ĐƯỢC LÔI KÉO VÀ ĐƯỢC THỔI ĐI
“Không ai đến được với Tôi, nếu Cha, là Đấng sai Tôi, không lôi kéo kẻ ấy”.
Kính thưa Anh Chị em,
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tiết lộ một nguyên tắc thiêng liêng tuyệt vời cho những ai muốn đến với Chúa Giêsu và nên giống Ngài, một nguyên tắc chúng ta cần hiểu và sống mỗi ngày; đó là ‘được lôi kéo và được thổi đi’; ‘lôi kéo’ bởi Chúa Cha, và ‘thổi đi’ bởi Thánh Thần.
“Không ai đến được với Tôi, nếu Cha, là Đấng sai Tôi, không lôi kéo kẻ ấy”. “Lôi” và “kéo” thể hiện một điều gì đó vốn cần đến sức mạnh hoặc một lực đẩy từ bên ngoài. Điều này cho biết, đến với Chúa Giêsu trong đức tin, lớn lên trong Ngài, và nhất là, lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa qua Ngài, không phải là một điều gì đó tự sức con người; như lực hút trái đất, tâm hồn con người, trái tim con người và ý tưởng của nó bao lâu còn thuộc về đất thì bấy lâu còn bị dính chặt vào những gì thuộc thế giới vật chất của đất. Vì thế, chúng ta cần ‘được lôi kéo và được thổi đi’ bởi chính Chúa Cha và Thánh Thần của Ngài. Để có thể tin vào Chúa Giêsu, trước hết, chúng ta phải đáp trả ‘sức lôi và lực kéo’ của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Chính Chúa Cha là người đi bước trước với thiên hình vạn trạng cách thức kéo lôi đầy sáng tạo của Ngài: một biến cố, một con người, một trang Thánh Kinh... Và trách nhiệm của mỗi người là ‘làm theo’, nghĩa là chúng ta không thể chỉ ngồi thụ động để chờ Thiên Chúa ra tay; nhưng ngoan nguỳ, đứng dậy và lên đường. Thiên Chúa không ngừng ra tay, không ngừng vươn tới, không ngừng nói và không ngừng lôi kéo chúng ta đến với Ngài và Giêsu, Con của Ngài; thế nhưng, trách nhiệm đầu tiên của chúng ta là phải hoà mình vào lời ‘tán tỉnh’ nhẹ nhàng của Ngài và nhạy bén với tiếng thì thầm bên trong của Thánh Thần. Điều này xảy ra dưới hình thức của ân sủng vốn thúc giục nhẹ nhàng từ Chúa Thánh Linh vốn luôn mời gọi chúng ta mỗi ngày hoàn toàn hướng về Thiên Chúa hơn và phó thân trọn vẹn cho Ngài hơn.
Thật tuyệt vời! Đó cũng là những trải nghiệm của Philipphê và quan thái giám của nữ hoàng Êtiopia trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay. Với Philipphê, Thiên Chúa đi bước trước để đến với ông qua tiếng nói của sứ thần, “Hãy chỗi dậy, đi về mạn nam!”; và sau đó, tiếng nói của Thánh Thần, “Hãy tiến lên, theo cho kịp xe kia!”. Philipphê đã ‘làm theo’ mọi sự, ông quảng đại đáp trả khi để mình ‘được lôi kéo và được thổi đi’. Điều tương tự cũng đã xảy ra với quan thái giám. Đoạn Thánh Kinh về người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa ông đang đọc mà không hiểu, chính là sáng kiến độc đáo của Thiên Chúa khi giành cho ông một sự ‘tò mò thánh’. Thú vị thay! Quan đã ‘làm theo’, tức là đáp lại một cách mềm mỏng khi ngỏ lời mời Philipphê lên xe cắt nghĩa cho mình. Và điều kỳ diệu đã xảy ra! “Này nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?”, Philipphê nói, “Nếu ông tin hết lòng thì được”. Để rồi, trình thuật Công Vụ Tông Đồ tiếp tục cho chúng ta cảm nhận một cái gì đó bay bổng; một cái gì đó đang ‘được lôi kéo và được thổi đi’, lôi từ Giêrusalem xuống Gaza; thổi thốc lên Azotus; bay ngược lên tận Caesarea. Ồ! Không phải một cái gì bay bay nhưng chính là tông đồ Philipphê bay bay và ngọn gió Thánh Thần đã tiếp tục đùn thổi ông lên đường loan báo Tin Mừng.
