Île-de-France, nghĩa đen là “Đảo của Pháp”, là vùng đông dân nhất trong số mười tám vùng của Pháp. Tập trung xung quanh thủ đô Paris, Île-de-France nằm ở phía bắc trung tâm của đất nước và thường được gọi là Région Parisienne, nghĩa là “Vùng Paris”. Île-de-France là vùng có mật độ dân cư đông đúc nhất và giữ một vị trí kinh tế chủ yếu trên sân khấu quốc gia.
Khu vực này bao gồm tám cơ quan hành chính là Paris, Essonne, Hauts-de-Seine, Seine-Saint-Denis, Seine-et-Marne, Val-de-Marne, Val-d'Oise và Yvelines.
Trong buổi Canh thức cầu nguyện cho sự sống lần thứ 12 tại nhà thờ St Sulpice trước sự hiện diện của các giám mục trong vùng Ile-de-France, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris, nguyên là một bác sĩ, đã trình bày bài giảng sau.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Anh Chi.
Mở đầu bài giảng, Đức Tổng Giám Mục nói:
Đây là một cuộc đối thoại đáng kinh ngạc giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, một học giả rất thông thạo Kinh thánh. Nicôđêmô nói về việc được tái sinh, tức là được sinh ra lần thứ hai. Những gì ông hiểu liên quan đến thai nghén, tức là, sự trở lại lòng mẹ để được sinh ra lần nữa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không có ý nói đến một sự lặp lại mà nói về một sự sinh ra từ trên cao, nghĩa là có một sự khác biệt đáng kể so với những gì ông Nicôđêmô nghĩ.
Chúng ta biết rằng được sinh ra có nghĩa là xuất hiện trên thế giới như chúng ta thường nói: “Anh ấy đã đến với thế giới”. Nhưng mọi người đều biết rằng cuộc sống không bắt đầu khi thế giới nhìn thấy chúng ta mà là ngay tại thời điểm thụ thai, là điều đã luôn được biết đến và được xác nhận bởi các hình ảnh y học ngày nay.
Điều Chúa Giêsu muốn nói là sự sống không chỉ là sinh học. Biểu trưng sinh học chỉ là một khía cạnh của cuộc sống. Nó là một mô tả về cách một sinh vật hoạt động, nhưng nó không phải là cuộc sống. Cố nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải biết về hoạt động của một sinh vật để có thể hỗ trợ, nuôi sống nó và điều trị nó. Nhưng khi chúng ta đề cập đến cuộc sống của một con người, chúng ta nghĩ đến nhiều thứ hơn là các hoạt động cơ học trong những tế bào của anh ta. Chúng ta nghĩ về tất cả những gì đã xây dựng nên anh ta, về những mối quan hệ đã được hình thành, về những cuộc gặp gỡ khiến anh ấy muốn sống, nói tóm lại, về tất cả những gì tâm trí chúng ta, tràn ngập bởi những cảm giác hạnh phúc, thúc đẩy chúng ta tiến bước, cho phép chúng ta nói: “Tôi đã có một cuộc sống tuyệt vời”.
Chúng ta phải nghĩ xem ưu tiên của chúng ta là gì. Đó có phải là sự bảo tồn các hoạt động sinh học tốt khiến chúng ta sống còn? Hay đó là phẩm chất các mối quan hệ của chúng ta dựa trên tình yêu thương cho phép chúng ta hiểu được giá trị của một đời người? Trong cái đại dịch kinh hoàng đang ảnh hưởng đến chúng ta ngày nay, các mối quan hệ của chúng ta đã tự xa rời nhau. Đối với một số người, không còn có thể hôn hoặc ôm những người họ yêu thương nhất. Một số đã chết trong sự cô đơn đáng sợ mà không có lời từ biệt. Chúng ta được bảo rằng chúng ta phải cứu cuộc sống bằng mọi giá. Nhưng chúng ta đang nói về cuộc sống nào? Sự sống sinh học chắc chắn là chỗ dựa của toàn bộ sự sống con người, nhưng nó vẫn chưa đủ để làm cho một cuộc sống trở nên đáng sống.
Cái chết đang rình mò hết lần này đến lần khác. Và chính trong bối cảnh đó, một số người nói về quyền tự do để yêu cầu được chết. Trên thực tế, cái chết đang tạo ra một trào lưu. Nhưng cuộc sống phải khơi dậy nơi chúng ta sự ngưỡng mộ. Khi chúng ta nói về cuộc sống, chúng ta đang nói về những gì ẩn sâu trong chúng ta. Không ai ngày nay có thể đưa ra một định nghĩa đầy đủ về cuộc sống. Ngay cả sự xuất hiện của cuộc sống cũng là một mầu nhiệm khó có thể xảy ra vì cần phải có những điều chỉnh vật lý và hóa học đáng kinh ngạc để sự sống có thể chào đời.
Sự chiêm nghiệm về cuộc sống phải dẫn chúng ta đến tâm tình cảm tạ chứ không phải một sự hãi hùng chóng mặt.
Dù cuộc sống có mong manh, chúng ta vẫn cảm thấy rằng cuộc sống thực sự vượt ra khỏi biên giới tự nhiên của nó và cảm nhận này đã xảy ra ngay từ thời tiền sử. Niềm hy vọng về một cuộc sống sau cái chết, một cuộc sống vĩnh hằng đã tràn ngập tất cả các nền văn minh của loài người.
Khi Chúa Giêsu nói với chúng ta về sự sinh ra từ trên cao, Ngài muốn mời chúng ta bước vào một cuộc sống vượt ra ngoài các biểu hiện sinh học để đạt đến nguồn gốc của nó. Nguồn của nó là gì? Thưa: Đó là Bản thể tự tồn tại, là Đấng thông truyền cuộc sống của mình. Trong sách Sáng thế ký, Thiên Chúa thổi hơi thở của mình để tạo ra sự sống, hơi thở thần thánh đó làm cho con người trở thành một sinh linh. Nhưng chỉ tồn tại thôi chưa đủ, bạn còn phải bước vào cuộc sống. Chúa Giêsu Kitô, khi mặc lấy nhân tính của chúng ta, Người đã làm cho nhân tính chúng ta chuyển từ sự chết sang sự sống, và vươn đến sự sống thần linh vượt ra ngoài mọi biểu hiện hữu cơ. Mỗi người chúng ta cần đón tiếp Người và cùng đi với Chúa Kitô từ cái chết sang sự sống nhờ bí tích rửa tội, như Thánh Phaolô đã nói khi viết cho tín hữu Rôma: “Được rửa tội trong cái chết của Chúa Kitô, anh em được sống lại với Chúa Kitô” (Rm 6: 4). Ngay cả ngày nay, cũng như thời Môisê, Thiên Chúa đặt chúng ta trước sự lựa chọn cơ bản này: “Ta đặt trước mặt các ngươi sự sống và cái chết, hạnh phúc và bất hạnh: các ngươi hãy chọn sự sống!” (Đệ Nhị Luật 30:15).
Source:L'Eglise Catholique à Paris