Mở Mang Bờ Cõi Mới

Mốc ghi 30 năm người Việt ly hương mở ra biên cương mới của Đất Việt trong tầm nhìn mới. Trong cái rủi có cái may. Đạo Trời qua vận hành của lịch sử thật kỳ bí.

BIÊN GIỚI NƯỚC VIỆT BÂY GIỜ LÀ ÐÂU?

Những người mẹ Việt Nam như vậy đấy. Vẫn luôn hy sinh đời mình cho tương lai con cháu. Mẹ lại bồng con vượt chạy tiếp, với cuộc di dân lớn của người mình xuống miền Nam vùng sông Ðồng Nai, sông Cửu Long đầu thế kỷ thứ 17. Ðến năm 1708 thì biên cương nước Việt đã tới Hà Tiên. Và mãi tới khoảng năm 1759 thì vua cuối cùng của Chân Lạp là Nặc Tôn trao đất cho Mặc Thiên Tứ và Mặc Thiên Tứ dâng lại cho chúa Nguyễn. Thế là biên giới phía nam nước ta tới Châu Ðốc, Hà Tiên, mũi Cà Mau. Nghĩa là mới chỉ cách đây khoảng 250 năm thôi.

Thế là mỗi người Việt đều giống như người lữ khách trong Con Ðường Cái Quan của Phạm Duy cất lời ca:

Tôi đi từ Ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ

Chia đôi một họ trăm con đã lên đường

....


Vua Lê dắt lính vô Trung

Tôi theo Chúa Nguyễn vượt Cù Mông tôi lên đường...

Con đường đó tưởng đã kết thúc ở:

Cửu Long Giang! Gió về vui trên sóng sông

Uốn quanh như chín con rồng ôm chặt đứa con...

Người về Hậu giang xây tổ uyên ương

Có cánh đồng lúa chín uốn mình trên sóng sông.

Về miền Nam! Oại quê hương mới.

Về Cần Thơ khơi kinh khơi nước ngòi.

Về Hà Tiên ta tiễn chúa ra đảo khơi,

Về Cà Mau ta đốt biết bao lửa vui...

Nhưng con đường đó vẫn chưa phải là “đường đi đã tới” mà mới chỉ là tạm dừng bước chân vui thôi. Quả thực, đoạn kết Con Ðường Cái Quan của Phạm Duy đã như một lời tiên tri. Vì nào ngờ biến cố 1975 đã mở biên cương ra đi muôn phương, đến tận cùng trái đất, thành con đường thế giới xa xôi:

Ðường đi đã tới, lòng dân đã nối!

Người tạm dừng bước chân vui, người ơi.

Người mơ ước tới: đường tan ranh giới

Ðể người được mãi đi trong một duyên tình dài.

Con đường thế giới xa xôi

Trong lòng dân chúng nơi nơi.


NGÀN NGÀN DẶM RA ÐI

Ðối với nhiều người Việt thì biến cố 1975 là một biến cố đau buồn và xui xẻo. Cả triệu người phải bỏ nước ra đi, không phải chỉ ngàn dặm, mà cả ngàn ngàn dặm. Có bao giờ bạn thử để ra một buổi chiều ngồi trả lời với thực lòng mình câu hỏi tại sao tôi ra đi, và ra đi để làm gì không? Lúc ban đầu phải vùng vẫy để sống còn, chứ bây giờ câu hỏi đó được đặt ra bắt mỗi người đi xa phải trả lời chứ không trốn chạy được nữa.

Nhiều người lại nhìn biến cố 1975 một cách tích cực và lạc quan hơn. Cứ tưởng tượng Việt Nam phải đuổi theo Nhật Bản mất 150 năm thì bao giờ mới kịp! Ðang khi ngay cả thời bình trước 1975, cả nước mình được mấy người du học? Vậy mà bây giờ Việt Nam có cả mấy trăm ngàn du học sinh thuộc đủ mọi ngành khác nhau. Nếu nhìn như vậy thì biến cố 1975 biết đâu lại là một cơ may. Chỉ có dịp duy nhất như vậy thì Việt Nam khi phục hưng mới có đủ nhân tài để có thể theo kịp đà tiến quá nhanh của thế giới ngày nay.

Những biến cố dồn dập của thế giới trong những năm qua cho người Việt càng ngày càng nhìn rõ hơn về một thời điểm Việt Nam. Và tương lai về một cuộc phục hưng xây lại quê hương không còn là chuyện viễn mơ nữa. Vậy thì câu hỏi được đặt ra lúc này phải là tôi đang chuẩn bị gì để góp phần xây dựng cho đại cuộc một Việt Nam phục sinh?

