Chúa Nhật III Mùa Vọng C
Cũng như Chúa Nhật IV Mùa Chay, Chúa Nhật III Mùa Vọng được gọi là Chúa Nhật mầu hồng. Không biết truyền thống này có từ bao giờ, nhưng hẳn chúng ta thầm hiểu ý của Giáo Hội khi cho phép mặc phẩm phục mầu hồng trong Thánh Lễ. Mầu hồng gợi lên niềm vui, niềm hân hoan. Các bài đọc Lời Chúa cũng tràn đầy niềm hân hoan, phấn khởi. Tất thảy vì một lẽ này: đổi mới vì sợ hãi thì sẽ hời hợt và chóng qua, trái lại vì hân hoan phấn khởi mà canh tân cuộc đời thì sẽ thiết thực và bền lâu.
Sau khi nghe Gioan Tẩy giả rao giảng, dân chúng tuôn đến tham vấn: “chúng tôi phải làm gì đây?” Không ẩn mình trong đám đông, nhóm thu thuế, anh em binh lính cũng đến để xin hướng dẫn cách cụ thể đối với trường hợp của mình (x.Lc 3,11-14). Chắc hẳn người dân Israel thời bấy giờ đang khát khao sự xuất hiện của Đấng Thiên sai để giải thoát họ khỏi ách nô lệ ngoại bang. Và họ cũng như đã thông thuộc lời tiên báo của ngôn sứ Isaia năm nào về thời của Người: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi…Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Is 40,4-5). Qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta có thể nhận ra một vài lý do để phấn khởi, vui mừng:
-“Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Đấng Thánh của Israel thật cao cả”. Điệp khúc của đáp ca cho chúng ta một lý do để hân hoan đó là vì Đấng Thánh đang ở giữa chúng ta. Gioan Tẩy Giả cũng đã trả lời với một số tư tế và thầy Lêvi được phái đi từ Giêrusalem: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một Đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Đấng ấy chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Có Chúa ở cùng, chính là hạnh phúc bất tận. Có Đấng cao cả cũng là Đấng đầy lòng từ bi và hay thương xót ở cùng, thì chúng ta đâu còn sợ gì. Dù người mẹ nào có bỏ con mình đi nữa thì Thiên Chúa không bao giờ bỏ chúng ta, vốn là hình ảnh của chính Người (x.St 1,27). Vấn đề là chúng ta đã thực sự nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa chưa? Câu trả lời nằm ở nơi thái độ của chúng ta, đó là có phấn khởi mừng vui hay không.
Nếu như chúng ta chưa thực sự mừng vui thì đó là một trong những dấu chỉ cho biết chúng ta chưa nhận ra Đấng Thánh, Đấng cao cả đang ở giữa chúng ta. Phận phàm hèn, làm thế nào để chúng ta có thể thấy Thiên Chúa, Đấng ngàn trùng chí thánh? Chính Chúa Giêsu đã minh nhiên cho chúng ta chìa khóa vấn nạn. “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Những lời khuyên của Gioan Tẩy Giả cho dân chúng cũng như cho binh lính và những người thu thuế xưa chính là cách thế giúp họ thanh tẩy tâm hồn để nên trong sạch. Và Ngài đã lưu ý rằng không phải cứ cúi mình xuống nhận dấu thanh tẩy mà được thanh sạch, nhưng phải thay đổi đời sống. Sau này chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định với người Pharisiêu đã mời Người dùng bữa rằng không phải do việc tẩy rửa bên ngoài mà làm cho chúng ta nên thanh sạch, nhưng phải đem những cái bên trong ra mà phân phát thì mọi sự sẽ nên thanh sạch cho chúng ta (x.Lc 11,37-41).
