Theo tin tập san Crux, Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio, chủ tịch cơ quan giải thích các bản văn luật lệ của Tòa Thánh cho rằng các người Công Giáo hiện sống trong các hoàn cảnh “không hợp lệ”, như ly dị và tái hôn dân sự, có thể được rước lễ miễn là họ muốn thay đổi hoàn cảnh của họ nhưng không thể hành động theo ước muốn của mình ngay được vì nếu làm thế sẽ dẫn tới tội thêm.

Nên biết Đức Hồng Y được Đức Bênêđíctô XVI cử nhiệm đứng đầu cơ quan này vào năm 2007. Theo hiến pháp Vatican, công việc của cơ quan này “chủ yếu hệ ở việc giải thích các luật lệ của Giáo Hội”.

Tuy nhiên, theo chính lời Đức Hồng Y, ngài viết cuốn “Chương Tám của Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia” không phải trong tư cách một chuyên gia giáo luật, mà là một người cố gắng “mở sứ điệp phong phú về tín lý và mục vụ [của Amoris Laetitia]”.

Đây là một cuốn sách chỉ dầy 51 trang, được phát hành vào tuần trước, do công ty xuất bản của Tòa Thánh in. Cuốn sách trích dẫn rất nhiều từ "Amoris Laetitia" và Đức Hồng Y Coccopamerio nói rằng ngài viết ra nó vì “phần này của văn kiện không được đầy đặn lắm và, có lẽ vì nội dung và hình thức, chương này đã bị phê phán một cách tiêu cực hoặc đôi chút dè dặt”.

Ngài nói thêm: “Giáo Hội có thể nhận cho Xưng Tội và Rước Lễ các tín hữu nào, trong các cuộc kết hợp bất hợp pháp, muốn thay đổi hoàn cảnh, nhưng không thể hành động theo ước muốn này”.

Ngài cũng viết rằng “tôi tin rằng chúng ta có thể chấp nhận, với một lương tâm chắc chắn và thanh thản, rằng tín lý, trong trường hợp này, được tôn trọng”.

Giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân rất rõ ràng: một người đàn ông, một người đàn bà, kết hợp với nhau trong một dây liên kết không thể hủy tiêu, nghĩa là khi ốm đau và khi mạnh khỏe, khi nghèo khó và khi thịnh vượng, cho đến chết, và chào đón sự sống.

Điều đáng chú ý là vị đứng đầu cơ quan lo về tín lý, là Đức Hồng Y người Đức Gerharld Muller, đầu tháng này, đã tuyên bố rằng việc rước lễ của những người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự là chống lại tín lý của Giáo Hội và không ai, kể cả Đức Giáo Hoàng, cũng không thể thay đổi được điều này.

Trích dẫn "Amoris Laetitia", Đức Hồng Y Coccopalmerio nói rằng tông huấn nói rất rõ về mọi yếu tố trong tín lý của Giáo Hội về hôn nhân, rất phù hợp và trung thành với giáo huấn truyền thống.

Rồi ngài viết: “Không có cách chi khiến Giáo Hội phải từ bỏ việc đề xuất lý tưởng trọn vẹn của hôn nhân, kế hoạch của Thiên Chúa trong mọi nét cao cả của nó […] Bất cứ hình thức nào của thuyết duy tương đối hay bất cứ sự kính trọng quá đáng nào trong lúc đề xuất nó, đều thiếu lòng trung thành đối với Tin Mừng và cũng thiếu tình yêu đối với Giáo Hội”.

Đức Hồng Y Coccopalmerio đưa ra một hoàn cảnh cụ thể làm ví dụ, đó là trường hợp một người “biết rõ tính bất hợp lệ của hoàn cảnh mình” nhưng có khó khăn lớn trong việc thay đổi hoàn cảnh này “mà không cảm thấy trong lương tâm họ rằng họ có thể rơi vào một tội mới”.

Theo Đức Hồng Y Coccopalmerio, "Amoris Laetitia" mặc nhiên dự liệu rằng để được phép nhận lãnh các bí tích, các người đàn ông hay đàn bà, vì những động lực nghiêm túc như việc giáo dục con cái, mà không thể chu toàn nghĩa vụ phải ly thân, tuy nhiên phải có “ý định hay ít nhất ước muốn” thay đổi hoàn cảnh của mình.