Trả lời câu hỏi đó, tự nhiên người Việt và nhất là lớp trẻ nhìn thấy rõ hướng đi cho cuộc sống ly hương. Và cũng tự nhiên những vấn đề lẩm cẩm giẵm chân tại chỗ ở nhiều tổ chức tìm ra lối thoát vươn tới trong một hừng đông tươi sáng.

ÐỔI SẮC HƯƠNG LẤY CÕI GIANG SAN

Mẹ Huyền Trân, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa, có ý nói rằng con đường ra đi vào Nam để mở cõi bờ giang sơn dù sao cũng không dài bằng con đường đi vào lòng người, đi vào lòng muôn dân như những người Việt hiện nay. Mong người lữ khách nối tiếp công việc đi vào lòng đất nước và lòng người, để cuộc ra đi của mỗi người cũng mang tính cách lịch sử ”mở cõi giang san” nữa. Vì cuộc ra đi này là đi vào lòng thế giới, thu thập được tinh hoa của thế giới, phát huy nét giầu và đẹp của lối sống dân mình với thế giới.

Cuộc sống của mỗi người Việt hôm nay cũng được đánh đổi bằng bao tủi nhục của biết bao nhiêu người đã hy sinh ngã gục nằm xuống, chết tức tưởi trên mọi nẻo đường đất nước, trên đường vượt biên, cho mình sống còn mà làm một cái gì trả nợ, trả ơn, trả nghĩa cho quê hương, cho dân mình. Xác của bằng ấy người đã chết không phải là phi lý vô nghĩa, mà đang dồn lại, tích tụ thành tinh anh cho lớp trẻ đứng lên, chứ không chịu cúi mặt nhục nhằn mãi được. Cuộc ra đi và sống sót của mỗi người đâu có phải là tình cờ.

Việc ra đi là một đau buồn khổ nhục, nhưng cũng là một cơ may để dân mình vượt ra khỏi mảnh đất đã quá chật hẹp mà vươn lên với thế giới. Hãy quí yêu xây dựng mảnh đất mới, do máu xương của những Huyền Trân mới. Và hãy cố mà ngóc đầu lên, trả món nợ cho xứng với những người đã hy sinh cho mình, như lời người vượt biên theo bước mẹ Huyền Trân trong Con Ðường Cái Quan của Phạm Duy:

Ai đi trên đường là dặm đường?

Ði đâu mà vội vã, cùng là hò khoan...

Khoan khoan tôi mời là mời bạn

Vui họp đoàn đêm nay chừ là nay.

Năm tê trong lúc sang xuân

Tôi theo công chúa Huyền Trân tôi lên đường.

Ðường máu xương đã lắm oán thương

Ðổi sắc hương lấy cõi giang san.

Tôi đi theo bước ái tình

Ði cho trăm họ được hòa bình ấm no.

Ðèo núi cao nghe gió vi vu.

Thôi phấn son bay tới kinh đô.

Hò hô hò hò ơi hò.

Anh đi trên đường là gập ghềnh

Mau mau đi kẻo lỡ truyện tình nước non...


MỞ MANG BỜ CÕI MỚI

Thì ra dân mình đang mở mang thêm bờ cõi đấy. Bây giờ biên giới nước Việt là Sài Gòn Nhỏ ở Ca-Li, Phố Việt ở Hươu-Tân, Làng Việt ở Ngọc Lân v.v. Cộng đoàn, họ đạo, nhà thờ, đình chùa, hội trường, mọc lên khắp nơi. Với tên Việt, chủ quyền Việt, cứ tiếng Việt mà đả, báo chí sách vở tiếng Việt rất ư xôm tụ. Người Việt thành đạt trên mọi phương diện: làm giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, chủ tiệm, giám đốc cơ sở thương mại v.v.

Nước Mỹ trước đây mấy trăm năm là của người Da Ðỏ chứ. Dân Xì, dân Anh, dân Tây da Trắng sang cắm dùi dựng chợ rồi bảo là của họ. Dân Hồng Mao lấn lướt, bắt nói tiếng Anh làm chính, rồi vì lắm ruộng tổn công mà phải đi mua dân Da Ðen từ Phi Châu về làm nô lệ hầu hạ. Sau nhiều pha tranh đấu, mãi mới được trắng đen bình quyền.

