Từ ngày 15 đến 19 tháng 4 năm 2015, chúng tôi vừa có một chuyến tham quan miền Bắc, thăm một vài nơi ở tây bắc và chia sẻ, gặp gỡ tại hai giáo họ của giáo xứ Tiên Nha, giáo phận Bắc Ninh - một cộng đoàn giáo xứ đang sống trong Năm Thánh, kỷ niệm 100 năm thành lập.

Hình ảnh

Hiện nay, với công cụ tìm kiếm trên mạng, người ta có thể biết nhiều nơi ở đất nước Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung; vì vậy chúng tôi chỉ xin ghi lại trải nghiệm thực tế về chuyến đi này.

Lúc đầu, chúng tôi phải tính toán “từ mùa Chay sang mùa Phục Sinh” vì vừa tham quan vừa chia sẻ có tính xã hội thì “khó ơi là khó”! Thế là chúng tôi “book tour” giá rẻ và có tách rời đoàn để thăm giáo xứ miền Bắc.

Đến giáo phận Bắc Ninh thăm một giáo xứ

Không theo một trình tự tường thuật nào, trước hết chúng tôi xin nói về việc thăm giáo xứ Tiên Nha, là điểm nhấn của chuyến đi.

Đưa xe bốn chỗ lên Hà Nội đón tôi là thành viên của ca đoàn cùng một Sơ trẻ thuộc nhà dòng có linh đạo là truyền giáo, qua đoạn đường dài 70 km. Đường vào nhà thờ trông rất đặc trưng làng quê miền Bắc vì nhà nào cũng có hàng rào bằng gạch; nhà thờ phần nhiều cũng là kiểu truyền thống, có cái tháp cao.

Cha chánh xứ Giuse Nguyễn Quang Thiều đón chúng tôi vẻ thân thiện. Cha đã ở tuổi bảy mươi nhưng trông khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Bữa cơm trưa tại nhà xứ, bên cạnh sông Lục Nam, tuy đơn sơ không bia rượu nhưng ngọt ngào vì có món bầu luộc và đầy tiếng cười vì cha phó quá điển trai nhưng không có duyên bằng hai thầy dòng Tên và một thầy tu triều đang “thực tập” ở đây.

Ở miền Bắc, một giáo xứ có nhiều họ đạo cách xa đến hơn chục cây số nên ngay lúc 13 giờ 00 ngày thứ bảy, chúng tôi đã cùng cha xứ đi vào một nhà nguyện nhỏ, có một số gia đình Công Giáo ở đây, để dự thánh lễ thay ngày Chúa Nhật. Giữa trưa nắng nóng, cùng hòa vào lòng sốt sắng của bà con giáo dân, chúng tôi xúc động khó tả.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, cha xứ giới thiệu chúng tôi là “khách quí”; chúng tôi bước lên gần cung thánh, đáp lời và tặng quà cho điểm truyền giáo này một số tiền để chung sức với anh chị em giáo dân mua cái đàn org đắt tiền, có âm vang hay. Sau khi chụp hình kỷ niệm, chúng tôi ngạc nhiên và dâng trào cảm xúc khi thấy một ông trùm trải chiếu ngay sân nhà nguyện, các bà để xuống đó dưa hấu, dứa (thơm), bưởi và một ít bánh kẹo để mọi người ngồi nhâm nhi chuyện trò cùng nhau. Chúng tôi tiếc khi không thể ngồi lại đó mà thăm hỏi giáo dân vì phải đi đến giáo họ Chũ mà thăm người nghèo và giao lưu với thiếu nhi.

Xe về đến giáo họ Chũ, cách nhà thờ Tiên Nha 20 km, Sơ trẻ vui ra mặt. Nhà nguyện ở sát cổng vào còn các Sơ ở ngôi nhà mới xây sạch đẹp phía cuối phần đất. Cộng đoàn của quí Sơ có ba người, mới ra đây được 18 tháng, thế mà đã làm cho “lòng đạo” giáo họ Chũ “nóng lên” từng ngày, số người khô khan nguội lạnh bớt dần và thánh lễ tối Chúa Nhật có đến trên dưới 200 cả người lớn và trẻ em; Đức Giám Mục của Giáo phận đã có nhiều lời khen tặng.

Được dăm ba phút, chúng tôi và Sơ trẻ bắt đầu đi thăm những gia đình nghèo.

