Peter
Thánh Phêrô. Là vị Giáo hoàng tiên khởi và là người đứng đầu các Tông đồ. Tên thật của ngài là Simon, nhưng Chúa Giêsu đã đặt tên ngài là Phêrô, theo tiếng Hy lạp, hay Cephas theo tiếng Aramaic. Phêrô và Cephas nghĩa là “đá” (Ga 1:42). Tên đó tương xứng tới một bản tính cương nghị của phái nam, nhưng tên này trờ nên một ẩn ý rất quan trọng khi Chúa Kitô sau đó trao một nhiệm vụ lớn lao, “Con là Phêrô và trên đá này Ta sẽ xây Giáo hội Ta”(Mt 16:18). Điều này đã làm cho cái tên đặc biệt có nghĩa là Phêrô hay cephas được dùng làm tên cho người. Đây là tên của một nghề nghiệp. Không có một thắc mắc nào về sự nhìn nhận vai trò lãnh đạo của Phêrô. Tên của ngài luôn đứng đầu trong các tên của các thánh Tông đồ (Mc 3:16). Ngài và người em được Chúa chọn đầu tiên. Tên ngài xuất hiện trong Thánh kinh thường xuyên hơn các thánh Tông đồ khác (Lc 5:10). Ngài hành xử như người đại diện các tông đồ và bất cứ khi nào Chúa Giêsu hỏi họ thì Phêrô lên tiếng trả lời thay cho họ. Ngài hiện diện tai cuộc Biến hình (Mt 17:1-8), có mặt với Chúa Giêsu khi Chúa cho con gái Jairus sống lại (Lc 8:51). Ngài ở trong vườn Giệt-si-ma-ni trong suốt cơn sầu não của Chúa (Mc 14:33). Chúa Giêsu đã trả thuế đền thờ cho Ngài và Phêrô (Mt 17:24-27). Khi Chúa rời khỏi Ca-pa-nê-um, chính Phêrô đã dẫn các môn đệ đi tìm Ngài (Mc 1:36). Chính Phêrô đã phản đối lại việc rửa chân (Ga 13:6-9). Thiên thần báo tin việc Chúa sống lại đã nói: “Hãy đi và báo cho các môn đệ và Phêrô hay” (Mc 16:7). Các trình thuật khác trong cả bốn Phúc âm đều có thể chứng nhận và làm sáng tỏ về việc Phêrô được trao quyền thủ lãnh mà không ai phủ nhận cả. Sau khi Chúa chịu đóng đinh Phêrô đã tổ chức cuộc hội họp để chọn một Tông đồ thay thế Giuda (CV 1:15-26). Khi Phaolô và Ba-na-ba tham dự công đồng đầu tiên tại Giêrusalem, Phêrô đã chủ tọa và diễn thuyết để làm dịu cuộc thảo luận (CV 15:6-12). Qua các chương đầu của sách Tông đồ công vụ, ngài tiếp tục thi hành vai trò thủ lĩnh. Ngài thực sự vâng theo lời chỉ dạy của Thầy Chí Thánh đã truyền lệnh để “chăn dắt đàn chiên ta” và “chăn dắt các chủ chiên ta” (Ga 21:16-17). Phêrô cũng có những yếu đuốí và những sự mạnh mẽ của con người. Chúa đã quở trách ngài khi hiểu lầm sứ mạng của Mes-si-ah (Mc 8:33). Sự nóng giận của ngài tỏ lộ trong vườn khi ngài phản công Malchus (Ga 18:10). Ngài cảm thấy rất hổ thẹn về sự hèn nhát của ngài trong việc chối Chúa trong sân thành (Lc 22:54:62). Nhưng không phải tất cả các yếu đuối của con người này làm giảm bớt ý nghĩa của sứ mạng ngài đã lãnh nhận khi Chúa Giêsu nói, “ Ta sẽ trao cho con chìa khóa nước trời” (Mt 16:19). (Từ nguyên Hi Lạp petros, danh từ giống đực từ danh từ giống cái petra, hòn đá.)


