CN 3 PHỤC SINH B
CHỨNG NHÂN

Câu chuyện “Trên đường Emmau” là một trong những câu chuyện Tin Mừng tuyệt tác và rất riêng của thánh sử Luca.

Kể từ khi tảng đá to đã niêm phong cửa mộ thì đối với các môn đệ, tất cả đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nỗi âu lo sợ hãi. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi với Giêsu Nazareth. Bởi đó họ ở lại Giêrusalem để làm gì khi người ta đã đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng giải thoát dân tộc. Thập giá được giương cao và vị cứu tinh được chờ đợi với biết bao kỳ vọng đã kết thúc sự nghiệp bằng cái chết đớn đau ô nhục. Hai môn đệ quyết định trở về quê nhà. Bước chân mỏi mệt chán chường, tuyệt vọng và cô đơn trên cuộc lữ hành. Nỗi buồn mất mát và nỗi đau tuyệt vọng đã làm cho họ không còn nhạy cảm với những thực tại xung quanh. Các ông có biết đâu, trên hành trình thất vọng và cô đơn đó, có một người vẫn hằng dõi theo từng bước đi, chú ý từng tâm sự nhỏ to của các ông. Người ấy tiến về phía các ông, trò chuyện và đồng hành với các ông mà các ông nào hay biết. Các ông không nhận ra Người mặc dù Người vẫn có đó, vẫn hiện diện và chia sẻ với các ông. Các ông còn được vị khách này giải thích tường tận những gì đã nói về Đấng Messia mà Môisen và các Ngôn sứ, tức là toàn bộ Kinh thánh đã loan báo. Cho đến khi được đồng bàn với Người, tận mắt chứng kiến Người cầm bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, bẻ ra và trao cho, mắt các ông mới bừng sáng. Các ông hân hoan vui mừng. Tâm hồn các ông được Đấng Phục sinh chiếu dọi. Tâm trí các ông được Người khai mở. Đức Kitô, Thầy của các ông đã thực sự sống lại. Không nghi ngờ gì nữa, vị khách bộ hành, người đã giảng dạy Kinh Thánh và cùng với các ông chia sẻ nghi lễ Bẻ Bánh chính là Đức Kitô Phục Sinh. Niềm vui vì được gặp Chúa Phục Sinh, được Người dạy dỗ và chia sẻ bàn tiệc Thánh, khiến cho hai môn đệ Emmau quên hết nhọc nhằn. Các ông lập tức lên đường với niềm hân hoan vui mừng trở về Giêrusalem. Hội ngộ với các môn đệ khác và công bố Tin Vui Phục Sinh. Kể từ đó, Tin Mừng Phục Sinh theo dấu chân của các Tông Đồ lan rộng khắp hoàn cầu.

Tin mừng hôm nay kể chuyện, hai môn đệ nhận ra Chúa cho nên như mọc thêm cánh bay về Giêrusalem, loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các tông đồ và các môn đệ khác, khi đó chính Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra cho các ông. Họ rúng động và sợ hãi vì tưởng mình thấy ma. Đức Giêsu đã cố gắng trấn an và thuyết phục họ: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (c 39). Và không chỉ vậy, chính Đức Giêsu đã đưa tay chân cho các tông đồ kiểm chứng (c 40). Tuy vậy, dường như các tông đồ vẫn còn chưa tin, nên Đức Giêsu nói với các ông: “Ở đây anh em có gì ăn không? Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông” (c 41-43). Người ta có cảm tưởng Đức Giêsu cũng vất vả thuyết phục và chứng minh cho các tông đồ rằng, Ngài đã sống lại, Ngài hiện đang sống. Phục sinh là một biến cố rất đặc biệt, vượt dự đoán của con người. Các tông đồ cũng không phải là những người dễ tin. Tuy dù được báo trước ba lần Đức Giêsu sẽ chết và sẽ sống lại (Mc.8, 31; 9, 31; 10, 33-34), nhưng các tông đồ cũng chẳng dễ dàng chấp nhận việc Ngài sống lại (Mc.16, 9-13); và Đức Giêsu, tuy dù biết trước mình sẽ sống lại, cũng rúng động trước cái chết (Mc.14, 35-36).

