ĐƯỢC GỌI ĐỂ KHỔ ĐAU
“Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Ngài sẽ từ cõi chết sống lại”.
Kính thưa Anh Chị em.
Sẽ rất bất ngờ khi chúng ta nói, ơn gọi của chính Chúa Giêsu cũng như ơn gọi của tất cả những ai theo Ngài sẽ không loại trừ một lời gọi hết sức lạ lùng là lời mời ‘được gọi để khổ đau’. Đó cũng là ý nghĩa của phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay.
Với thánh sử Luca, Tin Mừng hôm nay tường thuật lần hiện ra cuối cùng sau phục sinh của Chúa Giêsu. Trong lần hiện ra này, Ngài cho các ông xem tay chân Ngài, giải thích cho họ rằng, Ngài ‘được gọi để khổ đau’, chết đi; nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại vinh hiển, để ban ơn cứu độ cho muôn người. Đây chính là điều Ngài muốn các môn đệ hiểu về mình; tay, chân Ngài bị đâm thâu, nhưng đó là dấu chứng của chiến thắng từ thập giá, một điều thảm khốc trước mắt loài người.
Chúa Giêsu chịu đau đớn, chết đi và sống lại; đó chính là Mầu Nhiệm Vượt Qua. Rất nhiều lần, chúng ta đã nghe những lời này nhưng có lẽ không hiểu hết chúng. Mầu Nhiệm Vượt Qua là điều mà vì nó, các tông đồ phải làm chứng; họ làm chứng cho thế giới biết rằng, Chúa Giêsu đến từ Chúa Cha, Ngài ‘được gọi để khổ đau’, chịu chết vì tội lỗi, và đã sống lại để chiến thắng tội lỗi và sau đó, lên trời, mời gọi mọi người cùng lên theo, để cùng vui hưởng vinh phúc với Cha trên trời.
Thánh Phêrô trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ đã rao giảng Mầu Nhiệm Vượt Qua ấy, “Đấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết”; thánh Gioan trong bài đọc hai cũng tuyên xưng ơn ‘được gọi để khổ đau’ của Ngài, “Chính Ngài là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian”.
Trọng tâm của Tin Mừng là Sự Cứu Độ, là Đấng Cứu Độ Giêsu, một Đấng đã ‘được gọi để khổ đau’. Đó là một Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta, đã sống lại để chúng ta có thể bước vào vinh quang Nước Thiên Chúa. Chúng ta không vào Nước Thiên Chúa đơn giản vì chúng ta là người tốt; đúng hơn, chúng ta vào Nước Thiên Chúa chỉ nhờ hành động cứu độ của Mầu Nhiệm Vượt Qua, nhờ chính sự chết và sống lại của Đấng Cứu Độ. Mặc dù hành động cứu rỗi này kêu gọi chúng ta sống một đời bác ái phục vụ, nhưng công việc bác ái đó chỉ có tác dụng cứu rỗi chứ không là mục đích.
Tin Mừng hôm nay còn nói, Chúa Giêsu “mở trí cho các ông am hiểu Thánh Kinh”, rằng, “Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Ngài sẽ từ cõi chết sống lại”. Vì vậy, như các tông đồ, nếu muốn hiểu Phúc Âm và mục đích trọng tâm cuộc đời Chúa Giêsu cũng như chính cuộc đời mình, chúng ta cũng phải cho phép Chúa Giêsu mở ra tâm trí của chúng ta; phải để Ngài mặc khải cho chúng ta Mầu Nhiệm Vượt Qua. Đây là một quà tặng đức tin, quà tặng của một sự hiểu biết phi thường; quà tặng này không đến với các tông đồ do quá trình học tập lâu dài hay làm việc chăm chỉ, nhưng đến với họ do họ biết cởi mở với hành động mạnh mẽ của Chúa Phục Sinh trong đời mình. Chúa Giêsu đã mở khóa những bí ẩn của Nước Thiên Chúa cho họ; kết quả là, họ bỗng hiểu ra những chân lý không bao giờ có thể tự mình học được; Ngài cho họ biết rõ, ơn gọi của Ngài cũng như chính họ không thể loại trừ lời mời ‘được gọi để khổ đau’, dẫu khổ đau không tự nó cứu thoát nhưng là con đường dẫn đến vinh quang khi chúng ta thông phần vào thập giá cứu độ của Ngài.
Anh Chị em,
Không ai trong chúng ta muốn đau khổ, nhưng một nghịch lý là không ai không gặp khổ đau. Vậy phải đón nhận chúng thế nào? Hãy đón nhận chúng như Đức Kitô đón nhận, cũng như chúng ta không thế đón nhận một Đức Kitô mà không thập giá, hoặc không thể nhận lấy thập giá nếu không có Đức Kitô. Thiên Chúa muốn chúng ta nên một với Con Ngài, kết hợp với hy tế của Ngài trong mọi biến cố đời mình để cùng với Ngài, trở nên hiến lễ cho anh chị em mình. Một số tín hữu rất ngạc nhiên khi họ ‘được gọi để khổ đau’. Họ nghĩ rằng, họ sẽ làm được một việc lớn lao nào đó cho Chúa, nhưng tất cả những gì Chúa cho phép họ làm là khổ đau. Chỉ cần giả sử chúng ta có thể nói chuyện với những người đã đi với Chúa; mỗi người đều có một câu chuyện khác nhau, nhưng mỗi người đều có một câu chuyện đau khổ. Và chúng ta sẽ thấy, mặc dù ‘nước sâu’, nhưng tất cả họ đều đã ‘qua bờ bên kia’. Không ai trong họ đổ lỗi cho Thiên Chúa về con đường Ngài đã dẫn dắt họ; ‘Cứu Độ’ là tiếng kêu duy nhất của họ, và cuối cùng, họ nghiệm ra rằng, họ còn ‘được gọi để khổ đau’ khi họ biết dâng khổ đau đời mình hiệp với khổ đau của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ họ.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa, con được thoát khỏi tội lỗi và trở thành con cái Cha trên trời. Xin mở rộng tâm trí con để con có thể hiểu đầy đủ hơn về quà tặng tuyệt vời này; xin ban cho con ân sủng để trở thành nhân chứng của Chúa cho thế giới đang cần ngay cả khi con phải trải nghiệm, rằng, ơn gọi của con còn là ‘được gọi để khổ đau’”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Ngài sẽ từ cõi chết sống lại”.
