Ngày vọng Lễ Mẹ Lên Trời, 14/8/2009, để chào mừng năm học mới, nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh chúng tôi tổ chức chuyến đi Đồng Tháp. Dù trở lại một địa danh đã từng đến nhưng chúng tôi vẫn háo hức vì chuyến đi này có một số thành viên chính thức đã sinh hoạt trong nhóm nhiều năm, hứa hẹn một cuộc gặp gỡ toàn tiếng cười.

Xem hình ảnh

Thăm một trường Trung học cơ sở

Để chuẩn bị cho “mùa học bổng” với các chuyến đi, tôi cứ tính tới tính lui: chia thành nhiều tốp nhỏ, đi xe khách công cộng thì sẽ đỡ tốn tiền, nhưng ngặt nỗi đang mùa “cúm heo” A/H1N1 nên đi xe khách có nguy cơ nhiễm bệnh, vì thế các bạn đã đóng góp tiền thuê xe hơi để đi, một sự sang trọng bất đắc dĩ, không lấn vào phần của người nghèo. Ngày xưa, khi các bạn còn là sinh viên, có người nghĩ rằng nếu bắt các thành viên đóng tiền thì nhóm sẽ khó hoạt động, nhưng không, nhờ Chúa chúc phúc, chúng tôi cũng thực hiện công việc trôi chảy.

Cách đây hai năm, nhóm Bông Hồng Xanh đến trường Tân Phú thuộc huyện Thanh Bình, tôi có hứa hẹn với các cháu năm học sau trở lại nhưng mùa hè năm ngoái tôi bị bệnh bất ngờ nên không thực hiện lời hứa. Thất hứa là một việc làm không tốt vì thế, khi được sự giúp đỡ của quí cha và quí ân nhân, tôi nghĩ ngay đến ngôi trường vùng sâu còn nghèo này.

Trường học hớn hở đón tiếp chúng tôi, có thầy giáo trẻ còn hỏi tôi “Băng- rôn cắt chữ màu gì hở cô?” Tôi trả lời đại là màu xanh, nào ngờ nhà trường cắt hàng chữ “Trao học bổng Bông Hồng Xanh” to đùng, làm chúng tôi thật ngại ngùng; dù nhóm cho những phần học bổng và còn tặng nhà trường thêm một số tiền để hỗ trợ về cơ sở vật chất. Đáp lại, để trân trọng các em chúng tôi cũng làm những tấm bìa nhỏ in chữ HỌC BỔNG và dán phong bì tiền vào phía sau để trao cho các em được lịch sự.

Rồi nhà trường còn tổ chức cách trao học bổng thật trang trọng, có Ban giám hiệu và các thầy cô tham dự. Lần này, tôi phát biểu không được hay cho lắm nhưng chắc chắn là chân thành. Các bạn Bông Hồng Xanh xếp bánh kẹo ra những chiếc đĩa để mời. Khung cảnh đơn sơ nhưng làm tôi thật cảm động, ba chục năm làm việc trong ngành giáo dục, tôi vẫn cứ thấy yêu mến trường lớp và học trò làm sao!

Sau đó chúng tôi đến thăm gia đình một vài em để hiểu thực tế hoàn cảnh các cháu ở đây. Có lẽ phải trao học bổng cho hết 380 em ở trường học này mới đúng vì ở đây còn nhiều khó khăn. Một thầy giáo nói: “Cả một năm chỉ đóng 250 ngàn tiền học (khoảng 15 USD) mà cha mẹ học sinh cứ èo uột mãi mới đóng được, còn hẹn tới hẹn lui!”. Tôi thầm nghĩ, ở Sài Gòn, hai người mà dắt nhau vào Lotteria hoặc KFC để ăn cánh gà chiên thì thoáng một cái đã hết một phần học bổng này rồi.

Sau đó thầy hiệu trưởng có nhã ý mời chúng tôi đến khu du lịch Gáo Giồng ở cách đó 20 km, máu du lịch sẵn có chúng tôi thích chí đồng ý đi ngay.

