Xin Hãy Chọn Niềm Vui Như Thế
(Chúa Nhật III MÙA VỌNG C 2018)
Màu tím của Mùa Vọng làm tôi chợt nhớ tới bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của thi sĩ Hữu Loan, một bài thơ được sáng tác cách đây hơn 50 năm và được công ty cổ phần công nghệ Việt (Vitek VTB) mua bản quyền tác giả với giá 100 triệu đồng Việt nam.
Ai cũng biết, bài thơ “Màu tím hoa sim” là tâm sự của Hữu Loan viết để tiếc thương người vợ trẻ Lê Đỗ Thị Ninh vừa kết duyên với ông chưa được mấy tháng đã vội lìa đời vì tai nạn chết đuối. Bài thơ đã liên kết màu tím của hoa sim với nổi buồn da diết của một người vừa mất đi người vợ hiền yêu quý :
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết…
Từ “Màu tím hoa sim” của đời thường đến màu tím của phụng vụ (Mùa Chay, Mùa Vọng, Lễ Tang) đều gợi lên nét buồn, nét nhớ, nét tiếc thương…
Giữa Khung trời Mùa Vọng man mác một sắc tím của thấp thỏm đợi chờ, một chút buồn của khắc khổ lo âu với hình ảnh hoang mạc, lưu đầy cùng với những tiếng ca ghi đậm nỗi xót xa kêu cứu van lơn : “Trời cao hãy đổ sương xuống…Mây ơi mưa Đấng Cứu Tinh…”, thì hôm nay, Chúa Nhật III Mùa Vọng, lại bừng lên một “sắc hồng tươi vui”, đúng như tên gọi truyền thống của Phụng vụ : “Chúa Nhật áo Hồng”.
Để diễn tả trọng tâm ý nghĩa nầy, Lời Chúa và kinh nguyện của Phụng vụ hôm nay đều mang dáng vẻ vui tươi. Ngay từ Ca Nhập Lễ, lời của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Philipphê đã vang lên như một lời hiệu triệu, một mệnh lệnh : “Anh em hay vui lên ! Tôi nhắc lại : anh em hãy vui lên”. Trong khi đó, bài đọc 1, trích đoạn sách sứ ngôn Sô-phô-ni-a là bản tin vui loan báo ngày Ít-ra-en được giải thoát khỏi kiếp nô lệ lưu đầy :
“Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion
Hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi !
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi…”
Tư tưởng hoan vui đó lại còn được tiếp nối với lời đáp vịnh ca trích từ sách Isaia :
“Dân Sion, hãy mừng rỡ reo hò,
vì giữa ngươi, Đấng Thánh của Ít-ra-en quả thật là vĩ đại !”
Và nếu lưu tâm một chút, chúng ta sẽ nhận ra ngay cái lý do chính trong niềm vui của “dân Si-on”. Đó chính là vì Thiên Chúa đang trở lại, Thiên Chúa đang hiện diện, Thiên Chúa đang trở về, một Vị Thiên Chúa lặng lẽ viếng thăm dân Ngài mà Gioan Tiền hô trong Tin Mừng hôm nay mách chỉ : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người…”.
Nếu nhìn lại trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, chúng ta nhận ra rằng : cũng chính vì để nhắc lại niềm tin vào một Thiên Chúa trung thành và yêu thương đó, mà các sứ ngôn đã thay phiên nhau công bố sứ điệp hoan vui về “Sự Trở về, sự viếng thăm, sự quang lâm, sự hiện diện của Thiên Chúa…”.
“Vui lên nào hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy,
Vùng đất hoang hãy mừng rỡ trổ bông…
Hãy nói với những kẻ nhát gan : “Can đảm lên, đừng sợ !