Peter, Epistles Of
Hai thư của thánh Phêrô. Hai thư của thánh Phêrô Tông đồ đều viết cho những người trở lại từ tà giáo bên Tiểu Á. Cả hai thư được gửi đi từ Rôma. Lá thư thứ hai nói về cái chết đang tới của ngài; lá thư thứ nhất hàm chứa các lời khuyên nhủ thâm tình để sống đời Kitô hữu, phác hoạ bổn phận của công dân đối với chính quyền dân sự, tôi tớ với chủ, vợ với chồng, sự tương ái, nhẫn nại, và sự khiêm hạ. Người ta nghi ngờ liệu thánh Phêrô có là tác giả hai thư này không. Nhưng trong thư thứ nhất tác giả xưng là “Phêrô, tông đồ Chúa Giêsu Kitô” (I Phêrô 1:1), và tác giả của thơ thứ hai xưng là Phêrô người chứng kiến sự biến hình của Chúa (II Peter 1:1, 1:16-18), ngài cũng viết một thư khác (I Phêrô, II Phêrô 3:1), và nhắc tới “người anh em Phaolô của chúng ta, rất thân thương với chúng ta” (II Phêrô 3:15)


Peter'S Pence
Đồng hào Phêrô. Sự dâng cúng hằng năm của tín hữu thuộc nhiều quốc gia để thánh toán chi phí của Toà thánh. Hình như việc này bắt đầu ở nước Anh, nơi đó mỗi điền chủ ở một mức nào đó dâng cúng một hào. Việc này được thành lập lại bởi Đức Giáo Hoàng Piô 9 sau khi mất hiệu lực từ thời cải cách tôn giáo. TạI một số quốc gia, sự dâng cúng được thâu góp qua nhiều đoàn thể; còn tạI các nước khác, sự đóng góp hàng năm được các giám mục gửi tới Đức giáo hoàng.


Petitions To The Holy See
Thỉnh nguyện với Tòa thánh, kiến nghị với Tòa thánh. Quyền của các tín hữu thỉnh cầu Toà thánh trong mọi vấn đề bất cứ khi nào. Thỉnh nguyện thường được đệ trình qua đấng bản quyền địa phương, sau đó ngài chuyển thỉnh nguyện tới các bộ hoặc ủy ban của Tòa thánh. Nhưng mọi người công giáo có thể trực tiếp gửi trực tiếp tới Đức Giáo hòang hay các giám chức tại Vatican và được bảo đảm rằng thỉnh nguyện sẽ được xem xét.


Pew
Ghế dài. Một ghế ngồi cho tín hữu trong nhà thờ. Các ghế ngối này là sáng kiến vào thời Trung cổ bên Tây phương, chúng dần dần được triển khai từ các ghế bằng đá gắn vào tường hoặc các cột trụ ở giữa thánh đường. Nhiều nhà thờ đã tỉ mỉ trạm trổ các ghế ngồi này, ở hai bên hoặc đằng sau ghế, với hình các thánh và biễu tượng cuộc Thương khó của Chúa.


Pew Rents
Tiền thuê ghế. Số tiền trước đây áp dụng trong một số địa phận về việc sử dụng ghế ngồi trong nhà thờ. Tại Hoa kỳ, việc này được chấp thuận bởi công đồng Baltimore lần thứ ba và được Tòa thánh phê chuẩn như là một nguồn tài chánh để duy tu nhà thờ và hỗ trợ hàng giáo sĩ. Việc thuê một ghế hoặc một phần ghế cho phép người thuê luôn được dùng chỗ này trong bất cứ giờ phụng vụ nào trong nhà thờ. Tại một số giáo phận, một người có thể nhận sự chăm sóc mục vụ tại một nhà thờ nào đó, mặc dầu người này thuộc về một giáo xứ khác. Những người không thể thuê ghế ngồi thì tự do ngồi vào các ghế không dành riêng trong nhà thờ.


Phanar
Điện Phanar. Tên cung điện của thượng phụ Chính thống Giáo Constantinople và là tên của khu vực Hi Lạp nơi ngài cư ngụ. Nó là trung tâm của tinh thần Hy lạp sau khi ngưòi Thổ nhĩ kỳ xâm chiếm. Các Kitô hữu Chính thống giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ châu Âu được cai trị bởi vị thượng phụ với sự đồng ý của chính quyền Thổ nhĩ kỳ. Phanar bên miền Đông là tương tự như Vatican bên miền Tây. (Từ nguyên Hi lạp ph_narion, ngọn đèn.)