Con đường vào khu du lịch Gáo Giồng khá thơ mộng vì một bên có đồng lúa xanh mướt, một bên là cánh đồng ngập nước, có những cây mọc không theo hàng. Khi mua vé xong chúng tôi được hướng dẫn vào căn nhà lá uống trà, ăn hạt sen nướng, được xem thuyết minh trên màn hình về vùng Đồng Tháp này. Sau đó, lên một tháp canh bằng sắt, ghé vào ống nhòm xem cò đang bay về đậu trên cánh đồng rất nhiều; xuống ghe chèo thuyền vào bên trong khu rừng chàm gần nơi những con cò đậu. Vé vào cổng và chèo thuyền chỉ 1 đô rưỡi mà thôi.

Thật thú vị khi nhìn các cô gái mặc quần áo Nam bộ chèo thuyền. Thầy hiệu trưởng giải thích rằng cây chàm để làm cừ trong xây dựng nhà cơ bản, những cây xấu xí thì làm củi đốt, người ta ươm cây con rồi mang vào đây trồng, nước bị váng lại nhiễm phèn và đục vàng quanh năm vì là nước mưa đọng lại. Thuyền dừng lại cuối con đường vì người ta không cho lại gần đàn cò, sợ chúng sẽ bỏ đi luôn và vì cái kiểu nghịch ngợm bắn ná của các thanh niên. Đi giữa dòng nước mới thấy con người mình nhỏ bé làm sao nhưng nhìn hàng cây mới thấy làm kiếp người vui hơn dẫu có khổ vì ở đây vắng vẻ quá!

Ở khu du lịch này có nhiều món ăn đặc sản như cơm gạo huyết rồng, rắn um, rùa xào, cá lóc nướng trui ăn với nước mắm dầm me. Thế nên khi ông hiệu trưởng cất lời mời dùng cơm tối tại đây, các bạn trẻ có vẻ thích nhưng tôi từ chối vì nghĩ sâu xa về chuyện ăn uống khi đi công tác xã hội. Có bạn nói: “Một cơ hội tốt để nhậu mà “má Loan” hổng chịu, tội nghiệp tụi mình ghê!”. Xe ra khỏi khu du lịch, lòng tôi se lại vì dọc theo con đường phía ngoài này, có nhiều nhà lá ở rải rác. Sao họ vẫn còn nghèo như thời đầu thế kỷ 20 thế nhỉ!

Trời đã sập tối, chúng tôi sang Cù Lao Tây mà lòng lo lắng không biết tàu phà ra sao. Dù vẫn là địa danh Đồng Tháp nhưng chẳng có chuyến đi nào giống nhau, cảm xúc vẫn khác nhau khi thời gian, con người gặp gỡ luôn thay đổi.

Trở lại Cù Lao Tây lần thứ hai

Chúng tôi trở lại Cù lao Tây, nơi có 6 nhà thờ với trên 20 ngàn giáo dân, để đến trọ tại nhà thờ Fatima Tân Quới. Bữa cơm tối thật ngon miệng vì xe đi loanh quanh lạc lối nên chúng tôi thấy đói cồn cào và mệt. Nơi trọ không được tiện nghi lắm nhưng thế nào thì cũng phải hãm mình thôi. Thỉnh thoảng khi đi công tác, chúng tôi nói chuyện hay ca hát đến nửa đêm nhưng tối hôm nay cúp điện, chúng tôi đọc kinh trước tượng Đức Mẹ rồi đi ngủ. Thật bất hạnh cho chúng tôi, cúp điện ở vùng này thì muỗi nhiều và nóng kinh khủng!

Sáng hôm sau chúng tôi tham dự thánh lễ với cộng đoàn giáo dân ở đây. Thật là ngộ, nếu ở vùng Long Xuyên người ta đọc kinh giọng Nam bộ đều đều thì ở Cần Thơ giọng đọc trong và cao lanh lảnh, còn ở đây cũng là giọng đọc Nam bộ nhưng lại có lay láy một chút ở cuối câu, có phần đặc trưng Đồng Tháp một chút.

Sau đó chúng tôi được gặp gỡ các cháu thiếu nhi, trao học bổng và quà học tập, được dự lễ chào cờ của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và chứng kiến các em thi đấu trò chơi. Tuy trông chúng không nghèo nàn qua cách ăn mặc nhưng dân ở trên cù lao này cũng chẳng giàu có gì nhiều, chi phí cho chuyện học hành đối với nhà hai ba đưa con cũng là mệt. Nhất là đối với những gia đình có làm nghề tái chế bọc ni –lon.

