Đức Ông Benoist de Sinety, 53 tuổi, người được biết đến tại Pháp với Thánh lễ an táng thật xúc động mà ngài cử hành cho ngôi sao nhạc rock người Pháp Johnny Hallyday vào năm 2017, đã tuyên bố vào ngày 30 tháng 3 rằng ngài sẽ sớm rời bỏ chức vụ tổng đại diện đã thi hành trong 5 năm qua để lãnh đạo một giáo xứ lớn ở phía bắc thành phố Lille.
Việc từ chức của ngài được đưa ra bốn tháng sau khi một vị tổng đại diện khác, là Đức Ông Alexis Leproux, 49 tuổi, cũng từ chức chỉ sau hai năm tại vị. Cả hai vị dường như đang trên con đường trở thành giám mục và cả hai đều đưa ra những lời giải thích rất ngoại giao cho quyết định ra đi của mình.
Diễn biến này gây ra các đồn đoán liên quan đến Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris. Chính vì thế, hôm thứ Hai 5 tháng Tư, ngài đã dành cho các ký giả Nicolas Demorand và Leah Salame của France Inter một cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng hai mươi phút.
Tuần Thánh Và Lễ Phục Sinh tại Paris
Trả lời câu hỏi “Thưa Đức Tổng Giám Mục, Tuần Thánh và lễ Phục sinh đã diễn ra như thế nào?”, Đức Tổng Giám Mục Aupetit nêu bật niềm vui của các Kitô hữu trong các cử hành Tuần Thánh và lễ Phục sinh. Ngài đặc biệt đề cập đến thánh lễ truyền dầu diễn ra tại nhà thờ Saint Sulpice, trong đó ngài đã có thể chào đón đến 613 linh mục, phó tế, và đại diện của mỗi giáo xứ. Năm ngoái chỉ có 30 người có thể tham dự vào buổi lễ này. Một khoảnh khắc đầy xúc động và niềm vui cũng đã diễn ra trong Chúa nhật Lễ Lá với các sinh viên.
Đối với các cử hành Phụng Vụ trong Tuần Thánh, Đức Tổng Giám Mục Paris xem thánh lễ Tiệc Ly cử hành bên trong nhà thờ chính tòa Notre-Dame de Paris là một “thời điểm ân sủng” khi ngài rửa chân cho 6 người được chọn bao gồm các nhân viên y tế, những người nghèo, và những người sẽ được rửa tội trong đêm canh thức Phục sinh.
Đức Tổng Giám Mục tâm sự rằng: “Tôi cố gắng làm một điều gì đó thường xuyên trong ngôi nhà thờ này. Năm ngoái là Thứ Sáu Tuần Thánh, năm nay là Thứ Năm Tuần Thánh. Tôi muốn đi vào bên trong ngôi nhà thờ, để làm điều gì đó cho thấy rằng ngôi nhà thờ này vẫn còn sống và do đó sẽ sống lại. Điều đó, trước hết, tự nó đã là một thông điệp hy vọng”. Qua việc rửa chân, Đức Tổng Giám Mục Paris nhấn mạnh rằng ngài “muốn đặt Giáo hội trở lại vị trí của mình, nghĩa là tại bàn chân của người dân. Vì khi bạn nhô người lên quá cao, bạn sẽ có nguy cơ bị lạm dụng. Vị trí của chúng tôi là ở dưới chân của mọi người”.
Lạm dụng tình dục trong Giáo hội: các giám mục đưa ra mười một nghị quyết
Liên quan đến tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit phân biệt ba mức độ trách nhiệm trong Giáo hội: “Trước hết, chúng tôi nhìn nhận rằng để có thể sửa chữa điều gì đó, chúng ta phải nhận ra những sai trái của mình. Kế đến, chúng ta phải gánh vác các trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào công lý. Bên cạnh đó, cũng có trách nhiệm luân lý. Giáo hội có trách nhiệm luân lý đối với những người mình chào đón. Và cuối cùng là trách nhiệm về đàng thiêng liêng: những người này, những người đã bị tổn thương, có thể rời xa Chúa. Một số người sẽ cảm thấy khó tin tưởng vào Giáo hội một lần nữa, điều đó là bình thường, nhưng cũng có thể xảy ra tình huống đáng buồn là họ đánh mất niềm tin vào Chúa, và điều đó còn nghiêm trọng hơn nữa”.