-Hãy vui mừng vì Thiên Chúa đã rút lại lời kết án. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và vì chúng ta, Người cũng quy tụ những kẻ hư hỏng, người tội lỗi về (x.Soph 3,14-18). Niềm vui của người được tha thứ tội lỗi là niềm vui thật khó tả, hơn nữa, khi đó là một món nợ, vượt quá khả năng chi trả của chúng ta. Một người được thứ tha sẽ trở thành nguyên cớ để nhiều người tội lỗi khác tin tưởng trở về. Bất cứ tội lỗi nào cũng có tính lây nhiễm ít nhiều. Cũng thế và hơn thế nữa, ân phúc tha thứ nào cũng có sức năng động lan tỏa. Đây chính là lý do để ngôn sứ Xôphônia mời gọi chúng ta hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn (Xp 3,14).
-Hãy vui mừng vì Chúa Kitô đã chọn chúng ta, không vì công nghiệp của chúng ta mà chỉ vì tình yêu của Người. Thánh tông đồ dân ngoại đã nói với tín hữu Philipphê rằng nếu tự hào về công trạng theo lề luật, thì ngài có thể hơn rất nhiều người. Nhưng ngài bỏ tất cả đằng sau, ngài chấp nhận mọi thua thiệt, trước một mối lợi lớn là được biết chúa Kitô (x.Pl 3,1-16). “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em…” (Ga 15,16). Vì đã chọn chúng ta nên Chúa Giêsu tự nguyện liên đới với chúng ta cho đến cùng. Người không chỉ làm con chiên gánh lấy tội nhân trần mà còn đón nhận loài người như đàn em đông đúc để thông chia phần phúc gia nghiệp đã hứa ban (x.Ep 1,3-14).
Tuy nhiên, một vấn đề cần làm sáng tỏ đó là niềm vui đích thật được biểu lộ như thế nào? Chắc hẳn đó không phải là những tiếng cười ha hả của những bữa tiệc tùng đầy sơn hào hải vị và rượu bia, và cũng chẳng nhất thiết là trạng thái lâng lâng, ngay sau khi đạt được một thành công trong kinh doanh hay trong thi đấu thể thao…Một niềm vui đích thật đó là tâm trạng của người cảm nhận mình được yêu thương vượt quá mọi công trạng mình đã có, vượt quá mọi khả năng mình đang có hay sẽ có. Tâm trạng này chính là sự bình an tận đáy tâm hồn khiến chúng ta can đảm vượt qua mọi thử thách và gian khổ, đồng thời thúc đẩy chúng ta nỗ lực sống đức ái, nghĩa là biết yêu thương một cách không tính toán, không chỉ với người dễ thương mà còn với người khó thương, với cả những người thù ghét và bách hại chúng ta. Có thể nói rằng các thánh tử đạo là những người đã thể hiện niềm vui đích thực này cách rõ nét.
Nước Trời là vương quốc của tình yêu và của niềm vui đích thật. Chúng ta có thể luận suy chân lý này qua các hình ảnh tiệc cưới mà Chúa Giêsu đã dùng để minh họa về thực tại Nước Trời và các hình ảnh mà Người nói về tình trạng trầm luân đời đời, đó là nơi phải khóc lóc và nghiến răng (x.Mt 22,2; Mt 8,12). Mùa Vọng lại về, một trong những ý nghĩa của Mùa Vọng là chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Chúa nhập thể - nhập thế. Thiên Chúa đã làm người, đã vào trần gian và Người mãi ở với chúng ta cho đến tận thế (x.Mt 28,20). Nước Trời đang ở giữa chúng ta (x.Lc 17,21). Ước gì bà con lương dân, anh em khác đạo và cả những người tự nhận là vô thần, thấy được niềm vui đích thật nơi Kitô hữu chúng ta, một niềm vui được thể hiện qua sự an bình và tình yêu liên đới trong những chia sẻ cách vô vị lợi. Trăm nghe không bằng một thấy. Thiết tưởng rằng đó cũng là một lời loan báo tin mừng khả tín không thua, mà có khi lại hơn những tổ chức “lễ hội đình đám” bên ngoài trong dịp mừng Chúa Giáng Sinh.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Cũng như Chúa Nhật IV Mùa Chay, Chúa Nhật III Mùa Vọng được gọi là Chúa Nhật mầu hồng. Không biết truyền thống này có từ bao giờ, nhưng hẳn chúng ta thầm hiểu ý của Giáo Hội khi cho phép mặc phẩm phục mầu hồng trong Thánh Lễ. Mầu hồng gợi lên niềm vui, niềm hân hoan. Các bài đọc Lời Chúa cũng tràn đầy niềm hân hoan, phấn khởi. Tất thảy vì một lẽ này: đổi mới vì sợ hãi thì sẽ hời hợt và chóng qua, trái lại vì hân hoan phấn khởi mà canh tân cuộc đời thì sẽ thiết thực và bền lâu.