Pharisaical Scandal
Gương mù Pharisêu. Không được khai trí bằng những hành vi ngây thơ của người khác. Những người ta bị cho là có gương mù Pharisêu nếu họ có dã tâm giải thích lầm lạc các hành động tốt hay dửng dưng của một ngườI khác. Họ bị gương mù Pharisêu bởi vì sự yếu kém luân lý quá sức của chính họ hoặc sự không hay biết lạI đi tìm dịp xấu trong điều họ nghe hoặc thấy điều người ta làm.


Pharisaic Conscience
Lương tâm giả hình. Lương tâm sai lầm khi tâm trí giảm thiểu tội trọng nhưng thổi phồng các vấn đề ít quan trọng, theo kiểu các người Pharisêu bị Chúa Giêsu cáo tội. Nó cũng là một lương tâm chai đá, vốn kiên quyết xét đoán tất cả hay một số tội trọng là không quan trọng hay không sai lầm chút nào cả, bởi vì một người có thói quen phạm tội trọng đến nỗi tâm trí họ bây giờ biện hộ đó là nhân đức nhưng thực sự đó là tội lỗi.


Pharisees
Bè phái Pharisêu, Nhóm người Biệt phái. Là một bè phái Do thái giáo tích cực và ồn ào trong nhiều thế kỷ trước và sau Chúa Giêsu đã đến trần gian. Họ tiêu biểu cho phần lớn giới trí thức, bởi vì họ là những thày trò của luật lệ Do thái và là ngườI đầy tham vọng và hay tranh cãi. Sự quá khích và thiển cận của họ đã làm cho họ nhấn mạnh một cách không bác ái đến mặt luật lệ của đạo giáo về việc từ thiện và tỏ lòng yêu thương. Chúa Giêsu tiêu biểu cho mối đe dọa tới sự an toàn tinh thần và sự lãnh đạo của họ. Họgài bẫy Ngài trong mọi cơ hội. Họ cố gắng gài bẫy Ngài vào những câu trả lời trái ngược (Mt 22:15-22). Họ đặt những câu hỏi, với hy vọng để chứng minh các sự mâu thuẫn (Mt 23:34-40). Họ phàn nàn về những người theo Ngài. Họ phản đối các hoạt động trong ngày Sa-bát (Mc 2:15-17; 2:23-26). Họ cũng âm mưu để giết Ngài (Ga 11:45-54). Thật vậy họ đã cộng tác với các thày thượng tế và phái Sadducee cho tới khi âm mưu của họ đạt tới cực điểm là bắt giữ và đóng đinh Chúa (Ga 18:3). Lẽ tất nhiên sự thù hận của họ đã đổ thêm dầu bằng việc buộc tội Chúa Giêsu đã công kích kịch liệt người Pharisêu. Ngài gọi họ là hạng giả hình (Mt 15:7). Ngài phê phán thói vụ luật của họ làm cho lời Chúa nên vô lý và vô ích (Mc 7:13). Sự công chính tự lực của họ được Chúa vạch ra trong dụ ngôn về người Pharisêu và người thu thuế (Lc 18:9-14). Tòan chương 23 của thánh Mathêu là những lời truy tố dài dòng và chi tiết về não trạng người Pharisêu. Khỏi cần nói, tất cả những người Pharisêu không phải là người cuồng tín. Gamaliel và Nicodemus là những người đã giữ được cảm thức quân bình và cởi mở với sự phát triển của đạo Do thái (Ga 3:1-21; CV 5:34-39). Nhiều người Pharisêu đã trở thành Kitô hữu. (Từ nguyên Do thái cổ perusim; tiếng Aramaic perissayya', tách biệt, biệt phái.)


Ph.B.
Cử nhân Triết học


Ph.D.
Tiến sĩ Triết Học


Vow Of Poverty
Lời Khấn Đức Thanh Bần, Lời khấn Sống Đức Khó Nghèo. Là lời khấn qua đó một người tự do từ bỏ quyền sở hữu tài sản, hay ít nhất từ bỏ sự sử dụng độc lập và quản lý cuả cải thế gian.