Bây giờ đến lượt phe ta. Có phải đất của ai hẳn đâu. Ðất tạp chủng mà. Ðỏ, Trắng, Ðen, Vàng. Ai ở đâu thì bảo chỗ đó là đất của mình. Dân Da Ðỏ rút vào sa mạc Arizona mà than thân trách phận. Cũng như dân Chàm, dân Chân Lạp xưa kia tự diệt nhau, số còn lại rút lên núi làm dân tộc thiểu số chứ có ai diệt chủng đâu.

LỜI TRỐI CỦA MẸ

Mẹ đang đi vào cuộc đời đang tới,

Mẹ đang đi vào thế kỷ ngày mai,

Sinh con anh hùng, người hiền nhân ái?

 

Hay sinh kẻ hèn, bạo chúa vô loài?

(Phạm Duy, Ngàn Lời Ca trang 365)


Người mẹ Việt Nam có thể cũng đã để kỹ chiếc lông thiên nga đâu đây trong nhà. Vì chưa phải là lúc có thể trao lại cho con. Rồi có ngày con ngồi nghĩ lại, con sẽ nghe được lời Mẹ Việt Nam nhắn gửi:

“Ðoàn con Việt ơi, bằng ấy năm đọa đầy vùi dập và cúi đầu chịu nhục đã đủ chưa?”

“Một mai con lớn lên con sẽ hiểu được chiếc lông thiên nga trong trái tim mẹ, khi mẹ đã ngậm tủi nuốt sầu mang con vượt biên. Con cố mà vươn lên con nhé. Gặp phải ai hay dân nào làm nhục con, con đừng tốn hơi thù ghét nó. Hãy dành sức mà học thành tài, để có thể làm một cái gì gỡ nhục cho mẹ cho cha, cho dân tộc khổ đau của con. Bao nhiêu người đã chết trên biển cả, trên các bãi chiến trường một cách thê thảm, để cho con được sống đấy. Họ là những công chúa Huyền Trân mới, đổi xác thân mình cho con có một mảnh giang sơn mới.”

“Con còn sống sót không phải như một tình cờ, mà con đang mang một sứ mạng, một nhiệm vụ, một món nợ phải trả. Và con thấy không? Cuộc ra đi có thể là một cơ nguy, nhưng cũng có thể là một cơ may, vì con đang có một cộng đoàn, đang có một biên cương mới. Con đang có cơ may mở mang bờ cõi cho đất Việt. Không còn bị chặn ở mũi Cà Mau, mà nay đã lan sang đất Âu, đất Úc, đất Mỹ. Biên cương đất Việt đã bung ra khắp thế giới. Con hãy làm đẹp cho biên cương mới, làm cho cộng đoàn Việt hãnh diện hơn với sức góp phần của con. Con đang xây dựng đất nước con đấy, chứ không chỉ lo tìm cách an thân qua ngày.”


CHUYẾN VƯỢT BIÊN LẦN CUỐI

Ðời người gồm nhiều cuộc vượt biên ra đi. Lần đầu ra đi từ bụng mẹ mà sinh vào trần thế. Rồi lại phải từ giã mái ấm gia đình tuổi thơ mà ra đi vào cuộc đời làm người lớn. Hoạt động vẫy vùng ngang dọc rồi cũng phải vượt vào tuổi mùa thu lá vàng. Mỗi cuộc ra đi đều bắt đầu bằng những tiếng khóc. Nhưng cuộc ra đi lần cuối xem chừng gây nhiều chấn động bên trong hơn. Ai mà chả ham giữ lấy sự sống vì tưởng rằng chết là hết. Cho đến khi mở mắt nhìn thấy một cõi sống mới, mà cái chết là ngưỡng cửa bước vào. Người Việt mình gọi lúc chết là sinh thì, nghĩa là lúc bắt đầu sống.

Vẫn chỉ là một con đường vượt biên ngàn ngàn dặm ra đi mở bờ cõi mới. Từ cánh đồng Tương sông Dương Tử, từ sông Hồng, sông Hương, sông Ðồng Nai, sông Cửu Long. Và bây giờ có thể là sông Mississippi, Con Ðường Cái Quan luôn vượt tới.

Chuyến ra đi lần cuối vượt cả không gian, vượt cả thời gian, vượt bờ sinh tử. Vượt biên nước Việt, vượt biên thế giới, vượt biên cuộc đời, mà đi về Quê Hương Vĩnh Cửu.

Lm. Trần Cao Tường

Xin mời thăm Mạng Lưới Dũng Lạc: www.dunglac.net