MỐI TÌNH TRÂU.
Lm. Trần Cao Tường
Sống chung thì rất dễ va chạm, nhiều chuyện lẩm cẩm và lỉnh kỉnh cứ tiếp diễn. Va chạm trong gia đình do tính tình xung khắc. Va chạm nơi cộng đồng do chèn cựa căng thẳng. Va chạm chỗ làm việc do bon chen ngột ngạt. Mà va chạm quá thì sinh nhức đầu, muốn cắt bỏ cho thong thả, muốn tránh xa cho yên thân.
THỜI ĐIỂM THÈM SỐ CON CHUỘT
Ấy vậy mà có những người lại thèm được va chạm, thèm được nghe tiếng chửi mới lạ. Đó là những người bị nỗi cô đơn dày vò đằng đẵng có thể làm cho phát điên lên được! Ngày xưa đọc "Chuyến Bay Đêm", mình đã thấy rợn người khi St Exupéry kể nỗi cô quạnh hun hút của một phi công bị rơi xuống sa mạc hoang vu. Bây giờ thì lại có nhiều nỗi cô đơn khác khủng khiếp hơn, do con người tạo ra cho nhau. Trong "Đêm Giữa Ban Ngày", nhà văn Vũ Thư Hiên đã thật tài tình kể lại những cùng cực của những ngày bị giam tù cách li ở vùng Bất Bạt. Nỗi khổ nhất là không được va chạm, không còn được tiếp xúc với loài người! "Ở đời có nhiều cái còn đáng sợ hơn cái chết. Chúng tôi không bị đánh đập, không bị giết. Chúng tôi chỉ bị chôn sống mà thôi... Cái sự đơn điệu của đời tù xà lim thật ghê gớm. Một cuộc cãi nhau với chấp pháp cũng là một cơ hội giải tỏa tinh thần." (Đêm Giữa Ban Ngày, Văn Nghệ xuất bản, trang 579)
"Người tù xà lim ở Hỏa Lò còn có thể căn cứ vào tiếng động từ các khu trại chung quanh hay khu nhà bếp vọng lại, hoặc nghe ngóng động thái của bạn tù các phòng bên mà đoán được chuyện gì đang xảy ra bên ngoài, cho dù là những chuyện vớ vẩn, không dính líu gì đến mình. Những cái nhỏ nhặt ấy tạo ra sự thay đổi, giảm bớt sự nhàm chán. Bị tách rời hoàn toàn với thế giới bên ngoài là một khổ hình.Trước mặt chúng tôi là một chân trời xám xịt. Không ai có thể nói cho chúng tôi biết thời hạn chúng tôi phải ở trong cái nhà tù khốn nạn này bao lâu, kể cả đám chấp pháp. Trong xà lim Bất Bạt chúng tôi giống như những con thú bị nhốt. Những con chuột, không rõ là chuột cống hay chuột đồng, con nào con nấy béo núc ních mỗi khi chiều xuống lại tụ hội trước cửa xà lim. Chúng nhởn nhơ đi lại, vẻ no đủ, thỉnh thoảng liếc nhìn con thú to ở trong cũi, vẻ khinh khỉnh." (trang 564-565)
MỐI TÌNH TRÂU CỦA DỊP PÚN MẰN
Chẳng tìm được tình người thì phải đi tìm tình trâu. Đó là câu truyện Vũ Thư Hiên kể về một người tù gốc Tàu tên là Dịp Pún Mằn. Suốt bao năm chỉ làm phu vác bao tải ở bến tàu Hải Phòng mà cũng bị bắt vào tù với tội "dắn tệp côốc tế" (gián điệp quốc tế), có lẽ do một lần anh ta mua giúp người ta một tờ báo. Vậy mà phải ở tù chín năm. Anh ta chất phác quê mùa và hiền lành, nên được tin tưởng trao cho công tác chăn trâu cho trại: "Những con trâu ngu ngốc quấn lấy anh không rời. Chúng hiểu anh yêu chúng. Mà Dịp Pún Mằn yêu những con vật to kềnh càng và đen trùi trũi đó thực sự, bằng tất cả tình yêu của con người không còn ai để mà yêu." (trang 656)
Sau 9 năm ở tù tốt nghiệp chăn trâu, Dịp Pún Mằn được tha. Nhưng anh không tỏ dấu gì vui vẻ vì phải xa những con trâu thân thiết. Anh nói giọng thật dễ thương:
- Cố dề (có gì) mà vui? Mềnh ở tâu cũng làm vệc, ổ Hẩy Phoòng cũng làm vệc, ổ tây cũng làm vệc à.