V. Rev.
V.Rev. – Rất đáng kính.


V.T.
V.T. - Cựu Ước


War Of Aggression
Chiến tranh Xâm lược. Là cuộc tấn công quân sự phi chính nghĩa vào nền độc lập, lãnh thổ, hay vào bất cứ chủ quyền nào của một quốc gia hay vào một phần quốc gia ấy bởi một thế lực chính trị khác.


Washing Of The Hands
Nghi thức Rửa tay. Việc một linh mục rửa các ngón tay trước và sau khi dâng lễ là có tính lễ nghi phụng vụ chứ không phải là theo phong tục tập quán. Việc rửa các ngón tay lúc dâng lễ vật là một phần của phụng vụ Hiến tế tạ ơn. Việc này tượng trưng cho sự thanh tẩy lương tâm cần phải có nơi vị chủ tế, và cũng thể hiện sự tôn trọng phải có đối với các yếu tố Thánh Thể được dùng trong thánh lễ. Đức Giám Mục cũng rửa tay sau khi dùng dầu thánh trong Bí tích Thêm sức và Bí tích Truyền chức thánh. Các giáo sĩ cũng rửa tay sau khi dùng dầu thánh trong Bí tích Rửa tội và Bí tích xức dầu bệnh nhân.


Washington, The National Shrine Of The Immaculate Conception
Đền Thánh Washington. Là đền thánh quốc gia kính Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Washington, Hoa Kỳ. Đức Mẹ Vô Nhiễm được Giáo Tỉnh Baltimore tuyên xưng là Quan Thầy của Hoa Kỳ vào năm 1846. Dự án xây dựng đền thánh được khởi công vào năm 1914 sau khi Đức Thánh Giáo Hoàng Pi-ô thứ 10 châu phê các kế hoạch do Đức Giám Mục Shahan, vị Viện Trưởng đời thứ tư của Viện Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ (CUA) đệ trình. Đức Giáo Hoàng Biển-Đức thứ 14 đã gởi tặng một bức tranh khảm “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội” của danh họa Murillo vào năm 1919 để cho kịp với lễ đặt viên đá đầu tiên do Đức Hồng Y Gibbons cử hành trong năm 1920. Các Đức Giáo Hoàng Pi-ô thứ 11 và Pi-ô thứ 12 đã ban nhiều đặc ân nữa đến công trình xây dựng đền thánh, trong đó có Đức Hồng Y Pacelli đến thăm đền thánh vào năm 1936 trước khi Ngài được vinh phong làm Giáo Hoàng. Phần nhà thờ chính đựơc long trọng thánh hiến vào năm 1959. Đã có hơn 50 nguyện đường được dâng tiến từ ngày thánh hiến Đền Thánh. Lầu chuông có 56 chuông. Với sức chứa 6.000 người, Đền Thánh này là một trong những công trình tôn giáo lớn nhất trên thế giới. Tất cả các giáo phận, vô số các Tu Hội Dòng, các tổ chức khác trên toàn Nước Mỹ đã đóng góp vào việc xây dựng Đền Thánh này. Hàng năm có hơn một triệu người đến viếng thăm Đền Thánh. Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gio-an Phao-lồ đệ Nhị đã ban huấn từ tại đây trước mấy chục ngàn Nữ Tu để kết thúc chuyến tông du bảy ngày thăm viếng Hoa-Kỳ vào ngày 07 tháng 10 năm 1979.


Water, Blessed
Nước Phép, nước làm phép. Bên cạnh Nước Thánh thông thường được dùng trong phụng vụ của Giáo Hội, có một số Nước Phép đã được Giáo Hội chấp thuận. Mỗi loại Nước Phép này có một lịch sử về ân điển lớn lao về đạo và đời cho những người dùng Nước Phép với Đức Tin và lòng sùng đạo. Giữa những Nứơc Phép nổi tiếng nhất là Nước Phép vinh danh Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Torellus, Thánh Vinh Sơn Ferrer, Thánh Raymond Nonnatus, Thánh An-béc-tô, Thánh Í nhã Lôiyôla, và Thánh Vinh sơn Phao lồ.