Thiên Chúa của anh em đây rồi…Chính Người sẽ đến cứu anh em” (Is 35, 1-4)
dân Chúa không còn phải ngày lại ngày mòn mỏi với một tin buồn muôn thuở sống cuộc đời tăm tối trong kiếp nô lệ, lưu đầy, nhưng sẽ hân hoan đón nhận một tin vui, tin mừng trọng đại : “Hởi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao. Hởi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh. Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giu-đa rằng : “Kìa Thiên Chúa các ngươi”. Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm gọn chủ quyền…” (Is 40, 9-10)
Và sau những ngàn năm mong mỏi đợi chờ, Tin mừng vĩ đại đó đã hiện thực vào đêm mà các thiên sứ đã báo cho các mục đồng thành Bê-lem : “Tôi báo cho anh em một tin mừng, một tin mừng vĩ đại cho toàn dân là hôm nay, Đấng Cứu thế đã giáng sinh trong thành vua Đa-vít” (Lc 2,10-11).
Cũng chính Tin Mừng đó, sau 30 năm im lặng từ cái đêm huyền diệu Bê-lem, đã vang lên trên toàn cõi Palestine : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời các ngươi vừa nghe…Thánh thần Chúa ngự trên tôi, để tôi đem tin mừng cho người nghèo khó…” (Lc 4,16-21) .
Vâng, Thiên Chúa của chúng ta, Thiên Chúa mà Đức Kitô đến mặc khải rõ ràng cho chúng ta không bao giờ là một “Thiên Chúa trên các tầng mây nghìn trùng xa cách, chỉ biết ngó xuống mặt đất để dò xét và luận phạt. Nhưng là một Thiên Chúa “đang ở giữa chúng ta đây, một Thiên Chúa đang đồng hành giữa cuộc sống chúng ta để cảm thương thân phận, để chia sẻ ngọt bùi, để đồng hành thương xót : “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cắm lều ở giữa chúng ta” (Ga 1,14); “người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuen, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 2,23)…
Khi nào con người không tìm gặp được một Thiên Chúa đang đến, đang có mặt, đang đồng hành, đang nhìn đến với lòng yêu thương tha thứ, chắc chắn con người sẽ lầm lũi tiến bước trong nỗi buồn bất tận, trong nỗi thất vọng lênh láng. Giu-đa, người tông đồ bán Chúa, chắc chắn đã mang tâm sự não nề như thế khi bước khỏi bàn tiệc ly để lầm lũi bước đi trong bóng tối cho tới khi dừng lại trong cái chết tự treo cổ bi đát và thất vọng : “Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối” (Ga 13,30).
Hàng năm trên thế giới (đặc biệt tại những quốc gia giàu có, văn mình như Nhật bản, Hàn Quốc…), có hàng ngàn người “đi trên cái nỗi buồn thất vọng muôn thuở của Giu-đa”, con đường tự tử, phải chăng vì họ đã không gặp được niềm vui có một ai đó, một Thiên Chúa đang đồng hành, sẻ chia và an ủi !
Khi ban Con Một cho chúng ta, Thiên Chúa không muốn một ai phải lầm lũi ra đi như thế. Cho dầu có thân tàn ma dại như “người con hoang”, một khi quay gót trở về, Thiên Chúa vẫn rộn ràng mở tiệc để hoan vui chào đón. (Lc 15, 11-32), như một “con chiên đi lạc bị thương tích” vẫn được tìm kiếm và bồng ẵm trên đôi tay nhân hiền” Lc 15,4-7)…
Và như thế niềm vui chợt về giữa Mùa Vọng hôm nay chính là một lời mời gọi thiết tha để tất cả chúng ta kiện toàn lòng tin vào Thiên Chúa, trở về với Thiên Chúa, tín thác cuộc đời cho Chúa và gặp gỡ Thiên Chúa. Như vậy, niềm vui hôm nay, niềm vui của Mùa Vọng Kitô giáo, niềm vui của đức tin, của tình yêu !
Tuy nhiên, để có được “niềm vui như thế” lại không là chuyện giản đơn !
Vâng, niềm vui là cốt yếu, niềm vui là trọng tâm của sứ điệp Phụng vụ hôm nay; nhưng đó lại là “niềm vui được chọn lựa”, “niềm vui đòi trả giá”, chứ không phải bất cứ niềm vui nào, nhất là những niềm vui chóng qua, rỗng tuếch, hời hợt…mà sau đó là một nỗi buồn muôn thuở (như những cái chết thương tâm, những tai nạn bi đát…sau niềm vui “đi bão” trong đêm Việt nam vô địch giải AFF vừa qua !)
“Niềm vui được chọn lựa” trong cái nhìn nhân bản của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được biểu hiện nơi ca khúc “MỖI NGÀY TÔI CHỌN MỘT NIỀM VUI”, thì đó là :
“những bông hoa và những nụ cười…”, là “Đường đến anh em đường đến bạn bè…”, là “yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi…”, là “Cùng với anh em tìm đến mọi người…”, là “ngồi thật yên Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình…”
Từ những “niềm vui nhân bản” đó, người Kitô hữu được gọi mời vươn tới niềm vui thiêng liêng, niềm vui thánh thiện của Tin Mừng :
Đó là Niềm Vui mang tính anh hùng, là niềm vui mang “dáng đứng của Máng cỏ Bê-Lem, của đồi Gon-go-ta, của từ bỏ, của hy sinh, của yêu thương, phục vụ.
- Đó chính là niềm vui của Đức Trinh Nữ Maria khi Mẹ đã cảm nhận được thế nào vâng phục thánh ý Thiên Chúa. “Tôi hớn hở vui mừng trong Đấng Cứu chuộc tôi”, vì “Tôi là tôi tá Chúa” (Lc 1,47; 1,38).
- Đó là niềm vui của các Thánh Tông Đồ từ tòa án công nghị của quan chức Do Thái bước ra sau khi đã can đảm lựa chọn ý muốn của Thiên Chúa và hoàn tất sứ mệnh chứng nhân : “Các ông vui mừng vì được chịu đau khổ để làm chứng cho Đức Kitô” (Cv 5,41).
- Đó là niềm vui của Mẹ Thánh Têrêxa thành Calcutta, khi được cận kề săn sóc những kẻ yếu đau liệt lào.
- Đó là niềm vui của Thánh Maximilien Kolbe khi được chịu chết thay cho một người tù sắp bị lên án tử.
- Đó là niềm vui của Á Thánh Anrê Phú Yên khi được đưa đi xử tử để làm chứng mình thuộc về Đức Kitô và đáp trả tình yêu cho Ngài…
Và, như Tin Mừng hôm nay vừa công bố, đó là niềm vui dành cho những kẻ thực hành theo cách chỉ dẫn của thánh Gioan Tiền hô : “Ai có hai áo, thì chia cho người không có ; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy….”
Và cụ thể, ở giữa cộng đoàn chúng ta hôm nay, đó là niềm vui của các bạn trẻ, của những em thiếu nhi đang tập múa, tập hát trong ca đoàn Giáng Sinh hay trong đội hình canh thức, là niềm vui của những anh em thợ điện, thợ vẽ, thợ sắt… đang hết mình cho các hạng mục trang trí Giáng Sinh sao cho đẹp đẽ, uy nghi…; đó là niềm vui của những cụ ông, cụ bà “nghèo vật chất nhưng thật tấm lòng”, đang mỗi ngày lên nhà thờ dọn vệ sinh cùng với túm khoai mì nóng hổi…để chia sẻ những nỗi nhọc nhằn của các anh chị em khác đang tất bật cho ngày đại lễ…
Suốt 2000 năm nay, trên mọi miền thế giới, đã có bao nhiêu con người đã hưởng ứng, đã sống niềm vui mà hôm nay chúng ta được gọi mời tiếp nối. Và như thế, phải chăng sống đức tin đích thực đó là biết không ngừng biến “màu tím hoa sim cuộc đời” của lạnh nhạt, thờ ơ, vắng bóng Thiên Chúa và tình yêu con người… trở nên màu hồng của niềm vui đầy ắp ân sủng, niềm tin, hy vọng và tình thương gặp gỡ, sẻ chia. Niềm vui Giáng Sinh sắp tới, hay “niềm vui của mỗi ngày giữa đời thường” sẽ chỉ trọn vẹn và chỉ dành cho những ai biết mở lòng ra để khát khao, đón nhận, gặp gỡ Thiên Chúa và con người. Amen.
