1. Thanh niên cộng sản Pháp tấn công vào một cuộc rước của tổng giáo phận Paris.
Một cuộc tuần hành cầu nguyện do tổng giáo phận Paris tổ chức vào thứ Bảy 29 tháng 5 để tưởng nhớ các vị tử đạo Công Giáo bị Công xã Paris giết chết đã bị gián đoạn sau khi một nhóm thanh niên cộng sản ném chai lọ vào những người người rước kiệu và nhào vào đánh đập những người rước kiệu, gồm đa số là phụ nữ và trẻ em.
Tờ La Croix nhận xét chua chát rằng lịch sử của ngày 26 tháng 5 năm 1871 đã được lặp lại một cách sống động và tỏ tường trước mắt mọi người.
Công xã Paris, tiếng Pháp là Commune de Paris, là một chính phủ cộng sản đã kiểm soát Paris từ ngày 18 tháng 3 đến ngày 28 tháng 5 năm 1871.
Trong chiến tranh Pháp-Phổ, Paris đã được bảo vệ bởi Lực lượng Vệ binh Quốc gia, gồm đa số là công nhân, trong đó không ít người đang mơ tưởng về một thiên đường cộng sản. Chủ nghĩa xã hội và não trạng chống chiến tranh phát triển mạnh trong các binh sĩ.
Vào tháng 3 năm 1871, khi Pháp thua trong chiến tranh Pháp-Phổ, ông Adolphe Thiers được chọn là Toàn Quyền nhằm thành lập nền Cộng hòa thứ ba và tìm cách thương lượng để chấm dứt chiến tranh. Binh lính Vệ binh Quốc gia đã nổi loạn chống lại chính phủ đang được thành lập của ông Adolphe Thiers. Họ đã giành quyền kiểm soát thành phố và sau đó từ chối chấp nhận quyền lực của tân chính phủ Pháp, và ráo riết thành lập một chính phủ cộng sản.
Công xã Paris chiếm được thủ đô trong hai tháng, thiết lập các chính sách cộng sản theo mô hình của Karl Marx và Friedrich Engels. Các tài liệu của cộng sản luôn đề cao thời kỳ này như là ví dụ đầu tiên về chế độ độc tài của giai cấp vô sản.
Ngay từ đầu, Công xã Paris đã tỏ ra thù địch với Giáo Hội Công Giáo. Ngày 2 tháng Tư 1871, cộng sản đã biểu quyết một sắc lệnh cáo buộc Giáo Hội Công Giáo “đồng lõa với các tội ác của chế độ quân chủ”. Sắc lệnh tuyên bố tịch thu tài sản của các dòng tu, và ra lệnh cho các trường Công Giáo ngừng giáo dục môn tôn giáo. Trong bảy tuần tiếp theo, khoảng hai trăm linh mục, nam nữ tu sĩ đã bị bắt, và hai mươi sáu nhà thờ bị đóng cửa. Các phần tử cực đoan của Lực lượng Vệ binh Quốc gia còn thực hiện các đám rước tôn giáo giả để chế giễu các nghi lễ tôn giáo và đức tin Kitô.
Ngày 21 tháng 5 năm 1871, quân đội Pháp quốc gia mở cuộc tấn công giải phóng thủ đô. Giao tranh đẫm máu diễn ra trên từng con đường trong suốt một tuần lễ, người Pháp gọi đó là La semaine sanglante, nghĩa là Tuần lễ đẫm máu. Cộng sản lập tức bắt Đức Cha Georges Darboy, là Tổng Giám Mục Paris, khoảng 200 linh mục, tu sĩ nam nữ, và nhiều anh chị em giáo dân khác ra bắn bỏ.
Đức Cha Denis Jachiet, Giám Mục Phụ Tá Paris nói với tờ La Croix rằng:
“Chúng tôi đang cầu nguyện và tưởng niệm, không có bất kỳ hình thức thể hiện hoặc yêu cầu chính trị nào. Chúng tôi cũng không ăn mừng chiến thắng của bên này trước bên kia.”
Với khoảng 300 người tham gia, đoàn rước bắt đầu vào khoảng 5:15 chiều từ Quảng trường de la Roquette, quận 11 của Paris, để đi theo con đường Đức Cha Georges Darboy, và các tù nhân khác bị điệu ra pháp trường vào ngày 24 tháng 5 năm 1871, cho đến nhà thờ Notre-Dame des Otages hiện nay.
Hubert, thành viên của hội đồng giáo xứ Notre-Dame des Otages, nói:
“Đám rước của chúng tôi chủ yếu là các gia đình, có cả trẻ em và người già, và lúc đầu, mọi sự diễn ra một cách yên bình, và chúng tôi thực sự cảm thấy như mình đã quay trở lại thế kỷ 19!”.
