“Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5)

Chúa nhật tới Giáo hội cử hành lễ Lá. Chúa nhật lễ Lá, mở đầu tuần thánh dẫn đến đại lễ Phục sinh, là ngày lễ quan trọng trong lịch Phụng vụ của Giáo hội. Đối với tôi, đã từ lâu, ngày lễ Lá còn có thêm một ý nghĩa nữa: một ngày kỷ niệm lớn của gia đình.

Cách đây hơn 20 năm, bố tôi ra đi đúng vào ngày Chúa nhật lễ Lá. Cha xứ đến thăm đã an ủi mẹ tôi rằng bố tôi mất vào ngày Chúa nhật lễ Lá, ngày Chúa Giêsu vào thành thánh Giêrusalem, đúng là một sự trùng hợp đầy ý nghĩa. Mẹ tôi thích cái ý tưởng đó cho nên đã lấy ngày Chúa nhật lễ Lá làm ngày giỗ của bố tôi mặc dù lịch Phụng vụ và Dương lịch không ăn khớp với nhau. Có năm ngày giỗ đến trước, có năm đến sau so với Dương lịch và có khi sai lệch đến nhiều ngày. Nhưng tôn trọng quyết định của mẹ tôi, ngay cả khi mẹ tôi không còn nữa anh em chúng tôi vẫn giữ ngày Chúa nhật lễ Lá là ngày giỗ của thân phụ chúng tôi.

Ngày Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem được dân chúng đón rước như mô tả trong thánh kinh là một cuộc đón rước tưng bừng. Dân chúng nhiệt liệt hoan hô Chúa Giêsu. Họ trải lá và cả áo để lót đường cho Chúa đi. Các tông đồ cùng đi với Chúa Giêsu ngày hôm đó chắc hẳn là hả hê lắm và rất mãn nguyện được làm môn đệ Chúa Giêsu. Nhưng rồi chỉ cách mấy ngày sau, khi Chúa Giêsu bị bắt và bị tra khảo thì các môn đệ đã bỏ trốn hết. Chỉ có Phêrô lén đi theo Chúa đến nơi thẩm vấn nhưng rồi ông cũng đã chối Chúa đến 3 lần khi bị người đầy tớ gái trong dinh thựợng tế phát hiện sự có mặt của ông ở trong đám đông.

Sự kiện trên nói lên điều gì? Phải chăng theo Chúa hay giữ đạo vào lúc thuận tiện, lúc xuôi chèo mát mái thì dễ nhưng theo Chúa hay giữ đạo vào những thời điểm gay go, gặp thử thách đòi hỏi phải có tấm lòng trung kiên, tuyệt đối tin tưởng vào Chúa nếu không thì sẽ dễ dàng bỏ Chúa, bỏ đạo. Sau năm 1975 có thiếu gì người Công giáo vì hoảng hốt hay vì điều này điều khác đã khiến đức tin bị lung lay. Ngay cả hàng ngũ linh mục, tu sĩ cũng có những người chỉ vì chút quyền lợi vật chất đã quay lưng với Giáo hội, cam tâm làm tay sai trong mưu toan lũng đoạn Giáo hội Chúa.

Ngày Chúa nhật lễ Lá được mở đầu bằng nghi thức làm phép lá rồi tiếp đó là cuộc rước lá. Sau đó ở trong nhà thờ mọi người sẽ nghe đọc một bài Thương khó khá dài với mấy lần đứng lên qùy xuống. Tan lễ mọi người đem về một cành lá đã làm phép để lưu giữ ở trong nhà. Nếu chỉ có vậy thôi thì qúa hình thức và hời hợt. Nếu những biến cố được kể lại trong bài Thương khó chỉ nghe cho qua mà không rút tỉa ra được một bài học nào thì thật đáng tiếc. Những nỗi oan khuất, những bản án bất công, những nghịch cảnh, đau khổ vẫn diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Nếu biết nhìn ngắm và suy gẫm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu ta s ẽ có thêm sức mạnh vượt qua thử thách.

Tôi còn nhớ lúc mới đến Mỹ, nghe lời ông thầy dạy ESL (English as the second language), tôi thường mở TV để nghe giọng Mỹ cho quen. Một lần vừa mở TV tôi gặp đúng lúc một vị mục sư đang giảng kinh thánh. Vị mục sư người da đen, dáng người gầy gầy, khuôn mặt xương xương, giọng nói khàn khàn khiến ông phải kéo gân cổ lên mới nói thành tiếng. Hôm đó ông nói về việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem và những gì đã xẩy ra cho Người những ngày sau đó. Vị mục sư cầm trên tay cuốn thánh kinh mở sẵn, ông đọc rồi dẫn giải từng đoạn. Tuy không hiểu hết những từ ngữ trong bài giảng nhưng là một Kitô hữu với chút ít vốn liếng về thánh kinh tích lũy từ lúc còn bé cho nên tôi cũng nắm được những điểm chính của bài giảng hôm đó.

Vào cuối chương trình, vị mục sư gấp sách lại. Hai mắt ông mở to và nhìn thẳng về phía khán, thính gỉa đang theo dõi bài giảng của ông và với vẻ mặt nghiêm nghị, ông cố gắng nói thật rõ, nhấn mạnh từng chữ: Nếu một ngày nào đó bạn bị lừa dối, bị hiểu lầm, bị vu khống, bị đe dọa, bị đối xử bất công … thì xin hãy nhớ rằng không phải chỉ có một mình bạn đâu mà trước đây 2000 năm có một người đã phải nếm trải tất cả những bất hạnh đó. Hãy can đảm và xin ơn phù trợ bạn sẽ vượt qua được bất cứ thử thách nào trong cuộc sống. Cho đến nay đã trên 15 năm rồi tôi vẫn còn nhớ từ dáng điệu, cử chỉ và từng lời nói của vị mục sư nhiệt thành này.

