Nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh chúng tôi vừa có một “tháng 8 đẹp” với hai chuyến đi đến hai giáo xứ thuộc giáo phận Mỹ Tho; cùng một mục đích là trao học bổng cho học sinh cấp III & cấp II, tặng đồ dùng học tập cho học sinh cấp I, quà tặng giáo dân khó khăn và thăm hỏi gia đình nghèo sống ven sông.

Hình ảnh

Phát học bổng ở giáo xứ Nước Trong

Chuyến thứ nhất, chúng tôi đến giáo xứ Nước Trong, cách thành phố Sài Gòn khoảng 80 km. Chuyến đi này chúng tôi có vẻ “nhàn rỗi tay chân”, không “bưng bê bốc vác” gì cả vì chỉ có mang theo tập vở và phong bì tiền. Nhưng bù lại, chuyến đi này bỗng vui vì có một cha dòng đi cùng. Khi chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cho chuyến đi thì cha đến thăm nhà riêng, nên chúng tôi mời cha cùng tham gia. Cha xúc động và đề nghị được giúp đỡ mười gia đình nghèo ven sông.

Và chúng tôi vui cười ngắt ngẻo vì những câu chuyện cha kể trên xe. Cha kể rằng, khi còn là sinh viên y khoa ở Việt Nam, lớp học của cha có một số người rất dễ mến. Sau khi tốt nghiệp là bác sĩ, cha sang Hoa Kỳ và tu dòng trở thành linh mục; còn một người bạn ở lại Việt Nam, mỗi người một cảnh, có người cũng tu và trở thành một vị sư tu ở chùa. Khi cha đến chùa thăm, người bạn kia cứ gọi cha là “thí chủ”, cha bật cười quá mà cố nín cười và đề nghị vị sư kia cứ gọi “tao, mày” như khi còn đi học. Sau đó, vị sư kia và cha cùng xưng tên khi trao đổi. Vị sư cũng vui không kém khi nói với cha rằng: “Hai đứa mình cùng đi tu và có đọc kinh. Đố cha biết tôi sợ kinh nào nhất?”. Cha không trả lời được. Vị sư nói: “Kinh dài cỡ nào mình cũng không sợ, sợ nhất là “kinh tế mới!”.

Cha còn kể, khi về Việt Nam có thăm Hà Nội, cha cắt tóc ở vỉa hè cho tiết kiệm và “khó nghèo” đúng nghĩa. Nào ngờ, khi cắt xong, thay vì lấy tiền Việt tương đương 1 Usd, anh thợ đòi tương đương 5 Usd (giá 20 ngàn VN đồng mà đòi 100 ngàn đồng). Cha hỏi sao mà cao giá thế thì anh ta cầm con dao cạo lên, mài mài vào miếng da cao su rồi trợn mắt nói: “Thế ông muốn bao nhiêu?”. Với cái “hình hài” dữ tợn đó, cha đưa tờ 100 ngàn VN đồng rồi lặng lẽ đi. Và cha còn kể vài chuyện buồn cười khi tu dòng ở Mỹ nữa.

Đến giáo xứ Nước Trong, chúng tôi qua cầu đi bộ vào sân nhà thờ. Chẳng phải thủ tục chào đón rườm rà, chúng tôi tập trung các em ở góc sân nhà thờ và tiến hành trao học bổng. Có 11 em cấp 3 và 15 em cấp 2. Khi nói chuyện với các em, chúng tôi thường hỏi: “Ba con làm gì? Má con làm gì?”. Đa số các cháu trả lời rằng gia đình làm ruộng và làm mướn. Có hai đứa nói mà không rụt rè là: “Con không có ba!”. Các cháu học sinh cấp III nhận được lời khuyên của chúng tôi là: “Con cố gắng học để mai này giúp đỡ gia đình và cống hiến cho xã hội nhé!”. Còn các cháu cấp II thì chúng tôi chỉ nói câu đơn sơ khuyên chung là: “Các con học tốt và ngoan nhiều nhé!” (vì cái tuổi cấp II mà không nghịch ngợm mới là lạ!)

Vừa chụp hình các cháu học sinh xong, có ba đứa bé mời chúng tôi mua vé số. Khi chúng tôi được biết ba cháu này “sáng bán vé số, chiều đi học”, thì các cháu cũng được hỗ trợ một phần tiền mua đồng phục học sinh.

Khi đi 10 km dọc trên sông, chúng tôi mới thấy giáo dân đến nhà thờ xa quá. Nhà dân thưa thớt. Đa số làm ruộng, một số trồng khoai mỡ; những củ khoai mỡ giống xếp bên hông nhà trông rất lạ mắt đối với chúng tôi. Có nhà nuôi trăn, trăn đẻ ra con, nuôi lớn bán được mấy trăm ngàn đồng (khoảng 20 Usd). Nhìn mấy con này, chúng tôi không dám chụp hình. Đến nhà nào, gia đình đó cũng vui hẳn lên, chắc chắn không phải chỉ vì phong bì tiền được tặng mà vì có khách đến thăm nơi ngõ ngách sông nước thế này. Người nghèo Việt Nam thường có hình ảnh quen thuộc: nhà nền đất, có mái lá, đồ dùng cũ kỹ...và một nụ cười chân chất, hiếu khách.