- Nhưng ở nhà thích hơn chứ.
- Khôông thếch tâu. Pá pá chếch lồi (chết rồi), má má dà nhều nhều (già lắm), lói khôông tược, khôông vui tâu. Mà ổ tây nhàn hơn nhều nhều… Về dà làm dề (về nhà làm gì), ổ tây cố pạn (có bạn) nhều nhều, về dà pây dờ ổ vấy ai? Má má mình sắp chếch lồi. Êm cấy (em gái) lấy chôồng ổ nhà chôồng, khôông ổ tược vấy ló tâu…" (trang 665)
NHÌN DÈ KIỂU VŨ THƯ HIÊN
Có lẽ Vũ Thư Hiên đã là một trong rất ít nhà văn trên thế giới đào sâu được vào căn bệnh của thời đại, điều mà Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II gọi là nền "văn hóa thần chết". Người ta có thể giết chết bào thai để bảo vệ quyền lợi "người lớn". Người ta có thể phá hủy môi sinh để gia tăng lợi tức. Người ta có thể nín sinh để được thong thả hơn. Người ta có thể hành hạ đồng loại một cách thành khẩn khiến cho cả giống chuột cũng biết khinh loài người v.v. Tất cả đều là dấu chỉ của hiện tượng dị ứng chất sống. Và rồi con người đã phải trả giá khắt khe, bên đông cũng như bên tây. Như những vụ đám choai choai ở Mỹ bắn vào các trường học là một điển hình. Đây là dấu chỉ cho một cơn đói khát tinh thần tới mức nổ bung. Vũ Thư Hiên như đang kể về những người đói khát chất sống ở ngay đây.
"Tôi không tưởng tượng nổi mình có thể sống trong một cái cũi hẹp, đúng hơn là một cái huyệt kim tĩnh kiên cố, với một tấm phản, một cái bô, một ống bương đựng nước. Không phải vài ngày, vài tháng, mà hằng năm. Một mình.
Trong một lần đi cung tôi gặp một cô bộ đội dắt đứa con trai. Cháu bé chừng ba tuổi, lũn cũn bên mẹ. Nó nhìn tôi, nhoẻn cười. Tôi cười đáp, lấy tay vẫy. Nó cũng vẫy lại. Thằng bé mới kháu khỉnh làm sao! Tôi ngây người ngắm nó. Như thể nó là một kỳ quan của thế giới. Như thể trên đời tôi chưa từng nhìn thấy một đứa bé. Tôi đi chậm lại để được ngắm nó lâu hơn. Tôi cảm thấy mắt tôi rưng rưng.
- Đi nhanh lên! - viên quản giáo giục.
Mặc. Tôi đi ngang cháu bé. Tôi nhìn thấy những lông tơ trên đôi má phính mịn màng của nó. Tôi đi qua nó. Thật chậm. Cháu ngước nhìn tôi, đôi mắt trong veo, miệng lại nhoẻn cười. Mẹ trẻ bồng nó trên tay. Cô nhìn tôi, cái nhìn đầy thương cảm.
Tôi ngoảnh lại, vẫy cháu bé. Nó vẫn nhìn theo, bàn tay tí xíu vẫy vẫy.
-Nhanh lên!
Viên quản giáo giục.
Đứa bé xa dần.
