Mimi Lau của South China Post tiếp tục bài thứ hai trong ba bài nói về các cuộc thương thảo giữa Trung Quốc và Toà Thánh hiện đang diễn ra nhằm triển hạn thỏa hiệp tạm thời ký giữa hai bên năm 2018. Xin xem nguyên bản tại https://www.scmp.com/news/china/article/3092830/chinas-july-talks-vatican-will-have-taiwan-looming-background.
Bắc kinh và Vatican sẽ ngồi xuống để đàm phán trong tháng 7 nhằm nối tiếp cuộc đối thoại kéo dài nhiều thập niên về việc Giáo Hội Công Giáo có thể hoạt động ra sao tại một đất nước hiện được cai trị bởi Đảng Cộng sản Trung Hoa. Vấn đề gai góc là ai nắm giữ thẩm quyền bổ nhiệm các Giám Mục tại Trung Quốc, nhưng Đài Loan tự trị cũng là một phần trọng yếu trong cuộc đôi co ngoại giao này.
Bắc Kinh đoạn giao với Vatican từ năm 1951 và lập ra Hội Công Giáo Trung Hoa Yêu Tổ Quốc, trực tiếp lệ thuộc Đảng Cộng sản, chứ không phải Vatican. Tuy bị đuổi khỏi Trung Quốc, Vatican vẫn duy trì liên hệ ngoại giao với Đài Loan, một quốc gia bị Trung Quốc coi như một tỉnh ly khai đang chờ thống nhất, bằng vũ lực nếu cần.
Thị quốc Vatican nay là quốc gia Âu Châu duy nhất vẫn công nhận Đài Loan, một điều được các nhà bình luận cho là lý do chủ yếu khiến Bắc Kinh buộc phải tiếp tục nói chuyện với Vatican, một phần trong chiến lược cô lập Đài Loan thêm. Nhưng một nhân tố khác cũng có thể là, vì Trung Quốc đang phải đối đầu với hàng loạt các chỉ trích quốc tế khác về đại dịch Covid-19, nên các cuộc thương thuyết ngoại giao tích cực với Vatican có thể giúp cải thiện hình ảnh của họ.
Một chuyên gia về tôn giáo sự vụ của Trung Hoa Lục Địa dấu tên nói rằng “Nếu các vấn đề với Đài Loan được giải quyết, thì tôi không nghĩ chúng tôi còn tiếp tục các cuộc thương thuyết tích cực như thế với Vatican”. Nhưng cho dù Vatican khó lòng có thể cắt đứt liên hệ ngoại giao với Đài Loan trong một tương lai tức khắc, “thì điều không khôn ngoan [đối với Trung Quốc] là quay lưng khỏi các cuộc thương thuyết”.
Francesco Sisci, một nhà Trung Quốc học của Đại học Nhân dân Trung Hoa, cho rằng Bắc kinh đang phải đối đầu với đủ thứ thách thức trong các liên hệ quốc tế của họ, thành thử sẽ là một đại họa nếu các cầu nối với Vatican bị phá sập. Ông nói rằng “mối liên hệ tích cực với Rôma” có lợi cho Trung Quốc.
“Nếu Trung Quốc phá vỡ các cuộc thương thuyết với Tòa Thánh, họ sẽ chỉ biện minh cho luận lý học của mọi lời phê phán ở bên ngoài rằng ‘ngay cả một người thánh thiện cũng không chịu nổi Trung Quốc’”.
Một nguồn tin của Vatican, người cũng xin dấu tên, cho biết một lợi ích khác của việc Đức Giáo Hoàng hỗ trợ Trung Quốc là tiềm năng cải thiện các liên hệ với các quốc gia có dân số Công Giáo lớn.
Các cuộc đàm phán Bắc Kinh-Vatican trong tháng này tại Rôma sẽ tìm cách gia hạn thỏa thuận Trung Quốc - Vatican năm 2018, sẽ hết hạn vào ngày 22 tháng 9. Các nội dung chi tiết của thỏa thuận này không bao giờ được công bố, nhưng điểm chính của nó là một thỏa hiệp trong việc bổ nhiệm các giám mục cho 12 triệu người Công Giáo.
Các nhà phê bình nói rằng Trung Quốc đã không sống đúng một phía của thỏa thuận. Họ cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phê chuẩn tám giám mục được Bắc Kinh bổ nhiệm trong Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc sau khi thỏa thuận được ký kết. Tuy nhiên, họ nói, chính quyền Cộng sản đã không đáp lại như thế đối với các giám mục được Đức Giáo Hoàng phê duyệt cho điều gọi là Giáo Hội Công Giáo hầm trú, là Giáo Hội tuân theo thẩm quyền Rôma, chứ không phải thẩm quyền Bắc Kinh.
Những người ủng hộ thỏa thuận có tính đột phá năm 2018, một thỏa thuận cần đến ba thập niên để đàm phán, nói rằng nó đánh dấu việc sẵn sàng đầu tiên của nhà nước cộng sản muốn chia sẻ một số thẩm quyền nào đó với một nhà lãnh đạo tôn giáo ở bên ngoài. Họ cũng lưu ý rằng, một tháng sau thỏa thuận, lần đầu tiên Bắc Kinh cho phép hai giám mục Trung Quốc tham dự một thượng hội đồng giám mục thế giới ở Rôma, một cơ quan tư vấn cho Đức Giáo Hoàng.
