Agony In The Garden
Buồn Sầu Trong Vườn. Chỉ mồ hôi máu của Chúa Kitô trong vườn Giệt-si-ma-ni, được Soạn Giả Phúc Âm thứ ba mô tả (Luca 22:43). Dù Mát-thêu và Mác-cô có kể lại biến cố này, nhưng chỉ có Lu-ca mới nhắc đến mồ hôi máu và thiên thần viếng thăm. Truyền thống Công Giáo vốn hiểu đổ (mồ hôi) máu theo nghĩa đen. Y khoa minh chứng rằng dù rất hiếm, nhưng hiện tượng trên không phải là không thể có và cũng không có chi lạ lùng cả. Việc tưởng niệm biến cố này đã tạo ra mầu nhiệm đầu tiên trong năm mầu nhiệm thương của Kinh Mân Côi. (Nguyên ngữ La-tinh Agonia; do tiếng Hy Lạp, tranh đấu, khổ não: agon = tranh đấu, agein=bắt làm quá)
Agrapha
Lời Chưa Thành Văn. Chỉ các ý kiến hay quan điểm được gán cho Chúa Kitô nhưng không có trong các Phúc Âm. Một số có lẽ là ngụy thư. (Nguyên ngữ Hy Lạp agraphos, bất thành văn)
Ahab
A-háp, con trai Omri, Ahab nối nghiệp cha làm Vua Israel, cai trị 20 năm trong thế kỷ thứ chín trước Chúa Kitô (1Vua 16:29). Ông làm trái ý những người Do Thái nhiệt thành bằng cách cho phép tôn giáo của vợ, vốn thờ thần Baal, phồn thịnh dười triều đại ông. Chính ông cũng tham dự việc thờ phượng thần ngoại giáo này (1Vua 16:31-33). Tiên tri Ê-li-a đã chính xác tiên báo một trận lụt tàn phá vương quốc của ông kéo dài trong ba năm (1Vua 17:1). Ngoài ra, vợ ông là Jezebel còn ra lệnh giết hại nhiều vị tiên tri của Gia-vê (1Vua 18:4). Sau đó, trong một trận chiến chống người Át-xi-ri, Ahab đã bị tử thương (1Vua 22:34-35)
Ain Karim
A-in Ka-rim, một thành nhỏ phía tây Giê-ru-sa-lem mà người ta tin là quê hương của Gia-ca-ri-a và I-sa-ve, cha mẹ của Gioan Tẩy Giả.
Aisle
Gian cánh. Một phân bộ kiến trúc của nhà thờ phân cách với gian chính bằng các hàng cột. Trong các tòa nhà theo kiểu Gô-tích, mái của gian cánh thấp hơn mái của gian chính. Đôi khi, các gian cánh ngưng ở các gian ngang, nhưng thường thì chúng tiếp tục vòng quanh hậu cung nhà thờ. Lẫn lộn chữ ala (cánh) với chữ Pháp allée (lối đi hẹp), chữ aisle (gian cánh) cũng được người bình dân dùng để mô tả lối đi giữa các dẫy ghế dài có tựa hay ghế dựa. (Nguyên ngữ La-tinh ala=cánh).
Akathistos Hymn
Kinh Đứng. Ca khúc thần vụ kính Đức Trinh Nữ Diễm Phúc, luôn đứng khi hát, dùng trong một số ngày Mùa Chay trong Phụng Vụ Byzantine. Nó có sẵn trong một số bản dịch để dùng trong Nghi Lễ La-tinh và được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV ban ơn xá. (Nguyên ngữ Hy Lạp A=không + kathistis=ngồi xuống)
Akedah
Sẵn sàng. Nghĩa đen là “trói buộc”, chỉ việc Abraham sẵn sàng hy sinh con trai Isaac của mình (Sáng Thế 22). Sự sẵn sàng giết con mình của đấng tổ phụ này tượng trưng cho lý tưởng tử đạo của dân Do Thái, nếu cần, vì điều được gọi là “vinh thánh tên Thiên Chúa”.
