ĐỒNG THÁP - Đã ba tháng qua, nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi chưa đi thêm một chuyến công tác vào vùng sâu nào. Quá nhớ công việc, chúng tôi hùn tiền nhau để đến vùng Long An, thăm người dân bị ngập vào một ngày trong tuần.

Xem hình ảnh

Đường vào về Long An bây giờ “ngon lành” quá. Đi đại lộ Đông Tây và qua đường cao tốc thì hơn 100 km thì chỉ “vèo” một cái là tới nơi. Hằng năm, vùng trũng miền tây thường bị ngập từ tháng 9 đến hết tháng 11 gồm vùng Mộc Hóa, Tháp Mười của tỉnh Long An, Tam Nông (Đồng Tháp), vùng Long Xuyên của An Giang. Ngoài cảnh nước cứ phủ trắng đồng, số người dân bị nước ngập vào nhà ở mùa này khá nhiều, thường ngập từ ngang đầu gối đến ngang bụng, tuy không gây chết người nhưng cũng khốn khổ vì lội lặn, ướt át! Các nhà thờ vùng này cũng bị ngập nên giáo dân đi dâng lễ phải chèo xuồng đến sát hiên nhà thờ.

Trong chuyến này, chúng tôi dự định vào thăm bốn nhà thờ bị ngập thuộc hạt Tân An giáo phận Mỹ Tho, nhưng chúng tôi chỉ vào được hai nhà thờ. Rồi lội nước đi xuồng đến tặng “quà an ủi” cho một số gia đình nghèo là hết giờ.

Cảnh sông nước miền tây sao lúc nào cũng dân dã và thơ mộng quá! Dọc bên phải con đường là những bến đò như “Út Hơn, Năm Hùng….”, hẳn đó là những ngã giao thông bằng xuồng quen thuộc của dân quê.

Chúng tôi xuống xuồng ba lá. Mỗi lần đi giữa con sông rộng, lòng tôi lại nơm nớp lo sợ sự bất trắc nào đó xảy đến. Tôi thưa với hai linh mục đón chúng tôi: “Xin mỗi cha đi một ghe dùm con, nếu có chuyện gì thì kịp sức dầu cho chúng con.” Có ai đó nói với theo: “Ghe mà lật thì cha cũng lóp ngóp, chỉ kịp sức dầu cho chính cha mà thôi!”. Xuồng máy xé dòng nước đi nhanh. Linh mục trẻ ngồi bên ghe của tôi nói giọng miền Nam rặt, cái miệng có duyên nói chuyện tía lia làm chúng tôi cười thoải mái. Cha kể: “Hồi chưa đi tu em đen thui à, buổi sáng đạp xe ba bánh chở mướn cho người ta, buổi chiều vào nhà thờ giúp lễ. Rồi em thi đậu vào lớp dự tu của giáo phận, cha sở nhìn em nói: “Thằng này mà tu cái gì!”. Chúng tôi cười rộ lên vì thấy “hay hay”. Có bạn hỏi lại: “Dù đạp xe ba bánh nhưng cha nói năng “dẻo quẹo” như vậy chắc là có nhiều cô để ý lắm!” Cha cười hóm hỉnh: “Hổng sao! Chúa có ý chọn em nên cũng có ý “giữ gìn!”. Chúng tôi cười phá lên vui vẻ. Lâu rồi, chúng tôi mới có lại bầu khí vui như vậy.

Ngôi nhà thờ mới xây dược một năm nên có màu tươi thắm sau đám cây lưa thưa, ghe đi qua cái tháp chuông màu hồng trông rất nên thơ. Cha cho biết giáo xứ xin tiền nhiều nơi xây được nhà thờ mới nhưng nhà giáo lý còn ngập. Chúng tôi vào phía sau cung thánh, nhìn xuống dưới tầng trệt cạnh nơi dạy giáo lý thấy hai bà sơ đang “thả lưới giăng câu”. Thế là lại nói vui nói đùa rồi cùng cười. Đời sống giáo dân ở đây rất nghèo khổ, làm việc cực nhọc nhưng thu nhập thấp, đa số làm nghề nông với hai vụ mùa chính: mùa khô trông lúa ngô khoai, mùa nước lên thì giăng lưới bắt cá, đốn và róc tràm mướn.