Sau khi nghe Gioan Tẩy giả rao giảng, dân chúng tuôn đến tham vấn: “chúng tôi phải làm gì đây?” Không ẩn mình trong đám đông, nhóm thu thuế, anh em binh lính cũng đến để xin hướng dẫn cách cụ thể đối với trường hợp của mình (x.Lc 3,11-14). Chắc hẳn người dân Israel thời bấy giờ đang khát khao sự xuất hiện của Đấng Thiên sai để giải thoát họ khỏi ách nô lệ ngoại bang. Và họ cũng như đã thông thuộc lời tiên báo của ngôn sứ Isaia năm nào về thời của Người: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi…Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Is 40,4-5). Qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta có thể nhận ra một vài lý do để phấn khởi, vui mừng:
-“Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Đấng Thánh của Israel thật cao cả”. Điệp khúc của đáp ca cho chúng ta một lý do để hân hoan đó là vì Đấng Thánh đang ở giữa chúng ta. Gioan Tẩy Giả cũng đã trả lời với một số tư tế và thầy Lêvi được phái đi từ Giêrusalem: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một Đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Đấng ấy chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Có Chúa ở cùng, chính là hạnh phúc bất tận. Có Đấng cao cả cũng là Đấng đầy lòng từ bi và hay thương xót ở cùng, thì chúng ta đâu còn sợ gì. Dù người mẹ nào có bỏ con mình đi nữa thì Thiên Chúa không bao giờ bỏ chúng ta, vốn là hình ảnh của chính Người (x.St 1,27). Vấn đề là chúng ta đã thực sự nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa chưa? Câu trả lời nằm ở nơi thái độ của chúng ta, đó là có phấn khởi mừng vui hay không.
Nếu như chúng ta chưa thực sự mừng vui thì đó là một trong những dấu chỉ cho biết chúng ta chưa nhận ra Đấng Thánh, Đấng cao cả đang ở giữa chúng ta. Phận phàm hèn, làm thế nào để chúng ta có thể thấy Thiên Chúa, Đấng ngàn trùng chí thánh? Chính Chúa Giêsu đã minh nhiên cho chúng ta chìa khóa vấn nạn. “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Những lời khuyên của Gioan Tẩy Giả cho dân chúng cũng như cho binh lính và những người thu thuế xưa chính là cách thế giúp họ thanh tẩy tâm hồn để nên trong sạch. Và Ngài đã lưu ý rằng không phải cứ cúi mình xuống nhận dấu thanh tẩy mà được thanh sạch, nhưng phải thay đổi đời sống. Sau này chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định với người Pharisiêu đã mời Người dùng bữa rằng không phải do việc tẩy rửa bên ngoài mà làm cho chúng ta nên thanh sạch, nhưng phải đem những cái bên trong ra mà phân phát thì mọi sự sẽ nên thanh sạch cho chúng ta (x.Lc 11,37-41).