Anh Chị em,
Trong thế giới bận rộn hôm nay, thật dễ dàng khi chúng ta để mình bị chèo kéo, phân tâm bởi bao tiếng nói đang giành giật sự chú ý của mỗi người; chúng ta dễ dàng thích thú với bao lôi kéo quyến rũ, bao thôi thúc hấp dẫn của thế giới và tất cả mời chào khôn khéo của nó. Thế giới đã trở nên thành thục trong việc thâm nhập vào những khoảnh khắc chú ý ngắn ngủi của chúng ta, nó tài tình đưa ra những thoả mãn tức thời… nhưng cuối cùng, chỉ để lại trong chúng ta những trống vắng vô bờ. Tiếng nói của Thiên Chúa và lời mời của Thánh Thần Ngài lại hoàn toàn khác; chúng chỉ được tìm thấy trong sự yên ắng của nội tâm. Dẫu thế, không cần phải ở lại trong một tu viện để có được sự tĩnh lặng này; thay vào đó, chúng ta có thể nghe được tiếng nói của Ngài nhờ việc trung thành cầu nguyện mỗi ngày và hình thành thói quen hướng về Chúa trong mọi sự bằng những lời nguyện tắt, chẳng hạn, “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa!”, “Lạy Chúa, xin lôi kéo con!”... Điều này sẽ đạt được khi chúng ta ‘làm theo’ lời mời của Chúa lần này, lần khác và hàng trăm lần khác được lặp đi lặp lại suốt ngày. Chính điều ấy sẽ hình thành nơi chúng ta một thói quen được thu hút, lắng nghe, phản hồi và thu hút mãi để phản hồi mãi… và như thế ‘được lôi kéo và được thổi đi’ mãi.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra tiếng Chúa và sẵn sàng ‘làm theo’ với lòng quảng đại; cho con biết ngoan nguỳ với Thánh Thần để buông mình cho Thiên Chúa, phó toàn thân cho chương trình và kế hoạch của Ngài. Xin hút con lại gần Chúa để con ‘được lôi kéo và được thổi đi’ mỗi ngày”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Không ai đến được với Tôi, nếu Cha, là Đấng sai Tôi, không lôi kéo kẻ ấy”.
Kính thưa Anh Chị em,
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tiết lộ một nguyên tắc thiêng liêng tuyệt vời cho những ai muốn đến với Chúa Giêsu và nên giống Ngài, một nguyên tắc chúng ta cần hiểu và sống mỗi ngày; đó là ‘được lôi kéo và được thổi đi’; ‘lôi kéo’ bởi Chúa Cha, và ‘thổi đi’ bởi Thánh Thần.
Thật tuyệt vời! Đó cũng là những trải nghiệm của Philipphê và quan thái giám của nữ hoàng Êtiopia trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay. Với Philipphê, Thiên Chúa đi bước trước để đến với ông qua tiếng nói của sứ thần, “Hãy chỗi dậy, đi về mạn nam!”; và sau đó, tiếng nói của Thánh Thần, “Hãy tiến lên, theo cho kịp xe kia!”. Philipphê đã ‘làm theo’ mọi sự, ông quảng đại đáp trả khi để mình ‘được lôi kéo và được thổi đi’. Điều tương tự cũng đã xảy ra với quan thái giám. Đoạn Thánh Kinh về người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa ông đang đọc mà không hiểu, chính là sáng kiến độc đáo của Thiên Chúa khi giành cho ông một sự ‘tò mò thánh’. Thú vị thay! Quan đã ‘làm theo’, tức là đáp lại một cách mềm mỏng khi ngỏ lời mời Philipphê lên xe cắt nghĩa cho mình. Và điều kỳ diệu đã xảy ra! “Này nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?”, Philipphê nói, “Nếu ông tin hết lòng thì được”. Để rồi, trình thuật Công Vụ Tông Đồ tiếp tục cho chúng ta cảm nhận một cái gì đó bay bổng; một cái gì đó đang ‘được lôi kéo và được thổi đi’, lôi từ Giêrusalem xuống Gaza; thổi thốc lên Azotus; bay ngược lên tận Caesarea. Ồ! Không phải một cái gì bay bay nhưng chính là tông đồ Philipphê bay bay và ngọn gió Thánh Thần đã tiếp tục đùn thổi ông lên đường loan báo Tin Mừng.
Anh Chị em,
Trong thế giới bận rộn hôm nay, thật dễ dàng khi chúng ta để mình bị chèo kéo, phân tâm bởi bao tiếng nói đang giành giật sự chú ý của mỗi người; chúng ta dễ dàng thích thú với bao lôi kéo quyến rũ, bao thôi thúc hấp dẫn của thế giới và tất cả mời chào khôn khéo của nó. Thế giới đã trở nên thành thục trong việc thâm nhập vào những khoảnh khắc chú ý ngắn ngủi của chúng ta, nó tài tình đưa ra những thoả mãn tức thời… nhưng cuối cùng, chỉ để lại trong chúng ta những trống vắng vô bờ. Tiếng nói của Thiên Chúa và lời mời của Thánh Thần Ngài lại hoàn toàn khác; chúng chỉ được tìm thấy trong sự yên ắng của nội tâm. Dẫu thế, không cần phải ở lại trong một tu viện để có được sự tĩnh lặng này; thay vào đó, chúng ta có thể nghe được tiếng nói của Ngài nhờ việc trung thành cầu nguyện mỗi ngày và hình thành thói quen hướng về Chúa trong mọi sự bằng những lời nguyện tắt, chẳng hạn, “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa!”, “Lạy Chúa, xin lôi kéo con!”... Điều này sẽ đạt được khi chúng ta ‘làm theo’ lời mời của Chúa lần này, lần khác và hàng trăm lần khác được lặp đi lặp lại suốt ngày. Chính điều ấy sẽ hình thành nơi chúng ta một thói quen được thu hút, lắng nghe, phản hồi và thu hút mãi để phản hồi mãi… và như thế ‘được lôi kéo và được thổi đi’ mãi.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra tiếng Chúa và sẵn sàng ‘làm theo’ với lòng quảng đại; cho con biết ngoan nguỳ với Thánh Thần để buông mình cho Thiên Chúa, phó toàn thân cho chương trình và kế hoạch của Ngài. Xin hút con lại gần Chúa để con ‘được lôi kéo và được thổi đi’ mỗi ngày”, Amen.
(Tgp. Huế)