Chúng tôi ra về khi trời còn nắng nhưng đã dịu hơn, cũng như vẻ hăng hái trong chúng tôi đã có phần lắng xuống, ai cũng mệt nhưng vẫn vui trong câu chuyện nói với nhau.

Thăm người già và trẻ em tại giáo xứ Tân Đông

Một buổi sáng thứ bày 29/8/2015, chúng tôi đến nhà thờ Tân Đông, trên địa bàn huyện Thạnh Hóa tỉnh Long An. Có hai cách đến nhà thờ này, một là đi quốc lộ 62 đến cây số 17, đi vào 3 km là đến. Còn xe của chúng tôi đi đường đến Ngã Ba Giồng, theo đường N2, ngang qua bệnh viện Thạnh Hóa, trở lại quốc lộ 62. Đường này có ít xe, đi rất dễ chịu...Cảnh nhà mái lá trên cánh đồng lúa ở hai bên đường vẫn đẹp trong mắt chúng tôi như một bức tranh.

Đến điểm dừng, muốn vào nhà thờ, chúng tôi phải “bưng bê, bốc vác” quà xuống ghe khá nặng nề vì có đường, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt....đó là chưa kể 100 thùng mì gói đã nhờ giáo dân mua dùm.

Ghe đến gần bờ đất nhà thờ, chúng tôi vui khi thấy có một số thiếu nhi đứng chờ ở đó. Nhà thờ đang xây mới. Còn ngôi nhà thờ nhỏ, thấp tè bên cạnh xem chừng như khó chịu nổi gió mưa. Đi vào bên trong, người lớn được mời cũng đang chờ ở gần bờ sông. Một bầu khí vui tươi bao trùm nửa sân nhà thờ. Chúng tôi chẳng bao giờ thấy chán khi làm việc xã hội ở mức độ “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc”, vì ở mỗi nơi, khuôn mặt của Chúa Kitô vui buồn, sướng khổ khác nhau.

Và khi chúng tôi soạn quà ra từng phần, cha xứ cũng mang từ trong kho ra nhiều bao quần áo đã qua sử dụng để phát cho bà con. Một bà nói với chúng tôi: “Một bao như dzậy mang dzề mặc cũng đỡ lắm cô à!” thì chúng tôi hiểu được nhu cầu về “cái ăn, cái mặc” ở đây như thế nào.

Trẻ em ở đây “hiền lành” quá, không chen lấn, không chí chóe ồn ào thế nên mời các em đứng chụp tấm hình chung cũng hơi chậm. Thật ra, khi đến đâu, chúng tôi cũng muốn tiếp xúc với thiếu nhi quần chúng nhưng một ông biện nói rằng: “Các cháu trong khu vực đông lắm, cả ngàn đứa...cô làm sao cho xuể!”, thì đành để “nhà xứ” tùy ý phát phiếu.

Trước khi phát cho người lớn, cha chánh xứ nói vài lời và chúng tôi tiếp lời ngắn gọn. Người dân miền tây thật thà đáng mến làm lòng chúng tôi song song một cảm xúc hai hình ảnh rất riêng: một phong bì và một phần quà mà khuôn mặt họ ánh lên niềm vui còn nhiều người ở Sài Gòn ăn no nê đến nỗi nhìn thức ăn mà chán chường!

Đậm đà nhất là sau bữa cơm trưa có cháo gà, gỏi bắp chuối, canh măng, chúng tôi lại xuống ghe đi thăm bệnh nhân và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Con sông có con nước lớn hơn chuyến đi trước nên cái ghe to thế mà có đoạn cũng chòng chành. Chúng tôi đi vào các nhánh sông, nhiều nhà ở khuất sâu trong đồng. Có ông cụ đã 88 tuổi, ông mang cái áo đẹp nhất ra mặc khi biết chúng tôi đến thăm. Ai bảo ở Mỹ Tho gần thành phố nên cũng không đến nỗi nghèo là chưa đúng đấy nhé!

Còn biết viết gì nữa đây, thôi thì nhờ hình ảnh nói lên cảnh thực của cuộc sống người dân ở đây.

Chúng tôi lên ghe trở ra nơi để xe. Cái khát chạy theo cả đoàn một cách khó chịu. Lên bờ, ngồi xuống quán nước mía có ly to, bổ rẻ, chúng tôi mới tỉnh người lại.

Một tháng 8 đẹp của nhóm Bông hồng Xanh chúng tôi và một trải nghiệm thực tế cho những bạn trẻ tham dự hôm nay.