Di sản thế giới



Nhật báo Los Angeles Times số ra ngày 16.1.2009 có đưa ra 29 nơi có danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử đẹp nhất trên thế giới nên đến viếng thăm trong năm 2009 như Yosemite National Park, Jurmala ở Latvia, Athens ở Georgia, Joggins Fossil Cliffs, Nova Scotia ở Canada, Cape Town ở South Africa, v.v. Nhưng chúng tôi đã ngạc nhiên khi thấy có một nơi ở Việt Nam được nhật báo này giới thiệu, đó là Đồng Hới!

Đọc vào mục này, chúng tôi thấy tờ báo giới thiệu “Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng” (Phong-Nha Ke-Bang National Park) ở Quảng Bình đã được tổ chức UNESCO liệt vào loại di sản thế giới với một hệ thống hang động thiên nhiên rất kỳ diệu. Đây là một kỳ quan của thế giới nằm trên đất nước chúng ta, nhưng được rất ít người Việt hải ngoại biết đến và ghé thăm mỗi khi trở về Việt Nam.

CÁI TÊN ĐỒNG HỚI

Trước khi nói về Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng, chúng tôi xin nói qua về cái tên Đồng Hới mà tờ Los Angeles Times đã nói đến. Đây là một cái tên nghe rất lạ.

Trước khi Pháp đô hộ Việt Nam, Động Hải là trung tâm của Quảng Bình và được gọi là Động Hải doanh. Động có nghĩa là sâu, hải là biển. Động Hải là biển sâu. Vì thời đó Quảng Bình được đặt dưới chế độ quân sự, nên Chưởng Cơ coi luôn việc binh lẫn việc hành chánh. Động Hải doanh gồm có 7 làng sau đây: Động Hải, Lệ Mỹ, Trấn Ninh (còn gọi là Phú Ninh), Tiền Thiệp, Hướng Dương, Kiên Bính, Thạch Lũy. Các làng này đều trực thuộc Phủ Quảng Ninh.

Ngày 19.7.1885, Pháp chiếm Động Hải và đến năm 1893 Pháp đã biến Động Hải thành thành phố và lấy tên là thành phố Đồng Hới.

Tại sao không gọi là thành phố Động Hải mà gọi là thành phố Đồng Hới? Chữ Hới ở đây nghe gióng tiếng Mường quá!

Người Pháp không đọc chữ Động Hải được nên đổi thành “Dong” và “Hoi”. Hai chữ này được người Pháp ghép lại với nhau theo kiểu tiếng Pháp thành “Donghoi”. Các tài liệu của Pháp đều viết “Donghoi”. Khi phiên âm ngược lại tiếng Việt, các viên chức của ta đã viết thành Đồng Hới!

Sử liệu cũng cho biết, đa số người Động Hải đều có góc ở thôn Hới thuộc vùng Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa di cư vào. Nhưng chữ Hới khi được viết theo chữ Hán đều ghi là Hải, vì trong chữ Hán không có chữ Hới. Nhưng chữ “Hới” trong cái tên Đồng Hới không dính líu gì đến tên cái thôn góc của người di dân.

VÀI NÉT VỀ ĐỘNG PHONG NHA

Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm trong dãy Trường Sơn, thuộc huyện Bố Trạch và huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình. Trước đây người ta ước lượng vùng này có diện tích 85.754ha, nay những khám phá mới cho thấy vườn này rộng đến 200.000ha. Đây là một trong hai vùng hoang mạc đá vôi lớn nhất thế giới với 300 hang động tuyệt đẹp và có nhiều động thực vật quí hiếm nằm trong Sách Đỏ của thế giới.

Động Phong Nha còn được gọi là Động Tiên Sư hay Động Sài Sơn, nó được tạo thành do một con sông ngầm chảy luồn trong dãy núi đá vôi nói trên. Theo tính toán của các nhà khảo sát ngoại quốc, con sông ngầm này có thể dài đến 27km.

Mới đây, người ta khám phá ra nhánh dài nhất là một phần của con sông ngầm có tên là Nậm Aki mà sông Son là phần lộ ra mặt đất, nó chui ngầm dưới đất ở vùng núi Pu-Pha-Đam cách đó hơn 20km về phía Nam.

Đường vào động là một khe nước cao từ 7m đến 10m và rộng từ 10m đến 15m, nước chảy trong vắt và uốn khúc quanh co.