Kính thưa Anh Chị em.
Sẽ rất bất ngờ khi chúng ta nói, ơn gọi của chính Chúa Giêsu cũng như ơn gọi của tất cả những ai theo Ngài sẽ không loại trừ một lời gọi hết sức lạ lùng là lời mời ‘được gọi để khổ đau’. Đó cũng là ý nghĩa của phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay.
Với thánh sử Luca, Tin Mừng hôm nay tường thuật lần hiện ra cuối cùng sau phục sinh của Chúa Giêsu. Trong lần hiện ra này, Ngài cho các ông xem tay chân Ngài, giải thích cho họ rằng, Ngài ‘được gọi để khổ đau’, chết đi; nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại vinh hiển, để ban ơn cứu độ cho muôn người. Đây chính là điều Ngài muốn các môn đệ hiểu về mình; tay, chân Ngài bị đâm thâu, nhưng đó là dấu chứng của chiến thắng từ thập giá, một điều thảm khốc trước mắt loài người.
Chúa Giêsu chịu đau đớn, chết đi và sống lại; đó chính là Mầu Nhiệm Vượt Qua. Rất nhiều lần, chúng ta đã nghe những lời này nhưng có lẽ không hiểu hết chúng. Mầu Nhiệm Vượt Qua là điều mà vì nó, các tông đồ phải làm chứng; họ làm chứng cho thế giới biết rằng, Chúa Giêsu đến từ Chúa Cha, Ngài ‘được gọi để khổ đau’, chịu chết vì tội lỗi, và đã sống lại để chiến thắng tội lỗi và sau đó, lên trời, mời gọi mọi người cùng lên theo, để cùng vui hưởng vinh phúc với Cha trên trời.
Thánh Phêrô trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ đã rao giảng Mầu Nhiệm Vượt Qua ấy, “Đấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết”; thánh Gioan trong bài đọc hai cũng tuyên xưng ơn ‘được gọi để khổ đau’ của Ngài, “Chính Ngài là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian”.
Trọng tâm của Tin Mừng là Sự Cứu Độ, là Đấng Cứu Độ Giêsu, một Đấng đã ‘được gọi để khổ đau’. Đó là một Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta, đã sống lại để chúng ta có thể bước vào vinh quang Nước Thiên Chúa. Chúng ta không vào Nước Thiên Chúa đơn giản vì chúng ta là người tốt; đúng hơn, chúng ta vào Nước Thiên Chúa chỉ nhờ hành động cứu độ của Mầu Nhiệm Vượt Qua, nhờ chính sự chết và sống lại của Đấng Cứu Độ. Mặc dù hành động cứu rỗi này kêu gọi chúng ta sống một đời bác ái phục vụ, nhưng công việc bác ái đó chỉ có tác dụng cứu rỗi chứ không là mục đích.
Anh Chị em,
Không ai trong chúng ta muốn đau khổ, nhưng một nghịch lý là không ai không gặp khổ đau. Vậy phải đón nhận chúng thế nào? Hãy đón nhận chúng như Đức Kitô đón nhận, cũng như chúng ta không thế đón nhận một Đức Kitô mà không thập giá, hoặc không thể nhận lấy thập giá nếu không có Đức Kitô. Thiên Chúa muốn chúng ta nên một với Con Ngài, kết hợp với hy tế của Ngài trong mọi biến cố đời mình để cùng với Ngài, trở nên hiến lễ cho anh chị em mình. Một số tín hữu rất ngạc nhiên khi họ ‘được gọi để khổ đau’. Họ nghĩ rằng, họ sẽ làm được một việc lớn lao nào đó cho Chúa, nhưng tất cả những gì Chúa cho phép họ làm là khổ đau. Chỉ cần giả sử chúng ta có thể nói chuyện với những người đã đi với Chúa; mỗi người đều có một câu chuyện khác nhau, nhưng mỗi người đều có một câu chuyện đau khổ. Và chúng ta sẽ thấy, mặc dù ‘nước sâu’, nhưng tất cả họ đều đã ‘qua bờ bên kia’. Không ai trong họ đổ lỗi cho Thiên Chúa về con đường Ngài đã dẫn dắt họ; ‘Cứu Độ’ là tiếng kêu duy nhất của họ, và cuối cùng, họ nghiệm ra rằng, họ còn ‘được gọi để khổ đau’ khi họ biết dâng khổ đau đời mình hiệp với khổ đau của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ họ.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa, con được thoát khỏi tội lỗi và trở thành con cái Cha trên trời. Xin mở rộng tâm trí con để con có thể hiểu đầy đủ hơn về quà tặng tuyệt vời này; xin ban cho con ân sủng để trở thành nhân chứng của Chúa cho thế giới đang cần ngay cả khi con phải trải nghiệm, rằng, ơn gọi của con còn là ‘được gọi để khổ đau’”, Amen.
(Tgp. Huế)