II. Những xem xét nền tảng

7. Ngày nay, một số xem xét nền tảng rất hiển nhiên dưới nhãn quan tất cả những ai, vượt quá bất cứ lý thuyết hoặc trường phái tư tưởng nào, muốn tìm hiểu tình hình lịch sử mà chúng ta đang sống. Văn kiện này không có ý định can thiệp vào các cuộc thảo luận hợp pháp của các trường phái, mà đúng hơn đóng góp vào cuộc đối thoại, vì ý thức rằng, trong mọi trường hợp, không có công thức kinh tế nào có giá trị ở khắp mọi nơi và ở khắp mọi thời.

8. Bất cứ thực tại hoặc hoạt động nào của con người, sống trong chân trời đạo đức công chính, nghĩa là trong sự tôn trọng nhân phẩm và hướng tới ích chung, đều là một điều tích cực. Điều này có giá trị đối với mọi định chế mà xã hội loài người từng kích thích tạo ra, cả với các thị trường, ở mọi bình diện, kể cả các tổ chức tài chính.

Về vấn đề này, phải nhấn mạnh rằng ngay các hệ thống được thị trường tạo ra, trước khi dựa vào các động lực ẩn danh, nhờ việc sử dụng các kỹ thuật ngày càng tinh vi hơn mà được phát triển, cũng dựa trên các mối tương quan không thể được thiết lập mà không có sự tham gia tự do của các cá nhân. Do đó, điều rõ ràng là, "giống như các lĩnh vực khác của hoạt động con người, muốn vận hành một cách đúng đắn, kinh tế cần đến đạo đức; không phải bất cứ nền đạo đức nào, nhưng là một nền đạo đức thân thiện với con người"[14].

9. Do đó, điều xem ra rõ ràng là, nếu không có một viễn kiến chính đáng về con người, người ta không thể thiết lập được một nền đạo đức hay một thực hành xứng đáng với phẩm giá của họ và ích chung thực sự. Thực thế, dù cho rằng nó trung lập hay tách rời mọi ý niệm căn bản như thế nào đi nữa, mọi hành động của con người - cả trong lĩnh vực kinh tế - luôn bao hàm một cái hiểu về con người và thế giới, một cái hiểu luôn cho thấy giá trị của nó qua các hiệu quả và các phát triển nó tạo ra.

Theo nghĩa này, thời đại của chúng ta tự chứng tỏ đã có một tầm nhìn giới hạn về con người nhân bản, khi con người bị hiểu một cách cá nhân và chủ yếu như một người tiêu thụ, mà lợi ích hệ trước nhất ở việc tối ưu hóa thu nhập tiền tệ của họ. Tuy nhiên, con người nhân bản thực sự sở hữu một bản chất có tính tương quan độc đáo và có cảm thức về một cuộc tìm kiếm muôn thuở các thành quả và phúc lợi có thể toàn diện hơn, và không thể bị rút gọn vào thứ luận lý học tiêu thụ hoặc các khía cạnh kinh tế của đời sống [15].

Bản chất có tính tương quan nền tảng của con người nhân bản [16] có đặc tính chủ yếu là tính thuận lý biết chống lại một tầm nhìn giản lược đối với các nhu cầu căn bản của người ta. Về phương diện này, không thể im lặng khi đối diện với xu hướng ngày nay là sự vật hóa (reify) mọi trao đổi “thiện ích” như thể đây không là gì khác hơn là một cuộc trao đổi đơn thuần “các sự vật”.

Trong thực tế, điều hiển nhiên là trong việc chuyển giao hàng hóa giữa con người với nhau luôn có một điều gì đó hơn là hàng hóa vật chất, vì sự kiện này là hàng hóa vật chất thường là những phương tiện chuyên chở các thiện ích phi vật chất mà sự hiện diện hoặc vắng mặt cụ thể của chúng xác định dứt khoát phẩm chất của chính các mối tương quan kinh tế (như, sự tin tưởng, công bằng và hợp tác). Chính ở bình diện này, người ta có thể hiểu rõ rằng luận lý học của việc cho đi mà không nhận lại gì không phải là một điều thay thế cho, mà đúng hơn là một điều dính liền và bổ sung cho việc trao đổi hàng hóa tương đương [17].