Water, Liturgical Use Of
Công dụng Phụng vụ của nước. Là biểu hiện của sự thanh tẩy cả bên trong lẫn bên ngòai, nước được dùng trong việc thực hiện Lễ Rửa Tội, để báo hiệu sự thanh tẩy khỏi tội lỗi (sạch tội). Trong thánh lễ một vài giọt nước được hòa với rượu để biểu lộ sự hợp nhất của Đức Chúa Ki-Tô với các tín hữu và Máu và Nước đã chảy ra từ cạnh sườn của Đức Chúa Ki-Tô ở trên đồi Can-vê. Việc rẩy nước thánh được thực hiện trước Thánh lễ và trong các Thánh lễ trong một số dịp đặc biệt (chẳng hạn như Lễ Vọng Phục-sinh), ở các lễ cưới, lễ tang, và các phần việc phụng vụ khác.


Wedding
Lễ Cưới. Nghi lễ có sự kết hôn diễn ra, và có lễ mừng tôn giáo hoặc xã hội liên kết với nghi lễ. (Từ nguyên tiếng Anh cổ weddian, kết hôn)


Wednesday
Thứ Tư. Ngày được đặt theo tên của thần Anglo-Saxon là Woden. Ngày thứ tư trong tuần đã được Giáo Hội thánh hiến để sùng kính Thánh Cả Giuse.


Western Schism
Cuộc Đại Ly khai Tây phương. Là cuộc chia cách lan rộng trong Giáo Hôị hiệp nhất do các bên tranh giành ngôi vị Giáo Hoàng. Trong cuộc Đại Ly khai Tây phương diễn ra từ năm 1378 đến năm 1417, lúc đầu có hai vị tranh ngôi Giáo Hoàng, sau đó có ba vị tranh ngôi Giáo Hoàng trong cùng một thời gian. Việc bầu chọn Đức Urbano thứ VI (1318-89) làm Giáo Hoàng sau đó đã bị 13 Hồng-Y không thừa nhận. Năm 1378, các vị này đã bầu chọn một vị khác với danh xưng là Clement thứ VII, gọi là Giáo Hoàng tại Avignon Pháp. Sau ba mươi năm nỗ lực bất thành trong việc giải quyết sự rạn nứt này, một Công Đồng các Hồng-Y đã họp tại Pisa trong năm 1409 để truất phế cả hai vị Giáo Hoàng ở Roma và ở Avignon, đồng thời bầu chọn vị Giáo Hoàng mới là Đức Alexandre thứ V. Sau cùng, cuộc Đại Ly khai Tây phương được hàn gắn tại Công Đồng Constance (1414-1418). Đức Gregory thứ XII, Giáo Hoàng ở Roma từ nhiệm; các ngụy Giáo Hoàng Benedict thứ XII ở Avignon (Pháp) và Gio-an XXIII ở Pisa (Ý) bị truất phế, và Công Đồng đã bầu chọn Đức Giáo Hoàng Martino thứ V (1368-1431) lên thay thế cả ba vị nói trên.


Wexford
Đền thánh Waxford. Là đền thánh Đức Mẹ trên đảo Wexford ngòai khơi, miền tây nam Ireland. Đền thánh này còn được biết đến như nhà thờ của vùng Bright Plain từ thế kỷ thứ 7. Đó cũng là nơi xảy ra cuộc thảm sát nhiều người do Oliver Cromwell chủ mưu trong thời kỳ Cải cách. Nơi đây nhiều tín hữu đã bị giết chết trong khi đang tham dự thánh lễ trọng thể. Ngoại trừ bức tượng nhỏ của Đức Mẹ Maria là còn nguyên vẹn, toàn thể Đền Thánh đã bị triệt phá. Một nhà thờ được xây dựng lại sau này trong đất liền, nhưng vị trí nguyên thủy vẫn còn trong hoang tàn, mặc dầu hàng ngàn người từng đến kính viếng nơi này.


Wheat And Grapes
Lúa mì và chùm nho. Một biểu hiệu của Phép Thánh Thể. Với lúa mì thường tượng trưng Bánh lễ, vì bánh lễ làm bằng lúa mì, cũng như chén thánh tượng trưng cho Máu Thánh Chúa, trong đó bản thể rượu từ chùm nho đã thay đổi. Tính chân thực về mặt nghệ thuật liên kết với tính chính xác về mặt phụng vụ được tìm thấy qua biểu tượng này, đã được sử dụng trong nhiều thể loại nghệ thuật tạo hình cuả Giáo hội ngay từ thời kỳ đầu của Thiên Chúa giáo.