Al., Et Al..
Những người khác, ở nơi khác, gọi cách khác
Alb
Áo an-ba, một phẩm phục bằng vải trắng dài đến mắt cá chân được cột bằng dây thắt lưng dùng khi cử hành Thánh Lễ. Một biến chế chiếc áo lót dài của người Hy Lạp và người La Mã ở thế kỷ thứ tư. Nó được làm phép trước khi sử dụng. Áo này tượng trưng chiếc áo Herode choàng cho Chúa Giêsu và biểu tượng sự trong trắng của linh hồn cần thiết để dâng Lễ Hy Sinh Thánh Thể. Khi mặc áo này, vị linh mục đọc: “Lạy Chúa, xin Chúa làm con trắng tinh và thanh tẩy tâm hồn con để khi đã nhờ Máu Con Chiên mà được trắng tinh, con xứng đáng phục vụ Chúa”. Nó cũng chỉ chiếc áo trắng người tân tòng mặc từ Thứ Bẩy Tuần Thánh qua Chúa Nhật sau Phục Sinh, gọi là Chúa Nhật Hạ, mà đôi khi cũng gọi là “Chúa Nhật Trắng” (Nguyên ngữ La-tinh albus=trắng)
Albigensianism
Phái An-bi-gioa, một hình thức biến cải của lạc giáo Ma-ni-kê rất thịnh hành tại Miền Nam Nước Pháp trong hai thế kỷ mười hai và mười ba. Nó chủ trương rằng một vị thần tốt đã tạo ra thế giới tinh thần, và một vị thần xấu đã tạo ra thế giới vật chất, gồm cả thân xác con người, đặt dưới quyền kiểm soát của vị thần này. Vị thần tốt đã phái Chúa Giêsu Kitô xuống thế gian, trong tư cách tạo vật, để giải phóng linh hồn con người khỏi tù ngục. Những người thuộc phái An-bi-gioa chuộng tự tử và khuyến khích người ta không nên lấy nhau. Một thập tự chinh đã được tổ chức chống lại họ bị coi là mối đe dọa cho xã hội, nhưng bị Raymond thành Toulouse chống đối. Tại Bỉ, Pháp, và Đức, cuộc chiến chống lại họ vẫn tiếp diễn cả sau khi họ đã bị đánh bại, trái với ý muốn của Đức Giáo Hoàng Innocent III. Qua thế kỷ mười lăm, họ không còn là một lực lượng chính trị nữa, nhưng các ý niệm Ma-ni-kê của họ đã tái xuất hiện trong Phong Trào Canh Cải.
Alcoholism, Morality Of
Say Sưa Rượu Chè, Luân lý tính. Thói quen tiêu thụ thái qúa các chất rượu. Nó có đặc điểm ở ý muốn bất thường và liên lỉ muốn uống các chất rượu đến thái quá; cũng dùng để mô tả tình trạng do việc uống như thế tạo ra. Nạn rượu chè kinh niên khởi đầu có thể chỉ là tình trạng yếu đuối hay bất ổn luân lý, nhưng với thời gian, nó tạo ra cả bất ổn về tâm lý nữa. Nó đem lại nhiều thay đổi tâm lý và cấu trúc. Một trong các hậu quả trầm trọng nhất là làm mất dần sức mạnh ý chí cần thiết để dứt bỏ nó. Riết rồi các khả năng khác cũng bị thương tổn và chắc chắn sẽ kết cục bằng điên khùng. Trong nhiều xã hội, khắc phục nạn rượu chè là một vấn đề xã hội chính. Việc chữa trị chỉ có hiệu quả khi người ghiền được động lực hóa đủ để tự thực hành lấy việc kiêng cữ hoàn toàn.
