Bài sau cùng trong loạt 3 bài của Mimi Lau trên South China Morning Post về thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung Quốc nói đến việc người Công Giáo Trung Hoa tiếp tục bị bách hại bất chấp thỏa thuận tạm thời này. Xin xem nguyên văn tại https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3093851/vatican-china-agreement-catholics-keep-faith-historic-deal.
Nếu Đức Cha James Su Zhimin vẫn còn sống, ngài đã bước sang tuổi 88 trong tháng này. Mặc dù ngài đã không được nhìn thấy trong 17 năm, Đức Cha Su vẫn được Tòa Thánh, cơ quan quản trị hoàn cầu của Giáo Hội Công Giáo, liệt kê như là Giám mục Bảo Định ở tỉnh Hà Bắc Trung Quốc.
Giữa năm 1956 - 5 năm sau khi Vatican và Bắc Kinh cắt đứt liên hệ ngoại giao - và năm 1997, Đức Cha Su đã bị bắt ít nhất 8 lần, sống hơn 30 năm trong các nhà tù và cơ sở cải tạo lao động vì từ chối từ bỏ lòng trung thành với Giáo hoàng để gia nhập Giáo Hội Công Giáo do nhà nước điều khiển tại Trung Quốc.
Ngài được nhìn thấy lần cuối cùng vào năm 2003, khi ngài đang ở trong bệnh viện. Kể từ đó, không ai có bất cứ tin tức nào về ngài và chính quyền đã im lặng về tung tích và tình trạng của ngài. Nhiều người sợ ngài có thể đã qua đời.
Người ta từng hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ sẵn sàng chia sẻ thông tin về các giám mục gọi là hầm trú như Đức Cha Su khi Bắc Kinh và Vatican ký kết thỏa thuận 2 năm trước để giải quyết vấn đề đã có từ hàng chục năm về việc phong chức giám mục ở Trung hoa đại lục.
Tuy nhiên, có vẻ như thỏa thuận, sẽ hết hạn vào tháng 9 trừ khi được gia hạn, đã đóng góp rất ít vào con đường xích lại gần nhau giữa Tòa thánh và Bắc Kinh hoặc vào tự do hơn cho người Công Giáo ở Trung Quốc.
Các chi tiết chính xác của thỏa thuận là điều bí mật nhưng chủ yếu, nó cố gắng giải quyết các xung đột liên quan đến các bổ nhiệm giám mục ở Trung hoa đại lục, trong đó, Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ có quyền phủ quyết đối với các ứng viên. Tuy nhiên, quyền hạn đó vẫn chưa được thử nghiệm vì không có giám mục mới nào được chọn kể từ khi thỏa thuận được ký kết.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong một bản trả lời cho South China Morning Post, cho rằng thỏa thuận được thực hiện suông sẻ.
Theo ông “Cả hai bên sẽ tiếp tục duy trì thông đạt chặt chẽ về việc thi hành thỏa thuận và đàm phán các dàn xếp liên hệ nhằm thúc đẩy việc cải thiện liên tục mối liên hệ”.
Văn phòng báo chí Tòa Thánh từ chối bình luận.
Vào tháng 6 năm ngoái, Vatican đã công khai yêu cầu Bắc Kinh ngừng gây áp lực đối với các giáo sĩ muốn trung thành với Đức Giáo Hoàng phải nói rằng họ chấp nhận các nguyên tắc độc lập, tự trị và tự quản của Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc.
Theo một nguồn tin Công Giáo có hiểu biết về các cuộc đàm phán thỏa thuận năm 2018, các nhà đàm phán của Vatican thường xuyên nêu các trường hợp đàn áp các giáo sĩ hầm trú trong các cuộc họp với các đối tác Trung Quốc.
Nguồn tin trên nói rằng “Vatican ý thức rằng thỏa thuận sẽ không giải quyết mọi chuyện. Nó chỉ đơn giản cung cấp cơ sở để giải quyết một cuộc xung đột tôn giáo chủ chốt, nhưng nhiều nhà lãnh đạo và phê bình chính trị đã nhìn thỏa thuận này qua lăng kính chính trị”.
Tên của một số giáo sĩ, bao gồm các Đức Cha Su, Thaddeus Ma Daqin - giám mục Thượng Hải, người đã bị quản thúc tại gia trong nhiều năm - và Augustine Cui Tai - giám mục Xuanhua ở tỉnh Hà Bắc, người đã bị bắt vào tháng trước - đã được nêu ra.
Nguồn tin này cho biết “Lần nào, tên của họ cũng được nêu ra nhưng chỉ nhận được lời bào chữa, chẳng hạn như chính quyền địa phương không hợp tác”.
Ngồn tin trên nói, có ý ám chỉ Đức Cha Su, “Có rất nhiều dối trá và [Vatican] biết rõ điều đó. Trung Quốc có kỹ thuật tiên tiến như vậy để theo dõi và truy tìm các công dân của mình, làm sao họ không biết nơi ở của một người đã mất tích gần 20 năm”.
Khi Vatican và Bắc Kinh cắt đứt liên hệ ngoại giao vào năm 1951, chủ nghĩa Cộng sản bị Rôma coi là “kẻ thù của đức tin” và Giáo Hội Công Giáo đã bị đuổi ra khỏi Trung Quốc. Thay vào đó, Bắc Kinh thành lập cơ quan Công Giáo tự trị của riêng mình - độc lập đối với Tòa thánh.