White
Màu Trắng. Màu phụng vụ cho tất cả các Lễ Kính Chúa Ba Ngôi, các Lễ Kính Chúa Giê-su (ngoại trừ Lễ Kính Thánh Giá và các Lễ Kỷ niệm Cuộc Khổ nạn của Chúa Giê-su), Lễ Đức Trinh Nữ Maria, Các Thánh Thiên thần, Lễ của tất cả các Thánh ngoại trừ Các Thánh Tử vì Đạo, và trong tất cả các lễ Chuá nhật suốt mùa Phục-Sinh. Màu Trắng cũng được dùng trong việc cử hành các bí tích không hàm ý ăn năn, thống hối hay tha tội. Màu Trắng là biểu hiện của Vui mừng, Tinh khiết, Vô tội, Thánh thiện, và Vinh quang. Thánh Giáo Hoàng Piô thứ V (trị vì 1566-1572) đã quy định rằng phẩm phục thường ngày cuả Giáo Hoàng là màu trắng.


White Canons
Các Kinh Sĩ màu áo Trắng. Là các kinh sĩ dòng thánh Norbert, được gọi là Kinh Sĩ màu trắng bởi đó là màu áo dòng của họ.


White Fathers
Các Linh Mục áo Trắng. Là Tu Hội Thừa Sai Phi Châu được Đức Tổng Giám Mục Charles Lavigerie (1825-1892) lập ra vào năm 1868 tại Algiers. Thành viên Tu Hội là các linh mục và tu huynh, lập thành tu hội có đời sống chung, với sứ vụ tông đồ chủ yếu là Loan báo Tin Mừng khắp toàn cõi châu Phi. Một Hội Dòng các Nữ Tu Màu áo Trắng cũng được Đức Tổng Giám Mục Lavigerie lập ra vào năm 1869 và được Đức Thánh Giáo Hoàng Piô thứ X cải tổ lại vào năm 1909.


White Friars
Các Tu sĩ áo Trắng. Đó là các tu sĩ Dòng Carmelite (Cát-Minh), được gọi như vậy bởi vì đó là màu của tu-phục và áo choàng vai của họ màu trắng. Từ này cũng được dùng để chỉ các kinh sĩ dòng thánh Norbert và Dòng Linh mục áo Trắng.


White Ladies
Nữ tu áo Trắng. Tên goị phổ biến của một số Cộng đồng Tu Hội Dòng Nữ, nối bật nhất là Dòng Nữ Tu Đức Bà Maria Dâng Mình Trong Đền Thánh, Dòng Magdalenes, và các Nữ Đan tu Xitô.


White Monks
Các đan sĩ áo trắng. Là Các Đan sĩ Xitô, được gọi là các tu sĩ áo trắng bởi vì đó là màu tu-phục của họ.


White Russian Byzantines
Những người Bạch-Nga Byzantine. Là những người Bạch-Nga đã trở về hiệp nhất với giáo hội Công giáo Roma trong thế kỷ thứ 17. Ngôn ngữ phụng vụ là tiếng Slavơ Cổ. Họ có một Phái viên Tông Tòa thường trú tại Roma.


White Sisters
Các Nữ Tu áo trắng. Là Tu Hội Thừa sai Phi châu, được Đức Tổng Giám Mục Lavigerie thành lập tại Algiers vào năm 1869; và Dòng Nữ tử Chúa Thánh Linh được lập tại Brittany vào năm 1706.


Whore (Biblical)
Gái điếm (theo nghĩa ở Kinh Thánh). Là một người nữ thường xuyên phạm tội ngoại tình hoặc tội gian dâm, đặc biệt làm điều này vì tiền. Trong những thời kỳ ban đầu của Cựu Ước, việc đem bán con gái cho phường mãi dâm đã không phải là chuyện không bình thường. Điều này đã bị Cựu ước bài bác (Lê-vi ký 19:29). Sách Sáng Thế ký xác lập rõ ràng rằng án tử hình là hình phạt cho nghề mãi dâm (Sáng thế 38:24-25)