Alexandrian Theology
Nền Thần Học Alexandria. Nền thần học trổi vượt trong Giáo Hội sơ khai ở Alexandria. Nền thần học này chuộng quan điểm của Pla-tông về vũ trụ, với việc nhấn mạnh tới chủ nghĩa nhị nguyên giữa Thiên Chúa và thế gian, giữa tinh thần và vật chất. Trong quan niệm về Chúa Kitô, nó nhấn mạnh tới cách trình bầy huyền nhiệm hay phúng dụ, ngược với phương thức chiểu tự và lịch sử của nền thần học An-ti-ô-kia.
Alexians
Dòng A-lê-xù. Một dòng tu nam, được thành lập ở thế kỷ mười bốn tại Brabant và được lập lại năm 1854. Việc tông đồ của họ là chăm sóc người bệnh, điều khiển các bệnh viện và các viện dành cho người già và người nghèo, cũng như quản trị các nghĩa trang. Cũng có các nữ tu A-lê-xù với cùng một công tác tông đồ. Thánh bổn mạng của dòng là Thánh A-lê-xù thành Edessa (chết năm 430).
Alienation
Di nhượng. Việc chuyển nhượng, bán hay làm giảm giá trị tài sản của Giáo Hội. Luật Giáo Hội quy định việc di nhượng và đặt để các điều kiện cụ thể cho việc thi hành việc này.
Aliturgical Days
Các Ngày Không Phụng Vụ. Những ngày có thể không có Thánh Lễ. Trước đây, có hai ngày như thế trong Nghi Lễ Rô-ma: Thứ Sáu và Thứ Bẩy Tuần Thánh. Từ Công Đồng Vatican II, chỉ còn ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày không phụng vụ.
Allegorical Sense
Nghĩa phúng dụ. Một hình thức giải nghĩa thánh kinh. Một sự kiện thực sự đã hoàn tất được hiểu như hình ảnh của một điều gì khác. Nghĩa chiểu tự (nghĩa đen) được phát biểu qua một ẩn dụ được chấp nhận. Thường áp dụng để đem lại một giải thích có tính huyền nhiệm cho phần nào bất cứ trong Thánh Kinh.
Allegory
Phúng dụ. Một câu truyện dài hay phức tạp hàm chứa một ý nghĩa khác với ý nghĩa chiểu tự hay ý nghĩa ngoài mặt. Phúng dụ vĩ đại nhất trong Thánh Kinh chính là Diễm Ca. (Nguyên ngữ La Tinh allegoria; lấy từ Hy Ngữ allegoria=mô tả một điều dưới hình ảnh một điều khác).
Alleluia
A-lê-lu-ia. Tiếng Hi-bá-lai hallelujah có nghĩa là “hãy ca ngợi Gia-vê”. Một hình thức phụng vụ xưa để diễn tả niềm hân hoan đặc biệt trong các Thánh Vịnh, bây giờ trong Phụng Vụ Giờ Kinh và Phụng Vụ Tạ Ơn (Thánh Thể). Được biết đến nhiều nhất trong ca khúc Phục Sinh và trong các câu Alleluia của Thánh Lễ. (Nguyên ngữ Hi-ba-lai hallelujah=hãy ca ngợi Gia-vê, hãy ca ngợi Đấng Tự hữu).
Allocution
Huấn Dụ. Một diễn văn ngắn nhưng long trọng được Đức Giáo Hoàng ngỏ cùng các hồng y trong mật viện riêng về một vấn đề quan trọng. Nếu thấy có ích lợi chung, thì sau đó có thể được công bố. (Nguyên ngữ La-tinh al = cùng, với + locutio = nói, diễn văn
All-Powerful
Toàn năng. Một thuộc tính của Thiên Chúa chỉ việc Người có thể làm bất cứ điều tốt nào và không mâu thuẫn với chính Người.
