CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CHO THÂN PHẬN BỒI BÚT NÔ LỆ
Tờ biên bản mà cô phóng viên Vũ Sơn Trà lập khi tiếp đoàn giáo dân và các luật sư đến khiếu nại “yêu cầu Báo Hà Nội mới đăng tin cải chính những thông tin sai sự thật về vụ án xử các giáo dân Thái Hà”, là một cú tát vào mặt chính quyền Hà Nội.
Nội dung tờ biên bản khiến nhiều người thương hại các nhà báo “vì miếng cơm manh áo đã bán tháo danh dự và nhân phẩm của mình”.
Của đáng tội, những nhà báo này đâu có quyền được nói lên chính kiến và suy nghĩ của mình. Tất cả những gì họ viết thì đều đã được sự chỉ đạo từ xa. Họ biết những gì họ viết chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho một nhóm người, nhưng cứ phải viết.
Cái hèn, cái nhục của một số sĩ phu Hà Thành là ở đó.
Chỉ đạo từ đầu
Thực tế, ngay khi sự việc Thái Hà xảy ra, ông Vũ Hồng Khanh đã “cung cấp các tài liệu và yêu cầu các báo lên tiếng về vụ việc Thái Hà”. Ngay lập tức hơn 600 tờ báo đồng loạt lên đồng tập thể tấn công, bôi nhọ nhằm “đánh nhanh, tiêu diệt gọn” đám giáo dân cứng đầu. Tất cả đều cung cúc tận tụy “đi theo lề phải”, nói những lời sai trái mà không biết thẹn với lương tâm và vong linh của tổ tiên mình.
Suốt thời gian diễn ra vụ việc Thái Hà, để sự chỉ đạo được thông suốt và để kìm hãm những nhà báo có thể đi lề trái, Thành ủy Hà Nội còn cử sang Báo Hà Nội mới một đảng viên – bút danh Anh Quang, không thuộc biên chế Báo Hà Nội mới, chuyên viết bài và gửi tới các báo bắt phải đăng.
Điều đáng nói là ngày 15 tháng 1 năm 2009, Hội Nhà báo Hà Nội đã trao giải thưởng báo chí Ngô Tất Tố cho phóng viên đảng viên có bút danh “Anh Quang” này.
Không chỉ có vậy, trong lúc dầu sôi lửa bỏng, theo nhiều nguồn tin khác nhau, Đảng ủy CA TP Hà Nội còn ra cả một văn thư đóng dấu mật gửi tới tổng biên tập tất cả các báo, đài yêu cầu “lên án, tố cáo” các giáo dân vi phạm pháp luật.
Có thể nói, trong vụ việc Giáo xứ Thái Hà, báo chí chỉ có một nhiệm vụ là công cụ đắc lực phục vụ cho chế độ. Người ta không được quyền nói điều người ta biết là đúng mà phải nói điều mà họ biết rõ là sai vì thế sự dối trá và bất lương đã đạt tới đỉnh điểm.
Phóng viên của một tờ báo lớn, sau khi viết bài đúng “lề phải” về vụ Thái Hà được xuất bản thì đã bị nhiều đồng nghiệp chỉ trích. Anh ta thanh minh rằng, khi đến Thái Hà đã rất muốn vào gặp các giáo dân và linh mục để có được thông tin khách quan nhưng bị đồng nghiệp đàn anh đi cùng cấm cản: “ĐM. Bài có sẵn rồi, hỏi làm đ. gì”. Thì ra, nội dung đã có “ở trển” gửi xuống, phóng viên chỉ cần ra hiện trường để “lấy không khí” về thêm mắm dặm muối cho khác các báo khác một chút rồi ký tên mình vào. Không phải mất mấy công sức mà nhuận bút hưởng trọn, lại còn được biểu dương, khen thưởng. Tội gì không làm.
Chỉ đạo cách bất lương
Vụ việc Thái Hà tạm lắng ngay sau phiên tòa xét xử 8 giáo dân vô tội với mức án từ cảnh cáo tới án treo cho các nạn nhân. Điều đáng nói là ngay lập tức, dưới sự chỉ đạo, tất cả các báo lại đồng loạt lên đồng tập thể, đưa tin sai sự thật: “các bị cáo đều đã cúi đầu nhận tội, thừa nhận mình đã có các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật”.
Chuyện chỉ đạo và chờ chỉ đạo ở Việt Nam quả thật là câu chuyện đáng phải bàn. Tại Việt Nam, cái gì cũng phải chờ chỉ đạo.
Năm Mậu Tý, phong trào nuôi chuột Hamster nở rộ. Các phường buôn thấy có lợi nên đổ tiền đầu tư. Từ sự cảnh báo của các nhà khoa học về cái hại của chuột Hamster, các lãnh đạo chính quyền rơi vào tình cảnh bối rối, dù đã có luật rõ ràng về bảo vệ thực vật, động vật, nhưng các vị có thẩm quyền cũng phải chờ chỉ đạo và khi có chỉ đạo thì chuột Hamster đã sinh được mấy lứa và đã tràn vào môi trường tự nhiên sinh sống.
