an toàn, mỗi lần tiếp xúc với trẻ em.

Quan hệ sẽ tạo được cho trẻ em an toàn thực sự và vững bên, chừng nào người lớn hội tụ được những điều kiện cơ bản sau đây :

Thứ nhất là « đáng tin tưởng » trong lời nói cũng như việc làm. Không nói một đàng, làm một nẻo. Không ba hoa chích chòe.

Thứ hai là « đồng cảm », nghĩa là hiểu được trẻ em, như trẻ em hiểu chính mình.

Thứ ba là « kiên trì » : ngày ngày gieo vãi và vun tuới, không nôn nóng tìm cầu kết quả « có thể ăn liền ».

Thứ bốn là « sáng tạo » : không ngừng vận dụng trí óc và quả tim.

Thứ năm là « tôn trọng nhịp độ của trẻ em ».

Ngoài ra, nhà chuyên viên Tâm Vận Động còn phải « học lắng nghe Lời Nói của cơ thể », ngày ngày đánh sáng và làm mới lại khả năng tiếp xúc và trao đổi với trẻ em, thiết lập những quan hệ hài hòa, nhất là trong địa hạt trương lực cơ cũng như trong đời sống XÚC ĐỘNG và TÌNH CẢM.

Định đề thứ ba :

Cơ thể có một loại trí nhớ đặc thù.


Theo quan điểm của Reich, « khi bắp cơ co cứng lại, nó đang chứa đựng trong mình lịch sử và ý nghĩa về nguồn gốc của nó ».

Trong lối nói của B. Aucouturier, cơ thể ghi khắc vào trong chiều sâu của mình những loại ký ức thô thiển, hay là những hoài niệm về những kinh nghiệm vui thích hay khó chịu đã có mặt trong cuộc đời. Những hoài niệm nầy không được chúng ta ý thức. Đó là trương lực cơ, những bắp cơ, những chức năng có mặt bên trong xác thân, cũng như toàn bộ những phản ứng của cơ thể.

Hẳn thực, cơ thể ghi nhớ tất cả những cảm giác vui thích hay khó chịu đã nảy sinh, trong những lần chúng ta tiếp xúc, trao đổi với người khác, từ những ngày tháng đầu tiên trong cuộc đời, thậm chí khi chúng ta còn là bào thai ở trong lòng mẹ.

Đó là những lần chúng ta được chăm sóc về mặt cơ thể : được bồng ẵm, được cho ăn, cũng như được ru ngủ…

Trí nhớ ghi lại những kinh nghiệm về cảm giác vận động, mỗi khi chúng ta được đu đưa qua lại, một cách êm ái, an toàn hay là trong những lần bị quấy rầy, vì cách đu đưa không thích hợp với tình trạng của chúng ta khi ấy.

Trí nhớ ghi lại những kinh nghiệm về thị giác, khi chúng ta trực diện với những khuôn mặt dịu hiền hay là có vẻ đáng lo ngại.

Trí nhớ ghi lại những kinh nghiệm về thính giác, mỗi lần chúng ta có dịp nghe những âm thanh vỗ về, an ủi hay là nhưng tiếng động quấy rầy, tạo nên bực bội.

Trí nhớ ghi lại những kinh nghiệm về vị giác, mỗi lần chúng ta ngậm mút đôi vú của mẹ một cách ngon lành, hay là những khi chúng ta bị ép buộc phải nuốt trôi những món ăn mới lạ.

Trí nhớ ghi lại những kinh nghiệm về khứu giác, khi chúng ta nhận ra mùi hương thơm quen thuộc của mẹ hay là phải chịu đựng một mùi lạ của ai khác, bên cạnh những người thường trông nom cho mình.

Trí nhớ ghi nhận những kinh nghiệm về xúc giác, những khi chúng ta được mẹ vuốt ve và xoa bóp một cách dịu dàng, âu yếm hay là khi bị cô y tá khám nghiệm, lật qua lật lại một cách lạnh lùng, khô khan, có kỹ thụật.

Tác giả SCHILDER cũng có một lối nhìn tương tự, khi đưa ra những nhận xét sau đây :

« Thái độ của chúng ta đối với các thành phần khác nhau của thân thể có liên hệ khắng khít với sở thích, mà người khác đã bộc lộ đối với những thành phần ấy. Chúng ta kiến tạo một hình ảnh về thân thể của mình, tùy vào những kinh nghiệm mà kẻ khác cung ứng cho chúng ta, khi họ hành động và tỏ ra thái độ đối với thân thể của chúng ta ».

Hẳn thực, những kinh nghiệm vui thích hay khó chịu, được lặp đi lặp lại trong những tháng ngày thơ ấu, đều được ghi lại trong trí nhớ của thân thể, ngoài ý muốn và ý thức của chúng ta. Những kinh nghiệm ấy để lại những dấu vết vô thức sẵn sàng tái hiện, một cách rất bất ngờ, trong những hoàn cảnh xem ra hoàn toàn mới lạ, không có liên hệ gì với những hoàn cảnh thuộc quá khứ.