Tôi đã biết ăn dè, tiêu dè. Khốn nạn, thì ra cuộc đời còn có cái dè khác - nhìn dè." (trang 536)
TIN VUI GỬI NGƯỜI THÈM CHẤT YÊU
Chẳng phải Dịp Pún Mằn hay Vũ Thư Hiên ở trong cũi mới cảm thấy chơ vơ khi bị tước đoạt hết tình người. Xã hội Âu Mỹ cũng đang tạo ra những cái cũi "không người lái" trong nhiều gia đình. Không còn cảm thông, không còn liên hệ. Chẳng còn độ rung chung nào. Mỗi người đang tình nguyện trở thành một đảo hoang xa cách, tự xây lấy cho mình một cái nhà tù được đặt một danh nghĩa bóng bảy là "riêng tư" (privacy). Mỗi người một tính toán chộp giật, mỗi người một ham hố khát thèm.
Chính vào thời điểm này mà chủng loại người cần khám phá lại chất óc và sức lửa của con tim, nếu không thì sẽ tự hủy diệt như loài khủng long bị diệt chủng khỏi mặt địa cầu cách đây khoảng 300 triệu năm vì quá lạnh do băng hà. Cũng khoảng 80 ngàn năm về trước, loài người tìm ra được lửa, nên cứu được chủng loại người khỏi bị chết lạnh. Jean-Jacques Arnaud đã làm phim "Đi Tìm Lửa" (Quest for Fire) rất thành công nói lên được điều đó.
Chất lửa yêu này không thể tạo ra được do những chộp giật, mà phải phát khởi từ chính Thiên Chúa là gốc rễ Tình Yêu như Kinh Thánh đã tỏ lộ. Chúa Ba Ngôi là Cha, và Con và Thánh Thần biểu hiện thành một cộng đồng tình yêu, và là một khuôn mẫu của san sẻ yêu thương, ràng buộc lấy nhau bằng sợi dây tình, nối liền những xa cách rời rạc, bác cầu cảm thông giữa ba góc cạnh, để có thể vững như kiềng ba chân. Những ràng buộc xem ra lẩm cẩm và lỉnh kỉnh trong cuộc sống đời thường vẫn tưởng cần phải được cắt đi cho thong thả, không ngờ lại là những dây leo hạnh phúc quấn giữ cho nhau. Vì căn bản của tình yêu là cho đi, là hy sinh quên mình. Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu ấy nơi Chúa Giêsu. Vì thế, đón nhận Chúa Giêsu là lãnh được chất lửa này làm sinh lực chuyển lửa.
"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời." (Gioan 3:16)
PHÚT KHƠI LẠI LỬA
Cơn lạnh của thế giới bây giờ đang đe dọa tiêu hủy chủng loại người vì nguội lửa và quên mất cách làm ra lửa. Cuộc sống nhiều khi không nhởn nhơ bằng con chuột. Thì đây, nhà khoa học Teilhard de Chardin cũng đã nói một lời tiên tri rất chuẩn xác: "Một ngày kia, sau khi đã làm chủ được gió, sóng nước, thủy triều và trọng lực, chúng ta sẽ khơi lại được năng lượng của tình thương cho Chúa. Và đó là lần thứ hai trong lịch sử nhân loại chúng ta khám phá ra lửa."
Mẹ Teresa đã nhận được lửa và chuyển lửa tới những cống rãnh tăm tối bẩn thỉu ở Calcutta. Bằng những việc nhỏ bé, với một phương thức rất giản đơn: bắt đầu ngay lúc này, ở đây, làm những việc nhỏ bé với tình thương lớn lao. Ấy thế mà lửa đã dậy. Cuộc hồi sinh thế giới đã bắt đầu, chứ không phải những cuộc cách mạng đao to búa lớn, hay những kiếm tìm mệt mỏi ngày nay. Người nghèo khổ đáng thương nhất chưa hẳn đang ăn xin ở ngoài phố, mà đang ở trong nhà mình, có thể là chính mình nữa. Dây leo hạnh phúc đây rồi. Tại sao mình lại đi bỏ con cá bắt con sằn sặt?
Dẫu xây chín bậc phù đồ
Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người.