LM. Giuse Trương Đình Hiền
(Chúa Nhật III MÙA VỌNG C 2018)
Màu tím của Mùa Vọng làm tôi chợt nhớ tới bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của thi sĩ Hữu Loan, một bài thơ được sáng tác cách đây hơn 50 năm và được công ty cổ phần công nghệ Việt (Vitek VTB) mua bản quyền tác giả với giá 100 triệu đồng Việt nam.
Ai cũng biết, bài thơ “Màu tím hoa sim” là tâm sự của Hữu Loan viết để tiếc thương người vợ trẻ Lê Đỗ Thị Ninh vừa kết duyên với ông chưa được mấy tháng đã vội lìa đời vì tai nạn chết đuối. Bài thơ đã liên kết màu tím của hoa sim với nổi buồn da diết của một người vừa mất đi người vợ hiền yêu quý :
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết…
Từ “Màu tím hoa sim” của đời thường đến màu tím của phụng vụ (Mùa Chay, Mùa Vọng, Lễ Tang) đều gợi lên nét buồn, nét nhớ, nét tiếc thương…
Giữa Khung trời Mùa Vọng man mác một sắc tím của thấp thỏm đợi chờ, một chút buồn của khắc khổ lo âu với hình ảnh hoang mạc, lưu đầy cùng với những tiếng ca ghi đậm nỗi xót xa kêu cứu van lơn : “Trời cao hãy đổ sương xuống…Mây ơi mưa Đấng Cứu Tinh…”, thì hôm nay, Chúa Nhật III Mùa Vọng, lại bừng lên một “sắc hồng tươi vui”, đúng như tên gọi truyền thống của Phụng vụ : “Chúa Nhật áo Hồng”.
Để diễn tả trọng tâm ý nghĩa nầy, Lời Chúa và kinh nguyện của Phụng vụ hôm nay đều mang dáng vẻ vui tươi. Ngay từ Ca Nhập Lễ, lời của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Philipphê đã vang lên như một lời hiệu triệu, một mệnh lệnh : “Anh em hay vui lên ! Tôi nhắc lại : anh em hãy vui lên”. Trong khi đó, bài đọc 1, trích đoạn sách sứ ngôn Sô-phô-ni-a là bản tin vui loan báo ngày Ít-ra-en được giải thoát khỏi kiếp nô lệ lưu đầy :
“Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion
Hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi !
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi…”
Tư tưởng hoan vui đó lại còn được tiếp nối với lời đáp vịnh ca trích từ sách Isaia :
“Dân Sion, hãy mừng rỡ reo hò,
vì giữa ngươi, Đấng Thánh của Ít-ra-en quả thật là vĩ đại !”
Và nếu lưu tâm một chút, chúng ta sẽ nhận ra ngay cái lý do chính trong niềm vui của “dân Si-on”. Đó chính là vì Thiên Chúa đang trở lại, Thiên Chúa đang hiện diện, Thiên Chúa đang trở về, một Vị Thiên Chúa lặng lẽ viếng thăm dân Ngài mà Gioan Tiền hô trong Tin Mừng hôm nay mách chỉ : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người…”.
Nếu nhìn lại trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, chúng ta nhận ra rằng : cũng chính vì để nhắc lại niềm tin vào một Thiên Chúa trung thành và yêu thương đó, mà các sứ ngôn đã thay phiên nhau công bố sứ điệp hoan vui về “Sự Trở về, sự viếng thăm, sự quang lâm, sự hiện diện của Thiên Chúa…”.
“Vui lên nào hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy,
Vùng đất hoang hãy mừng rỡ trổ bông…
Hãy nói với những kẻ nhát gan : “Can đảm lên, đừng sợ !