Tông huấn "Familiaris Consortio" của Đức Gioan Phaolô II, cũng như tông huấn của Đức Phanxicô, ra đời sau một Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, cho rằng các cặp này được kêu gọi sống “như anh trai em gái”.

Theo Đức Hồng Y Coccopalmerio, các cặp nào có thể, nên làm như trên, nhưng cũng có thực tại này là không có sự thân mật tính dục giữa một cặp nào đó, cơn cám dỗ bất trung và đi tìm sự thân mật ở nơi khác sẽ lớn mạnh.

Trích dẫn đoạn 301 của "Amoris Laetitia", về các nhân tố giảm khinh trong việc biện phân mục vụ, Đức Hồng Y viết rằng nếu cặp nào trong hoàn cảnh bất hợp lệ thấy khó có thể sống như anh trai em gái, họ không bắt buộc phải tuân theo vì họ là các chủ thể mà đoạn này nói tới, đại diện cho “một hoàn cảnh cụ thể không cho phép họ hành động khác đi và quyết định khác đi mà không phạm tội thêm”.

Thí dụ được Đức Hồng Y Coccopalmerio đưa ra về một người không thể trở lui mà không rơi vào một tội mới là người đàn bà đang sống chung với một người đàn ông và ba đứa con của ông này, sau khi chúng bị người vợ đầu của ông này bỏ rơi.

Đức Hồng Y viết rằng người đàn bà trên “đã cứu người đàn ông khỏi một trạng thái thất vọng sâu xa, có thể là ý muốn tự tử”, đã giúp ông nuôi dạy các đứa con với thật nhiều hy sinh đáng kể, và họ đã sống với nhau 10 năm nay, có thêm một đứa con nữa với nhau.

Ngài cho rằng “người đàn bà chúng ta đang nói tới biết hoàn toàn rằng mình đang sống trong một hoàn cảnh bất hợp lệ. Bà thành thực muốn thay đổi cuộc sống mình. Nhưng hiển nhiên, bà không thể làm thế. Vì trên thực tế, nếu bà rời khỏi cuộc kết hợp này, người đàn ông có thể rơi vào trạng thái như trước, các đứa con sẽ bơ vơ không có một người mẹ”.

Rời bỏ cuộc kết hợp, do đó, có nghĩa là không chu toàn bổn phận đối với những người vô tội là mấy đứa con. “Như thế, điều hiển nhiên là việc này không thể diễn ra mà không phạm ‘một tội mới’”.

Như tông huấn "Amoris Laetitia" của Đức Phanxicô đã tuyên bố rõ ràng, việc xác định đây là trường hợp trong đó việc rước lễ được cho phép chỉ được đưa ra sau một diễn trình biện phân, luôn luôn với một linh mục. Đức Hồng Y Coccopalmerio cũng viết rằng văn phòng giáo phận nào có khả năng cho ý kiến trong các vụ hôn phối khó khăn có thể giúp ích trong vấn đề này nếu không muốn nói là cần thiết.

Theo Đức Hồng Y Coccopalmerio, một điển hình trong đó Giáo Hội không thể cho các người trong hoàn cảnh bất hợp lệ lãnh nhận các bí tích là các tín hữu “biết mình phạm tội nặng và có thể thay đổi, nhưng không có ý thành thực muốn” làm như thế.

Ra mắt sách

Đức Hồng Y Coccopalmerio, dù theo chương trình đáng lẽ có mặt trong cuộc họp báo tổ chức tại Đài Phát Thanh Vatican, nhưng ngài đã không tới, vì phải dự một phiên họp của thánh bộ phong thánh.

Nhiều quan sát viên, trong đó có Orazio La Rocca, được Đức Hồng Y đích thân chọn để ra mắt sách, gần đây đã cho rằng cuốn sách này là câu trả lời cho năm câu hỏi “có hay không” do 4 vị Hồng Y đệ lên Đức Phanxicô.

Các vị giáo phẩm trên tin rằng "Amoris Laetitia" đã tạo nên “việc mất hướng trầm trọng và việc hồ đồ lớn lao” nhất là khi nó đụng tới các người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự và việc họ được lãnh nhận các bí tích Thống Hối và Thánh Thể.

Các điều dubia (hoài nghi) đã được đệ lên Đức Phanxicô bởi các vị Hồng Y Raymond Burke (người Mỹ), Carlo Caffarra, Tổng Giám Mục hưu trí của Bologna (Ý), Walter Brandmüller (người Đức), chủ tịch hưu trí của Ủy Ban Giáo Hoàng về Các Khoa Học Lịch Sử, và Joachim Meisner, Tổng Giám Mục hưu trí của Cologne (Đức).

Cho đến nay, các ngài vẫn chưa được Đức Phanxicô trả lời.

Bất chấp nhận định của La Rocca, hôm thứ Ba vừa qua, linh mục Dòng Salesian là Cha Giuseppe Costa, giám đốc công ty xuất bản của Tòa Thánh nói rằng không, cuốn sách không phải là câu trả lời cho các điểm dubia, mà cũng không phải là câu trả lời chính thức của Tòa Thánh cho các điểm đó. Cha nhấn mạnh, nó chỉ là nhận định riêng của Đức Hồng Y Coccopalmerio về chương tám của "Amoris Laetitia" mà thôi.

Alfonso Cauteruccio, người đã nhận lời yêu cầu của các nhà báo muốn phỏng vấn Đức Hồng Y, nói rằng cuốn sách không ra đời từ những điểm dubia mà từ kinh nghiệm mục vụ riêng của Đức Hồng Y.

Cha Maurizio Gronchi, một tham vấn tại văn phòng của Đức Hồng Y Muller, tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, cũng có mặt trong buổi ra mắt sách. Theo ngài, văn kiện của Đức Giáo Hoàng không tạo ra bất cứ hoài nghi nào.

Giải thích về cuốn sách, Cha Gronchi cho hay: để có thể rước lễ, người ta phải ý thức tội lỗi của mình và thực sự có ý định thay đổi hoàn cảnh của mình, ngay cả khi không có thể. Ngài bảo: “nó không nói rằng phải tha thứ cho mọi người trong bất cứ trường hợp nào”.

Cha nói tiếp "Amoris Laetitia" “cố gắng ấn định ra những nẻo đường có thể có để hoán cải, chứ không giải quyết các hoàn cảnh hôn nhân tan vỡ”.

Trong buổi ra mắt sách, La Rocca dùng một đoạn trong "Amoris Laetitia" trong đó, Đức Giáo Hoàng nói rằng Phép Thánh Thể không phải là phần thưởng dành cho những người hoàn hảo nhưng là thuốc chữa dành cho người yếu đuối.

Sau khi đọc đoạn này vào hôm thứ Ba, La Rocca hỏi, “ai nói rằng Thiên Chúa không hài lòng với cách tôi sống cuộc sống của tôi?”. Theo ý kiến của các nhà báo được Đức Hồng Y lựa chọn, “quả là nhỏ mọn khi từ khước việc chịu lễ chỉ vì luật dạy thế”.

La Rocca cho rằng “ai đó sẽ phải giải thích cho tôi ai quyết định đâu là tín lý đúng đắn”. Quan điểm của ông này là Chương Tám “sẽ mở lòng” nhiều người chỉ chịu thúc đẩy bởi qui định của luật lệ mà thôi.

Ông cũng nói rằng ông có ý định tặng cuốn sách này cho hai người ông biết là không thể rước lễ vì họ đang sống trong hoàn cảnh bất hợp lệ. Ông tin rằng sau khi đọc cuốn sách này, các bạn ông sẽ cảm thấy được chào đón.

Dù một số giám mục đã lên tiếng minh nhiên hoặc ủng hộ hoặc chống lại bốn vị Hồng Y, các cuốn hướng dẫn gần đây bởi nhiều giám mục khác nhau về việc phải áp dụng chương tám của "Amoris Laetitia" ra sao cho thấy văn kiện của Đức Giáo Hoàng, một sản phẩm của gần 3 năm tham khảo với các giám mục thế giới, vẫn còn chỗ để biện phân về chủ đề này.

Một vài giám mục đã biện phân rằng luật thì rất rõ ràng, đã được phát biểu trong Tin Mừng Chúa Nhật này (“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” Mt 5:32).

Một số vị khác, như các giám mục Malta chẳng hạn, đã quả quyết rằng người Công Giáo tái hôn nào “bình an” với Chúa có thể rước lễ.