Trước đây, các nhà khảo cứu chỉ mới đi sâu vào được khoảng 3km và phát hiện ra một dãy hang dài khoảng 2.000m, vách thẳng đứng, có 14 hang nối nhau. Hang ngoài cao 12m, các hang trong cao từ 20 đến 40m, nhưng cứ hẹp dần. Vách có nhiều nhủ đá kiểu rất lạ. Cách cửa động khoảng 350m có lỗ thông thiên, ánh mặt trời lọt qua lỗ này phản chiếu vào khe nước tạo nên những màu sắc kỳ lạ và ngoạn mục. Trong hang nghe có tiếng gió, tiếng nước chảy róc rách vào các hóc đá và những âm thang vang lên như tiếng nhạc, có khi vi vu, có khi bập bùng, làm cho cảnh tượng trong hang mang màu sắc huyền bí. Trong động có chùa Hang và bàn thờ Chăm, vách có khắc chữ và nhiều mãnh tượng.

Hang chính dài 1.451m. Hang số 7 có một đường ngách, đi khoảng 600m thì quẹo ngang theo hướng hang chính, qua một cửa thấp, dẫn vào một con đường thật dài, hai bên có nhủ đá rất lạ. Hang 14 có đống đá vụn và hai lối đi vào các hang khác, rất đẹp nhưng rất dễ lạc đường.

KHẢO SÁT ĐỘNG PHONG NHA

Người Tây phương đến thám hiểm Động Phong Nha đầu tiên có lẽ là linh mục Cadière, một nhà khảo cổ người Pháp nổi tiếng. Sau khi khảo sát, ông phát hiện dấu tích chữ Phạm của người Chàm khắc trên các vách đá. Trong một lá thư gởi cho ông Finot vào tháng 12 năm 1899, linh mục có viết: “Những gì còn lại ở đó đều rất quý báu đối với sử học. Gìn giữ nó giúp ích không ít cho khoa học”.

Tháng 4 năm 1924, một nhà thám hiểm người Anh tên là Barton đã đến Phong Nha khảo sát trong 15 ngày. Ông cho rằng Động Phong Nha không thua gì Động Padirac của Pháp hay Động Cue' vas del Drach của Tây Ban Nha.

Năm 1990, một đoàn thám hiểm gồm một nhóm chuyên gia thuộc Hội Nghiên Cứu Hang Động Anh (British Cave Research Association - BCRA) do Tiến sĩ Howard Limbert cầm đầu, và các nhà khoa học Việt Nam thuộc Đại Học Quốc gia Hà Nội, đã bắt đầu mở các đợt khảo sát sâu rộng về Động Phong Nha. Nhóm này đã tiến sâu vào hang được 15 cây số (trước đây chỉ mới 3 cây số).

Đây là một cuộc thám hiểm khá khó khăn và vất vã, phải có khả năng và dụng cụ chuyên môn mới thực hiện được. Thí dụ khi chống thuyền đi vào hang khoản 3 cây số, đoàn phải dừng lại vì một bức tường cao vút chận lại. Đoàn phải xử dụng thiết bị lặn đặc biệt để lặn sâu xuống và vượt qua phiá dưới bức tường đá, mới có thể đi tới cuối động và xác nhận động này dài 7.729m.

Năm 1994, tiến sĩ Howard Limbert cho biết: "Sau hai chuyến thám hiểm trước (1990 và 1992), chúng tôi không những chỉ xác định động Phong Nha dài đến 7.729m, mà còn phát hiện thêm hàng chục hang động khác như hang Vòm dài đến 13.969m, hang Rục Cà Ròn dài 2.800m..."

Hang Vòm có Động Khô. Động Khô nằm cao hơn Động Phong Nha khoảng 200m.

Trong cuốn “Đất Trời Việt Nam”, ông Thái Văn Kiểm cho biết Động Khô được tìm thấy tháng 4-1935 do một người dân địa phương phát hiện. Thời kỳ đầu mới được tìm thấy, Động Khô được người dân gọi là Động Tiên do vẻ đẹp kỳ bí của nó. Sau này khi tìm ra động Phong Nha là động nước nên người ta gọi động Tiên là Động Khô.

Phong cảnh trong Động Khô ví như chốn bồng lai tiên cảnh: Tua tủa trong động hàng nghìn khối nhũ đá với nhiều màu sắc. Vòm động cao thoáng, nổi rõ nhiều vân trắng như vàng bạc. Những hàng cột đá màu cẩm thạch nhiều dáng vẻ diệu kỳ khiến ta ngây ngất như đang lạc vào thiên cung hay thủy cung.