Đức Tổng Giám Mục cho biết đến nay các Giám Mục tại Pháp đã thông qua 11 nghị quyết liên quan đến vấn đề này.
Về việc thành lập quỹ hỗ trợ các nạn nhân, ngài giải thích rằng đó là để “cứu trợ” hơn là bồi thường. “Không có khoản bồi thường nào có thể sửa chữa những thiệt hại đã gây ra. Bồi thường là một hành vi pháp lý. Trong một phiên tòa, thẩm phán ấn định mức đền bù. Chúng tôi không có tinh thần đó. Có những người đã bị thiệt hại, bị thương, từ rất lâu rồi. Không còn cách nào để làm bất cứ điều gì, vì thời hiệu tố tụng đã qua hoặc vì linh mục có liên quan đã chết. Những gì chúng tôi đang đề xuất là hỗ trợ tài chính cho những người cần giúp đỡ”.
Mở cửa các nhà thờ
Trong khi các phòng trà, nhà hát và rạp chiếu phim bị đóng cửa, một số người thắc mắc tại sao các nhà thờ vẫn được mở cửa. Họ lập luận rằng khả năng lây nhiễm là như nhau cho dù người ta đi xem hát hay đi lễ. Trước hết, Đức Tổng Giám Mục Aupetit kêu gọi đừng “đặt cái này đối lập với cái kia”, trước khi nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì quan hệ với Chúa trong những thời khắc khó khăn như hiện nay.
Tử vong
Với đại dịch, câu hỏi về cái chết đang trở lại mạnh mẽ. “Mỗi ngày, người ta đưa ra con số người chết” trong 24 giờ trước đó. Trước khi có đại dịch coronavirus, người ta không làm như thế vì không ai muốn nhắc đến cái chết. Do đó, đột nhiên người ta băn khoăn về cái chết, và ý nghĩa của cuộc sống. Đức Tổng Giám Mục Aupetit là tác giả của cuốn “La mort: méditation pour un chemin de vie” nghĩa là “Cái chết: suy tư về một con đường sống”. Ngài mời chúng ta “nhìn thẳng vào mặt cái chết”, như một cách “để sống cuộc sống mình một cách hiện tại hơn, nghĩa là để sống không phải một cách hời hợt, nhưng là đi vào bên trong cuộc sống mình”
Trợ tử
Đức Cha Aupetit nhận xét chua chát rằng “thật là nghịch lý khi người ta hô hào ban cho quyền được chết trước thực tế là cái chết đang vây quanh chúng ta, ở đâu cũng có. Chúng ta nên chiến đấu cho sự sống mới phải”.
Ngài đặc biệt tố cáo những hành vi lạm dụng nghiêm trọng được thực hiện ở Bỉ. Để trả lời cho Léa Salamé, một ký giả người Pháp, gốc Li Băng, là người đã hỏi tại sao không làm giảm nhẹ những đau đớn của những người bệnh, mà cô gọi là những người đang chịu tử đạo, Đức Tổng Giám Mục Paris, nguyên là một bác sĩ, đã thốt lên: “Nhưng tôi toàn tâm ủng hộ việc làm giảm nhẹ những đau đớn!” Ngài làm nổi bật tất cả những tiến bộ đã đạt được trong lĩnh vực chăm sóc giảm đau. “Giải pháp cho sự đau khổ không phải là giết người, mà là giảm đau cho họ, và hỗ trợ họ”.
Quản trị tổng giáo phận Paris
Việc từ chức liên tiếp, cách nhau 4 tháng, của hai vị tổng đại diện của giáo phận Paris, Đức Ông Alexis Leproux và sau đó là Đức Ông Benoist de Sinety, đã làm nảy sinh những cách giải thích trái ngược nhau trên một số phương tiện truyền thông. Đức Tổng Giám Mục Aupetit bày tỏ sự ngạc nhiên của ngài về việc các phương tiện truyền thông đưa tin một cách ồn ào về những sự ra đi này vì “một tổng đại diện có thể ra đi bất cứ khi nào ngài muốn” và nhiều người đã làm như vậy để trở lại môi trường chuyên biệt của các vị ấy. “Tôi không tin rằng có những vấn đề liên quan đến quản trị, hay có vấn đề nào như thế đã được nêu ra với tôi”.
Source:Aleteia