Lm. Trần Cao Tường
Sống chung thì rất dễ va chạm, nhiều chuyện lẩm cẩm và lỉnh kỉnh cứ tiếp diễn. Va chạm trong gia đình do tính tình xung khắc. Va chạm nơi cộng đồng do chèn cựa căng thẳng. Va chạm chỗ làm việc do bon chen ngột ngạt. Mà va chạm quá thì sinh nhức đầu, muốn cắt bỏ cho thong thả, muốn tránh xa cho yên thân.
THỜI ĐIỂM THÈM SỐ CON CHUỘT
Ấy vậy mà có những người lại thèm được va chạm, thèm được nghe tiếng chửi mới lạ. Đó là những người bị nỗi cô đơn dày vò đằng đẵng có thể làm cho phát điên lên được! Ngày xưa đọc "Chuyến Bay Đêm", mình đã thấy rợn người khi St Exupéry kể nỗi cô quạnh hun hút của một phi công bị rơi xuống sa mạc hoang vu. Bây giờ thì lại có nhiều nỗi cô đơn khác khủng khiếp hơn, do con người tạo ra cho nhau. Trong "Đêm Giữa Ban Ngày", nhà văn Vũ Thư Hiên đã thật tài tình kể lại những cùng cực của những ngày bị giam tù cách li ở vùng Bất Bạt. Nỗi khổ nhất là không được va chạm, không còn được tiếp xúc với loài người! "Ở đời có nhiều cái còn đáng sợ hơn cái chết. Chúng tôi không bị đánh đập, không bị giết. Chúng tôi chỉ bị chôn sống mà thôi... Cái sự đơn điệu của đời tù xà lim thật ghê gớm. Một cuộc cãi nhau với chấp pháp cũng là một cơ hội giải tỏa tinh thần." (Đêm Giữa Ban Ngày, Văn Nghệ xuất bản, trang 579)
"Người tù xà lim ở Hỏa Lò còn có thể căn cứ vào tiếng động từ các khu trại chung quanh hay khu nhà bếp vọng lại, hoặc nghe ngóng động thái của bạn tù các phòng bên mà đoán được chuyện gì đang xảy ra bên ngoài, cho dù là những chuyện vớ vẩn, không dính líu gì đến mình. Những cái nhỏ nhặt ấy tạo ra sự thay đổi, giảm bớt sự nhàm chán. Bị tách rời hoàn toàn với thế giới bên ngoài là một khổ hình.Trước mặt chúng tôi là một chân trời xám xịt. Không ai có thể nói cho chúng tôi biết thời hạn chúng tôi phải ở trong cái nhà tù khốn nạn này bao lâu, kể cả đám chấp pháp. Trong xà lim Bất Bạt chúng tôi giống như những con thú bị nhốt. Những con chuột, không rõ là chuột cống hay chuột đồng, con nào con nấy béo núc ních mỗi khi chiều xuống lại tụ hội trước cửa xà lim. Chúng nhởn nhơ đi lại, vẻ no đủ, thỉnh thoảng liếc nhìn con thú to ở trong cũi, vẻ khinh khỉnh." (trang 564-565)
MỐI TÌNH TRÂU CỦA DỊP PÚN MẰN
Chẳng tìm được tình người thì phải đi tìm tình trâu. Đó là câu truyện Vũ Thư Hiên kể về một người tù gốc Tàu tên là Dịp Pún Mằn. Suốt bao năm chỉ làm phu vác bao tải ở bến tàu Hải Phòng mà cũng bị bắt vào tù với tội "dắn tệp côốc tế" (gián điệp quốc tế), có lẽ do một lần anh ta mua giúp người ta một tờ báo. Vậy mà phải ở tù chín năm. Anh ta chất phác quê mùa và hiền lành, nên được tin tưởng trao cho công tác chăn trâu cho trại: "Những con trâu ngu ngốc quấn lấy anh không rời. Chúng hiểu anh yêu chúng. Mà Dịp Pún Mằn yêu những con vật to kềnh càng và đen trùi trũi đó thực sự, bằng tất cả tình yêu của con người không còn ai để mà yêu." (trang 656)
Sau 9 năm ở tù tốt nghiệp chăn trâu, Dịp Pún Mằn được tha. Nhưng anh không tỏ dấu gì vui vẻ vì phải xa những con trâu thân thiết. Anh nói giọng thật dễ thương:
- Cố dề (có gì) mà vui? Mềnh ở tâu cũng làm vệc, ổ Hẩy Phoòng cũng làm vệc, ổ tây cũng làm vệc à.