All Saints
Lễ Các Thánh. Một ngày lễ hiện nay được mừng vào ngày 1 tháng Mười Một và là ngày lễ buộc. Nó phát nguyên ở Phương Tây năm 609, khi Đức Giáo Hoàng Boniface IV thánh hiến đền Pantheon cho Đức Nữ Trinh Diễm Phúc Maria. Thoạt đầu nó được mừng tại Rô-ma vào ngày 13 tháng Năm, nhưng Đức Giáo Hoàng Gregory III (731-41) đổi xuống ngày 1 tháng Mười Một, khi ngài thánh hiến một nhà nguyện dâng kính Các Thánh tại Vương Cung Thánh Đường Vatican. Đức Gregory IV cho áp dụng Lễ này khắp Giáo Hội.
All Souls
Lễ Các Linh Hồn. Một ngày lễ tưởng niệm các tín hữu đã qua đời, được mừng vào ngày 2 tháng Mười Một. Tu Viện Trưởng Odo thành Cluny đã bắt đầu lễ này tại các đan viện của ngài vào năm 998. Sau đó, dần dần nó đã được toàn thể Giáo Hội tiếp nhận. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV ban cho mọi linh mục đặc ân dâng ba thánh lễ vào ngày này: một lễ chỉ cho các linh hồn nghèo, lễ kia chỉ theo ý Đức Giáo Hoàng, và lễ thứ ba chỉ theo ý linh mục. Khi rơi vào ngày Chúa Nhật, nó được mừng vào ngày 3 tháng Mười Một.
Alma Redemptoris Mater
Mẹ Yêu Qúy Của Chúa Cứu Thế. Một trong ba đối ca theo mùa được đọc vào cuối giờ Kinh Đêm trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Bốn câu ca của nó đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ và được hát dưới nhiều giai điệu khác nhau. Người ta tin rằng tác giả của nó là một đan sĩ dòng Bênêđictô sống trong thế kỷ mười một tên là Herman Què, tại đan viện Baden ở Reichenau, Đức.
Almighty
Đấng Toàn năng (pantokrator), chỉ Thiên Chúa. Tước hiệu này được Thánh Kinh dùng nhiều lần, phối hợp hai chữ Thiên Chúa (El, theos) và Chúa Tể (Kurios) để gọi tên, cầu khẩn, ca ngợi, hay đơn giản để miêu tả. (Nguyên ngữ Anglo-Saxon aelmihtig=đủ mọi sức mạnh)
Almoner
Phát chẩn viên. Chỉ viên chức được chính thức đề cử để phân phối của bố thí. Thường dùng để chỉ vị tuyên úy trong một nhà mồ côi hay một tu viện, hoặc nhân viên xã hội trong một bênệ viện hay bệnh xá. (Nguyên ngữ Anglo-Saxon almaesse=của bố thí; Hy Ngữ eleemosyne = xót thương
Alms
Của bố thí. Sự trợ giúp vật chất hay tài chánh đối với người hay tổ chức túng thiếu, được đức bác ái Kitô giáo thúc đẩy. Giáo hội nhìn nhận việc bố thí như là một trong các hình thức chính của thống hối, nhất là từ ngày có việc giảm nhẹ các luật về ăn chay kiêng thịt.
Alms Box
Thùng bố thí. Thùng thường trực đặt tại nhà thờ để tiếp nhận tiền các giáo dân và người thờ phượng, vì đức ái và dành cho người nghèo, dâng cúng.
Aloes
Cây lô hội. Hương liệu ông Nicôđêmô mang tới ướp xác Chúa Giêsu (Gioan 19:39). Xác Người được liệm trong khăn với hỗn hợp mộc dược và lôi hộ.
Alpha And Omega
An-pha và Ô-mê-ga. Một biểu tượng chỉ thần tính Chúa Kitô. Đó là những chữ chính Chúa Giêsu nói về Người: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, đầu hết và tận cùng, Đấng hiện có, đã có và sẽ đến, Đấng Toàn Năng” (Khải Huyền 1:8). Biểu tượng phối hợp này thường được dùng cùng với thánh giá và cả hai đều là những biểu tượng ưa chuộng trong việc trang trí các bàn thờ, các bức tường và phẩm phục của giáo hội.
