1. Pháp mở cuộc điều tra khủng bố sau khi nhân viên cảnh sát bị giết
Một cuộc điều tra chống khủng bố đã được khởi động ở Pháp sau khi một nhân viên hành chính của cảnh sát bị đâm chết gần Paris hôm thứ Sáu.
Kẻ tấn công, được xác định là một công dân Tunisia sống ở Pháp, được cho là đã đâm vào cổ họng người phụ nữ khi cô bước vào đồn cảnh sát.
Theo một nguồn tin, kẻ tấn công đã hét lên “Allahu Akbar”, trong cuộc tấn công trước khi bị cảnh sát bắn chết tại hiện trường.
Tổng thống Emmanuel Macron cho biết nạn nhân là nữ cảnh sát viên Stephanie và cho biết cả nước đứng về phía gia đình cô.
Ông Macron đã tweet: “Chúng ta sẽ không dừng lại trong cuộc chiến kiên quyết chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo”.
Pháp đã chứng kiến nhiều vụ tấn công khủng bố trong những năm gần đây khiến khoảng 250 người thiệt mạng.
Vụ việc hôm thứ Sáu xảy ra sáu tháng sau khi một thiếu niên Chechnya chặt đầu một giáo viên gần Paris.
Tổng thống Macron đã bày tỏ mối quan tâm ngày càng tăng về làn sóng cực đoan hóa – cả bạo động lẫn bất bạo động - trong các cộng đồng Hồi giáo.
Source:Reuters
2. Giám đốc bệnh viện Công Giáo Ấn Độ nói: Bệnh nhân đang chết ngay trước mắt tôi
Giám đốc một bệnh viện Công Giáo ở Ấn Độ nói với Catholic News Service, gọi tắt là CNS, rằng họ không có đủ cơ sở vật chất để điều trị cho bệnh nhân trong khi Ấn Độ đạt kỷ lục thế giới về số ca tử vong do COVID-19. Ấn Độ báo cáo con số trường hợp nhiễm bệnh hơn 300,000 mỗi ngày, cao gấp 10 lần Hoa Kỳ và Brazil. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng con số này chưa được báo cáo đầy đủ.
“Tình hình rất tồi tệ. Không có giường ở bất cứ nơi nào trong bệnh viện. Các bệnh nhân nằm trên các hành lang và nhiều người đang chết vì không có giường, không có ôxy,” Cha PA George, giám đốc Bệnh viện Thánh Gia ở New Delhi, nói với CNS.
“Không có nơi nào ngay cả trong khu cấp cứu có thể cung cấp oxy. Bệnh nhân đang chết trước mắt tôi. Tôi cảm thấy rất đau khổ, thất vọng và bất lực. Thật là kinh khủng và là thảm họa ngoài sức tưởng tượng. Xin hãy cầu nguyện Chúa ban cho chúng tôi sức mạnh để cứu sống một số người”, vị linh mục đứng đầu bệnh viện Công Giáo lớn nhất ở New Delhi, nói.
Ngài nói thêm, bệnh viện chỉ có 340 giường, nhưng bây giờ đã có gần 400 bệnh nhân, nghĩa là nhiếu người phải 2 người nằm.
Tại bang Gujarat, Cha Thomas Nadackalan của Syro-Malabar, giám đốc Bệnh viện Chúa Kitô ở Rajkot, nói với CNS ngày 26 tháng 4, “Chúng tôi phải từ chối khoảng 600 trường hợp mỗi ngày vì bệnh viện của chúng tôi chỉ có 70 giường.”
“Chúng tôi đang gặp khó khăn để có được oxy trong thời gian ngắn ngõ hầu có thể cứu cuộc sống những người đã nhận”. Trong số 70 giường bệnh của bệnh viện, có 40 giường được bố trí riêng cho những người cần điều trị bằng oxy.
Việc chăm sóc và điều trị thiếu sót trong các bệnh viện chính phủ ở Ahmedabad, thủ phủ thương mại của Gujarat, đã thu hút sự chú ý của quốc gia vì rất nhiếu trường hợp tử vong đã không được chính quyền bang báo cáo.
Nhật báo tiếng Anh quốc gia The Hindu đã đăng một câu chuyện điều tra phơi bày sự láo khoét trong tuyên bố của chính phủ là chỉ có 78 người chết vào ngày 16 tháng 4, trong khi đó đã có 689 thi thể được hỏa táng.
Source:Crux
3. Đức Giáo Hoàng loan báo công nghị tuyên thánh
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ nhóm một Công nghị Bình thường để bỏ phiếu về một số án tuyên phong thánh.
Công nghị này sẽ diễn ra vào thứ Hai, ngày 3 tháng 5 lúc 10 giờ sáng theo giờ Rôma, tại phòng họp Công nghị trong điện Tông Tòa, nơi ngài sẽ chủ sự Kinh Giờ Ba, tức là giờ cầu nguyện giữa buổi sáng, và công nghị sẽ diễn ra ngay sau đó.
Các vị Hồng Y cư trú tại Rôma, hoặc có mặt tại Thành phố này, được mời tham dự, theo các biện pháp phòng ngừa chống Covid-19.
Trong công nghị này, các Hồng Y sẽ xem xét các án tuyên thánh cho bảy Chân phước, bao gồm Charles de Foucauld, nhà truyền giáo người Pháp đã bị giết ở Algeria năm 1916, và Chân phước Lazarus, tục danh là Devasahayam Pilla, một người đàn ông sống ở thế kỷ 18, đã kết hôn và theo Ấn Giáo trước khi cải sang Công Giáo và chịu tử đạo. Ngài là cư sĩ đầu tiên được nâng lên bậc Chân phước ở Ấn Độ.