- Nhưng ở nhà thích hơn chứ.
- Khôông thếch tâu. Pá pá chếch lồi (chết rồi), má má dà nhều nhều (già lắm), lói khôông tược, khôông vui tâu. Mà ổ tây nhàn hơn nhều nhều… Về dà làm dề (về nhà làm gì), ổ tây cố pạn (có bạn) nhều nhều, về dà pây dờ ổ vấy ai? Má má mình sắp chếch lồi. Êm cấy (em gái) lấy chôồng ổ nhà chôồng, khôông ổ tược vấy ló tâu…" (trang 665)
NHÌN DÈ KIỂU VŨ THƯ HIÊN
Có lẽ Vũ Thư Hiên đã là một trong rất ít nhà văn trên thế giới đào sâu được vào căn bệnh của thời đại, điều mà Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II gọi là nền "văn hóa thần chết". Người ta có thể giết chết bào thai để bảo vệ quyền lợi "người lớn". Người ta có thể phá hủy môi sinh để gia tăng lợi tức. Người ta có thể nín sinh để được thong thả hơn. Người ta có thể hành hạ đồng loại một cách thành khẩn khiến cho cả giống chuột cũng biết khinh loài người v.v. Tất cả đều là dấu chỉ của hiện tượng dị ứng chất sống. Và rồi con người đã phải trả giá khắt khe, bên đông cũng như bên tây. Như những vụ đám choai choai ở Mỹ bắn vào các trường học là một điển hình. Đây là dấu chỉ cho một cơn đói khát tinh thần tới mức nổ bung. Vũ Thư Hiên như đang kể về những người đói khát chất sống ở ngay đây.
"Tôi không tưởng tượng nổi mình có thể sống trong một cái cũi hẹp, đúng hơn là một cái huyệt kim tĩnh kiên cố, với một tấm phản, một cái bô, một ống bương đựng nước. Không phải vài ngày, vài tháng, mà hằng năm. Một mình.
Trong một lần đi cung tôi gặp một cô bộ đội dắt đứa con trai. Cháu bé chừng ba tuổi, lũn cũn bên mẹ. Nó nhìn tôi, nhoẻn cười. Tôi cười đáp, lấy tay vẫy. Nó cũng vẫy lại. Thằng bé mới kháu khỉnh làm sao! Tôi ngây người ngắm nó. Như thể nó là một kỳ quan của thế giới. Như thể trên đời tôi chưa từng nhìn thấy một đứa bé. Tôi đi chậm lại để được ngắm nó lâu hơn. Tôi cảm thấy mắt tôi rưng rưng.
- Đi nhanh lên! - viên quản giáo giục.
Mặc. Tôi đi ngang cháu bé. Tôi nhìn thấy những lông tơ trên đôi má phính mịn màng của nó. Tôi đi qua nó. Thật chậm. Cháu ngước nhìn tôi, đôi mắt trong veo, miệng lại nhoẻn cười. Mẹ trẻ bồng nó trên tay. Cô nhìn tôi, cái nhìn đầy thương cảm.
Tôi ngoảnh lại, vẫy cháu bé. Nó vẫn nhìn theo, bàn tay tí xíu vẫy vẫy.
-Nhanh lên!
Viên quản giáo giục.
Đứa bé xa dần.