Động Khô có nét đặc biệt hơn Động Phong Nha là có những phiến đá và cột đá cộng hưởng âm. Khi người ta gõ nhẹ vào thì nó sẽ phát ra những âm thanh lạ kỳ như vọng ra từ chốn sâu thẳm của lòng đất.

Theo đoàn thám hiểm BCRA, Động Khô được hình thành cách đây khoảng hàng chục triệu năm, khi một dòng nước chảy qua đục rỗng, bào mòn núi đá vôi Kẻ Bàng. Sau đó do kiến tạo địa chất, khối núi này hoặc đã được nâng lên, hoặc đã bị hạ xuống khiến các khối đá đổ sụp ngăn chặn dòng chảy làm nên Động Khô ở phía trên, còn phần có sông ngầm chảy qua tạo ra hang Động Phong Nha. Theo doàn, giữa hai Động Phong Nha và Động Khô không có sự ăn thông với nhau. Động Khô có chiều dài là 980m. Từ cửa động đi vào khoảng 400m có một vực sâu chừng 10m, và sau đó là động đá ngầm tiếp tục dài gần 500m. Hiện nay có thể đi vào khoảng 400m từ của động để quan sát.

RỪNG TRÊN ĐỘNG PHONG NHA

Trong một cuộc khảo sát, các nhà lâm nghiệp Việt Nam đã phát hiện trên nóc Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng ở độ cao khoảng 800m, có một khu rừng nguyên sinh diện tích khoảng 45.000 hecta, có nhiều loại thực vật và động vật quý, như những cây chò thật lớn, rùa vàng nặng 5 kg, vượn bạc mày, cá chép tím, v.v.

Năm 2005, các chuyên gia của Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học và Cứu Hộ Động Vật Hoang Dã của Việt Nam và Giáo Sư V. Averyanov Leonis, chuyên gia hàng đầu về thực vật của Viện Hàn Lâm Khoa Học Nga, đã leo lên khu rừng nói trên và đã khám phá ra cả một rừng cây bách xanh trải dài và rộng gần như như vô tận. Những thân bách xanh đường kính từ 1m đến 1,5m, cao từ 20m đến 30m, cứ tựa vào nhau gần như san sát trên một diện tích khoảng 5000ha. Trung bình, các cây bách xanh ở đây có tuổi từ 500 đến 600 năm. Có những thân cây quá già đã gục ngã theo thời gian, giờ còn trơ lõi với nhưng vỏ và lá mục, nhưng chính những võ và lá mục này đã làm thức ăn nuôi sống cho thế hệ bách xanh kế tiếp.

Giữa núi đá vôi trùng trùng điệp điệp chỉ có bách xanh mới có thể bám chắc vào đá để tồn tại qua hàng trăm năm.

ĐÁNH GIÁ CỦA ĐOÀN THÁM HIỂM

Đoàn thám hiểm BCRA đã công bố những bức ảnh được chụp bằng phương tiện hiện đại nhất cho thấy những bí ẩn đã bị che dấu hàng triệu năm trong bóng tối của hang động. Nhưng tiến sĩ H. Limbert nói: "Đây chỉ mới là một phần rất nhỏ chân dung của Phong Nha mà thôi".

Một cuộc hội thảo khoa học về danh lam thắng cảnh Phong Nha đã được tổ chức tại Quảng Bình vào tháng 4 năm 1997, Kết quả nghiên cứu và khảo sát cho biết Phong Nha có 7 cái nhất:

1. Hang nước dài nhất (Hang Vòm-28km)

2. Cửa hang cao và rộng nhất

3. Bãi cát và đá rộng đẹp nhất

4. Hồ ngầm đẹp nhất

5. Thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất

6. Dòng sông ngầm dài nhất (13.969m)

7. Hang khô rộng và đẹp nhất.

Ngày 5.7.2003, Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới (UNESCO World Heritage Site). Chương trình này được thành lập do “Hiệp Định Liên Quan đến Bảo Vệ Di Sản Văn Hoá và Thiên Nhiên” và được chấp thuận tại Hội Nghị UNESCO ngày 16.11.1972.

Quỹ Bảo Tồn Thiên Nhiên Thế Giới (WWF) công nhận Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng là vườn quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất hành tinh.