Các án tuyên thánh khác được xem xét là:
- Chân phước César de Bus, linh mục và là đấng sáng lập Dòng Giáo lý Kitô giáo.
- Chân phước Luigi Maria Palazzolo, linh mục, người sáng lập Tu hội Nữ tu Người nghèo, còn được gọi là Tu hội Palazzolo;
- Chân phước Giustino Maria Russolillo, linh mục, người sáng lập Hiệp hội Ơn Thiên Triệu vào năm 1919, nhằm khuyến khích và hỗ trợ những ai đang phân định ơn gọi linh mục và đời sống tu trì.
- Chân phước Maria Francesca di Gesù, người sáng lập Dòng Nữ tu Capuchin của Mẹ Rubatto.
- Chân phước Maria Domenica Mantovani, đồng sáng lập và là Bề trên Tổng quyền đầu tiên của các Nữ tu Gia đình Thánh Gia.
Ngày 11 tháng Hai, 2013 trong bối cảnh của một công nghị tuyên thánh như thế này, Đức Bênêđíctô 16 đã công bố quyết định thoái vị khỏi sứ vụ Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.
Source:Vatican News
4. Giám mục Đức đối đầu với nhà thần học tuyên bố Giáo Hội phân biệt giới tính khi không phong chức linh mục cho phụ nữ
Một giáo sư thần học người Đức và là người ủng hộ việc phong chức linh mục cho phụ nữ đã bị chỉ trích vì cho rằng không phong chức cho phụ nữ là hành vi “phân biệt chủng tộc”.
Một giám mục Đức đã lên tiếng chống lại những lời buộc tội của bà để bảo vệ Giáo Hội. Tuy nhiên, một chính trị gia Đức từng là một đại sứ cạnh Tòa thánh lại lên tiếng tấn công Đức Giám Mục vì đã đề xuất một cuộc tranh luận cởi mở, được cân nhắc.
Phát biểu tại “diễn đàn phụ nữ” ảo của Giáo Phận Rottenburg-Stuttgart hôm 17 Tháng tư, Johanna Rahner nói rằng bất cứ ai không ủng hộ “quyền bình đẳng cho phụ nữ” trong Giáo Hội đều là “những kẻ phân biệt chủng tộc”.
Rahner, 58 tuổi, là Giáo sư về Tín lý, Lịch sử Tín lý và Thần học Đại kết tại Khoa Thần học Công Giáo tại Đại học Eberhard Karls ở Tübingen.
Kết thúc bài phát biểu của mình, Rahner nói, “điều quan trọng là phải phất cờ ra bên ngoài và có lập trường chính trị tích cực chống lại sự phân biệt đối xử với phụ nữ. Bất cứ ai không làm điều này và giữ im lặng đều là những kẻ phân biệt chủng tộc”.
Giám mục Stefan Oster của Giáo phận Passau đã lên tiếng đáp lại những lời cáo buộc của Rahner và gọi những lời chống báng Giáo Hội của bà này là “trâng tráo” trong một bài bình luận trên trang web của ngài ngày 19 tháng 4 và kêu gọi cân nhắc đối thoại thay vì đối đầu.
Vị giám mục, nguyên là một nhà báo được đào tạo, đã cảnh báo chống lại sự leo thang những lời nói căm thù trên các phương tiện truyền thông. Ngài chỉ trích cổng thông tin chính thức của Hội Đồng Giám Mục Đức vì đã đưa tin rầm rộ về các tuyên bố của Rahner. Ngài cũng kêu gọi tranh luận về cách đối phó với các hành động khiêu khích. Đối với ngài, vụ tai tiếng này không chỉ là về một hành vi cáo buộc “không biết xấu hổ”, nhưng cuối cùng còn là một nỗ lực để ngăn cản người khác trở thành người Công Giáo, hay xúi giục người ta bỏ đạo.
Đức Cha Oster không phải là người duy nhất phản ứng gay gắt trước những lời buộc tội của Rahner.
Helmut Hoping, một giáo sư ngữ văn ở Freiburg, đã viết trong một bài báo cho tờ báo Công Giáo Die Tagespost rằng tuyên bố của Rahner không liên quan gì đến một cuộc tranh luận thần học.
“Đây là sự kích động và tố cáo chính trị,” Hoping viết,và lập luận rằng Rahner không chỉ đưa ra các cáo buộc lệch lạc mà còn cho rằng Giáo Hội Công Giáo không phù hợp với hiến pháp của nước Đức.
Trong tông thư Ordinatio sacerdotalis năm 1994, Thánh Gioan Phaolô II đã tuyên bố rằng “Giáo hội không có thẩm quyền nào trong việc truyền chức linh mục cho phụ nữ và phán quyết này phải được tất cả các tín hữu của Giáo hội chấp nhận một cách dứt khoát”.
Phát biểu trước các nhà báo trong cuộc họp báo trên chuyến bay vào năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Về việc tấn phong phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo, lời cuối cùng rất rõ ràng, đó là lời nói của Thánh Gioan Phaolô II và điều này vẫn còn hiệu lực”.
Phát biểu của Đức Cha Oster vấp phải sự chỉ trích của Annette Schavan, một chính trị gia của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo cầm quyền, đồng thời là cựu phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức và là cựu đại sứ tại Tòa thánh. ZdK, là người đồng tổ chức Tiến Trình Công Nghị ở Đức, từ lâu đã kêu gọi truyền chức linh mục cho phụ nữ.
Source:Catholic News Agency