Trong một diễn biến gây quan ngại sâu xa cho nhiều người, Hiệp Sĩ Tối Cao Giacomo Dalla Torre, người đứng đầu một dòng giáo dân lớn nhất có quy mô trên toàn thế giới đã ra lệnh cấm cử hành thánh lễ bằng tiếng Latinh trong toàn dòng vào những dịp lễ lớn.

Đức Hồng Y Raymond Burke là vị Hồng Y của dòng các Hiệp sĩ Malta. Ngài từ lâu đã nổi tiếng như một người quảng bá cho hình thức thánh lễ ngoại thường này và là đồng minh của những người Công Giáo ưa chuộng các nghi thức truyền thống.

Trong tự sắc Summorum Pontificum, ban hành ngày 7 tháng 7, 2007, Đức Thánh Cha Đức Bênêđíctô thứ 16 viết:

“Sau thời gian suy tư lâu dài trước những thỉnh cầu bức bách của các tín hữu này lên vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II của tôi, sau khi lắng nghe các Nghị Phụ trong Công Nghị Hồng Y hôm 23/3/2006, sau khi đã suy tư về tất cả những điều này, đã cầu xin Thánh Thần Chúa và đặt niềm cậy trông vào ơn phù trì của Thiên Chúa, qua Tông Thư này tôi TRUYỀN rằng:

Điều 1. Lễ Quy Rôma do Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục công bố được xem là diễn đạt thông thường của luật cầu nguyện (lex orandi) trong Nghi Lễ La Tinh của Giáo Hội Công Giáo, trong khi Lễ Quy Rôma do Thánh Giáo Hoàng Piô V và sau đó được Chân Phước Gioan XIII tái công bố được xem là diễn đạt ngoại thường của luật cầu nguyện (lex orandi) và được trọng vọng thích đáng xét vì việc sử dụng đáng kính và cổ truyền của nó. Hai hình thức diễn đạt này của luật cầu nguyện (lex orandi) không vì lẽ nào dẫn tới sự chia rẽ trong luật cầu nguyện (lex orandi) của Giáo Hội, vì chúng là hai cách dùng của cùng một Nghi Lễ Rôma.

Do đó, được kể là hợp luật khi cử hành Thánh Lễ theo bản tiêu biểu của Sách Lễ Rôma do Chân Phước Gioan XIII công bố năm 1962 và chưa bao giờ bị hủy bỏ, như một hình thức ngoại thường trong Phụng Vụ của Giáo Hội.”

Nại đến “sự hiệp nhất” trong nội bộ Dòng các Hiệp sĩ Malta, Hiệp Sĩ Tối Cao Giacomo, viết trong thông cáo được công bố hôm 11 tháng Sáu rằng:

“Tôi đã quyết định, với tư cách là người bảo đảm tối cao cho sự gắn kết và hiệp thông của Dòng Thánh Gioan của Giêrusalem mà Chúa Quan Phòng đã đặt tôi làm Hiệp Sĩ Tối Cao, tôi truyền rằng, tất cả các nghi thức phụng vụ trong Dòng của chúng ta phải được thực hiện theo nghi thức thông thường của Giáo hội (nghĩa là nghi thức của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI) và không phải là nghi thức ngoại thường (nghĩa là nghi thức của Công Đồng Tridentinô).”

Ông khẳng định thêm rằng: “Quyết định này được áp dụng cho tất cả các lễ kỷ niệm phụng vụ chính thức như các lễ phong chức, các thánh lễ trong các cuộc hành hương, các lễ tưởng niệm của chúng ta, cũng như trong tất cả các lễ kính và lễ trọng của Dòng.”

Hiệp Sĩ Tối Cao Giacomo đã nại đến điều 3 trong tự sắc Summorum Pontificum để bênh vực cho quyết định này.