Widow
Bà Goá (Góa phụ). Là người đàn bà không tái gía sau khi chồng đã chết. Những bà góa đã trở thành đối tượng đặc biệt chăm sóc của Giáo Hội ngay từ thời các Thánh Tông đồ (xem Tông Đồ Công vụ, 6). Giáo Hôị thời ban đầu đã thiết lập các tổ chức cho những phụ nữ được thánh hiến. Gíao huấn của Thánh Phao-lô Tông đồ đã nói rất chi tiết về các bà góa cao niên, trong khi thánh nhân lại khuyến cáo rằng các bà goá trẻ hãy tái giá (1 Timôthê 5:3-16). Công Đồng Trent tuyên bố rằng tình trạng goá buạ đích thực (cũng như tình trạng độc thân suốt đơì) đáng khen ngợi hơn là việc taí giá. (Denzinger 1810). Tuy nhiên, mỗi trường hợp, phải được xét đoán trên lý lẽ phải trái của chính nó.


Wife
Vợ. Một phụ nữ đã thành hôn. Thánh Phaolô đã nhiều lần đề cập đến bổn phận và quyền lợi của người vợ, và đã nhấn mạnh trách nhiệm chung của vợ chồng trong hôn nhân (1 Cr 7; Ep 5; Cl 3). Công đồng Vatican II đã khai triển các nguyên lý này đặc biệt là trong bản Hiến Chế Mục Vụ của Giáo Hội trong Thời Đại Mới. (47-52).


Will
Ý chí. Sức mạnh của linh hồn con người, hay của một hữu thể thiêng liêng, thường hướng về điều thiện, xa rời điều dữ, theo nhận định của trí khôn. Ý chí căn bản là một khao khát của lý trí với nhiều chức năng, bao gồm khả năng dự định, chọn lựa, mơ ước, hy vọng, đồng ý, ghen ghét, yêu thương, và thụ hưởng.


Wimple
Khăn choàng. Một mảnh vải (thường là màu trắng) quấn vòng khuôn mặt và xếp thành nhiều nếp dưới cằm; một loại khăn trùm đầu có thời được các phụ nữ giáo dân sử dụng, đặc biệt với mục đích bảo vệ khi ra ngoài. Ngày nay một số nữ tu vẫn còn choàng khăn trên đầu.


Wine
Rượu nho. Nước ép đã lên men chắt từ trái nho, được dùng trong Thánh Lễ và được biến đổi thành máu Chúa Kitô qua lời truyền phép của linh mục. Theo luật lệ của Giáo Hội, “Rượu dùng trong Bí Tích Thánh Thể phải được chắt từ trái nho (Luca 22:18), phải là chất tự nhiên và thanh khiết, không được pha trộn với bất cứ chất gì khác … Rượu không được để lên men chua” (Ordo Missae/Sách Lễ Rôma, 6 tháng Tư, 1969, số 284, 286).


Winepress (Biblical)
Bồn đạp nho (theo Kinh Thánh). Một loại máng/bồn có mép xi-măng hoặc đá, trong đó nho được bỏ vào để chắt thành rượu (Tl 6:11). Dưới đáy có lỗ để nước nho chảy xuống một cái thùng/chum bên dưới. Người ta dẫm đạp lên nho bằng chân trần, tay thì vịn vào các sợi dây chăng ngang trên đầu. Các bồn đạp nho được đề cập đến trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước (Mát-thêu 21:33). Là một trong các dấu hiệu tiên báo cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Ki-tô (I-sai-a 63:2)


Winged Lion
Sư tử có cánh. Biểu tượng của Thánh Mác-cô, người đã viết nhiều về vương quyền của Chúa Kitô, đã mở đầu quyển Phúc Âm của mình với trình thuật về Thánh Gio-an Tẩy Giả, “có tiếng kêu trong sa mạc.” Thánh Mác-cô cũng là tác giả xuất sắc viết về cuộc Phục Sinh huy hoàng của Chúa Ki-tô, mà theo truyền thống ngài được tượng trưng bằng hình ảnh sư tử.


Wisdom, Seat Of
Ngai Tòa Sự Khôn Ngoan. Một biểu tượng của Đức Maria Đồng Trinh được dùng một cách tượng trưng trong trong Kinh cầu Loreto. Ngài là Mẹ “Đức Ki-tô, Đấng đầy quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1). Ngoài ra, Đức Maria được tràn đầy ơn khôn ngoan.