Chẳng hạn, một tư thế trong một buổi chơi thể thao có thể gây nên cho thân thể một cơn đau nhức nhối.

Một mùi tanh bốc lên trong bữa ăn làm chúng ta nôn ọe.

Một phản ứng lo sợ từ chối, không cho phép phối nhân đụng chạm đến mình, trong một quan hệ gặp gỡ ái ân.

Những dị ứng khó chịu bộc phát, đối với một vài giọng nói.

Trong những hoàn cảnh tương tự như vậy, thân thể sẽ tìm cách đề phòng những cơn đau nhức nhối ngày xưa, bằng cách tự động chế tạo một chiếc vỏ tự vệ. Nỗi đau càng quan trọng bao nhiêu, chiếc vỏ càng dày và cứng bấy nhiêu. Chiếc vỏ ấy bao trùm toàn diện hay là chỉ một phần thân thể mà thôi. Chiếc vỏ làm bằng một lớp da tương đối mềm và có nhiều lỗ chân lông, hay là chai lì, cứng rắn tựa hồ một chiếc áo binh giáp, tùy vào những tin tức về các vùng có những cấp độ nguy hiểm khác nhau, do chiếc bản đồ nội tâm cung cấp. Nhằm mục tiêu bảo vệ, chiếc vỏ ấy có phần vụ làm tê liệt toàn bộ hay là chỉ một phần những cảm giác có liên hệ đến các đề mục được liệt kê trước đây.

Trong nhiều tác phẩm, các tác giả như REICH, ANZIEU, MONTAGU, SOULÉ đã trình bày một số chi tiết quan trọng về vấn đề nầy.

Định đề thứ tư :

Hành vi vận động là kết quả tổng hợp xuất phát từ nhiều khả năng chủ động, sáng tạo ( làm chủ ), có mặt trong nhiều lãnh vực khác nhau :


  • Chủ động trong vấn đề sinh sống,
  • Chủ động trong vấn đề sử dụng không gian và thời gian,
  • Chủ động trong vấn đề chọn lựa đối tượng, để hành động theo đúng nhu cầu của mình,
  • Chủ động trong lãnh vực ý thức về sơ đồ thân thể,
  • Chủ động trong vấn đề biết tôn trọng thứ thự trước-sau, khi phải thực hiện nhiều động tác trong cùng một công việc,
  • Chủ động trong vấn đề phối hợp nhiều vận động trong cùng một thời gian.
Đàng khác mổi động tác có tính chủ động luôn luôn nhắm tới một mục đích : ví dụ tôi tiếp xúc trao đổi, để làm gì ? Tôi có ý hướng nào, khi tác động trên môi trường ?

Sau cùng, chúng ta cần phân biệt rõ ràng hai loại hành vi hoàn toàn khác nhau : hành vi phản xạ có tính tự động máy móc, thoát ra ngoài tầm kiểm soát của ý thức và lý trí. Động tác vận động, trái lại, luôn luôn có tính chủ động, nghĩa là thuộc quyền điều động và kiểm soát của tư duy và tình cảm.

Chính vì những lý do nầy, tất cả mọi kỹ thuật tạo thư giản đều vận dụng và khai thác năng lực của tư duy.

Định đề thứ năm :

Có những quan hệ giữa thân thể và vấn đề thông đạt có ý thức :

( chúng ta có thể vận dụng thân thể, trong những hình thức thông đạt bằng hình tượng ).


Hành vi vận động có thể được sử dụng, một cách có ý thức, trong các lãnh vực hình tượng, như :

  • kịch câm,
  • sân khấu hoặc kịch trường,
  • vũ khúc,
  • thủ ngữ trong các cộng đồng khiếm thính,
  • những ký hiệu trao đổi tin tức trong quân đội, cũng như trong ngành hàng không…
Khi khảo sát những loại sinh hoạt nầy, tác giả Desmon MORRIS ( 1978 ) đã trình bày nhiều minh họa phong phú, trong tác phẩm « La clé des gestes » ( đi tìm một chìa khóa để mở ra cánh cửa điệu bộ ). Hẳn thực, chiều kích hình tượng của điệu bộ có liên hệ mật thiết với khả năng vận dụng và điều động cơ thể, để tiếp xúc và thông đạt với người khác, trong cuộc sống làm người. Vào khoảng thời gian chung quanh 5-6 tuổi, một trẻ em đã bắt đầu có khả năng sử dụng hình tượng, trong những trò chơi giả bộ, bắt chước những thần tượng, đóng vai một ca sĩ, đi đứng như một nhân vật quan trọng. Theo quan điểm của PIAGET, đó là những dấu chứng, cho phép chúng ta khẳng định rằng : trẻ em không còn sống trong thế giới hoàn toàn chủ quan, không còn coi mình là « trung tâm của vũ trụ ». Khi không còn « tự kỷ trung tâm » (égocentrisme), trẻ em mới có thể bắt đầu học những bài học về phân tích, so sánh, liên kết, tổng hợp…trong các lớp thuộc cấp vỡ lòng, tiểu học.