Trong nhiều thập niên, các giám mục được Đức Giáo Hoàng phong chức sẽ mất hiệp thông nếu họ gia nhập Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc do nhà nước điều khiển; hiệp hội này bổ nhiệm các giám mục mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng. Mặt khác, các giám mục quyết chí trung thành với Đức Giáo Hoàng thường bị quấy nhiễu, gây áp lực hoặc thậm chí bị bỏ tù.
Đồng thời, các người thực hành tôn giáo ở Trung Quốc cũng nhắc đến việc thắt chặt tự do trong những năm gần đây khi chính quyền thi hành chính sách “trung hoa hóa” đối với các tôn giáo, nhấn mạnh lòng trung thành với nhà nước và Đảng Cộng sản. Họ cho rằng chính sách này đã được áp dụng một cách toàn diện, ảnh hưởng đến mọi tôn giáo từ Công Giáo và Tin lành đến Hồi giáo.
Theo chính sách hạn chế trên, các ảnh tượng, biểu tượng tôn giáo như thánh giá và các tòa nhà linh thiêng như nhà thờ, đền thờ Hồi giáo và tu viện Phật giáo đã bị dỡ bỏ. Các chính sách khắc nghiệt nhằm phá hủy các hoạt động tôn giáo của Hồi giáo ở Tân Cương và dẹp bỏ các hỗ trợ đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng vẫn tiếp diễn.
Những người dưới 18 tuổi đã bị cấm vào các địa điểm tôn giáo, và việc bán các ấn phẩm tôn giáo kể cả nghiên cứu học thuật đã bị kiểm soát chặt chẽ kể từ năm 2018.
Chiến thuật gây áp lực nặng nề như vậy đã giải thích lý do tại sao nhiều người Công Giáo vẫn tiếp tục từ chối tham gia Giáo Hội do nhà nước kiểm soát bất chấp sự hoà dịu trong các mối liên hệ giữa Vatican và Bắc Kinh trong những năm gần đây.
Một nhà nghiên cứu hàng đầu của chính phủ về Kitô giáo nói với tờ Post rằng các chính sách đàn áp tôn giáo của Trung Quốc đã làm tổn thương hình ảnh quốc tế của họ và góp phần vào sự bất ổn trong nước.
Nguồn tin từ một đảng viên Cộng sản và yêu cầu không nêu tên cho rằng “Điều trên bắt nguồn từ một quan điểm mácxít lỗi thời, coi tôn giáo là một chủ nghĩa duy tâm lạc hậu và phản động, và đàn áp cũng như ngăn chặn là phản ứng duy nhất”.
Người trên nói rằng “Tôn giáo và các tín hữu tôn giáo là sản phẩm của một xã hội đang diễn biến. Hoàn toàn phủ nhận giá trị của tôn giáo ngày nay không khác gì phủ nhận hoàn toàn giá trị của xã hội chúng ta. Đây là sự tự phá hoại nguyên tuyền”.
Nhà nghiên cứu trên đã qui lỗi cho các nhà chức trách Trung Quốc đã xem thường tính phức tạp của tôn giáo ở Trung Quốc và coi các tín hữu là “các lực lượng đối lập”.
Ông nói: “Nhưng cuộc đàn áp sẽ chỉ dẫn đến việc gia tăng nhanh hơn các nhóm tôn giáo trái phép, đặc biệt là các Kitô hữu. Tôi chưa bao giờ lo lắng về chính sách tôn giáo của chúng tôi hơn lúc này sau nhiều thập niên nghiên cứu nó”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phải đối đầu với nhiều lời chỉ trích vì phương thức chủ trương không đối đầu của ngài đối với Trung Quốc và không vận động được một cuộc bảo vệ hữu hiệu đối với lợi ích của hàng giáo sĩ hầm trú.
Người có kiến thức về các cuộc đàm phán thỏa thuận Trung Quốc-Vatican nói rằng có rất ít điều Vatican có thể làm vào thời điểm này.
“Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phạm một sai lầm to lớn bằng cách tuyên chiến với tôn giáo. Khi bạn tấn công tôn giáo, bạn sẽ chỉ tạo ra những công dân không hài lòng và điều này đe dọa sự ổn định trong nước".
Ông nói: “Ở đây, tôi không chỉ nói về người Công Giáo, mà là mọi tôn giáo khác”.
Tuy nhiên, theo người trên, người ta nên nhìn vào bức tranh lớn hơn thay vì chỉ tập chú vào cuộc đàn áp; ông trích dẫn thí dụ của giáo phận Ôn Châu, một giáo phận tổ chức hơn 3, 000 cuộc rửa tội vào năm ngoái dưới sự lãnh đạo của giám mục hầm trú Shao Zhumin, người vẫn là mục tiêu bị chính quyền địa phương nhắm vào thường xuyên.
Người nói trên cho hay “Chúng tôi không thể chỉ tập trung vào việc bách hại nếu không chúng tôi sẽ bỏ lỡ bức tranh lớn hơn. Nay không phải là thời gian để bỏ đi mặc dù dường như không có gì có thể thay đổi”.
“Giáo Hội phải tiếp tục thắp lên ngọn nến hy vọng, chỉ tin tưởng vào Thiên Chúa mới có thể mang đến sự thay đổi. Nếu chúng ta mất hy vọng, chúng ta sẽ mất tất cả mọi điều”.