Thiên Chúa của anh em đây rồi…Chính Người sẽ đến cứu anh em” (Is 35, 1-4)
dân Chúa không còn phải ngày lại ngày mòn mỏi với một tin buồn muôn thuở sống cuộc đời tăm tối trong kiếp nô lệ, lưu đầy, nhưng sẽ hân hoan đón nhận một tin vui, tin mừng trọng đại : “Hởi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao. Hởi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh. Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giu-đa rằng : “Kìa Thiên Chúa các ngươi”. Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm gọn chủ quyền…” (Is 40, 9-10)
Và sau những ngàn năm mong mỏi đợi chờ, Tin mừng vĩ đại đó đã hiện thực vào đêm mà các thiên sứ đã báo cho các mục đồng thành Bê-lem : “Tôi báo cho anh em một tin mừng, một tin mừng vĩ đại cho toàn dân là hôm nay, Đấng Cứu thế đã giáng sinh trong thành vua Đa-vít” (Lc 2,10-11).
Cũng chính Tin Mừng đó, sau 30 năm im lặng từ cái đêm huyền diệu Bê-lem, đã vang lên trên toàn cõi Palestine : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời các ngươi vừa nghe…Thánh thần Chúa ngự trên tôi, để tôi đem tin mừng cho người nghèo khó…” (Lc 4,16-21) .
Vâng, Thiên Chúa của chúng ta, Thiên Chúa mà Đức Kitô đến mặc khải rõ ràng cho chúng ta không bao giờ là một “Thiên Chúa trên các tầng mây nghìn trùng xa cách, chỉ biết ngó xuống mặt đất để dò xét và luận phạt. Nhưng là một Thiên Chúa “đang ở giữa chúng ta đây, một Thiên Chúa đang đồng hành giữa cuộc sống chúng ta để cảm thương thân phận, để chia sẻ ngọt bùi, để đồng hành thương xót : “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cắm lều ở giữa chúng ta” (Ga 1,14); “người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuen, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 2,23)…
Khi nào con người không tìm gặp được một Thiên Chúa đang đến, đang có mặt, đang đồng hành, đang nhìn đến với lòng yêu thương tha thứ, chắc chắn con người sẽ lầm lũi tiến bước trong nỗi buồn bất tận, trong nỗi thất vọng lênh láng. Giu-đa, người tông đồ bán Chúa, chắc chắn đã mang tâm sự não nề như thế khi bước khỏi bàn tiệc ly để lầm lũi bước đi trong bóng tối cho tới khi dừng lại trong cái chết tự treo cổ bi đát và thất vọng : “Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối” (Ga 13,30).
Hàng năm trên thế giới (đặc biệt tại những quốc gia giàu có, văn mình như Nhật bản, Hàn Quốc…), có hàng ngàn người “đi trên cái nỗi buồn thất vọng muôn thuở của Giu-đa”, con đường tự tử, phải chăng vì họ đã không gặp được niềm vui có một ai đó, một Thiên Chúa đang đồng hành, sẻ chia và an ủi !
Khi ban Con Một cho chúng ta, Thiên Chúa không muốn một ai phải lầm lũi ra đi như thế. Cho dầu có thân tàn ma dại như “người con hoang”, một khi quay gót trở về, Thiên Chúa vẫn rộn ràng mở tiệc để hoan vui chào đón. (Lc 15, 11-32), như một “con chiên đi lạc bị thương tích” vẫn được tìm kiếm và bồng ẵm trên đôi tay nhân hiền” Lc 15,4-7)…
Và như thế niềm vui chợt về giữa Mùa Vọng hôm nay chính là một lời mời gọi thiết tha để tất cả chúng ta kiện toàn lòng tin vào Thiên Chúa, trở về với Thiên Chúa, tín thác cuộc đời cho Chúa và gặp gỡ Thiên Chúa. Như vậy, niềm vui hôm nay, niềm vui của Mùa Vọng Kitô giáo, niềm vui của đức tin, của tình yêu !
Tuy nhiên, để có được “niềm vui như thế” lại không là chuyện giản đơn !
Vâng, niềm vui là cốt yếu, niềm vui là trọng tâm của sứ điệp Phụng vụ hôm nay; nhưng đó lại là “niềm vui được chọn lựa”, “niềm vui đòi trả giá”, chứ không phải bất cứ niềm vui nào, nhất là những niềm vui chóng qua, rỗng tuếch, hời hợt…mà sau đó là một nỗi buồn muôn thuở (như những cái chết thương tâm, những tai nạn bi đát…sau niềm vui “đi bão” trong đêm Việt nam vô địch giải AFF vừa qua !)