Alphabetic Psalms
Các Thánh Vịnh Theo Mẫu Tự. Gọi như thế vì các câu của chúng, xét theo thứ tự trước sau hay theo sắp xếp song đối, bắt đầu bằng một mẫu tự liên tục. Thánh vịnh nổi tiếng nhất chính là Thánh Vịnh 118, đã bắt đầu mỗi đoạn thơ trong 22 đoạn thơ của nó (mỗi đoạn tám câu thơ) bằng một chữ trước sau trong mẫu tự Hi-bá-lai. Các Ai Ca của Giê-rê-mia là một thí dụ khác trong lối sắp xếp theo mẫu tự của thi ca Hi-bá-lai. Nét độc đáo này không được nhận thấy trong các bản dịch tiếng bản xứ ngoại trừ tên mẫu tự Hi-bá-lai được đặt trước mỗi câu thơ.
Altar Bell
Chuông bàn thờ. Một chiếc chuông nhỏ, khởi đầu để ở phía đọc thánh thư của bàn thờ, được rung ở kinh Thánh, Thánh, Thánh và lúc nâng Mình Máu Thánh lên trong Thánh Lễ để mời gọi người dự lễ chú trọng tới tính trang trọng của việc truyền phép Thánh Thể. Ở một vài nước, chuông này cũng được rung trước khi Truyền Phép, và trước lúc linh mục và giáo dân Rước Lễ. Dù lễ qui hiện nay không đòi buộc nữa, nhưng rung chuông it1 nhất vào lúc nâng Mình Thánh và Máu Thánh lên vẫn là một thực hành đang khen và được chấp thuận.
Altar Boy
Người giúp lễ. Người giúp bàn thờ trong lúc Thánh Lễ, Kinh Chiều hay các cử hành phụng vụ khác.
Altar Bread
Bánh truyền phép. Bánh mỏng tròn bằng bột mì, không lên men theo các nghi lễ La-tinh, Maronite và Armenian, dùng để truyền phép trong Thánh Lễ.
Altar Cards
Tấm thẻ bàn thờ. Tấm thẻ in chữ hay viết tay đặt trên bàn thờ và quay mặt về phía linh mục khi cử hành Thánh Lễ. Nó giúp trí nhớ cho vị chủ tế khi không thuận tiện dùng Sách Lễ. Thường có đến ba tấm: một ở giữa và hai tấm ở hai bên, dù chỉ buộc có một tấm. Hiện nay, ở một số nơi, vẫn còn dùng nó, dù lễ qui không buộc nữa.
Altar Rail
Chấn song bàn thờ. Thanh ngang bằng gỗ, đá hoa hay kim loại, được những hàng cột dọc nâng đỡ và thường được trang trí. Mục đích tức khắc của nó là ngăn gian cung thánh với các phần khác của nhà thờ. Nó cũng dùng làm chấn song rước lễ khi Mình Máu Thánh được ban cho những người qùy gối rước lễ.
Altar Steps
Bậc bàn thờ. Bậc bằng gỗ, đá hay gạch chạy khắp ba phía của bàn thờ. Những bàn thờ cao thường có ba, năm hay bẩy bậc; các bàn thờ phụ buộc phải có ít nhất một bậc.
Altar Stone
Phiến đá bàn thờ. Một phiến đá nhỏ phẳng, được đức giám mục thánh hiến có chứa hài tích hai thánh tử đạo trong một hộc khoét ngay vào đá. Phiến đá này thường được gắn vào giữa một bàn thờ chưa được thánh hiến trọn vẹn. Nó tạo nên cốt chính của bàn thờ và có thể di chuyển thừ bàn thờ này sang bàn thờ khác. Bánh thánh và chén thánh được đặt trên phiến đá này khi cử hành Hy Lễ Thánh Thể.