Nguyên văn điều 3 như sau:

“Điều 3. Tu hội: Nếu các Cộng Đoàn hay các Tu Hội thuộc Đời Sống Thánh Hiến hay các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, dù là thuộc Tòa Thánh hay thuộc địa phận, ước ao muốn được cử hành Thánh Lễ theo Sách Lễ Rôma được ban hành vào năm 1962 trong nhà nguyện tu viện hay cộng đồng tu, hay trong tu hội của mình thì đều được phép. Nếu trường hợp có cộng đoàn cá biệt nào, hay là toàn thể Tu Hội hay Hội Dòng muốn có các nghi lễ cử hành nêu trên một cách thường xuyên, một đôi khi, hoặc là luôn luôn như vậy, thì sự việc này phải được Các Bề Trên Cả định đoạt theo các chuẩn mực của luật chung, theo các luật chuyên biệt và các qui chế.”

Tuy nhiên, nhiều quan sát viên cho rằng quyết định của Hiệp Sĩ Tối Cao Giacomo cho thấy sự mâu thuẫn sâu sắc vẫn tiếp diễn trong nội bộ dòng, và thánh lễ tiếng Latinh đã bị hy sinh cho cuộc đấu đá nội bộ.

Dòng Hiệp sĩ Malta là một dòng tu Công Giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ châu Âu lâu đời nhất trên thế giới. Sau khi chinh phục được Giêrusalem vào năm 1099 trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất, họ đã trở thành một dòng tu quân sự có điều lệ riêng với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ Đất Thánh. Sau khi các vùng lãnh thổ ở Thánh Địa rơi vào tay người Hồi giáo thì dòng này rút quân về hoạt động ở đảo Rhodes (1310-1523), và sau đó là đảo Malta (1530-1798). Năm 1798, Napoléon Bonaparte chiếm được Malta thì dòng này rút về Roma nhưng vẫn được nhìn nhận tư cách một quốc gia có chủ quyền. Dù không thực sự có một vùng lãnh thổ xác định nhưng họ được cấp tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, được phát hành tem bưu chính, có hộ chiếu đi quốc tế, có quốc kỳ và quốc huy như một nhà nước.

Dòng hiện có khoảng 13,000 thành viên, 80,000 tình nguyện viên thường trực và 20,000 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, y tá, trợ tá) hiện diện tại hơn 120 quốc gia.

Dòng các Hiệp sĩ Malta đã vướng vào hàng loạt các vụ tai tiếng và chia rẽ trong những năm gần đây.

Ngày 22 tháng 12, 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập một ủy ban đặc biệt để điều tra những bất hòa trong Dòng Hiệp Sĩ Malta sau khi vị Hiệp Sĩ Tối Cao của hội đáng kính này ra quyết định sa thải vị Thủ tướng.

Albrecht von Boeselager, là người bị cách chức, đã dính líu vào một chương trình phân phối bao cao su tránh thai để ngăn chặn việc lây lan bệnh liệt kháng (HIV). Tuy nhiên, ông nói rằng vị Hiệp Sĩ Tối Cao của hội Hiệp Sĩ Malta, lúc đó là Hiệp Sĩ Matthew Festing, đã hành động vi phạm hiến pháp của hội khi ra lệnh buộc ông từ chức vì quan điểm ‘liberal’ của mình. Albrecht von Boeselager cũng nói với các ký giả là Đức Hồng Y Raymon Burke, là nhà lãnh đạo tinh thần của dòng, đã tác động trực tiếp vào quyết định buộc ông ta phải bị cách chức.

Hiệp sĩ Giacomo Dalla Torre đã được bầu làm Hiệp Sĩ Tối Cao thứ 80 của Dòng Hiệp sĩ Malta vào ngày 2 tháng 5, 2018 và hứa sẽ tiếp tục công cuộc cải cách Dòng này bắt đầu từ năm 2017 khi ông được bầu làm nhà lãnh đạo tạm thời.

Giacomo sinh tại Rome vào ngày 9 tháng 12 năm 1944, và theo học khoa khảo cổ học và lịch sử nghệ thuật của Kitô giáo tại Đại học Rome. Ông dạy tiếng Hy Lạp cổ điển tại Đại học Giáo Hoàng Urbanô của Rôma và là giám đốc thư viện và văn khố của trường đại học.

Giacomo đã là một thành viên Dòng Hiệp sĩ Malta từ năm 1985 và đã thực hiện những lời thề long trọng vào năm 1993.


Source:Crux