Nếu lần trước chúng tôi ghé thăm khu vực trồng ớt thì lần này cha sở dẫn chúng tôi xem tận mắt nơi người ta chế ra những hạt nhựa từ rác bọc ni-lon và đồ nhựa phế thải.

Chúng tôi chịu không nổi vì một mùi hôi nồng nặc xông ra khi bước đến gần chỗ người đàn bà đang lựa bọc ra từng loại, loại cứng ra cứng, mềm ra mềm. Thật tội nghiệp, ngày Chúa nhật mà ngồi giữa mùi hôi thối để kiếm tiền. Một ngày khoảng 3 đô rưỡi. Sau đó người ta đem giặt những thứ đã được lựa đem vào máy bằm, tức là máy cắt ra thành mảnh nhỏ, rồi đem phơi. Phơi xong đem vào máy nấu, nhựa chảy ra, được máy ó làm cho săn lại thành những hạt nhựa nhỏ, đen, cứng; rồi chúng lại được đem đi tái chế thành đồ dùng gia dụng như chậu thau, dép, bàn ghế nhựa…

Cực nhất là những người giặt ni-lon, đôi tay bị nước ăn, rồi bị ghẻ. Cha sở nói khi lên rước lễ, những đôi bàn tay đen thui đưa ra để nhận Mình Thánh Chúa, thấy tội nghiệp cho giáo dân ở đây. Nói chung là những người làm nghề này thường bị lao phổi, xanh xao. Trên cù lao có 5 xã mà có đến 14, 15 bãi rác nằm ngay giữa khu dân cư, những gia đình cam sống quanh đó có khi ăn cơm phải giăng mùng vì ruồi nhiều quá, còn khi mưa xuống thì mùi hôi thối xông lên đành phải cam chịu. Mà cả cái cù lao ấy với trên 20 ngàn dân cư thì chỉ có một cái trạm xá. Cũng may là cái phà làm việc suốt ngày đêm nên sẽ mang bệnh nhân nặng đi bệnh viện.

Hai năm mới được trở lại đây, đi quanh đảo tôi thấy có thêm mấy chục căn nhà mọc lên nhưng mức sống vẫn chưa khá giả. Tôi nói với các bạn trẻ: “Giá mà chị là tài tử Holywood, chị đầu tư vào cù lao này biến đây là một khu dân cư lý tưởng không mùi hôi.” Các bạn nhao nhao trả lời: “Người ta đóng phim Bố Già, chắc là chị đóng phim “Má Già” sẽ nổi tiếng, kiếm vài trăm triệu đô-la ha ha!” Bạn khác triết lý: “Có một đồng mà sử dụng đúng còn quí hơn cả triệu đô la.” Tôi nghĩ, bạn này nói đúng, trên thế giới có một số ngôi sao, trong các lãnh vực, nổi tiếng xài tiền thiếu khôn ngoan va2hoang phí quá!

Kết thúc chuyến đi

Thật tình mà nói, mỗi lần đi công tác xa nhà một đêm là chúng tôi thấy nhớ những tiện nghi ở Sài Gòn, nhất là việc tắm việc ngủ nhưng chính nhờ vậy mà chúng tôi cảm thông hơn cho cuộc sống ở tỉnh, ở vùng sâu vùng xa.

Đến thế kỷ này mà nhiều người ở vùng quê Việt Nam còn sống trong nhà lá thì không thể hiểu nổi họ nghĩ gì khi trông thấy những cảnh sang trọng trên các kênh truyền hình. Cả một cù lao mà ít có một tiệm ăn nào trông cho tươm tất, sạch sẽ, sang trọng. Không một nơi giải trí có tầm cỡ dành cho thanh thiếu niên, không một bệnh viện. Nếu không làm nghề lựa, giặt, băm phơi bọc ni-lon thì nhiều người không biết làm gì để sống.

Những đứa trẻ ở đây nếu muốn đổi đời chỉ còn có cách là học giỏi, mà giỏi làm sao được khi cha mẹ chúng sống bằng nghề làm rác? Cha mẹ chúng có đủ sức cho chúng học đại học không khi ngửi mùi hôi thối đến xanh xao?

Chắc là chỉ có bàn tay yêu thương của mọi người, cùng chung sức chăm lo cho vấn đề lớn của xã hội, ảnh hưởng đến cả đời người là giáo dục mà thôi!

Xin liên lạc Maria Vũ Loan email: yeutrehepho@yahoo.com