Uống nước, tham quan xong, chúng tôi lên xuồng trở ra để đến giáo xứ thứ hai.

Xe đi tiếp khoảng hơn 20 km thì xe phải đậu bên lề đường, chúng tôi lội nước đi vào nhà thờ thứ hai. Nhà xứ còn đơn sơ. Bữa cơn trưa mở đầu bằng tô cháo nóng làm chúng tôi tỉnh hẳn lên. Câu chuyện lại râm ran. Cha cho biết nhà thờ này ở vùng sâu vùng xa của Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, là vùng đồng ruộng phèn chua nước mặn hầu hết giáo dân có gốc Phú Cam (Thưa Thiên – Huế) chuyên làm mướn theo thời vụ, cắm câu giăng lưới… Giáo dân chỉ có khoảng 600 người, trong đó có mấy chục gia đình hoàn cảnh đặc biệt mà tháng nào cũng phải trợ cấp gạo.

Nghỉ trưa độ hai mươi phút, chúng tôi làm công việc thích nhất, đó là vào thăm và tặng quà gia đình bị ngập, có hoàn cảnh khó khăn. Bốn bạn trẻ hăng hái đi vào. Nước ngập ngang đầu gối, nhưng nguy hiểm là đất bị lún, đặt chân bước mà run, có đoạn nước cao ngang ngực nên có bạn phải ngồi trên xuồng đi vào.

Ở đâu cũng có người nghèo nhưng ở nơi này có những hoàn cảnh là bất hạnh nghiệt ngã: có một anh xe ôm, bị tai nạn giao thông, nằm trên bệnh viện Chợ Rẫy một tuần thì qua đời. Đưa xác về, nhưng nước ngập nên không thể vào nhà, chính quyền cho để hòm bên lề đường rồi chờ đưa lên Tân Trụ (Long An) để thiêu. Người dẫn đường kể cho chúng tôi nghe: “Trong tháng 10 vừa qua, có hai vợ chồng kia đi giăng câu, có con cá xấu bị xổng chuồng ở nơi nào đó trôi về vùng này, táp vào người vợ, mất nhiều máu nên chị chết, từ hổm rày dân ở đây sợ hổng dám đi giăng câu mà cũng hổng biết cá xấu kia đi đâu nữa!”. Trong số những gia đình chúng tôi thăm, có một bà đi lượm ve chai bị vấp té rồi liệt, chồng lại mới bị xe đụng chết, bà nằm dưới cái chăn màu xác pháo mà cậy nhờ một người hàng xóm giúp đỡ, bước vào chỗ bà nằm thật là nặng mùi. Vì người ta xịt thuốc trừ sâu vào ruộng lúa nên nước ngập khá độc, thế mà có một bà bị cụt chân, bơi xuồng đi vớt đồ mủ (đồ dùng bằng nhựa, nilon) đem bán nuôi thân và một đứa con tâm thần. Chưa hết, chúng tôi còn gặp ông cụ mù, chồng bà bán vé số, vì bà không nhanh nhẹn nên bị người ta đổi số, lừa tiền nhiều lần.

Nghe kể như trên, chúng tôi chùng lòng xuống, không còn cười giỡn tươi vui như buổi sáng nữa. Người dẫn đường còn cho biết có vùng dân nghèo kinh tế mới ở khu ngập sâu mãi bên trong và bên kia quốc lộ nên không thể đưa chúng tôi đi.

Cảm thấy cuộc viếng thăm như thế là đủ, không lên xuồng vào một nhà thờ cũng bị ngập, cách đó bảy cây số, chúng tôi cũng không đi xuống vùng Vĩnh Hưng nữa. Thế là chúng tôi hẹn khi nước rút sẽ trở lại đây, hy vọng đây là lời hẹn thật gần mà thôi!

Đường về sao thấy có vẻ gần, dù vẫn là 100 km. Dọc con đường quê, người ta đổ từng đống khoai mì, những trái dứa (thơm) vàng ươm xếp ngay ngắn…bán đơn sơ bên vệ đường. Tôi thấy thương thương vùng quê xanh mướt màu cây cỏ. Về đến Sài Gòn còn sớm, chúng tôi cùng ăn với nhau tô hủ tíu khô Gia Lai cho đỡ mệt, ăn xong lại có tiếng nói nói cười cười giữa chúng tôi như để kết thúc chuyến đi vui vẻ này.