10. Người ta dễ dàng nhận thấy các lợi thế của một viễn kiến về con người nhân bản hiểu như từ bản chất vốn được lồng vào một mạng lưới tương quan tự chúng vốn là một nguồn tài nguyên tích cực. [18] Mỗi người được sinh ra trong một môi trường gia đình, nghĩa là giữa lòng các tương quan có trước họ mà không có chúng, họ không thể nào hiện hữu được. Sau đó, họ trải qua nhiều giai đoạn của cuộc sống, lúc nào cũng nhờ đến các mối dây nối kết họ vào thế giới như một tự do không ngừng được chia sẻ. Đấy chính là các mối dây nối kết nguyên thủy xác định con người như một hữu thể tương quan và trong yếu tính được in dấu bởi điều Mặc Khải Kitô Giáo gọi là “hiệp thông”.

Bản chất nguyên thủy của sự hiệp thông này, trong khi biểu lộ nơi mỗi con người dấu vết của mối tương quan với Thiên Chúa, Đấng đã tạo nên và kêu gọi người ta bước vào mối tương quan với chính Người, cũng là điều tự nhiên hướng con người đến đời sống hiệp thông, nơi nền tảng để họ tìm đựợc sự thành toàn của mình. Việc ta thừa nhận đặc tính này như một yếu tố nguyên thủy và cấu thành ra nhân dạng của chúng ta, cho phép chúng ta nhìn những người khác không chủ yếu như những đối thủ khả hữu, mà đúng hơn, như các đồng minh khả hữu, trong việc xây dựng thiện ích, một thiện ích chỉ chân chính nếu biết quan tâm tới mỗi người và mọi người cùng một lúc.

Nền nhân học tương quan như vậy giúp con người nhân bản nhận ra tính hợp lệ của các chiến lược kinh tế nhằm trước hết cổ vũ phẩm chất đời sống hoàn cầu, trước khi mở rộng lợi nhuận một cách không phân biệt, dẫn đường hướng tới phúc lợi toàn diện của trọn vẹn con người và mọi người. Thực vậy, không lợi nhuận nào là hợp pháp khi nó không nhắm mục tiêu như phát huy toàn diện con người nhân bản, hàng hóa dành cho mọi người và ưu tiên chọn người nghèo. [19] Đây là ba nguyên tắc bao hàm và nhất thiết hướng đến nhau, nhằm xây dựng một thế giới công bằng và thống nhất hơn.

Vì lý do này, sự tiến bộ trong một hệ thống kinh tế không thể chỉ được đo lường bằng các tiêu chuẩn định lượng và định lợi nhuận, mà còn trên cơ sở phúc lợi, biết coi một hàng hóa không chỉ đơn thuần có tính vật chất. Mọi hệ thống kinh tế sẽ hợp pháp nếu nó triển nở không chỉ nhờ sự phát triển trao đổi có tính định lượng mà còn bởi khả năng biết cổ vũ sự phát triển của toàn bộ con người và của mọi người. Phúc lợi và phát triển cả hai đòi hỏi và hỗ trợ lẫn nhau, [20] kêu gọi các chính sách và quan điểm lâu dài vượt xa các ngắn hạn. [21]

Về phương diện này, điều đặc biệt đáng ước mong là các định chế như đại học và trường kinh doanh cả hai nên thấy trước và cung cấp, như một yếu tố căn bản chứ không chỉ có tính bổ sung trong chương trình học của họ, một chiều kích đào tạo nhằm giáo dục sinh viên hiểu kinh tế học và tài chính dưới góc độ một viễn kiến tổng thể về con người nhân bản và tránh chủ nghĩa giản lược chỉ thấy một số chiều kích của con người. Cần có một nền đạo đức để thiết kế việc đào tạo như thế. Học thuyết xã hội của Giáo Hội sẽ là một sự trợ giúp đáng kể trong việc nối kết này.

11. Do đó, phúc lợi phải được đo bằng các tiêu chuẩn toàn diện hơn tổng sản lượng nội địa của một quốc gia (GDP), và, thay vào đó, phải tính đến các tiêu chuẩn khác, ví dụ, sự an toàn và an ninh, sự tăng trưởng của “vốn nhân bản”, phẩm chất mối tương quan nhân bản và việc làm. Có thể theo đuổi lợi nhuận nhưng không được “bằng mọi giá”, cũng không như một mục tiêu tổng bộ hoá hành động kinh tế.

Ở đây, sự hiện diện của các tiêu chuẩn nhân bản hóa và các biểu thức văn hóa biết đánh giá tính cho không (gratuité), cả hai, đã được chứng minh là hữu ích và mang tính điển hình. Tóm lại, việc phát hiện và thực thi điều đúng và điều chính đáng, coi chúng như các thiện ích ngay trong chúng, trở thành qui tắc để đánh giá. [22] Lợi nhuận và tình liên đới không còn là các đối kháng nữa. Thực thế, nơi nào lòng ích kỷ và quyền lợi bất di bất dịch chiếm ưu thế, thì con người nhân bản khó có thể hưởng được sự trao đổi hữu hiệu giữa lợi nhuận và sự hiến tặng, vì tội lỗi có xu hướng làm mờ đi và phá vỡ mối tương quan này. Theo quan điểm nhân bản trọn vẹn, có một sự trao đổi hiện thực giữa lợi nhuận và tình liên đới, một sự trao đổi, nhờ tự do của con người, đã tháo mở một tiềm năng to lớn cho thị trường.