Wolf
Sói. Một biểu tượng của Thánh Phanxicô Átxidi (1181-1226). Chia sẻ biểu tượng của con vật được thánh nhân thuần hóa là con chim chiền chiện, mà tiếng hót của nó đã an ủi thánh nhân trong giờ lâm tử. Thánh Phanxicô yêu mến muôn loài muôn vật do Chúa tạo nên, và vì thế ngài có biểu tượng là chim muông, cầm thú, cũng như hình ảnh một nhà thờ nghiêng ngã mà Thánh Phanxicô đã cứu vãn khỏi sụp đổ bằng các cải tổ của ngài.


Wonder-Working
Làm phép lạ. Được dùng cho người ta hay vật, chẳng hạn như một ngôi đền hay một mẩu xương thánh, có nghĩa là khả năng thực hiện phép lạ. Nhiều vị thánh, ngay trong lúc sinh thời, như Thánh Gregory Thaumaturgus (213-70), và các vị thánh khác sau khi qua đời, như Thánh Anthony thành Padua (1195-1231) là những vị nổi tiếng hay làm phép lạ. Cũng vậy, các ngôi đền thánh chẳng hạn như đền kính Đức Mẹ Lộ-đức và hài cốt nhiều vị thánh khác đều nổi tiếng hay làm những phép lạ được xác thực qua lời chuyển cầu của các ngài.


Word And Deed
Lời Nói và Hành Động. Lời nói và hành động như là những đối tượng trách nhiệm luân lý, có thể là khen hay chê. Giữa Lời Nói và Hành Động, Hành Động quan trọng hơn, như lời Chúa Ki-tô đã dạy (Mt 7:21)


Words Of Absolution
Lời xá giải. Những lời quan trọng của linh mục khi ngài ban phép xá giải cho hối nhân trong bí tích hòa giải, đó là lời “Cha tha tội cho con, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”.


World
Thế gian. Từ này có hai nghĩa khác nhau trong mặc khải và học thuyết Công Giáo. Thế gian thường là chỉ vũ trụ hữu hình, gọi là “kosmos” trong Kinh Thánh Hy-lạp, hay là “mundus” trong Kinh Thánh Vulgate tiếng La-tinh. Như vậy đó là thế gian được tạo dựng bởi Thiên Chúa, và vì thế hoàn toàn phụ thuộc vào thánh ý của Ngài. Tuy nhiên cũng có một thế gian tội lỗi, xa lìa Thiên Chúa, đó là thế gian được tạo thành do ý riêng của con người. Thế gian này khác biệt với thánh ý Chúa và là điều Chúa Ki-tô ám chỉ khi Ngài nói “Con không cầu nguyện cho thế gian”. (Ga 17:9)


Worldliness
Thế tục tính, tính cách trần tục. Cách suy nghĩ của người hành xử theo các quan niệm trần tục hơn là các phương châm tôn giáo. Mối bận tâm chính của người này là sự tốt lành đời này thay vì đời sau.


World Without End
Đời Đời Chẳng Cùng, Thế Giới Vô Tận. Câu chót trong nhiều bài kinh nguyện, có ý nghĩa tương tự như “vĩnh viễn” hay “vô tận”. Trong phần tán tụng của kinh Sáng Danh (Gloria Patria/Glory Be), cụm từ này có nghĩa là Thiên Chúa, Đấng đã hằng hữu từ trước muôn đời, đang được chúc tụng bởi một phàm nhân, và người này hy vọng sẽ được tiếp tục chúc tụng Thiên Chúa đời đời mãi mãi trên Thiên Đàng.


Wrong
Điều sai, Điều quấy. Không đúng, sai lầm. Chỉ những hành động của con người đi trệch/sai hướng mà đáng lẽ họ phải theo, tức là, hướng dẫn con người đến bến bờ thánh thiện. Điều sai cũng giống như điều ác/điều dữ, tuy nhiên điều sai có ý nghĩa đối nghịch với lẽ phải/chân lý/sự thật, còn điều ác/điều dữ thì đối nghịch với điều thiện/điều lành.