Altötting (Shrine)
Đền Altotting. Một trung tâm hành hương xưa tại trung tâm bang Bavaria; đền thờ nguyên thủy của nó chưa bao giờ bị phá hủy. Đây là một trong các cung thánh phong phú nhất trên thế giới. Đó là địa điểm năm 680, Thánh Rupert rửa tội cho Otto ngoại giáo tại một ngôi đền xây từ trước thời Kitô giáo. Nay là nhà nguyện Công Giáo được người ta đến hành hương từ tháng Năm tới tháng Mười Một để tôn kính Đức Mẹ và Chúa Con. Ngôi nhà thờ lớn hơn xây quanh ngôi nhà nguyện bát giác đầu tiên đã không ngừng được nới rộng vì đoàn lũ khách hành hương tới đó cần đủ chỗ thờ phượng. Trung tâm chú ý là bức tượng cổ xưa bằng gỗ tạc Đức Mẹ và Chúa Con. Các Đấng khoác áo choàng mầu trắng và đen được thêu thùa cùng khắp. Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, cả hai Đấng được phủ khăn đen. Mẹ và Con đều đội triều thiên qúy giá, và Đức Mẹ còn mang một vương trượng với hoa huệ bằng đá qúy. Các tường chung quanh tượng và bàn thờ đều gần như bằng bạc đặc cả. Nhiều cây đèn liên tục đốt để tạ ơn vì được khỏi bệnh cách lạ cũng như các ơn huệ khác đã làm khuôn mặt của tượng đen đến nỗi người ta thường gọi Đức Mẹ ở đây là Đức Bà Đen Mỉm Cười của Altotting. Chiếc đen đặc biệt của Chân Phúc Giáo Hoàng Pio IX hiện vẫn còn cháy trước tượng Đức Mẹ như lời ngài yêu cầu. Đền thờ này từ lâu vốn đuợc coi là trung tâm lòng sùng kính Công Giáo đối với Đức Mẹ của miền Nam nước Đức.
Altruism
Chủ nghĩa vị tha. Một lý thuyết về tác phong cho rằng chỉ những hành động nhằm tạo hạnh phúc cho người khác mới có giá trị luân lý. Thực vậy, mục đích cao cả của mọi hành động chỉ tìm thấy trong việc tận tụy với phúc lợi người khác. Lý thuyết này do Auguste Comte, một triết gia Pháp ở đầu thế kỷ mưới chín, đề xuất đầu tiên. Nhưng thực ra, xét trên nguyên tắc, lý thuyết này đã bỏ qua nhiệm vụ hàng đầu của con người đối với Đấng Tạo Hóa và đã đảo ngược giáo huấn của Chúa Kitô bằng cách đặt tình yêu tha nhân lên hàng quan trọng hơn tình yêu Thiên Chúa.
A.M..
Viết tắt của artium magister= Cao học văn chương
Amadeans
Phong trào Amadeus. Một phong trào cải cách Dòng Anh Em Hèn Mọn ở Lombardy do Amadeus của Bồ Đào Nha dẫn đầu khoảng năm 1740. Vì sự đoàn kết, Đức Giáo Hoàng Pius V dẹp bỏ phong trào này bằng cách phân phối các thành viên của nó cho các cộng đoàn Phan-xi-cô khác.
Ambition
Tham vọng. Vô độ tìm đủ mọi cách để được nhìn nhận hay được vinh dự. Tham vọng chỉ tốt về phương diện luân lý nếu việc đi tìm vinh dự ấy không phải vì vị kỷ và không dùng các phương tiện xấu. Nó sẽ trở thành xấu khi được thúc đẩy bởi kiêu ngạo hay được tìm kiếm mà không quan tâm gì tới công lý hay bác ái. (Nguyên ngữ La-tinh ambitio có nghĩa là đi vòng vòng, nhất là đi vòng vòng để kiếm phiếu; từ đó mà có nghĩa là đi tìm ưu ái, phấn đấu, mưu tìm; từ động từ ambire có nghĩa là đi vòng vòng)
Ambrosian Rite
Nghi lễ Ambrôsiô. Nghi thức phụng vụ dùng trong Giáo Hội Milan, Ý. Gọi thế vì do thánh Ambrôsiô (340-397), giám mục thành Milan. Có lẽ nên nói là ngài đưa ra các đặc điểm chính của nó. Người ta cũng gọi nó là nghi lễ Milan. Đây là một số nét của nghi lễ này: rước bánh và rượu trước phần Dâng Lễ; phó tế hát kinh cầu; kinh Tin Kính đọc sau phần Dâng Lễ. Nghi lễ cũng được nơi khác cử hành.