Khi đến gần ga tàu điện ngầm Ménilmontant, một nhóm thanh niên cộng sản lên đến 40 tên trong nhóm “Les Amies et Amis de la Commune de Paris 1871”, tức là nhóm “Những người bạn của Công Xã Paris 1871” bắt đầu ném chai lọ về phía những người rước kiệu và sau đó xông vào giật cờ của họ. Những đòn bạo lực được giáng xuống, ít nhất một người hành hương bị đánh chảy máu đầu, cờ và biểu ngữ của giáo xứ bị xé bỏ.
Cuộc rước phải bị hủy bỏ lúc 18g30.
Diễn biến này cho chúng ta thấy rõ bản chất bạo lực và độc tài, không chấp nhận lý lẽ và sự khác biệt trong xã hội của cộng sản không bao giờ thay đổi.
Source:La Croix
2. 10 nét đáng ngạc nhiên về ngôi nhà thờ chính tòa đầu tiên của Mỹ ở Baltimore
Ngày 31 tháng 5 là kỷ niệm 200 năm cung hiến ngôi nhà thờ chính tòa đầu tiên của Hoa Kỳ tại Baltimore. Nhân dịp này Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, đưa ra 10 điểm nổi bật về ngôi nhà thờ chính tòa đầu tiên của Hoa Kỳ mà có thể nhiều người không biết.
Điểm thứ nhất: Kiến trúc sư của ngôi thánh đường lộng lẫy là Benjamin H. Latrobe. Ông là kiến trúc sư nổi bật nhất tại thời điểm nhà thờ chính tòa này được xây dựng. Chính ông là người thiết kế Điện Capitol của Hoa Kỳ. Theo yêu cầu của Đức Cha John Carroll, ông Latrobe đã trình bày hai mô hình khác nhau cho nhà thờ chính tòa.
Đức Cha Carroll đã chọn phương án kiến trúc tân cổ điển của Latrobe thay vì phương án Gothic, vì ngài muốn truyền tải thông điệp rằng Giáo Hội Công Giáo là một tổ chức có tư duy hướng đến tương lai và đang tích cực tham gia vào việc xây dựng nước Mỹ.
Điểm thứ hai: Chính tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson đã đứng ra làm trung gian cho sự khác biệt về quan điểm giữa Đức Cha Carroll và Latrobe – dù Đức Cha và ông Kiến trúc sư có nhiều tương đồng về mặt tổng thể.
Điểm thứ ba: Tổng thống Jefferson, lấy cảm hứng từ chuyến thăm Paris của ông, đã đề nghị đưa vào nhà thờ: một mái vòm hai lớp bằng gỗ để lấy ánh sáng từ bầu trời. Nhờ thế, nhà thờ chính tòa Baltimore lúc nào cũng chan hòa ánh sáng.
Điểm thứ tư: Ngôi nhà thờ này đã tổ chức các sự kiện quan trọng trong việc mở rộng Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ. Tất cả các phiên khoáng đại của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ trong những năm 1800 luôn diễn ra. Ủy ban Giáo lý Baltimore, và hệ thống trường Công Giáo Hoa Kỳ cũng được lên kế hoạch ở đó.
Điểm thứ năm: Chân phước Michael McGivney, người sáng lập hội Hiệp sĩ Kha Luân Bố, được tấn phong tại vương cung thánh đường này vào ngày 22 tháng 12 năm 1877.
Điểm thứ sáu: Lễ phong chức cho linh mục người Mỹ gốc Phi đầu tiên trên đất Mỹ, Charles Randolph Uncles, đã diễn ra tại đây vào năm 1891.
Điểm thứ bẩy: Hơn 30 giám mục được bổ nhiệm cho các giáo phận trên khắp Hoa Kỳ đã được tấn phong tại vương cung thánh đường này.
Điểm thứ tám: Chín trong số mười bốn vị tổng giám mục đã qua đời của Baltimore đã được an nghỉ trong hầm mộ lịch sử của vương cung thánh đường. Hầm mộ nằm bên dưới bàn thờ chính, bên cạnh nhà nguyện Đức Bà là Tòa Đấng Khôn Ngoan.
Điểm thứ chín: Từ tháng 11 năm 2004 đến tháng 11 năm 2006, nhà thờ đã trải qua một đợt trùng tu lớn kéo dài 32 tháng với sự tài trợ của quỹ tư nhân. Nhà thờ được mở cửa trở lại đúng lúc cuộc họp USCCB năm 2006, được tổ chức tại Baltimore để đánh dấu sự kiện này.
Điểm thứ mười: Một trận động đất gây chấn động Bờ Biển Phía Đông Hoa Kỳ vào ngày 23 tháng 8 năm 2011, đã tạo ra khoảng 300m đường nứt trong cấu trúc của vương cung thánh đường. Một cuộc trùng tu kéo dài bảy tháng, trị giá 3 triệu đô la đã được hoàn thành vào Chúa Nhật Phục sinh năm 2012.
Source:Catholic News Agency