Ở miền Bắc này, không thể tìm ra ngôi nhà lá (biểu hiện sự nghèo nàn) như ở miền Nam. Nhà nào nghèo nhất cũng mua “gạch cay” mà xây thành ngôi nhà vuông vức một gian. Gạch cay rẻ tiền nhất vì được làm bằng đá dăm trộn với xi-măng. Người được cho là nghèo khi không có việc làm, già cả mà không ai nuôi hoặc bệnh tật. Có nhà kia mẹ bỏ đi làm rày đây mai đó, bỏ lại hai đứa con nhỏ cho bà cụ già lết đi bằng ghế; nhìn mặt chúng lem luốc như con mèo, lòng chúng tôi se lại. Thôi thì mỗi nhà mỗi cảnh. Khi đi thăm như thế, chúng tôi gặp một làng nghề lâu năm, làm Mỳ Chũ. Đó là sản phẩm của gạo; gạo ngâm, xay, tráng thành bánh đa, cắt, phơi rồi bó dây lạt thành từng cuộn nhỏ; khi nấu thì sợi dai, mùi thơm và dẻo. Đi ra khỏi làng nghề Mỳ Chũ, lòng chúng tôi thấy vui, vì làm nghề này tuy vất vả nhưng còn hơn là ra cửa khẩu, sang Trung Quốc đi làm thuê.

Ngoài nhà nguyện đẹp, họ Chũ còn có tượng Đức Mẹ mà nhiều người thọ ơn nên có lời truyền rằng Mẹ rất thiêng, mà trong cuốn Tre Ngà – kỷ yếu năm 2012 – của giáo phận Bắc Ninh có hẳn một bài viết về lịch sử và truyền thuyết về Đền Đức Mẹ Chũ, tác giả là Giuse Văn Thành.

Sáng hôm sau, chúng tôi đi thăm một vòng quanh vùng như qua khu Khuân Thần, đến xã Kiên Lao, rồi trở về nhà xứ Tiên Nha. Sau giờ cơm, chúng tôi được chứng kiến giáo dân ở đây tham dự thánh lễ giữa buổi trưa. Trong ngôi nhà thờ cổ kính, có tiếng đọc kinh sốt sắng. Hỏi thăm ba đứa trẻ con ở sân nhà thờ, chúng tôi bật cười. Chúng tôi hỏi: “ Bố con làm gì?” “Bố con đi làm Trung Quốc rồi!”. “Còn mẹ con thì sao?”. Đứa lớn hơn trả lời: “Mẹ cũng đi Trung Quốc rồi!”. “Thế các con có biết Trung Quốc là cái gì không?”. Cả ba đứa trả lời giọng Bắc đặc: “Không ạ!” rồi nhoẻn miệng cười. Khi ruộng nương “rỗi việc”, người trẻ hay đi làm thêm như thế, có một chút thoáng buồn trong lòng chúng tôi. Tỉnh Bắc Giang không có nhiều tài nguyên và điểm du lịch nên nhịp sống có phần thầm lặng. Theo lời anh tài xế thì có nhiều doanh trại quân đội đóng ở tỉnh này, làm “bước đệm” cho tỉnh Lạng Sơn. (“đệm” cho tỉnh Lạng Sơn để làm gì thì xin người đọc vui lòng tự hiểu!).

Rời giáo xứ Tiên Nha, chúng tôi còn một chút tơ vương đọc bản lược sử giáo xứ được in to, dán trên tường mà theo dòng thời gian thăng trầm đến hằng trăm năm.

Rời Bắc Giang bằng con đường đi qua khu Côn Sơn, cầu cổ Cẩm Lý có từ thời Pháp, chúng tôi gặp lại đoàn tham quan mà trở về Hà Nội.

Hành trình trên quê hương miền Bắc

Bay ra Hà Nội khá sớm nên chúng tôi rất phấn khởi chào ngày mới. Đường cao tốc từ Hà Nội lên Lào Cai rộng thoáng, hai bên đường cảnh khá đẹp, một vẻ đẹp rất Việt Nam.

Đoạn đường từ Lào Cai lên Sa Pa làm chúng tôi chết lặng cảm xúc vì hẹp, quanh co những dốc cao; nếu tài xế không là “tay lái lụa” thì dễ “về với Chúa” trong phút chốc! Nhờ người khác quay phim chụp hình, chúng tôi nhắm mắt phó thác.

Đến Sa Pa, chúng tôi cảm nhận ngay một “Đà Lạt” của miền Bắc. Niềm vui xen lẫn một chút khó chịu khi thiếu đèn đường, thị trấn chỗ sáng chỗ tối. Những người địa phương bán hoa quả, đặc sản vùng miền cũng bị bóng tối che đi một nửa. Những người dân tộc, đa số là phụ nữ và trẻ em, tụ tập trước khoảng trống nhà thờ như những bóng mờ di chuyển để bán những sản phẩm làm bằng tay. Một anh xe ôm cho biết, những người dân tộc ban ngày làm nương rẫy, buổi tối tụ tập ở đây; người ta nói với du khách rằng, không nên cho họ tiền vì sáng hôm sau họ sẽ không còn tha thiết với nương rẫy và trẻ con chẳng muốn đến trường học. Chúng tôi chỉ cười; chia cho con họ những cái áo thun hay cho các bà mẹ đang địu con một ít tiền thì cũng giống như hình ảnh Chúa nói với các tông đồ: “Các con hãy cho họ ăn đi” mà thôi!

