Tin Vui 30A

THỜI ĐIỂM BÁC SĨ CẠO GIÓ

 

Người đang tỉnh táo mà tự nhiên thấy khó chịu muốn xỉu, bước đi lảo đảo, da lạnh ngắt, là dấu có thể bị trúng gió rồi. Bên Mỹ này bị trúng gió mà chở đi nhà thương cứu cấp thì cũng liều lắm. Y tá loay hoay đo nhiệt độ, lấy máu thử tới thử lui rồi mới bắt đầu chữa. Nguyên bằng ấy thủ tục cũng đủ cho người bị trúng gió đi đoong cái một.

Nhiều người Việt biết vậy bèn ra tay làm “bác sĩ cạo gió" ngay. Đồ nghề chỉ cần một lọ dầu gió, một đồng tiền cắc. Thế là bắt đầu thẳng tay “vung chưởng” cho tím bầm mình mẩy. Nguyên cái chuyện bệnh nhân đau quá phải giẫy giụa la hét cũng đủ làm cho kinh mạch chạy lại bình thường rồi. Thì có gì đâu mà phải nghiên cứu mới biết được là bị chấn tim (heart attack) khi mạch máu bị tắc. Người bình dân mình bảo là do “gió độc”, tức là sức ép không khí bên ngoài thay đổi quá đột ngột làm kinh mạch bị ngưng lại. Như vậy khi trúng gió thì chỉ cần làm sao cho máu lưu thông được là khỏi.

Cuộc sống bây giờ cũng có nhiều hiện tượng trúng gió giống như vậy. Một số trẻ choai choai rửng mỡ đi chơi súng và buôn bán xì ke. Cũng tại cả một bầu khí dung dưỡng thái quá. Một thời trẻ em được thấm nhuần câu “ngày nay học tập ngày mai giúp đời”. Bây giờ chả thấy cần phải giúp ai. Cả một hệ thống xã hội bảo lớp trẻ lo làm tiền cho giầu để sống cho sướng cho sang, đâu cần biết nghĩ tới ai, sống chết mặc bay. Đi học về thì chúng có cả một buổi chiều chả phải làm gì. Quá dư nhiệt nên phải tìm cách xả lung tung. Lớn lên hơn một chút, cũng không có tâm tình gì cao hơn đồng tiền nên một lúc nào đó cảm thấy buồn nôn dễ sinh ra những hành động loạn xạ phi lý, mà tiếng bình dân gọi là ứ mỡ, ăn no rửng mỡ.

Cuộc sống gia đình cũng có thể bị ứ đọng bế tắc như vậy. Tình trạng ứ mỡ này cũng giống như chiếc ao tù nước bị ứ đọng thành ủng thối. Suốt ngày luẩn quẩn chuyện quyền lợi hơn thua trong gia đình chứ không mở lối cho lý tưởng nào vươn lên cả, về việc giúp đời, về làm hãnh diện tập thể người Việt, về ý hướng quê hương dân tộc. Vì càng lo đóng lại, càng lo vun quén tích trữ cho mình, thì xem ra càng bị ứ đọng thêm. Thế là mạch máu bị tắc, bị trúng gió, tự nhiên thấy ngột ngạt căng thẳng trong nhà, không kịp chạy chữa là tới số ngay.

BIỂN NGỌT VÀ BIỂN MẶN

Nước Do Thái có hai cái biển bên trong nội địa: Biển Hồ phía Bắc và Biển Chết ở phía Nam. Lạ lắm, hai biển được nối bằng con sông Gio-Đan nước ngọt, mà Biển Hồ thì nước ngọt, nhiều cá, chung quanh cây cố xanh tươi; trái lại, Biển Chết thì nước mặn cùng độ đến nỗi không một thứ rong nào hay thứ cá nào có thể sống nổi. Điều gì làm khác biệt vậy?

Tìm hiểu thì biết rằng: Biển Hồ nhận nước từ những rặng núi phía Bắc, nhưng không đóng kín giữ nước lại, mà mở ra cho chảy vào sông Gio-đan. Còn trái lại, Biển Chết thì nhận nước ngọt từ sông Gio-đan, nhưng không để nước thông đi đâu nữa. Dần dần với nắng cháy vùng sa mạc, nước ngọt bốc hơi hết, chỉ còn đọng lại chất cặn vừa gắt vừa mặn, khiến cho không một thứ gì có thể sống chung trong đó được.

Hình ảnh trên nói lên đúng cái tình trạng nước tù ứ đọng trong mỗi người, và cũng có thể trong nhiều gia đình. Nước ngọt là ân huệ nhận được từ Trời nhưng chỉ lo giữ lại cho mình và gia đình mình mà không cho chuyển tới chung quanh, riết rồi nước ngọt cũng bốc hơi, chỉ còn đọng lại chất mặn gắt, khiến cho những người bên trong cũng ngột ngạt không chịu nổi, và cũng chẳng ai dám tới gần.

TIN VUI VỀ CÁCH THÔNG MẠCH BỊ TẮC

Vùng New Orleans có một nhiếp ảnh gia người Mỹ trắng tên là Mark Sindler, rất mê nét đẹp văn hóa người Việt. Có lần anh ta mò ra được vùng “kinh tế mới” là vùng đất bỏ hoang từ lâu, nay được các cụ Việt ta chặt cây, làm cỏ, xới đất trồng rau, thành hàng thành luống. Lúc đầu thì lấy thùng xách nước dưới mương lên trông rất “miệt vườn”. Sau này các cụ “cơ giới” hóa bằng máy bơm, mua cũng rẻ thôi. Nhìn những đọt rau đang mơn mởn phóng lên, các cụ thấy đời mình tươi trẻ lại. Về nhà ăn cơm thấy ngon hơn, đọc kinh thấy dòn hơn, chứ không uể oải như mọi khi.

Rình mãi, Mark Sindler mới chụp được cảnh “vườn rau xanh ngát một mầu” của mấy ông bà cụ vùng New Orleans. Thay vì ngồi than ngao ngán “thấy đời mình là những quán không” thì đi trồng rau. Vừa chạm đến thiên nhiên tươi mát, vừa có tiền còm mua bánh kẹo cho các cháu. Các cụ còn phát ngôn ngon lành:

“Người Mỹ các anh cứ nhốt mình trong phòng như cái hộp vuông. Như vậy điên mát là đúng rồi. Phải mở hộp vuông ra mà hòa với Trời tròn, với đời sống cộng đồng, thì đời sống mới vuông tròn được. Hòang tử Tiết Liệu của chúng tôi dạy đạo sống này trong truyện Bánh Dầy Bánh Chưng đấy.”

Có lý thật, cái hộp vuông con người to vo ứ đọng tù hãm nay được khai thông mở tới chiều cao là Trời, và chiều ngang là tha nhân. Như vậy thì cuộc sống mới tròn đầy được. Khác đi với trật tự ấy là điên mát ngay, là “trúng gió” tức khắc. Hèn chi thấy nụ cười các cụ no tròn và miệng hát nghêu ngao. Bác sĩ thần kinh thấy vậy chỉ biết ngồi ngáp vặt vì thất nghiệp.

Trên đây là một đoạn trích trong cuốn Đường Nở Hoa Lê Thị Thành (trang 196-197), nói lên lối sống người Việt. Đúng là người Việt mình có cách khai thông mạch bị ứ đọng: mở ra, cho đi, hy sinh, phục vụ, quên mình. Như vậy thì trúng gió thế nào được?! Lòng người mẹ trở thành bao la, vì luôn hy sinh quên mình cho hạnh phúc gia đình.

Lối sống này được Chúa Giêsu đưa lên tới mức tột đỉnh khi Ngài tóm lược tất cả giáo lý của đạo Chúa:

“Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của con hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn con. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Con hãy yêu thương kẻ khác như chính mình con. Toàn thể lề luật và các tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó.” (Mt 22:40)

Như vậy việc yêu Chúa và yêu người không còn phải là một điều bó buộc nặng nề, mà là một ơn phúc làm khai thông mạch tắc nghẽn. Vì nhận được tình thương và ân huệ của Chúa Trời mà chỉ ích kỷ giữ cho mình thì sẽ dễ thành nước tù ủng thối nhanh lắm. Còn biết chuyển tới người khác là đang khai thông chính mình và gia đình mình như tâm tình ca dao Việt Nam:

Thương người như thể thương thân.

Có lần tham dự một đại hội Cứu Đói thế giới bên Ấn Độ, được một nhà báo phỏng vấn xem có cách nào cứu đói không? Mẹ Teresa đã trả lời: Tôi chả có cách nào cả. Nói đúng hơn chỉ có một cách từ chính bạn: nếu bạn đang có một đồng bánh mà bạn bằng lòng bẻ đôi cho người khác một nửa, thì nạn đói thế giới bắt đầu được cứu, còn tất cả những lời hiệu triệu khác chỉ là cái thùng kêu to rỗng tuếch.

Còn tôi, tôi đang thấy mình bị trúng gió ra sao? Tình trạng ứ đọng bế tắc ngột ngạt này có thể được khai thông bằng cách nào? Một cách cụ thể, tôi bắt đầu làm môt việc gì giúp ích cho người khác ngay trong tuần này để cho mạch máu trong tôi và gia đình tôi được thông chuyển.

 Lm. Trần Cao Tường  

(từ tác phẩm Vũ Khúc Thăng Ca, Thời Điểm xuất bản