Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng A
Lời Chúa hôm nay phác họa cho chúng ta chân dung hoàn hảo của Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra chân dung hoàn hảo đó.
Trước hết, đối với người Do thái, Đấng Cứu Thế mà họ trông chờ là một vị vua lỗi lạc, thuộc dòng dõi Đa-vít. Ngài đến để giải thoát dân tộc của họ thoát khỏi ách nô lệ Rôma, sẽ phục hưng nền độc lập quốc gia, mở rộng đất nước cả về phương diện chính trị lẫn về phương diện tôn giáo.
Thánh Gioan Tẩy Giả cũng ảnh hưởng quan niệm của người Do Thái, nên dường như ông cũng quên đi khía cạnh nhân từ của Đấng Cứu Thế, ông quan niệm về Đấng Cứu Thế như là một vị thẩm phán uy nghi, đến để xét xử và trừng phạt những tội lỗi của con người: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”(x. Mt 3,10); “Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”(x. Mt 3,12); khi đám đông lũ lượt kéo đến xin ông làm phép rửa, ông đã nặng lời quở trách họ rằng: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?”(x. Mt 3,7).
Chính vì có những quan niệm như trên, nên cả người Do thái và Thánh Gioan Tẩy Giả không nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế khi Ngài xuất hiện. Nói đúng hơn, nhiều người Do Thái không tin nhận Đức Giêsu, còn Thánh Gioan Tẩy Giả thì nghi ngờ Đức Giêsu. Sự nghi ngờ đó thể hiện qua việc, Thánh Gioan sai các môn đệ đi hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”(x. Mt 11,3). Đức Giêsu không trả lời trực tiếp. Ngài muốn Gioan nhớ lại hình ảnh Đấng Cứu thế mà sách tiên tri Isaia diễn tả hàng thế kỷ trước: “Bấy giờ mắt người mù sẽ nhìn thấy, và tai những người điếc sẽ được nghe. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai...”(x. Is 35,5-6).
Vì vậy, Đức Giêsu bảo họ: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng." (x. Mt 11,4-5).
Chân dung hoàn hảo về Đấng Cứu Thế là như vậy: Ngài không chỉ là một vị thẩm phán uy nghi mà còn là một người Cha đầy tình yêu thương hằng quan tâm săn sóc đến dân Người. Trong suốt thời gian tại thế, Ngài đã thể hiện tình yêu thương đó đối với tất cả mọi người, nhất là những người bệnh hoạn tật nguyền. Chính Ngài đã chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá để hoàn thành ý định của Thiên Chúa Cha là cứu độ nhân loại. Nhờ Ngài chúng ta được cứu độ. Nhưng cũng như ngày xưa, ngày hôm nay vẫn còn đó những quan niệm sai lầm về Đấng Cứu Thế. Vì vậy, vẫn có rất nhiều người không tin nhận Đức Giêsu là vị Cứu Tinh. Chúng ta phải có trách nhiệm làm cho người khác hiểu về chân dung hoàn hảo của Đấng Cứu Thế. Đồng thời, Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta dọn lòng sốt sắng để đón mừng ngày lễ Giáng Sinh sắp tới. Ngoài ra, đây cũng là thời gian thuận tiện để chúng ta chuẩn bị đón Chúa đến lần thứ hai trong ngày Tận thế và trong giờ chết của mỗi người.
Vậy, chúng ta cần phải làm gì?
Thứ nhất: Chúng ta cần phải chờ đợi Đấng Cứu Thế đến trong niềm vui. Vui vì chúng ta sẽ được gặp Ngài, một vị vua uy nghiêm nhưng cũng rất nhân từ. Vui vì Ngài sắp đến với chúng ta. Ngôn sứ Isaia mời gọi: “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò. Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Li-băng, vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-ron. Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta” (x. Is 35,1-2). Niềm vui đó không chỉ là niềm vui bề ngoài mà còn phải là niềm vui trong tâm hồn. Nghĩa là niềm vui của người đang sống trong ơn nghĩa Chúa. Hay nói như Thánh Phaolô, đó là niềm vui trong Chúa: "Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!" (x. Pl 4,4).