Tôi cũng nhớ đã đọc ở đâu đó câu chuyện một vị linh mục đã khuyên giải người tử tội Tạ Vinh như thế nào. Tạ Vinh như nhiều người đã biết, một tỉ phú người Việt gốc Hoa, vào khoảng năm 1965 bị truy tố về tội đầu cơ tích trữ và bị tòa án tuyên phạt tử hình. Trong những ngày sống bất an trong nhà tù Chí Hòa, Tạ Vinh được một linh mục đến khuyên giải. Vị linh mục đã kể cho ông nghe về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu với những nỗi đắng cay, nhục nhằn, những oan trái, bất công, bị vu oan gía họa … bị đóng đinh trên cây thập tự cùng với hai tội nhân khác, chết rồi phục sinh và lên Trời ra sao. Câu chuyện về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cũng như câu chuyện về một trong hai tội nhân nhờ tin tưởng vào Chúa Giêsu mà được cứu rỗi đã đánh động Tạ Vinh, giúp ông bình thản hơn và sẵn sàng đối diện với thực tại cho dù thực tại đó là cái chết đang chờ đợi ông. Từ một người chưa biết Chúa, trong cảnh khổ đau Tạ Vinh đã tìm được Chúa. Ông đã xin được rửa tội trước khi bị đem hành quyết tại pháp trường.

Nói đến việc bị xuyên tạc, bị vu khống, bị ngược đãi, bị đe dọa … tôi nghĩ ngay tới Đức Tổng Giám Mục Hà Nội. Ai cũng biết trong thời gian gần đây chỉ vì muốn nói lên sự thật, Đức TGM đã bị người ta huy động cả một hệ thống truyền thông với người và phương tiện hùng hậu, mở cuộc đánh phá ngài. Người ta đã không ngần ngại xuyên tạc, vu khống, đổi trắng thay đen, mạ lỵ và ngay đến cả dùng bạo lực, hăm dọa đủ thứ … nhưng là mục tử của Chúa chắc chắn Đức TGM không thể đi khác con đường mà Chúa Giêsu đã đi. Hiểu rõ những nỗi khó khăn của ngài, linh mục linh hướng thường khuyên mọi người trong cộng đoàn cầu nguyện nhiều cho ngài. Cầu nguyện cho ngài, như linh mục linh hướng nhấn mạnh, không phải là xin Chúa cất đi gánh nặng cho ngài nhưng là xin Chúa thêm sức mạnh để ngài vui vẻ chấp nhận mọi gánh nặng đang đặt trên vai ngài để ngài có thể chu toàn trách nhiệm của ngời chủ chăn như Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mạng do Đức Chúa Cha trao cho.

Đón ngày Chúa nhật lễ Lá năm nay không thể không nghĩ đến hai cuộc rước lá thật tưng bừng không phải vào ngày lễ Lá. Hai cuộc rước Lá này diễn ra tại Hà Nội cách đây không lâu. Một diễn ra vào hôm 8/12/2008 khi tòa án quận Đống Đa mở phiên tòa xử 8 giáo dân Thái Hà về cái gọi là “gây rối trật tự công cộng” và “hủy hoại tài sản” và một mới diễn ra vào ngày 27/3/2009 khi tòa án tại Hà Đông mở phiên xử phúc thẩm kháng cáo của 8 giáo dân Thái Hà. Trong cả hai phiên tòa, dù bị ngăn chặn đủ cách, hàng ngàn giáo dân từ các nơi của TGP Hà Nội đã kéo đến hỗ trợ cho 8 anh chị em đồng đạo của họ. Chỉ với cành thiên tuế trên tay những con người chân yếu tay mềm đã tỏ ra can trường, hiên ngang diễn hành đến nơi xử án không một chút sợ hãi.

Trước cả hai phiên tòa, nhất là trong phiên xử phúc thẩm lần sau, biết bao nhiêu mưu chước đã được bày ra, bao nhiêu cạm bẫy đã được giăng mắc. Chỉ cần nhìn vào cách thức dàn trận, cách diễu võ dương oai trước những ngày diễn ra phiên xử cũng có thể đoán biết được người ta muốn làm gì. Đã có nhiều lo ngại cho số phận của 8 anh chị em Thái Hà vì sợ rằng người ta sẽ bất chấp lẽ phải mà làm càn để dằn mặt, không những chỉ với những anh chị em ra tòa mà còn nhắm tới tất cả những ai dám tham dự vào công cuộc đòi hỏi Công lý. Càng gần đến ngày xử càng khiến cho những ai quan tâm đến vụ án Thái Hà phải hồi hộp. Nhưng rồi những gì đã diễn ra trong ngày xử lại tốt đẹp ngoài sức tưởng tượng vì những người đến tòa án ngày hôm đó đã bình tĩnh và tin tưởng mãnh liệt vào bàn tay quyển năng của Thiên Chúa đúng như câu thánh vịnh “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5).

Tạ ơn Chúa và xin được bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa về tinh thần hiệp thông, đoàn kết và hy sinh của giáo dân TGP Hà Nội cũng như những người thiện chí muốn cho công lý được thể hiện trên quê hương Việt Nam.

Vermont1/4/2009