Lời kêu gọi lâu dài muốn con người biết thừa nhận phẩm chất của việc cho không đã phát xuất từ qui luật được Chúa Giêsu đưa ra trong Tin Mừng, vốn được gọi là Luật Vàng, mời gọi chúng ta làm cho người khác những gì chúng ta muốn họ làm cho chúng ta (xem Mt 7, 12; Lc 6, 31).

12. Không hoạt động kinh tế nào triển nở dài hạn, nếu không được lồng vào một bầu khí tự do sáng kiến. [23] Ngày nay, điều cũng hiển nhiên là tự do mà các tác nhân kinh tế muốn hưởng, nếu nó được hiểu một cách tuyệt đối và mất hết qui chiếu nội tại vào chân lý và điều thiện, có xu hướng tạo ra trung tâm quyền lực và nghiêng về phía các hình thức hoạt đầu (oligarchy) và kết cục làm suy yếu chính tính hữu hiệu của hệ thống kinh tế [24].



Từ quan điểm trên, dễ thấy tại sao, với sự kiểm soát ngày càng lớn mạnh và bao trùm của các bên có quyền và mạng lưới tài chính - kinh tế rộng lớn, những người được đại biểu để thi hành quyền lực chính trị thường mất hướng và trở thành bất lực bởi các đại lý siêu quốc gia và bởi sự bất ổn của tư bản do họ quản lý. Những người được ủy quyền chính trị thấy khó có thể hoàn thành ơn gọi ban đầu của họ như các công bộc của ích chung, và thậm chí bị biến cải thành những công cụ phụ thuộc của các quyền lợi xa lạ với điều thiện [25].

Những nhân tố trên càng làm cho việc liên minh đổi mới giữa các tác nhân kinh tế và chính trị trở thành cần thiết ngõ hầu thúc đẩy bất cứ điều gì có thể có lợi cho việc phát triển toàn diện mọi con người nhân bản cũng như xã hội nói chung và kết hợp các đòi hỏi liên đới với các đòi hỏi liên đới [26].

13. Trên nguyên tắc, các hệ thống và phương tiện mà các thị trường sử dụng để gia tăng khả năng phân phối các tài nguyên của họ được phép về mặt đạo đức, miễn là chúng không chống lại phẩm giá con người và không thờ ơ với ích chung [27].

Đồng thời, điều rõ ràng là thị trường, trong tư cách các lực đẩy mạnh mẽ của nền kinh tế, không có khả năng tự quản trị chính nó. [28] Thực thế, các thị trường không biết cách đưa ra các giả định giúp chúng điều hành trơn tru (cùng hiện hữu về xã hội, trung thực, tin cậy, an toàn và an ninh, luật pháp, vv) cũng như cách sửa sai các hậu quả và các lực lượng gây hại cho xã hội loài người (bất bình đẳng, bất cân xứng, thiệt hại môi trường, mất an ninh xã hội và gian lận).

14. Hơn nữa, bên cạnh sự kiện hầu hết các nhà điều hành của nó được đặc biệt thúc đẩy bởi các ý hướng tốt và đúng, nhưng không thể bỏ qua sự kiện này là, do tính phổ biến (omniprésence) và khả năng nhất thiết của nó trong việc tạo điều kiện cho, và theo một nghĩa nào đó, thống trị nền kinh tế thực ngày nay, kỹ nghệ tài chánh là nơi mà lòng ích kỷ và việc lạm quyền có tiềm năng lớn lao gây hại cho cộng đồng.

Vì lý do đó, cần lưu ý điều này: trong thế giới kinh tế - tài chính, có những điều kiện trong đó một số phương pháp, mặc dù, theo quan điểm đạo đức, không phải là không thể chấp nhận được một cách trực tiếp, vẫn tạo ra các trường hợp gần như vô luân, nghĩa là, những dịp sẵn sàng sản sinh ra loại lạm dụng và lừa đảo có thể làm tổn hại các đối tác kém thế hơn. Ví dụ, việc thương mại hóa một số công cụ tài chánh, tự nó, là điều được phép (licit), nhưng trong một tình huống bất cân xứng, rất có thể nó lợi dụng việc thiếu kiến thức hoặc thế yếu kém về hợp đồng của một trong hai đối tác. Trong chính nó, việc này được kể là một vi phạm đến tính đúng đắn phải có trong mối tương quan, vốn dĩ là một vi phạm trầm trọng theo quan điểm đạo đức.