Thứ hai: Chúng ta cần phải chờ đợi ngày Chúa đến trong sự kiên nhẫn. Dẫu biết rằng, Đấng Cứu Thế sẽ đến, nhưng không biết Ngài đến lúc nào? Chính vì vậy, cần phải có thái độ chờ đợi trong sự kiên nhẫn. Thánh Giacôbê mời gọi: “Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới” (x. Gc 5,7-8).
Kiên nhẫn tức là luôn ở trong tư thế sẵn sàng, tâm hồn luôn phải trong sáng, luôn phải sạch tội nặng. Nhưng, thông thường, con người hay nản chí sờn lòng, thiếu kiên nhẫn, dễ “phàn nàn kêu trách lẫn nhau” (x. Gc 5,9). Đặc biệt, khi phải chờ đợi trong một khoảng thời gian quá lâu. Trong tình trạng đó, con người thường quên mất nhiệm vụ chờ đợi của mình: giống như 5 cô trinh nữ khờ dại, họ đi ngủ mà không chuẩn bị dầu đèn (x. Mt 25,1-13); giống như tình trạng của người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới về, anh ta không làm theo ý chủ, mà còn chè chén say sưa, đánh đập tôi trai tớ gái (x. Lc 12,45). Nhiều người trong chúng ta cũng vậy: tình trạng tâm hồn lúc đầu có thể tốt lành thánh thiện, nhưng theo thời gian, tình trạng tâm hồn có thể trở thành xấu xa. Vậy, xin Chúa giúp chúng ta có sự kiên nhẫn chờ đợi trong niềm vui cho đến khi Chúa đến.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết nhận ra Chúa là Đấng Cứu Thế, đồng thời biết dọn mình mừng lễ Giáng Sinh sốt sắng và luôn ở trong tư thế sẵn sàng để đón chờ Chúa quang lâm. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
Lời Chúa hôm nay phác họa cho chúng ta chân dung hoàn hảo của Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra chân dung hoàn hảo đó.
Trước hết, đối với người Do thái, Đấng Cứu Thế mà họ trông chờ là một vị vua lỗi lạc, thuộc dòng dõi Đa-vít. Ngài đến để giải thoát dân tộc của họ thoát khỏi ách nô lệ Rôma, sẽ phục hưng nền độc lập quốc gia, mở rộng đất nước cả về phương diện chính trị lẫn về phương diện tôn giáo.
Thánh Gioan Tẩy Giả cũng ảnh hưởng quan niệm của người Do Thái, nên dường như ông cũng quên đi khía cạnh nhân từ của Đấng Cứu Thế, ông quan niệm về Đấng Cứu Thế như là một vị thẩm phán uy nghi, đến để xét xử và trừng phạt những tội lỗi của con người: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”(x. Mt 3,10); “Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”(x. Mt 3,12); khi đám đông lũ lượt kéo đến xin ông làm phép rửa, ông đã nặng lời quở trách họ rằng: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?”(x. Mt 3,7).
Chính vì có những quan niệm như trên, nên cả người Do thái và Thánh Gioan Tẩy Giả không nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế khi Ngài xuất hiện. Nói đúng hơn, nhiều người Do Thái không tin nhận Đức Giêsu, còn Thánh Gioan Tẩy Giả thì nghi ngờ Đức Giêsu. Sự nghi ngờ đó thể hiện qua việc, Thánh Gioan sai các môn đệ đi hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”(x. Mt 11,3). Đức Giêsu không trả lời trực tiếp. Ngài muốn Gioan nhớ lại hình ảnh Đấng Cứu thế mà sách tiên tri Isaia diễn tả hàng thế kỷ trước: “Bấy giờ mắt người mù sẽ nhìn thấy, và tai những người điếc sẽ được nghe. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai...”(x. Is 35,5-6).