Gần đây, chỉ vì phải chờ chỉ đạo mà một con voi 7 năm tuổi đã bị chết tại Bản Đôn - Tây Nguyên.
Chỉ đạo là một việc cần. Nhưng cái gì cũng phải chờ chỉ đạo thì lại là một vấn đề khác. Nó cho thấy có một bộ phận đặc quyền đặc lợi, thiếu tôn trọng pháp luật và cả gan dám ngồi lên pháp luật.
Chỉ đạo là việc cần, nhưng vấn đề là: “ai là người chỉ đạo?” Nếu đó là một kẻ bất lương thì quả thật đó là một hiểm họa khôn lường không chỉ cho những người bị chỉ đạo mà còn cho cả những người liên hệ, rộng hơn là cho cả đất nước này.
Trong vụ việc Thái Hà, chính quyền Hà Nội đã dùng quyền chỉ đạo, nhưng đã chỉ đạo một cách bất lương, không chỉ ngồi trên pháp luật mà còn phỉ báng pháp luật; không chỉ trái với đạo đức, mà còn phỉ báng nhân phẩm con người.
Tuy nhiên, điều đáng nói là tất cả các báo đài trong nước đều đồng lòng “phụng sự” sự bất lương này. Thay vì lên tiếng tố cáo bất công, tố cáo sự bất lương của các nhà lãnh đạo thì các cơ quan báo chí, như những kẻ say máu, tấn công những người vô tội và coi đó là một thành quả trong “công cuộc xây dựng đất nước”.
Sự bất lương đạt tới đỉnh điểm khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong cuộc gặp với Bộ Công an đã hết sức khen ngợi các cơ quan công an đã tích cực đấu tranh trong vụ việc Thái Hà và Tòa Khâm sứ.
Cái giá phải trả
Những ngày qua, thông tin về vụ việc giáo dân Thái Hà kiện các cơ quan truyền thông loan tin sai sự thật đang tạo sự chú ý của công luận, nhất là đang bóc trần bộ mặt bất lương của chế độ cộng sản XHCN.
Sự kiện này cũng đang làm cho các cơ quan báo chí lúng túng, làm cho “Thành ủy” (nói theo giọng Miền Nam là Thằng Quỷ) Hà Nội phải “cúi đầu nhận tội” về những chỉ đạo bất lương của mình trước đây và nhất là đặt Ban Khoa giáo Thành ủy vào tình thế phải tìm mọi cách “xin sự khoan hồng của các nguyên đơn” khi viết giấy mời các nguyên đơn tới gặp lãnh đạo Báo Hà Nội mới vào ngày 19/2/2009.
Có lẽ, khi đứng ra chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin xuyên tạc về Đức Tổng và các giáo dân Thái Hà, chính quyền Hà Nội đã nghĩ rằng với màn đấu tố vụng về, đầy bất lương này, họ sẽ bịt miệng được những tiếng nói lương tri, tiếng nói của những người yêu sự thật và lẽ công bằng. Tuy nhiên, điều họ nghĩ đã xảy ra ngược lại, người ta không thể bóp méo sự thật, càng không thể “đấu tố” sự thật.
Nhà cầm quyền Hà Nội vì không tôn trọng sự thật và không bao giờ có sự thật nên bây giờ khi sự thật lên tiếng, thì chính họ lại trở thành “nạn nhân” của sự thật khi phải đi cửa hậu tìm sự “khoan hồng của các giáo dân”.
Đây thực sự là một sự nhục nhã cho các phóng viên bồi bút, cũng như cho những kẻ cầm quyền.
Bây giờ phải làm sao?
Trong tình thế bị đẩy vào việc phải trả lời dứt khoát, cải chính hay không, nếu là một chính thể tôn trọng sự thật, luôn sống và làm theo pháp luật thì câu trả lời thật dễ dàng. Chỉ cần đăng tin cải chính các thông tin sai sự thật và tuyên bố “các giáo dân vô tội” thế là xong, vừa tốt đời, đẹp đạo lại vừa chứng tỏ chính quyền cũng “do dân và vì dân”.
Thế nhưng, đó là nói chuyện về những cái đầu biết suy nghĩ, chứ còn, với một cái đầu bất lương, thấm nhuần tinh thần đạo đức cách mạng nuôi chí hận thù, như cái đầu của các quan chức Hà Nội; bên cạnh đó, những cái đầu bất lương này còn “phải chờ sự chỉ đạo” của những cái đầu bất lương cao cấp hơn, thì chuyện cúi mình phụng sự sự thật quả là điều khó.
Đức Giêsu nói: “Kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26, 52).
Những cái đầu bất lương cũng sẽ chết vì sự bất lương của mình.
Chân lý, sự thật thì vĩnh hằng. Dù cái đầu con người ta có bất lương đến mấy thì cũng không thể nào bẻ cong được chân lý.
15/2/2009