Sự phức tạp của nhiều sản phẩm tài chánh hiện đang làm cho tính chất bất cân xứng thành một yếu tố cố hữu của chính hệ thống và đặt người mua ở vị trí kém hơn những người rao bán các sản phẩm này - một tình huống mà xét theo một số khía cạnh sẽ dẫn đến việc vượt qua nguyên tắc caveat emptor (người mua phải kiểm soát món hàng mình mua) truyền thống. Nguyên tắc này, theo đó, trách nhiệm lượng định phẩm chất hàng hóa mua được trước hết thuộc về người mua, trên thực tế giả định sự bình đẳng trong khả năng bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên mua bán. Điều này thực sự không hề có trong nhiều trường hợp cả do mối tương quan tôn ti (hierarchical) rõ ràng đã được thiết lập trong một số loại hợp đồng (ví dụ, giữa người cho vay và người vay) lẫn cấu trúc phức tạp của nhiều công cụ tài chánh.

15. Giống nhiều của cải khác được con người sử dụng, tiền bạc, tự nó, cũng là một công cụ tốt; nó là một phương tiện phục vụ tự do và giúp tăng tiến các khả thể của họ. Tuy nhiên, phương tiện này có thể dễ dàng quay lưng chống lại con người. Cũng thế, việc tài chánh hóa thế giới làm ăn, khi cho phép các ngành kinh doanh sử dụng tiền bạc nhờ việc đi vào lãnh vực thương thuyết tự do ở thị trường chứng khoán, tự nó, cũng là một điều tích cực. Tuy nhiên, hiện tượng này ngày nay dễ có nguy cơ rơi vào chỗ nhấn mạnh đến việc tài chánh hóa nền kinh tế cách xấu xa; nó phần nào tạo ra thứ giầu có ảo, chủ yếu tập trung vào các giao dịch có đặc tính nhằm đầu cơ thuần túy và các giao dịch thuộc loại cao tần (high frequency trading), thu hút vào nó những khoản vốn khổng lồ, do đó, rút chúng ra khỏi lưu lượng tốt lành của nền kinh tế thực [29].

Điều được tiên đoán trước đây hơn một thế kỷ, bất hạnh thay, nay đã trở thành một thực tại: thu nhập do vốn nay đang gây tổn hại cho thu nhập do việc làm mà nó có nguy cơ thay thế trong khi thu nhập này bị loại ra bên lề các lợi ích chính của hệ thống kinh tế. Kết quả, chính việc làm, cùng với phẩm giá của nó, trở thành không những một thực tại luôn bị đe dọa, mà còn mất hết phẩm tính “điều thiện” đối với con người [30], như thế trở thành một phương tiện trao đổi đơn thuần bên trong các tương quan xã hội bất bình đẳng.



Trong việc đảo lộn trật tự trên giữa các phương tiện và mục đích, điều làm cho việc làm từ tư thế một điều thiện phải bước qua tư thế “dụng cụ”, và tiền bạc, từ tư thế phương tiện bước lên tư thế “mục đích”, thấy mình hiện diện trong mảnh đất mầu mỡ của nền văn hóa “vứt bỏ”; nền văn hóa này, không hề đắn đo và một cách phi luân, đã đẩy qua bên lề nhiều nhóm dân chúng, tước hết của họ việc làm xứng đáng và do đó biến họ thành “không viễn ảnh, không lối thoát”: “Ở đây không đơn giản chỉ là hiện tượng bóc lột và áp chế, mà là một điều mới lạ: Loại bỏ cuối cùng đụng đến tận gốc rễ, tức việc thuộc về xã hội nơi người ta sinh sống từ lúc người không còn bị đặt xuống hàng cuối cùng, ở bên lề, hay không có quyền hành, mà là đứng ở bên ngoài. Những người bị loại bỏ không phải là “những người bị bóc lột”, mà là bị vứt bỏ, “đồ bỏ đi” [31].

16. Về vấn đề này, làm sao không nghĩ đến chức năng xã hội không thể thay thế của tín dụng mà việc thực hành trước hết thuộc các trung gian tài chánh có khả năng và đáng tin cậy? Trong lãnh vực này, điều xem ra rõ ràng là sự kiện áp dụng các lãi xuất quá cao, trên thực tế, không thể chịu đựng được đối với người vay, nói lên một nghiệp vụ không những bất chính về phương diện đạo đức, mà còn là một sự loạn năng (dysfonctionnement) nếu nói về sự lành mạnh của nền kinh tế. Những thực hành như thế, cũng như các tác phong cho vay nặng lại, luôn luôn bị ghét bỏ, bởi lương tâm con người như là bất công, và bởi hệ thống kinh tế như là một trở ngại cho việc vận hành tốt của nó.