“Niềm vui được chọn lựa” trong cái nhìn nhân bản của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được biểu hiện nơi ca khúc “MỖI NGÀY TÔI CHỌN MỘT NIỀM VUI”, thì đó là :
“những bông hoa và những nụ cười…”, là “Đường đến anh em đường đến bạn bè…”, là “yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi…”, là “Cùng với anh em tìm đến mọi người…”, là “ngồi thật yên Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình…”
Từ những “niềm vui nhân bản” đó, người Kitô hữu được gọi mời vươn tới niềm vui thiêng liêng, niềm vui thánh thiện của Tin Mừng :
Đó là Niềm Vui mang tính anh hùng, là niềm vui mang “dáng đứng của Máng cỏ Bê-Lem, của đồi Gon-go-ta, của từ bỏ, của hy sinh, của yêu thương, phục vụ.
- Đó chính là niềm vui của Đức Trinh Nữ Maria khi Mẹ đã cảm nhận được thế nào vâng phục thánh ý Thiên Chúa. “Tôi hớn hở vui mừng trong Đấng Cứu chuộc tôi”, vì “Tôi là tôi tá Chúa” (Lc 1,47; 1,38).
- Đó là niềm vui của các Thánh Tông Đồ từ tòa án công nghị của quan chức Do Thái bước ra sau khi đã can đảm lựa chọn ý muốn của Thiên Chúa và hoàn tất sứ mệnh chứng nhân : “Các ông vui mừng vì được chịu đau khổ để làm chứng cho Đức Kitô” (Cv 5,41).
- Đó là niềm vui của Mẹ Thánh Têrêxa thành Calcutta, khi được cận kề săn sóc những kẻ yếu đau liệt lào.
- Đó là niềm vui của Thánh Maximilien Kolbe khi được chịu chết thay cho một người tù sắp bị lên án tử.
- Đó là niềm vui của Á Thánh Anrê Phú Yên khi được đưa đi xử tử để làm chứng mình thuộc về Đức Kitô và đáp trả tình yêu cho Ngài…
Và, như Tin Mừng hôm nay vừa công bố, đó là niềm vui dành cho những kẻ thực hành theo cách chỉ dẫn của thánh Gioan Tiền hô : “Ai có hai áo, thì chia cho người không có ; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy….”
Và cụ thể, ở giữa cộng đoàn chúng ta hôm nay, đó là niềm vui của các bạn trẻ, của những em thiếu nhi đang tập múa, tập hát trong ca đoàn Giáng Sinh hay trong đội hình canh thức, là niềm vui của những anh em thợ điện, thợ vẽ, thợ sắt… đang hết mình cho các hạng mục trang trí Giáng Sinh sao cho đẹp đẽ, uy nghi…; đó là niềm vui của những cụ ông, cụ bà “nghèo vật chất nhưng thật tấm lòng”, đang mỗi ngày lên nhà thờ dọn vệ sinh cùng với túm khoai mì nóng hổi…để chia sẻ những nỗi nhọc nhằn của các anh chị em khác đang tất bật cho ngày đại lễ…
Suốt 2000 năm nay, trên mọi miền thế giới, đã có bao nhiêu con người đã hưởng ứng, đã sống niềm vui mà hôm nay chúng ta được gọi mời tiếp nối. Và như thế, phải chăng sống đức tin đích thực đó là biết không ngừng biến “màu tím hoa sim cuộc đời” của lạnh nhạt, thờ ơ, vắng bóng Thiên Chúa và tình yêu con người… trở nên màu hồng của niềm vui đầy ắp ân sủng, niềm tin, hy vọng và tình thương gặp gỡ, sẻ chia. Niềm vui Giáng Sinh sắp tới, hay “niềm vui của mỗi ngày giữa đời thường” sẽ chỉ trọn vẹn và chỉ dành cho những ai biết mở lòng ra để khát khao, đón nhận, gặp gỡ Thiên Chúa và con người. Amen.
LM. Giuse Trương Đình Hiền