Xem hình ảnh
Từ 9 giờ đến 9 giờ 30 tiếp đón quan khách. Mỗi khách đến dự “Lễ ra mắt từ điển Công Giáo” được Ban Tổ Chức tặng quyển Từ Điển làm quà ngay trước khi bước vào phòng họp. Đúng 9g30, chương trình bắt đầu do sự điều khiển của MC là ông Augustinô Vương Đình Chữ với nghi thức khai mạc hát thánh ca. Sau đó, Cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết giới thiệu hai Đức Cha và các thành phần quan khách tham dự.
Kế tiếp, trong phần tuyên bố lý do, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc đã trình bày: “Nếu tôi không lầm, thì cách đây hơn 3 năm, tại Trung Tâm Công giáo có tổ chức “buổi ra mắt” của “Nhóm Từ vựng Công giáo”, là một trong 3 tiểu ban của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Tôi đã giới thiệu cha Nguyễn Chí Thiết, người đứng đầu nhóm và các anh chị em cộng sự viên. Hôm nay, tôi không giới thiệu Nhóm nữa, nhưng giới thiệu “một công trình của Nhóm”: Cuốn “Từ điển Công giáo” đầu tiên, viết bằng Tiếng Việt, chứ không phải dịch từ các Từ điển bằng Tiếng Nước Ngoài.”
Đức Cha cũng cho rằng, đây là một công trình khiêm tốn, mới đi được một phần ba con đường, vì chỉ mới định nghĩa được 500 mục từ cơ bản. Trong tương lai gần, còn phải định nghĩa hơn 1000 mục từ nữa, mới hoàn thành toàn bộ Từ điển Công giáo đầy đủ.” Đức Cha cũng nêu lên 5 ưu điểm của quyển “Từ điển Công giáo” đang được ra mắt: 1/ Vắn tắt, không dài dòng quá sự cần thiết; 2/ Tương đối dễ hiểu, tuy vẫn giả thiết người đọc cần có một trình độ học thức vừa phải; 3/ nhắm điều cốt yếu; 4/ cập nhật hóa, vì có lưu tâm đến những văn kiện mới nhất của Giáo hội, hoặc những quyển sách mới của các nhà thần học; 5/ Ưu điểm quan trọng nhất đối với Giáo hội là tôn trọng Huấn Quyền.
Khi Đức Cha Chủ Tịch UBGLĐT tuyên bố lý do xong, Cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết tóm tắt quá trình làm việc và hình thành quyển “Từ điển Công giáo”. Cha cho biết khởi đi từ một ê-kíp rất nhỏ bé vào đầu năm 2007, nhưng với thời gian đã lập được Ban Điều Hành, Ban Biên Tập, Ban Kỹ Thuật, Văn Phòng Thường Trực,… Tổng cộng số thành viên và cộng tác viên là 130 người. Cha cũng cho biết, mỗi một Định nghĩa được đúc kết trong Từ điển xem ra đơn giản nhưng thực tế đã trải qua một chuỗi công việc qua nhiều giai đoạn khác nhau. Có 8 giai đoạn như sau:
1. Văn phòng thường trực tìm các từ để đề nghị làm mục từ.
2. Ban Điều hành chọn các từ ấy thành Mục từ làm đồi tượng để định nghĩa.
3. Ban Hán Nôm có bổn phận phân tách từ nguyên của của từ ấy.
4. Mỗi một biên soạn viên nhận viết thành một định nghĩa sơ khởi.
5. Một chuyên viên xem lại Định nghĩa ấy, cho nhận xét và hoàn chỉnh tương đối.
6. Mời một số chuyên viên thuộc nhiều ngành khác nhau mà từ ấy liên hệ, làm thành một nhóm duyệt xét làm việc chung với nhau, cho các nhận xét bổ túc và chỉnh sửa nếu cần.
7. Ban Thư Ký của nhóm duyệt xét và viết lại thành văn.
8. Ban Điều Hành duyệt lại và chấp thuận thành một Định Nghĩa chính thức và đưa vào văn bản của cuốn từ điển này.
Cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết đã giới thiệu Từ Điển, và bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Cha Chủ Tịch UBGLĐT, Đức Cha Chủ Tịch UBCLHB, và tất cả những ai đã đóng góp tài lực và vật lực cho Ban Từ Vựng để sinh ra đứa con tinh thần là quyển “Từ điển Công giáo” này. Cha cũng lưu ý rằng, công việc vẫn chưa hoàn thành và còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong các năm tới, với một nhịp điệu có thể còn căng thẳng và tế nhị hơn. Vì thế, Cha mong rằng, mọi người tiếp tục nâng đỡ tinh thần và vật chất để có thể hoàn thành sứ mệnh mà Giáo Hội Việt Nam đã ủy thác cho.
Sau đó là phát biểu ý kiến và bình luận của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và quí quan khách khác. Trong phần phát biểu của mình, Đức Cha bày tỏ niềm vui và chúc mừng vì công trình vất vả của UBGLĐT và của nhiều người đã được ra mắt. Đức Cha cũng nhấn mạnh đến ý tưởng “Văn tải đạo”, dùng tiếng Việt để chuyển tải chân lý của Thiên Chúa.
Kết thúc phần phát biểu ý kiến và bình luận, Cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết cám ơn.
Lễ ra mắt kết thúc vào lúc 11 giờ. Nhìn chung, buổi ra mắt quyển “Từ điển Công giáo” được đánh giá là thành công tốt đẹp. Sau đó, quí Đức Cha, quí Cha, và quí quan khách dùng cơm trưa tại Phòng Họp trong bầu khí thân mật và vui vẻ.