Ở đây, hoạt động tài chánh cho ta thấy ơn gọi hàng đầu của nó là phục vụ nền kinh tế thực; nó được kêu gọi tạo ra giá trị bằng các phương tiện hợp luân và làm dễ việc giải phóng các khoản vốn ngõ hầu tạo ra tính lưu chuyển thịnh vượng tốt lành [32]. Xin đơn cử một thí dụ, các hợp tác xã tín dụng, các tín dụng vi mô (micro-crédit), cũng như tín dụng công cộng phục vụ các gia đình, các xí nghiệp, các tập đoàn địa phương hay các tín dụng giúp đỡ ở các nước đang phát triển đều là các thực tại rất tích cực và xứng đáng được khuyến khích.

Trong lãnh vực này, lãnh vực, trong đó, tiền bạc có thể biểu lộ mọi tiềm năng tích cực, chưa bao giờ như trước đây, điều rõ ràng dường như là: xét theo quan điểm đạo đức, không được coi là hợp pháp khi đặt tín dụng phát sinh từ xã hội dân sự vào các nguy cơ quá đáng, bằng cách sử dụng nó chủ yếu vào các mục tiêu đầu cơ.

17. Điều không thể chấp nhận được về luân lý không hẳn là sự kiện kiếm lời, mà là lợi dụng cho ưu thế của mình một sự bất bình đẳng nào đó để sinh những khoản lời quan trọng có hại cho người khác; là làm giầu bằng cách lạm dụng chức vụ nổi bật của mình mà làm hại người khác hoặc làm giầu bằng cách gây hại tới phúc lợi tập thể hoặc gây rối cho phúc lợi này [33].

Thực hành trên tỏ ra hết sức tồi tệ xét về phương diện luân lý, khi một thiểu số người, thậm chí có những khoản đầu tư quan trọng, vì chỉ muốn kiếm lời thuần túy, nên đã sử dụng các may rủi của đầu cơ [34] để hạ giá giả tạo các chứng khoán nợ công cộng, không hề quan tâm gì tới sự kiện nó có thể ảnh hưởng tiêu cực hay làm gia trọng tình thế kinh tế của toàn bộ nhiều xứ sở. Do đó, họ đã đặt không những nhiều dự án lành mạnh hóa công cộng vào thế nguy hiểm, mà cả sự ổn định kinh tế của hàng triệu gia đình, do đó, buộc các nhà cầm quyền chính phủ phải can thiệp bằng nhiều tiền bạc công, một điều sẽ tiến tới chỗ gây ảnh hưởng giả tạo lên việc điều hành tốt các hệ thống chính trị.

Ngày nay, đầu cơ, đặc biệt trong lãnh vực kinh tế và tài chánh, có nguy cơ hất cẳng mọi mục tiêu quan trọng khác vốn nâng đỡ tự do nhân bản. Điều này gây hại cho di sản mênh mông các giá trị vốn tạo lập ra xã hội dân sự, môi trường cùng sống chung trong hoà bình, gặp gỡ, liên đới, hỗ tương phục hồi và trách nhiệm đối với ích chung. Trong đường hứng này, các hạn từ như “hiệu năng” (efficacité), “cạnh tranh”, “lãnh đạo”, “công trạng” có xu hướng chiếm hết chỗ trong nền văn hóa dân chính của chúng ta; chúng đảm nhận một tầm quan trọng kết cục làm nghèo đi phẩm chất các trao đổi, bị giản lược vào một hệ số số học thuần túy.

Điều trên, trước nhất, đòi kinh doanh phải là một hoạt động cứu những gì là nhân bản ngõ hầu có thể mở lại các chân trời cho việc gia tăng các giá trị mà chỉ có nó mới giúp con người tự tìm lại chính mình, xây dựng các xã hội có khả năng trở thành những nơi ngụ cư đầy chào đón và đại lượng, nơi những con người yếu đuối nhất tìm được chỗ đứng và là nơi sự thịnh vượng đưỡc sử dụng một cách bình đằng, vì phúc lợi của mọi người. Tóm lại, đó là những nơi con người có thể có cuộc sống tốt đẹp và dễ dàng hy vọng.

Kỳ sau: III. Một số soi sáng đối với bối cảnh hiện nay