Tôi đã biết ăn dè, tiêu dè. Khốn nạn, thì ra cuộc đời còn có cái dè khác - nhìn dè." (trang 536)
TIN VUI GỬI NGƯỜI THÈM CHẤT YÊU
Chẳng phải Dịp Pún Mằn hay Vũ Thư Hiên ở trong cũi mới cảm thấy chơ vơ khi bị tước đoạt hết tình người. Xã hội Âu Mỹ cũng đang tạo ra những cái cũi "không người lái" trong nhiều gia đình. Không còn cảm thông, không còn liên hệ. Chẳng còn độ rung chung nào. Mỗi người đang tình nguyện trở thành một đảo hoang xa cách, tự xây lấy cho mình một cái nhà tù được đặt một danh nghĩa bóng bảy là "riêng tư" (privacy). Mỗi người một tính toán chộp giật, mỗi người một ham hố khát thèm.
Chính vào thời điểm này mà chủng loại người cần khám phá lại chất óc và sức lửa của con tim, nếu không thì sẽ tự hủy diệt như loài khủng long bị diệt chủng khỏi mặt địa cầu cách đây khoảng 300 triệu năm vì quá lạnh do băng hà. Cũng khoảng 80 ngàn năm về trước, loài người tìm ra được lửa, nên cứu được chủng loại người khỏi bị chết lạnh. Jean-Jacques Arnaud đã làm phim "Đi Tìm Lửa" (Quest for Fire) rất thành công nói lên được điều đó.
Chất lửa yêu này không thể tạo ra được do những chộp giật, mà phải phát khởi từ chính Thiên Chúa là gốc rễ Tình Yêu như Kinh Thánh đã tỏ lộ. Chúa Ba Ngôi là Cha, và Con và Thánh Thần biểu hiện thành một cộng đồng tình yêu, và là một khuôn mẫu của san sẻ yêu thương, ràng buộc lấy nhau bằng sợi dây tình, nối liền những xa cách rời rạc, bác cầu cảm thông giữa ba góc cạnh, để có thể vững như kiềng ba chân. Những ràng buộc xem ra lẩm cẩm và lỉnh kỉnh trong cuộc sống đời thường vẫn tưởng cần phải được cắt đi cho thong thả, không ngờ lại là những dây leo hạnh phúc quấn giữ cho nhau. Vì căn bản của tình yêu là cho đi, là hy sinh quên mình. Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu ấy nơi Chúa Giêsu. Vì thế, đón nhận Chúa Giêsu là lãnh được chất lửa này làm sinh lực chuyển lửa.
"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời." (Gioan 3:16)
PHÚT KHƠI LẠI LỬA
Cơn lạnh của thế giới bây giờ đang đe dọa tiêu hủy chủng loại người vì nguội lửa và quên mất cách làm ra lửa. Cuộc sống nhiều khi không nhởn nhơ bằng con chuột. Thì đây, nhà khoa học Teilhard de Chardin cũng đã nói một lời tiên tri rất chuẩn xác: "Một ngày kia, sau khi đã làm chủ được gió, sóng nước, thủy triều và trọng lực, chúng ta sẽ khơi lại được năng lượng của tình thương cho Chúa. Và đó là lần thứ hai trong lịch sử nhân loại chúng ta khám phá ra lửa."
Mẹ Teresa đã nhận được lửa và chuyển lửa tới những cống rãnh tăm tối bẩn thỉu ở Calcutta. Bằng những việc nhỏ bé, với một phương thức rất giản đơn: bắt đầu ngay lúc này, ở đây, làm những việc nhỏ bé với tình thương lớn lao. Ấy thế mà lửa đã dậy. Cuộc hồi sinh thế giới đã bắt đầu, chứ không phải những cuộc cách mạng đao to búa lớn, hay những kiếm tìm mệt mỏi ngày nay. Người nghèo khổ đáng thương nhất chưa hẳn đang ăn xin ở ngoài phố, mà đang ở trong nhà mình, có thể là chính mình nữa. Dây leo hạnh phúc đây rồi. Tại sao mình lại đi bỏ con cá bắt con sằn sặt?
Dẫu xây chín bậc phù đồ
Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người.