Đến năm 2007, đoàn thám hiểm đã công bố cho thế giới biết những kết quả hoàn toàn khác xa 18 năm trước, khi chuyến thám hiểm đầu tiên được tiến hiện: Có khoảng 300 hang động lớn nhỏ tồn tại trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng với những giá trị hàng đầu thế giới: (1) hệ thống sông ngầm dài nhất; (2) cửa hang cao và rộng nhất; (3) bờ cát rộng và đẹp nhất; và (4) thạch nhũ đẹp nhất.

ĐUỜNG VÀO PHONG NHA

Nếu đi bằng xe từ Đồng Hới, có thể theo quốc lộ 1A đi về hướng Bắc 17 cây số, đến ngã ba Hoàn Lảo thuộc huyện Bố Trạch thì rẻ về phía Tây theo một tỉnh lộ nhỏ hai bên có đồi thông, đi khoảng 30 cây số đến bến phà Xuân Sơn. Từ đây, du khách dùng thuyền cho trôi trên dòng sông Son đi vào cửa động. Nếu đi bằng xe lửa, du khách có thể xuống ga Thu Lộc rồi đi đường bộ về phía Tây khoảng 20 cây số sẽ gặp động. Nếu du khách xuống ga Ngân Sơn, có thể đến động bằng thuyền trong 6 tiếng đồng hồ. Du khách cũng có thể đi thuyền trên sông Gianh, khởi sự từ Quảng Khê, vào nguồn Son, qua Troóc để tới động.

Muốn vào quan sát trong các hang, cần phải có thuyền, đèn và pháo sáng. Có khúc phải vác thuyền đi bộ, có khúc thả thuyền xuống nước chèo đi. v.v.

MỘT CÁI NHÌN VỀ PHONG NHA

Đầu tiên, tỉnh Quảng Bình đã giao cho Công Ty Phát Triển Văn Minh Đô Thị để thực hiện dự án khu nghỉ mát và giải trí sinh thái Phong Nha, gọi tắt là khu nghỉ mát PEER, có diện tích rộng hơn 50ha, với tổng vốn hơn 155 tỷ đồng. Khu nghỉ mát này gồm tiểu khu lưu trú, vui chơi nằm ở phía Hữu ngạn sông Son và khu nghỉ dưỡng, tham quan, giải trí sinh thái nằm ở phía Tả ngạn sông Son.

Tiếp theo, tỉnh Quảng Bình lại giao cho Công Ty Cơ Khí Xây Dựng và Thương Mại Minh Tân thuộc tỉnh Đồng Nai làm chủ dự án thứ hai về du lịch sinh thái Phong Nha-Kẻ Bàng, với tổng vốn đầu tư hơn 90 tỷ đồng. Dự án này gồm ba hạng mục chính là khai thác du lịch ở ba hang động mới là hang Tối, hang Mẹ bồng con và hang Vòm trên diện tích xây dựng các cụm công trình rộng 48ha.

Nhưng tất cả đều chưa tạo được cho Phong Nha tầm vóc của một trung tâm du lịch quốc tế. Sau đây là một số đoạn nhân xét được trích trong bài “Phong Nha: Đánh thức vẫn chưa dậy!” được đăng trên VietnamNet và sinhhocvietnam.com:

“Đang thăm động, tôi chợt bắt gặp vẻ mặt ''day dứt'' của anh bạn đi cùng, tôi băn khoăn: "Không hiểu ông này cứ lao vào những ngách đá tối tối để tìm cái gì". Chết thật, thì ra trong hang động không hề có một... nhà vệ sinh nào. Vấn đề vô cùng tế nhị nhưng lại vô cùng thiết yếu, nhất là để đảm bảo vệ sinh cho Phong Nha.

“Để thăm hết động nước bằng đường bộ phải mất khoảng 45 phút, động khô phải leo hơn 400 bậc xi măng và cũng phải mất chừng ấy thời gian nữa mới xem hết. Ở đây chỉ có 1 nhà vệ sinh ở cửa Động Khô và 1 nhà vệ sinh ở chân Động Khô, gần cửa Động Nước. Tuy nhiên hành trình của khách lại đi thẳng từ bến thuyền xuất phát (Trung tâm xã Sơn Trạch) vào Động Nước hết khoảng hơn 1 giờ rồi mới ra bến thuyền đến để lên Động Khô. Rủi thay có vị khách nào... yếu thận chỉ có cách tìm cái cột thạch nhũ nào ''khuất khuất''.