Ambry
Hòm dầu. Hòm đựng dầu thánh giữ trong các nhà thờ Công Giáo. Nó được gắn lên tường hay được đục vào tường cung thánh. (Nguyên ngữ La-tinh armarium= hòm, két sắt)
Ambulate In Dilectione
Hãy Bước Đi Trong Hân Hoan. Chứng thư của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói về việc cất bỏ các vạ tuyệt thông lẫn nhau giữa Rô-ma và Constantinốp. Thực sự ở đây có hai tài liệu: một bằng tiếng Pháp tựa là Pénétrés de Reconnaissance (Xúc động vì lòng biết ơn), và tài liệu thứ hai chính là chứng thư của Đức Phaolô VI. Cả hai đều đề ngày 7 tháng Mười Hai năm 1965.
Ambulatory
Hồi lang. Hành lang có mái, một phía mở toang cho không khí, bọc quanh hậu cung một nhà thờ hay tu viện. Ở nhà thờ, hậu cung này thường có những bàn thờ hay nhà nguyện tỏa ra. (Nguyên ngữ La-tinh ambulare, bước đi, bước quanh)
A.M.D.G..
A.M.D.G. Viết tắt bởi Ad Majorem Dei Gloriam (Để Vinh Danh Thiên Chúa Hơn), nghĩa là cố gắng đem lại cho Thiên Chúa nhiều vinh quang hơn bằng cách luôn thực hiện điều làm Người vui lòng. Đây là khẩu hiệu của Dòng Tên.
Amen
Amen. Lời khẳng quyết long trọng trong cầu nguyện, được các Kitô hữu mô phỏng hội đường dùng cho thánh kinh và phụng vụ thời các Tông Đồ. Nó hay được chính Chúa Giêsu sử dụng và được kể là một trong các danh xưng của Người (Khải Huyền 3:14). Ngày nay, nó được dùng như tuyên xưng nhất trí hay xác nhận tôn giáo cho các tư duy của chính người nói. (Nguyên ngữ La-tinh amen; Hy Ngữ amen = quả như thế; tiếng Hi-bá-lai amen=quả như thế, ước gì như vậy; aman = xác nhận).
Amende Honorable
Tạ tội công khai. Một hình thức tạ tội công khai trước đây áp đặt lên các tội nhân đã bị kết án. Với nến trong tay, bị lột trần đến lưng và đi chân đất, tội nhân ra trước thẩm phán của giáo hội, xin Chúa, vua và công lý tha thứ. Nó được áp dụng mãi đến thế kỷ mười bẩy.
Americanism
Phái Hoa Kỳ. Phong trào được truyền bá tại Hiệp Chúng Quốc cuối thế kỷ mười chín, cho rằng Giáo Hội Công Giáo nên thích ứng các học lý của mình theo văn hóa các dân tộc, nhất là về luân lý. Khi nhấn mạnh đến các nhân đức “tích cực” trong lãnh vực phúc lợi xã hội và bình đẳng dân chủ, phong trào này đã hạ thấp các nhân đức “thụ động” như khiêm nhường và vâng phục thẩm quyền Giáo Hội. Chủ nghĩa Hoa Kỳ bị Đức Giáo Hoàng Lêô XIII kết án qua tông thư Testem Benevolentiae ngày 22 tháng Giêng năm 1899, gửi Đức Hồng Y Gibbons.