AI ĐANG ĐỒNG HÀNH VỚI DÂN TỘC ?
Gần 30 năm về trước
Trong tư cách một người tín hữu Công Giáo Việt Nam, tôi không bao giờ quên niềm vui và niềm tự hào khi đón nhận Lá Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGM/VN) năm 1980 với tiêu chí Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc hay Đồng hành với dân tộc. Người Công Giáo thường bị kết án: Tây đến thì theo Tây, Mỹ đến thì theo Mỹ. Lời kết án tuy hàm hồ, nhưng không hoàn toàn sai, và vì thế, người Công Giáo dễ có mặc cảm đứng bên lề dân tộc. Sau biến cố 1975 đã có cả triệu người bỏ nước ra đi, trong đó số người Công Giáo chiếm tỷ lệ rất cao. Lá thư chung nói trên ra đời giữa cao trào vượt biên, cho thấy đâu là chọn lựa căn bản của hàng Giám Mục Việt Nam: quyết tâm ở lại, chấp nhận hoàn cảnh mới, chấp nhận chế độ mới với những thay đổi, những mất mát, những hạn chế, những khó khăn mình biết trước. Là vì cho dù số người bỏ nước ra đi là rất cao thì tuyệt đại đa số dù muốn dù không vẫn còn ở lại. Và điều không ai có thể phủ nhận: Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, hay Đồng hành với dân tộc là một tiêu chí, một lựa chọn, một chủ trương đúng đắn. Không vui mừng, không hãnh diện làm sao được !
Với điều kiện: đừng đánh tráo
Nếu những người tín hữu thường còn vui mừng hãnh diện vì văn kiện nói trên, thì những người đã cưu mang, đã chấp nhận ký tên công bố, còn vui mừng hãnh diện biết bao. Chính vì vậy mà trong nhiều năm tiếp theo, lãnh đạo Công Giáo vẫn nhắc lại văn kiện này như một thứ kim chỉ nam cho cộng đoàn Dân Chúa. Nhưng xem ra cán bộ Nhà Nước cũng thích thú không kém (nếu không phải là thích thú hơn) khi nhắc đến văn kiện này. Là vì đối với họ, “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”, nên tha hồ dựa vào Thư Chung mà tán hươu tán vượn. Và điều đã xảy ra là tuy chỉ có một bản văn, nhưng ai muốn giải thích kiểu nào cũng được. Khi đảng cộng sản Việt Nam tự đồng hoá với Dân tộc Việt Nam thì Đồng hành với Dân tộc cũng là đồng hành với Đảng, với chế độ. Mà làm sao có thể không đồng hành ? Muốn sống còn thì phải chấp nhận thôi. Và từ chấp nhận đến thoả hiệp, con đường không xa lắm. Giáo Hội Công Giáo chấp nhận làm thinh trước bao nhiêu bất công, bạo tàn, gian dối, xảy ra trên khắp nước từ bắc chí nam, từ nông thôn đến thành thị, nổi bật nhất là khi những đám dân oan, hết đoàn này đến đoàn khác, lũ lượt kéo nhau đi đòi công lý, Giáo Hội Công Giáo đã nhắm mắt làm ngơ.
Hiện tượng Toà Khâm Sứ – Thái Hà
Dùng chữ “hiện tượng” chắc chắn không quá lời. Là vì đây quả là biến cố chưa từng thấy dưới thời cộng sản. Sự việc xảy ra liên tục trong một thời gian dài với số lượng người tham gia ngày một đông, với khí thế hào hùng chưa từng thấy, cho đến lúc tai hoạ ập xuống từ lá thư đức hồng y quốc vụ khánh Bertone. Ngọn lửa tạm thời bị dập tắt một cách tàn nhẫn.
Nhưng ngọn lửa đó đã âm thầm lan sang Thái Hà như mọi người đã biết, với kết thúc nhìn từ bên ngoài là một thất bại. Khi hai miếng đất nhà thờ thành hai công viên thì tưởng chừng không còn gì để hy vọng nữa. Nhưng không phải vậy, ngọn lửa công lý, ngọn lửa sự thật đã được Chúa Thánh Thần đốt lên, thì Xa-tan có mưu mô xảo quyệt tàn ác đến đâu cũng không sao dập tắt nổi.
Suy nghĩ từ hiện tượng trên
Ta dễ dàng nhận ra điều đó khi nhìn lại những gì xảy ra từ cuối năm 2007. Nhà Nước cộng sản Việt Nam chưa đến nỗi dùng xe tăng như Bắc Kinh ở Thiên An Môn, chẳng phải vì cộng sản Việt Nam hiền lành hơn cộng sản Trung Hoa, mà chỉ vì hơn 20 năm sau Thiên An Môn, với các phương tiện truyền thông hôm nay, sử dụng sức mạnh tới mức đó thì sẽ lãnh những hậu quả khôn lường của cả thế giới. Nhưng ngoài ra thì chính quyền Hà Nội đã không bỏ sót một loại phương tiện nào: Công an, cảnh sát, dân phòng, đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, bọn côn đồ lưu manh, chó nghiệp vụ, dùi cui, hơi cay, và dĩ nhiên truyền hình, truyền thanh và báo chí. Và đối diện với guồng máy khổng lồ gian dối và tàn ác đó, các mục tử và giáo dân Thái Hà không hề nao núng sợ hãi, nhưng đã tỏ ra kiên nhẫn, tự chế, có tinh thần kỷ luật rất cao, một lòng yêu thương đoàn kết với nhau, tha thứ cho kẻ thù noi gương Chúa Giê-su. Có lẽ từ thời bắt đạo, chưa bao giờ một cộng đoàn tín hữu Công Giáo tại Việt Nam đã chứng tỏ một lòng tin mãnh liệt như thế. Hẳn chính điều đó đã lôi kéo sự tham gia của rất nhiều người ở trong cũng như ngoài nước qua nhiều bài viết trên mạng Vietcatholic. Trong số các cây viết thường xuyên nhất và sắc bén nhất, phải kể đến anh J.B. Nguyễn Hữu Vinh ở Hà Nội và anh Alfonso Hoàng Gia Bảo ở Sài-gòn. Còn nói chi đến vị luật sự chính của Thái Hà là luật sư Lê Trần Luật, một luật sư trẻ đã chấp nhận bao khó khăn, bao thiệt thòi cho bản thân, cho gia đình, để can đảm bênh vực công lý, hiên ngang làm chứng cho sự thật. Anh không thể có mặt tại phiên toà phúc thẩm, nhưng đã trải lòng mình qua lá thư gửi 8 bị can của Thái Hà đăng tải trên Vietcatholic trước phiên toà phúc thẩm.
Thái Hà toả sáng từ hai phiên toà
Ngọn lửa đức tin của cộng đoàn Thái Hà đã bừng lên mãnh liệt đặc biệt qua phiên toà sơ thẩm ngày 08-12-2008, cũng như phiên toà phúc thẩm mới rồi ngày 27-03-2009. Chỉ cần nhìn cảnh 8 giáo dân ăn mặc bảnh bao, khuôn mặt rạng rỡ, ngực đeo tượng ảnh Đức Mẹ Công Lý, tay cầm cành thiên tuế giương cao, chung quanh họ là cả một rừng người đi ủng hộ, khi lần chuỗi, khi hát thánh ca. Nếu qua các cuộc biểu tình khắp nơi đặc biệt trong nhiều tháng suốt năm 2007 người dân oan chỉ đòi đất, thì mục tiêu tranh đấu của giáo dân Thái Hà là công lý, là sự thật. Toà án quận Đống Đa đã xử oan, nay họ đi đòi công lý. Truyền thông Nhà Nước đã nói sai, nay họ đi đòi sự thật. Vào những ngày cuối Mùa Chay, trong khi Hội Thánh đang tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, thì anh chị em Thái Hà với một niềm tin mãnh liệt, đang đồng hành với Chúa mình trên con đường thánh giá. Giữa lúc dân tộc Việt Nam đang gồng mình chịu bao bất công, áp bức, gian dối, thì anh chị em Thái Hà bất chấp muôn vàn khó khăn thử thách, đã can đảm và hiên ngang đi đòi công lý, đi đòi sự thật. Điều không thể chối cãi là hôm nay, chính anh chị em Thái Hà là những người đang ĐỒNG HÀNH VỚI DÂN TỘC.
Kết luận
Giáo Hội Việt Nam đang nô nức chuẩn bị mừng 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam và cao điểm là năm tới, năm 2010. Đây cũng là năm kỷ niệm 30 năm (1980 – 2010) lá thư chung của HĐGM/VN năm 1980 với chủ trương Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc hay Đồng hành với dân tộc. Thiết tưởng đây cũng là cơ hội để Giáo Hội Việt Nam đánh giá những cố gắng thể hiện sự gắn bó của mình không phải với một chế độ chính trị sớm muộn gì cũng qua, nhưng là với cộng đồng dân tộc đã có từ thời Vua Hùng và sẽ còn trường tồn qua thời gian.
Một sự lượng giá như vậy, nếu có, sẽ dễ dàng cho thấy trong hoàn cảnh cụ thể hôm nay Giáo Hội Công Giáo Việt Nam còn phải làm gì để thể hiện cách cụ thể quyết tâm ĐỒNG HÀNH VỚI DÂN TỘC. Không có những việc làm cụ thể, thì đó chỉ là một khẩu hiệu trống rỗng, một chủ trương trên giấy chẳng thuyết phục được ai.
Sài-gòn, ngày 30 tháng 03 năm 2009
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
pascaltinh@gmail.com