“Thăm xong Động Tiên Sơn (Động khô) trở ra, mới 3 giờ chiều, thấy những người bán hàng đã lục đục thu dọn ''đồ nghề''. Hàng hoá cũng chỉ mấy lon nước ngọt, vài quả trứng luộc, mấy quả xoài, chai bia. ''Nếu là ngày lễ, Tết, khách đông thì mới bán muộn, còn bình thường thì họ chỉ dọn hàng từ 9 giờ sáng tới 3 giờ chiều'', Thiết nói.

“Lúc đi xuống bến thuyền chúng tôi gặp 1 thằng nhóc vác bao tải phăm phăm đi lên Động Khô, hỏi xem nó mang con thú hay củ gì đi bán thì nó nói ''Đi nhặt loong bia''. "Kiếm được bao nhiêu tiền?" - "Một ngày được khoảng 3-4 ngàn". "Thế thôi à?" Nó nói ngay: ''Cho cháu xin 1 ngàn''.

“Theo Ban Quản Lý Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng, họ đang tập trung quy hoạch lại bãi bến thuyền, bãi xe, nhà đón tiếp. Ông Đặng Đông Hà cũng cho biết, hiện Phong Nha mới khai thác du lịch được một phần nhỏ là Động Khô và Động Nước, còn mảng du lịch rất lớn là du lịch sinh thái thì vẫn như nàng công chúa ngủ yên hàng ngàn năm chưa được ai đánh thức. Điều đó cũng có thể lý giải bởi Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn thuộc sự quản lý của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn chứ không thuộc ngành du lịch.

“Phong Nha quý hơn hẳn các điểm du lịch khác ở Việt Nam là động nằm trong khu rừng nguyên sinh Kẻ Bàng dường như còn nguyên sơ và tinh khôi. Cư dân nơi đây vẫn nghèo khó và lạc hậu, trẻ con vẫn hồn nhiên cởi truồng chạy theo khách lạ. Những cư dân bản địa nơi đây mang một phong cách rất riêng. Họ cư xử thân thiện và tình cảm mang tính cách của người nông dân thuần khiết hơn là nhìn nhận du khách như là một cơ hội để tìm kiếm nguồn tài chính. Điều này càng đòi hỏi Phong Nha phải biết giữ gìn để thêm hấp dẫn khách du lịch.

“Hệ thống hang động trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng chính là nơi cư trú của các tộc người thiểu số từ lâu đời với nhóm người Rục, ARem, Mã Liềng thuộc tộc người Chứt. Những tộc người này vẫn còn giữ nguyên vẹn các lễ hội dân tộc: lễ cầu mùa, lễ mừng cơm mới, lễ rằm tháng ba... Các điệu hát sắc bùa, hát dân ca, các tập tục văn hoá phong phú và lạ.

“Mỗi tộc người này có một nền văn hoá riêng rất độc đáo và quý giá có thể khai thác phục vụ du lịch. Như vậy, tại sao Quảng Bình chưa tổ chức thêm các nhà trưng bày các mẫu vật quý về rừng nguyên sinh Kẻ Bàng cũng như giới thiệu về các dân tộc nơi đây. Đặc biệt là những tư liệu về người Rục (người Arem) - một tộc người thiểu số còn giữ lại rất nhiều những đặc điểm sinh hoạt của người nguyên thuỷ mà chỉ còn duy nhất ở Phong Nha - Kẻ Bàng...

“Ông Phan Lâm Phương- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trong hội nghị thu hút đầu tư của tỉnh đã khẳng định với VietNamNet, thời gian tới tỉnh này sẽ chú trọng phát triển mạnh du lịch, dịch vụ, tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá di sản thiên thiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng như tiếp tục đầu tư hạ tầng các khu du lịch trọng điểm.

“Về Hà Nội, hay tin Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, Chính Phủ Đức vừa cam kết tài trợ trên 13 triệu USD vốn ODA cho Dự án Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hy vọng rằng người dân nơi đây sẽ không chỉ được biết đến số tiền trên qua báo chí.

“Phong Nha vẫn được ví như 1 kho báu để quên trong rừng. Phong Nha ơi, bao giờ mới mở cửa ra? Công bằng mà nói, Quảng Bình chưa tạo được trước mắt du khách một Phong Nha tuyệt đẹp và vô cùng quý giá như chính cái danh hiệu của nó: Di sản.”

(Hết trích dẫn).

Chúng tôi nghĩ rằng UBND tỉnh Quảng Bình nên cử một phái đoàn đi quan sát một số trung tâm du lịch thế giới như Disneyland ở Orange County, California, chẳng hạn, để quan sát họ tổ chức như thế nào, rồi bắt chước mà làm như thế.