Chúa Phục Sinh xuất hiện như người mục tử đứng giữa đàn chiên vừa gom về. “Bình an cho anh em”.Các tông đồ đang trong hoàn cảnh xao xuyến, lo âu, bối rối, hoảng sợ. Chúa phải ổn định tinh thần các ông, ban bình an để làm cho tâm trí các ông bình tĩnh mà sáng suốt nhận định rõ ràng. Rồi Chúa các ông thấy vết đinh ở tay, chân của Chúa, cho các ông sờ để thấy đúng là Chúa, Đấng có xương có thịt vẫn ở giữa các ông. Chúa còn cho thêm một dấu hiệu khác nữa là ăn trước mặt các ông. Ăn cho thấy để chứng minh Chúa sống lại có thân xác như người thật. Chúa ăn là để cho các môn đệ yên lòng và thấy rằng Ngài sống lại thật rồi. Một hành động tức thời và rất tâm lý của Chúa là ăn để đảm bảo rằng mình đang sống. Chúa ăn để minh chứng rằng Chúa sống và Ngài vẫn là “một” trước khổ nạn cũng như sau sống lại…Ma thì không có thân xác nên không thể ăn được. Chỉ những ai còn sống mới biết đói biết khát. Chỉ những ai đói mới đòi ăn và khát mới đòi uống. Chúa Phục Sinh không phải vì đói mà xin ăn, nhưng chính là để chứng minh cho các môn đệ biết rằng Ngài đã sống lại.Một người sống thì đứng được, đi được, nói được, ăn được. Chúa cho các ông tất cả các bằng chứng ấy để nhận biết chính là Chúa đang sống và đứng giữa các ông.

Sau khi các môn đệ vững tin, Chúa dạy dỗ các ông. Ngài nhắc lại những lời đã nói khi còn ở giữa các ông liên quan tới sự ứng nghiệm mọi lời chép về Chúa trong Cựu ước. Trên đường Emmau, Chúa giải thích cho hai môn đệ “tất cả những gì liên quan đến Người trong Sách Thánh”, bây giờ Chúa tóm tắt nội dung gồm hai phần:sứ mạng của Chúa và sứ mạng của các môn đệ. Chúa đã hoàn thành sứ mạng của Chúa. Bây giờ đến phiên các môn đệ phải thi hành sứ mạng của mình. Chúa đã chết và phục sinh đem lại ơn tha tội. Đến phiên các môn đệ phải rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Họ phải rao giảng với tư cách là chứng nhân. Để thực thi sứ vụ này, các môn đệ phải lãnh nhận Thánh Thần là quyền năng từ trên cao ban xuống.

Trong bài đọc 1, thánh Phêrô đã làm chứng cho toàn dân Giêrusalem về Chúa Giêsu bị đóng đinh, đã chết và đã sống lại. Chính họ đã nộp Người, và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan xét xử phải tha. Họ đã xin tha cho kẻ sát nhân, và lên án Đấng công chính. Nghe thế, họ quá rõ tội lỗi họ phạm, họ đã ăn năn sám hối: “Hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo” (Cv 2,41).

Bài đọc 2, thánh Gioan đã làm chứng về “Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính, chính Người là của lễ hy sinh đền bù tội lỗi ta, và còn đền bù tội lỗi cả thế giới”. Rồi Gioan kêu gọi hãy làm chứng về Đức Kitô bằng đời sống, đừng phạm tội, hãy vâng giữ lệnh Đức Kitô để chứng tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa tới mức hoàn hảo và biết được mình đang ở trong Đức Kitô. Lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa còn là yếu tố quyết định để xác định tính chân thực của người môn đệ Chúa Kitô.

Đức Giêsu Phục Sinh đã làm nhiều cách để chứng minh rằng Ngài đã sống lại thật. Thánh Phêrô, Gioan, các tông đồ và bao nhiêu thế hệ tín hữu nối tiếp đã làm chứng về Đức Kitô Phục sinh. Các ngài làm chứng nhân bằng việc từ bỏ sự ích kỷ, háo danh, hám lợi để sống quảng đại, xả thân vì Danh Chúa và vì hạnh phúc của tha nhân. Các ngài đã dần bỏ sự hèn nhát mà hiên ngang làm chứng cho sự thật cho dù phải trả bằng chính mạng sống.

Ngày nay, chúng ta làm chứng về Chúa Phục Sinh bằng cách thuật lại cho người khác về cuộc đời và Tin Mừng của Đức Giêsu; bằng cách để Chúa ngỏ lời với người khác qua môi miệng chúng ta; bằng lối sống hy sinh quên mình, vị tha bác ái; bằng việc sẵn sàng chịu bách hại vì đức tin…

Xin Chúa cho chúng con biết chuyên chăm năng học hỏi Lời Chúa hằng ngày, biết lắng nghe Lời Chúa khi dự lễ, để nhờ Lời Chúa hướng dẫn, đức tin của chúng con ngày càng lớn lên và nhờ ơn Thánh Thần tác động, chúng con biết chu toàn sứ mệnh Chúa trao cho Hội Thánh: “Chính anh em là chứng nhân của những điều này”. Amen.