-Hãy vui mừng vì Thiên Chúa đã rút lại lời kết án. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và vì chúng ta, Người cũng quy tụ những kẻ hư hỏng, người tội lỗi về (x.Soph 3,14-18). Niềm vui của người được tha thứ tội lỗi là niềm vui thật khó tả, hơn nữa, khi đó là một món nợ, vượt quá khả năng chi trả của chúng ta. Một người được thứ tha sẽ trở thành nguyên cớ để nhiều người tội lỗi khác tin tưởng trở về. Bất cứ tội lỗi nào cũng có tính lây nhiễm ít nhiều. Cũng thế và hơn thế nữa, ân phúc tha thứ nào cũng có sức năng động lan tỏa. Đây chính là lý do để ngôn sứ Xôphônia mời gọi chúng ta hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn (Xp 3,14).
-Hãy vui mừng vì Chúa Kitô đã chọn chúng ta, không vì công nghiệp của chúng ta mà chỉ vì tình yêu của Người. Thánh tông đồ dân ngoại đã nói với tín hữu Philipphê rằng nếu tự hào về công trạng theo lề luật, thì ngài có thể hơn rất nhiều người. Nhưng ngài bỏ tất cả đằng sau, ngài chấp nhận mọi thua thiệt, trước một mối lợi lớn là được biết chúa Kitô (x.Pl 3,1-16). “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em…” (Ga 15,16). Vì đã chọn chúng ta nên Chúa Giêsu tự nguyện liên đới với chúng ta cho đến cùng. Người không chỉ làm con chiên gánh lấy tội nhân trần mà còn đón nhận loài người như đàn em đông đúc để thông chia phần phúc gia nghiệp đã hứa ban (x.Ep 1,3-14).
Tuy nhiên, một vấn đề cần làm sáng tỏ đó là niềm vui đích thật được biểu lộ như thế nào? Chắc hẳn đó không phải là những tiếng cười ha hả của những bữa tiệc tùng đầy sơn hào hải vị và rượu bia, và cũng chẳng nhất thiết là trạng thái lâng lâng, ngay sau khi đạt được một thành công trong kinh doanh hay trong thi đấu thể thao…Một niềm vui đích thật đó là tâm trạng của người cảm nhận mình được yêu thương vượt quá mọi công trạng mình đã có, vượt quá mọi khả năng mình đang có hay sẽ có. Tâm trạng này chính là sự bình an tận đáy tâm hồn khiến chúng ta can đảm vượt qua mọi thử thách và gian khổ, đồng thời thúc đẩy chúng ta nỗ lực sống đức ái, nghĩa là biết yêu thương một cách không tính toán, không chỉ với người dễ thương mà còn với người khó thương, với cả những người thù ghét và bách hại chúng ta. Có thể nói rằng các thánh tử đạo là những người đã thể hiện niềm vui đích thực này cách rõ nét.
Nước Trời là vương quốc của tình yêu và của niềm vui đích thật. Chúng ta có thể luận suy chân lý này qua các hình ảnh tiệc cưới mà Chúa Giêsu đã dùng để minh họa về thực tại Nước Trời và các hình ảnh mà Người nói về tình trạng trầm luân đời đời, đó là nơi phải khóc lóc và nghiến răng (x.Mt 22,2; Mt 8,12). Mùa Vọng lại về, một trong những ý nghĩa của Mùa Vọng là chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Chúa nhập thể - nhập thế. Thiên Chúa đã làm người, đã vào trần gian và Người mãi ở với chúng ta cho đến tận thế (x.Mt 28,20). Nước Trời đang ở giữa chúng ta (x.Lc 17,21). Ước gì bà con lương dân, anh em khác đạo và cả những người tự nhận là vô thần, thấy được niềm vui đích thật nơi Kitô hữu chúng ta, một niềm vui được thể hiện qua sự an bình và tình yêu liên đới trong những chia sẻ cách vô vị lợi. Trăm nghe không bằng một thấy. Thiết tưởng rằng đó cũng là một lời loan báo tin mừng khả tín không thua, mà có khi lại hơn những tổ chức “lễ hội đình đám” bên ngoài trong dịp mừng Chúa Giáng Sinh.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột