HỘI NHẬP VĂN HÓA VỚI ĐGH GIOAN PHAOLÔ II (tiếp)

"Phải tìm hiểu những nền văn hóa này và những cấu trúc của văn hóa; phải học những cách diễn tả, và kính trọng những gía trị sâu xa của họ.... Tin Mừng không thể tách lìa nền văn hóa đang hội nhập, giống như Kinh Thánh đã hội nhập môi trường, và cụ thể hơn, Chúa Giêsu thành Nazareth cũng đã hội nhập môi trường văn hóa của Ngài, cũng như Tin Mừng vẫn tiếp tục hội nhập văn hóa qua các thế kỷ." (ĐGH Gioan Phaolô II)

TÔNG HUẤN VỀ HỘI NHẬP VĂN HÓA

Ðức Thánh Cha Gioan PhaoLô II đã là người quyết liệt đẩy mạnh đường lối hội nhập văn hóa vào chương trình giáo dục tôn giáo. Qua kinh nghiệm đời Ngài là một người Ba Lan sống trong một hoàn cảnh văn hóa giữa Âu Á, và trong một môi trường xã hội phải phấn đấu một sống một còn, việc hội nhập Phúc Âm vào văn hóa không còn là chuyện thêm thắt vào cho vui vẻ cửa nhà, mà là cốt lõi của con đường nhập thể trong nền văn hóa dân tộc mình.

Trong thông điệp về Giáo Lý Trong Thế Giới ngày Nay (Catechesi Tradendae) ngày 16.10.1979, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dùng tiếng "hội nhập văn hóa" (inculturation). Ðây là lần đầu tiên từ ngữ này được dùng trong một văn kiện tông huấn. Ngài viết:

"Hội nhập văn hóa diễn tả rất đúng yếu tố mầu nhiệm Nhập Thể. Chúng ta có thể nói về giáo lý cũng như truyền giáo, là được kêu mời mang sức mạnh của Tin Mừng vào chính tâm điểm của văn hóa và các nền văn hóa. Vì thế, giáo lý phải tìm hiểu những nền văn hóa này và những cấu trúc của văn hóa; phải học những cách diễn tả, và kính trọng những gía trị sâu xa của họ.... Tin Mừng không thể tách lìa nền văn hóa đang hội nhập, giống như Kinh Thánh đã hội nhập môi trường, và cụ thể hơn, Chúa Giêsu thành Nazareth cũng đã hội nhập môi trường văn hóa của Ngài, cũng như Tin Mừng vẫn tiếp tục hội nhập văn hóa qua các thế kỷ" (#53).

"Tuy nhiên cũng với khôn ngoan thận trọng, phải biết dùng một số những yếu tố tôn giáo hay không tôn giáo, đã có sẵn trong gia tài văn hóa dân tộc, mà giúp hiểu hơn toàn bộ mầu nhiệm Kitô. Giảng viên giáo lý chân chính nên biết rằng giáo lý phải "mang thân xác" trong các nền văn hóa và môi trường khác nhau...." (#53).

Thông điệp về Truyền Giáo "Sứ Mạng Ðấng Cứu Thế" (Redemptoris Missio) ngày 7.12.1990, một lần nữa nhắc lại:

"Tiến trình hội nhập Tin Mừng vào văn hoá các dân tộc là một tiến trình dài. Không phải chỉ lo thích nghi một số điểm bề ngoài, mà phải có nghĩa biến thể sâu xa trong những giá trị văn hóa đích thực, qua việc hòa nhập vào Kitô Giáo, và hội nhập Kitô Giáo vào các nền văn hóa."

Ðã đến lúc dung nạp văn hóa vào chương trình giáo dục tôn giáo, không như một cái gì phụ thuộc thêm vào, mà là hội nhập từ trong cấu trúc, như lời Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong tông huấn "Người Tín Hữu Giáo Dân" ngày 30.12.1988:

"Chỉ khi nào đi vào lòng một nền văn hóa và qua một nền văn hóa, Ðức Tin Công Giáo mới thực sự tham dự vào lịch sử và kiến tạo lịch sử." (#44)

HỘI NHẬP GÌ CỤ THỂ TRONG MỘT CHƯƠNG TRÌNH ÐÀO TẠO?

"Mất bộ truyện thiêng là mất mạch nối vào nguồn quá khứ tổ tiên, và không còn căn bản gì cho việc hình thành tiền đồ dân tộc. Dân tộc đó quả thực là đã mất." (Wallace Cliff)

Nhưng Văn Hóa là gì để mà hình thành một chương trình đào tạo thế hệ trẻ vào căn tính đó?

Công Ðồng Vatican II đã dành cả chương 2 của hiến chế Giáo Hội trong Thế Giới Ngày nay (Gaudium et Spes) để đề cập tới việc phát triển văn hoá:

"Ðặc điểm của con người là chỉ đạt tới nhân tính đích thực và trọn vẹn nhờ văn hóa, nghĩa là nhờ trau dồi những ưu phẩm và giá trị của căn tính. Vì vậy, mỗi khi đề cập đến cuộc sống nhân loại, căn tính và văn hoá liên kết với nhau hết sức chặt chẽ."

Theo nghĩa tổng quát, chữ "văn hóa" chỉ tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; cố gắng chế ngự cả trái đất bằng trí thức và lao động; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình, cũng như đời sống chính trị, trở thành nhân đạo hơn, nhờ sự tiến bộ trong các tập tục và định chế sau hết, diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của các thời đại, để giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn." (#53)

Như vậy dân tộc có văn hóa là dân tộc có một đạo sống có thể làm cho con người theo đó mà đạt hết cỡ người, sống tròn đầy sung mãn. Một chương trình hội nhập văn hóa không thể không xây trên những gỉ đã làm nên con người Việt và tình tự dân tộc: những truyện huyền sử, những biểu tượng căn bản phát nguồn từ những truyện thiêng, những biến cố lịch sử, anh hùng dân tộc, những phong tục và lễ nghi, ca dao tục ngữ, văn chương, nghệ thuật, ca vũ... Vì thế những bài học trong sách giáo khoa phải có phần cảm nghiệm từ những điểm trên. Ðây cũng chính là phương pháp giáo lý hiện nay của Sadlier, Benziger, Silver Burdett, Brown...Bắt đầu từ những cảm nghiệm sống, những hình ảnh, dẫn tới Lời Chúa.

Cũng trong cuốn Toward A Theology of Inculturation, Aylward Shorter đề nghị ngay một mô thức thực hành :

"Một chương trình giáo lý đòi hỏi chất liệu lấy từ những đề tài văn hóa như điểm khởi hành cho mỗi bài học, và phải co giãn đủ để giảng viên có thể dùng những tài liệu này dung nạp với cảm nghiệm của học sinh. Những đề tài cần phải được điều hợp để nói lên đạo sống của dân chúng, nhưng đồng thời bác cầu tới Tin Mừng Cứu Rỗi. Tuy nhiên, sự thành công của chương trình tùy thuộc phần lớn vào sự khéo léo của giảng viên trong lớp học. Họ phải được huấn luyện để biết cách xử dụng những chất liệu cho xứng hợp." (Orbis Books, trang 163)

Những nét căn bản nhất của một nền văn hóa nằm trong những truyện thiêng của dân tộc. Ðó là bộ kinh tin chung cho một dân tộc. Vì thế đối với Việt Nam, các truyện thiêng từ bộ Kinh Tiên Rồng như truyện Hồng Bàng, Trầu Cau, Bánh Dầy Bánh Chưng, Việt Tỉnh, Phù Ðổng Thiên Vương, Chử Ðồng Tử, tức là những truyện thuộc loại cổ điển Việt trong Lĩnh Nam Trích Quái và Việt Ðiện U Linh Tập, phải được khai triển và áp dụng thành một Ðạo Sống, vì:

"Truyện thiêng là nền tảng cho văn minh, cho trật tự luân lý, cho các sáng tác nghệ thuật, và cho việc đoàn kết các phần tử.... Mất truyện thiêng thì sẽ lung lay, mà lung lay thì mất cân bằng. Khi đã bỏ bộ kinh thiêng thì không còn gì chắc chắn để mà giữ, không còn luật luân lý, không còn gì vững bền cả!... Cứ xem những dân tộc thiểu số, khi chạm trán với văn minh mới của dân da trắng, liền bị rã. Vì những truyện thiêng cũ bị mất tin tưởng, nên họ liền bị vỡ mảnh ra từng miếng, và trở thành nơi phát sinh tội ác và tâm bệnh... Bài học này cũng đúng với cả xã hội Âu Mỹ, khi huyền thoại bị khoa học mới khai trừ, thì cũng bắt đầu phát sinh tội ác, bạo động, tâm bệnh, tự tử, xì ke, bỏ nhà đi hoang.." (Joseph Campbell, Myths to live by, Bantam Books, trang 9).

Ai cũng hô hào về nguồn, nhưng chẳng ai biết đường nẻo nào mà về nguồn cội cả, vì hang xuống "Giếng Việt" đã bỏ hoang và bị lấp từ lâu. Thì nay khoa tâm lý miền sâu đã khám phá ra con đường đó qua những truyện thiêng. Vì truyện thiêng của mỗi dân tộc là bộ biểu tượng dẫn tới nguồn, giống như những chiếc gương (self image) soi vào đó để có thể nhận ra mình là ai thật (true self). Khi con cháu mặc cảm nhìn vào những truyện thiêng cứ tưởng là những cái gương mẻ rồi bỏ sọt rác, hoặc để người khác lấy đi thì nguy cơ phá sản đã cầm chắc trong tay. Như vậy, Ðường Ði Tới Nguồn cũng là nẻo để Tôi đi tìm Tôi, tìm ra căn tính của mình để sống tự tín sung mãn vươn cao, không còn là những con ma đói đi kiếm cháo lú bơ thừa sữa cặn thật tội nghiệp! Hoặc nói theo kiểu tu đức ngày nay là đường nẻo cái phàm ngã tìm ra cái chân ngã, cái tiểu ngã tìm ra cái đại ngã.

"Mất bộ truyện thiêng là mất mạch nối vào nguồn quá khứ tổ tiên, và không còn căn bản gì cho việc hình thành tiền đồ dân tộc. Dân tộc đó quả thực là đã mất" (Wallace Cliff, Jung and Christianity, Crossroad, trang 60).

Truyện Các Anh Hùng Tử Ðạo cũng cần phải được lồng vào chương trình như những chiếc gương và như những chứng nhân sống động của đức tin Công Giáo trong đạo sống Việt, đã trở thành khuôn mẫu đích thực được cả thế giới Công Giáo công khai xác nhận. Mục đích của việc phong thánh là để giới thiệu những mẫu sống đáp ứng đúng thời điểm với những khát khao của thời đại. Vì thế hình thành một đường tu đức của Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam theo đạo sống dân tộc trong việc huấn luyện tôn giáo là một điều hiển nhiên cần thiết.

THỜI ÐIỂM MỘT TRÁI TIM MỚI VÀ MỘT TINH THẦN MỚI

Biến cố 117 vị tử đạo được tôn phong hiển thánh ngày 19.6.1988 đã tạo nên niềm hãnh diện và phấn khởi. Các Ngài là chứng nhân đạo sống Việt tộc hài hòa với Ðức Tin Công Giáo một cách tròn đầy. Biến cố này càng khiến người Công Việt Công Giáo hứng khởi Khơi Nguồn Việt Ðạo, tin tưởng một cách mãnh liệt vào căn cước lý lịch Việt Nam và Công Giáo của mình. Ðây là thời điểm để hình thành một chương trình và cũng là một phong trào đào tạo căn tính Việt cho một thế hệ trẻ. Ðưa sắc thái Công Giáo làm giầu cho văn hóa Việt, và góp văn hoá Việt vào kho tàng Công Giáo.

Ðuôi thằn lằn bị cụt có thể đang giẫy chết. Cành cây Việt có thể đang héo, hoa trái tàn lụi. Tinh thần có thể đang lụn bại thê thảm. Trái tim có thể đã thành đá hay đã ngưng đập vì mạch máu không còn chảy tới! Làm thế nào để tạo lại một trái tim mới và một tinh thần mới?

Trong hai ngày 14 và 15 tháng 8.1991, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II chủ tọa đại hội qui tụ khoảng một triệu giới trẻ tại Czestochowa Ba Lan. Ðề tài đại hội: "Chúng con đã lãnh nhận tinh thần con cái." (Roma 8:15). Ðức Thánh Cha kêu gọi việc đào tạo lại một thế hệ mới: "Hỡi các bạn trẻ, chúng con đừng sợ nên thánh. Chúng con hãy bay lên thật cao". Ðối với người Việt, Ðức Thánh Cha như đang vẽ ra trước mắt hình ảnh chim tiên là hình ảnh của mỗi người trong tiềm thức đang vụt cánh bay lên. Vì là những con cái được mang cùng một sức sống của tổ tiên, của chính Thiên Chúa. Nối được vào mạch sống từ nguồn cội đó thì mang được một trái tim mới và một tinh thần mới. Khơi được nguồn sống từ hồn dân tộc thành một đạo sống, thành một đường lối huấn luyện. Và sâu xa hơn nữa, nối được vào Nguồn Suối Tình Yêu viên mãn là chính Thiên Chúa. Ðó là trách vụ của chương trình giáo dục tôn giáo.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II là một mẫu sống căn tính trong dòng sinh mệnh dân tộc mình. Trong bài giảng ngày 9 tháng 6.1991 kết thúc cuộc trở về thăm quê hương Ba Lan lần thứ tư, và cũng là lần thứ nhất sau khi Ba Lan được tự do, Ngài nói với một giọng đáng cho người Việt Công Giáo khắc ghi:

"Tôi là người con của tổ quốc Ba Lan. Tôi yêu tổ quốc tôi. Tôi đã không dửng dưng với những áp bức mà tổ quốc tôi phải gánh chịu, thì nay tôi cũng không dửng dưng với những thử thách mới trước sự tự do mà tất cả chúng ta đang đối diện... Chúng ta đang vượt qua Biển Ðỏ."

Ðức Thánh Cha đã và đang minh chứng hùng hồn cho con đường trở về nguồn cội với tinh thần dân tộc như căn bản sống đức tin Công Giáo. Còn tôi, người Việt Công Giáo chả lẽ cứ tiếp tục hát bài "em đi qua chuyến đò... vượt biên... ối a biết đâu nguồn cội"?!

Lm Trần Cao Tường www.dunglac.net

(Bài Thuyết Trình trong Đại Hội Giáo Lý Việt Nam tại Hoa Kỳ)