Sáng sớm, sương mù bao phủ thị trấn Sa Pa hẳn là làm du khách không tiếc công đến đây. Hăm hở cười cười nói nói, đoàn tham quan chúng tôi đi vào bản Cát Cát. Con đường đá nhỏ xuống từng bậc, từng bậc vòng quanh bản thành một đường khá đẹp. Có suối có thác rất thơ mộng. Hai bên con đường đá ấy là những cửa hàng to nhỏ khác nhau của người dân tộc. Nhiều trẻ em và người già “nhôi nhai” nghèo nàn. Chúng tôi trao tay những đồng tiền mệnh giá 20.000 và 50.000 đồng VN (1 usd và 2,5 Usd) mới toanh như là một chút chia sẻ cho người già và trẻ em. Những người cùng khổ gặp bên đường thì chỉ “từ thiện” chứ làm sao mà “xã hội” được!

Từ dưới bản đi dần lên, chúng tôi được thưởng thức bài múa của người dân tộc với trang phục đủ sắc màu. Đến đây, còn 300 mét nữa mới lên mặt đường nhựa, chúng tôi không đi nổi, cầm nhờ bàn tay một thanh niên mà cố bước từng bậc đá, lòng thầm hát: “Ôi, đường xa quá con hết hơi rồi, Chúa con thật hết hơi rồi.....”.

Ghé vào Thác Bạc, chúng tôi ăn cơm lam, khoai nướng và gặp gỡ, chia sẻ cho một số người bán mật ong rừng nơi đây, thấy lòng nhè nhẹ vui vui dù cái nắng trưa của núi rừng cũng không kém gay gắt.

Bỏ qua việc thăm bản Tả Van, chúng tôi cứ tiếc hùi hụi, thầm trách anh hướng dẫn viên đoàn tham quan. Rồi ghé vào nhà thờ Sapa, cha quản nhiệm Phêrô Phạm Thanh Bình tươi cười bắt tay chúng tôi, miệng cha bật ra: “Chị Maria Vũ Loan!”. Chúng tôi vui vì hiểu tại sao cha cởi mở như vậy, chắc chắn là nhờ truyền thông Công Giáo. Cha cho xem qua phía sau nhà thờ, nơi đây còn chưa được sạch đẹp vì là nơi ở tạm của các em học sinh cấp 3 đến trọ học. Tiếc hơn nữa, cha mời chúng tôi đi cùng một đoàn quí ông từ thành phố Việt Trì lên, sắp sửa đi vào thăm bản làng, nhưng chúng tôi không thể nào đi được, đành chụp hình kỷ niệm với cha bên hông ngôi nhà thờ đá Sapa đặc biệt đó.

Quay lại Lào Cai, chúng tôi được thăm khu có cửa khẩu tiếp giáp Trung Quốc. Con sông ngăn hai bên và cây cầu nối đường đi qua đi lại không rộng lắm nhưng trong lòng chúng tôi, khoảng cách này thì vẫn còn “rộng vô cùng”!

Trở về Hà Nội, đi quanh hồ Gươm và được thăm phố cổ, lòng chúng tôi có nhiều suy tư: Hà Nội đông đúc và chật chội quá! Nhiều cửa hàng bé tí, người bán hàng nhỏ lẻ, bán rong trên phố chợ ở trong độ tuổi lao động khá nhiều. Anh thợ hớt tóc đặt cái ghế ngay bên đường để cắt tóc cho khách rất vô tư....Thôi thì xã hội mà!

Đi qua nhiều tỉnh của miền Bắc, chúng tôi gặp được bài thơ, xin được trích ra bốn câu:

“Tôi đã về bến cội nguồn đất tổ,
Với đồi chè, rừng cọ giải sông Lô
Tôi đã về đây với tình thơ...
Rộn khúc nhạc hòa ca cùng sông núi...


Bay về Sài gòn lúc trời vừa tối, tay khệ nệ chút quà miền Bắc, chúng tôi thấy lòng nhẹ như bông khi đi qua hành trình Sàigòn – Hà Nội – Lào Cai - Sapa – Hà Nội -Bắc Giang, nhưng chỉ có quà tặng và phong bì tiền đã chia sẻ mới làm cho lòng chúng tôi thênh thang thật sự. Xin cảm ơn những người dân tộc ở Sapa và những giáo dân chân chất đã nhận quà tặng của ân nhân từ tay chúng tôi.