Tổng giám mục tân cử của Đài Loan, Đức Cha Thomas Chung An-zu, nhắc lại dịp này, nói rằng vào thời điểm đó, người ta không thể tưởng tượng được việc các giám mục Trung Quốc từ đại lục - nơi mà người Công Giáo không được coi là một phần của Giáo Hội hoàn cầu - được phép du hành qua Rôma và gặp gỡ các giáo sĩ từ khắp nơi trên thế giới.
Đức Cha Chung, trong một cuộc phỏng vấn với South China Morning Post, nói “Điều này chưa từng xảy ra trước đây. Đức Giáo Hoàng Phanxicô xúc động đến nỗi thậm chí đã nghẹn ngào nước mắt trong khi cử hành Thánh Lễ”.
Tuy nhiên, một trong các mục tiêu của Vatican là tái lập các liên hệ ngoại giao với Trung Hoa đại lục, một điều hàm nghĩa sẽ phải chuyển đại sứ quán của mình đến Bắc Kinh. Nhưng, nguồn tin Vatican cho hay điều này sẽ không phải là một cuộc đụng đầu với Đài Loan.
Nguồn tin trên cho biết “Đài Loan không nên cảm thấy bị xúc phạm nếu đại sứ quán ở Đài Bắc được chuyển về địa chỉ ban đầu ở Bắc Kinh”. Nguồn tin này nói thêm rằng về mặt kỹ thuật, không đúng chút nào khi mô tả Vatican là “đồng minh ngoại giao duy nhất của Đài Loan”.
“Điều này không chính xác vì Vatican chưa bổ nhiệm một đại sứ toàn quyền ở Đài Loan”. Đại sứ quán Vatican ở Đài Bắc - được gọi là Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Trung Quốc - đã không được lãnh đạo bởi một nhà ngoại giao có đầy đủ tư cách đại sứ trong gần 50 năm nay. “Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Đức Thánh Cha sẽ từ bỏ Đài Loan, vì lợi ích của chúng tôi không phải là chính trị”.
Theo Jose Miguel Encarnacao, một nhà bình luận về các vấn đề Công Giáo có trụ sở tại Macao, đại sứ cuối cùng được bổ nhiệm tại Đài Bắc là Hồng Y người Úc Edward Cassidy vào năm 1970. Ông Encarnacao nói rằng “Tòa Thánh đã bãi bỏ chức danh đại sứ cho đại diện của mình tại Đài Loan sau khi Liên Hợp Quốc công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc vào tháng 10 năm 1971, gây thiệt hại cho Đài Loan”.
Trong cố gắng gần đây của Đài Loan để tham gia các cuộc họp của Hội đồng Y tế Thế giới (WHO) - Cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới - trong đại dịch Covid-19, Vatican là đồng minh ngoại giao duy nhất không bỏ phiếu cho sự tham gia của Đài Loan.
Lawrence Reardon, phó giáo sư chuyên về chính trị Trung Quốc tại Đại học New Hampshire, cho biết vấn đề không phải là “liệu” mà là “khi nào” Vatican sẽ công nhận Cộng hòa Nhân Dân Trung Quốc của đại lục là chính phủ hợp pháp.
Mặc dù việc công nhận ngoại giao là một công cụ đàm phán chủ chốt, Reardon nói rằng Vatican sẽ không hy sinh người Công Giáo Đài Loan để công nhận đại lục. “Thay vào đó, Vatican sẽ tìm cách hòa giải Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa lớn hơn và bảo đảm sự toàn vẹn và độc lập của người Công Giáo Đài Loan cùng với người Công Giáo Hồng Kông.
Đức Cha Chung - người sẽ chính thức nhậm chức vào cuối tháng này trong tư cách Tổng Giám mục Đài Bắc để lãnh đạo khoảng 200, 000 người Công Giáo Đài Loan - cho biết các mối liên hệ sẽ không bị cắt đứt với Vatican ngay cả khi “chính phủ Trung Quốc đại lục yêu cầu”. Ngài nói rằng “trong thực tế, thỏa thuận Trung Quốc - Vatican đã không có tác động thực sự đến mối liên hệ của Đài Loan với Vatican”.
Đức cha Chung nói: Văn phòng ngoại giao của Vatican tại Đài Loan “nên được duy trì”, cho dù việc di dời đến Bắc Kinh diễn ra, và việc mở lại một đại sứ quán của Vatican ở Bắc Kinh “có thể xảy ra sớm nếu chính phủ Trung Quốc ở đại lục có tinh thần cởi mở và dễ tiếp thu hơn đối với Giáo Hội Công Giáo Rôma”.
Điều đó có vẻ khó xảy ra, khi xét đến việc Bắc Kinh tiếp tục thù địch đối với các tôn giáo có tổ chức và các biện pháp mới của họ nhằm hạn chế cả việc tham dự các hoạt động tôn giáo lẫn hoạt động của các nhóm từ thiện tôn giáo.
Đức Cha Chung nói “Đây là một thời kỳ khó xử. Chúng ta đang chứng kiến các giám mục vẫn còn bị nhốt giam và tự do tôn giáo đang xấu đi ở đại lục giữa lúc các cuộc đàm phán diễn ra giữa Rôma và Bắc Kinh”.
“Có một số thay đổi trong cử chỉ nhưng trong thực tế, không có gì được cải thiện. Vì vậy, chúng tôi vẫn đang quan sát. Chúng tôi có tự do tôn giáo ở Đài Loan nhưng chúng tôi sẽ cầu nguyện cho những ai không thể phát biểu đức tin của mình, có sức mạnh để giữ vững đức tin của họ.