Vì vậy, Đức Giêsu bảo họ: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng." (x. Mt 11,4-5).
Chân dung hoàn hảo về Đấng Cứu Thế là như vậy: Ngài không chỉ là một vị thẩm phán uy nghi mà còn là một người Cha đầy tình yêu thương hằng quan tâm săn sóc đến dân Người. Trong suốt thời gian tại thế, Ngài đã thể hiện tình yêu thương đó đối với tất cả mọi người, nhất là những người bệnh hoạn tật nguyền. Chính Ngài đã chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá để hoàn thành ý định của Thiên Chúa Cha là cứu độ nhân loại. Nhờ Ngài chúng ta được cứu độ. Nhưng cũng như ngày xưa, ngày hôm nay vẫn còn đó những quan niệm sai lầm về Đấng Cứu Thế. Vì vậy, vẫn có rất nhiều người không tin nhận Đức Giêsu là vị Cứu Tinh. Chúng ta phải có trách nhiệm làm cho người khác hiểu về chân dung hoàn hảo của Đấng Cứu Thế. Đồng thời, Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta dọn lòng sốt sắng để đón mừng ngày lễ Giáng Sinh sắp tới. Ngoài ra, đây cũng là thời gian thuận tiện để chúng ta chuẩn bị đón Chúa đến lần thứ hai trong ngày Tận thế và trong giờ chết của mỗi người.
Vậy, chúng ta cần phải làm gì?
Thứ nhất: Chúng ta cần phải chờ đợi Đấng Cứu Thế đến trong niềm vui. Vui vì chúng ta sẽ được gặp Ngài, một vị vua uy nghiêm nhưng cũng rất nhân từ. Vui vì Ngài sắp đến với chúng ta. Ngôn sứ Isaia mời gọi: “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò. Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Li-băng, vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-ron. Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta” (x. Is 35,1-2). Niềm vui đó không chỉ là niềm vui bề ngoài mà còn phải là niềm vui trong tâm hồn. Nghĩa là niềm vui của người đang sống trong ơn nghĩa Chúa. Hay nói như Thánh Phaolô, đó là niềm vui trong Chúa: "Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!" (x. Pl 4,4).
Thứ hai: Chúng ta cần phải chờ đợi ngày Chúa đến trong sự kiên nhẫn. Dẫu biết rằng, Đấng Cứu Thế sẽ đến, nhưng không biết Ngài đến lúc nào? Chính vì vậy, cần phải có thái độ chờ đợi trong sự kiên nhẫn. Thánh Giacôbê mời gọi: “Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới” (x. Gc 5,7-8).
Kiên nhẫn tức là luôn ở trong tư thế sẵn sàng, tâm hồn luôn phải trong sáng, luôn phải sạch tội nặng. Nhưng, thông thường, con người hay nản chí sờn lòng, thiếu kiên nhẫn, dễ “phàn nàn kêu trách lẫn nhau” (x. Gc 5,9). Đặc biệt, khi phải chờ đợi trong một khoảng thời gian quá lâu. Trong tình trạng đó, con người thường quên mất nhiệm vụ chờ đợi của mình: giống như 5 cô trinh nữ khờ dại, họ đi ngủ mà không chuẩn bị dầu đèn (x. Mt 25,1-13); giống như tình trạng của người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới về, anh ta không làm theo ý chủ, mà còn chè chén say sưa, đánh đập tôi trai tớ gái (x. Lc 12,45). Nhiều người trong chúng ta cũng vậy: tình trạng tâm hồn lúc đầu có thể tốt lành thánh thiện, nhưng theo thời gian, tình trạng tâm hồn có thể trở thành xấu xa. Vậy, xin Chúa giúp chúng ta có sự kiên nhẫn chờ đợi trong niềm vui cho đến khi Chúa đến.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết nhận ra Chúa là Đấng Cứu Thế, đồng thời biết dọn mình mừng lễ Giáng Sinh sốt sắng và luôn ở trong tư thế sẵn sàng để đón chờ Chúa quang lâm. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành