1. Những tín hiệu lạc quan từ tổng giáo phận Paris.

Đức Ông Benoist de Sinety, 53 tuổi, người được biết đến tại Pháp với Thánh lễ an táng thật xúc động mà ngài cử hành cho ngôi sao nhạc rock người Pháp Johnny Hallyday vào năm 2017, đã tuyên bố vào ngày 30 tháng 3 rằng ngài sẽ sớm rời bỏ chức vụ tổng đại diện đã thi hành trong 5 năm qua để lãnh đạo một giáo xứ lớn ở phía bắc thành phố Lille.

Việc từ chức của ngài được đưa ra bốn tháng sau khi một vị tổng đại diện khác, là Đức Ông Alexis Leproux, 49 tuổi, cũng từ chức chỉ sau hai năm tại vị. Cả hai vị dường như đang trên con đường trở thành giám mục và cả hai đều đưa ra những lời giải thích rất ngoại giao cho quyết định ra đi của mình.

Diễn biến này gây ra các đồn đoán liên quan đến Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris. Chính vì thế, hôm thứ Hai 5 tháng Tư, ngài đã dành cho các ký giả Nicolas Demorand và Leah Salame của France Inter một cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng hai mươi phút.

Tuần Thánh Và Lễ Phục Sinh tại Paris

Trả lời câu hỏi “Thưa Đức Tổng Giám Mục, Tuần Thánh và lễ Phục sinh đã diễn ra như thế nào?”, Đức Tổng Giám Mục Aupetit nêu bật niềm vui của các Kitô hữu trong các cử hành Tuần Thánh và lễ Phục sinh. Ngài đặc biệt đề cập đến thánh lễ truyền dầu diễn ra tại nhà thờ Saint Sulpice, trong đó ngài đã có thể chào đón đến 613 linh mục, phó tế, và đại diện của mỗi giáo xứ. Năm ngoái chỉ có 30 người có thể tham dự vào buổi lễ này. Một khoảnh khắc đầy xúc động và niềm vui cũng đã diễn ra trong Chúa nhật Lễ Lá với các sinh viên.

Đối với các cử hành Phụng Vụ trong Tuần Thánh, Đức Tổng Giám Mục Paris xem thánh lễ Tiệc Ly cử hành bên trong nhà thờ chính tòa Notre-Dame de Paris là một “thời điểm ân sủng” khi ngài rửa chân cho 6 người được chọn bao gồm các nhân viên y tế, những người nghèo, và những người sẽ được rửa tội trong đêm canh thức Phục sinh.

Đức Tổng Giám Mục tâm sự rằng: “Tôi cố gắng làm một điều gì đó thường xuyên trong ngôi nhà thờ này. Năm ngoái là Thứ Sáu Tuần Thánh, năm nay là Thứ Năm Tuần Thánh. Tôi muốn đi vào bên trong ngôi nhà thờ, để làm điều gì đó cho thấy rằng ngôi nhà thờ này vẫn còn sống và do đó sẽ sống lại. Điều đó, trước hết, tự nó đã là một thông điệp hy vọng”. Qua việc rửa chân, Đức Tổng Giám Mục Paris nhấn mạnh rằng ngài “muốn đặt Giáo hội trở lại vị trí của mình, nghĩa là tại bàn chân của người dân. Vì khi bạn nhô người lên quá cao, bạn sẽ có nguy cơ bị lạm dụng. Vị trí của chúng tôi là ở dưới chân của mọi người”.

Lạm dụng tình dục trong Giáo hội: các giám mục đưa ra mười một nghị quyết

Liên quan đến tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit phân biệt ba mức độ trách nhiệm trong Giáo hội: “Trước hết, chúng tôi nhìn nhận rằng để có thể sửa chữa điều gì đó, chúng ta phải nhận ra những sai trái của mình. Kế đến, chúng ta phải gánh vác các trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào công lý. Bên cạnh đó, cũng có trách nhiệm luân lý. Giáo hội có trách nhiệm luân lý đối với những người mình chào đón. Và cuối cùng là trách nhiệm về đàng thiêng liêng: những người này, những người đã bị tổn thương, có thể rời xa Chúa. Một số người sẽ cảm thấy khó tin tưởng vào Giáo hội một lần nữa, điều đó là bình thường, nhưng cũng có thể xảy ra tình huống đáng buồn là họ đánh mất niềm tin vào Chúa, và điều đó còn nghiêm trọng hơn nữa”.

Đức Tổng Giám Mục cho biết đến nay các Giám Mục tại Pháp đã thông qua 11 nghị quyết liên quan đến vấn đề này.

Về việc thành lập quỹ hỗ trợ các nạn nhân, ngài giải thích rằng đó là để “cứu trợ” hơn là bồi thường. “Không có khoản bồi thường nào có thể sửa chữa những thiệt hại đã gây ra. Bồi thường là một hành vi pháp lý. Trong một phiên tòa, thẩm phán ấn định mức đền bù. Chúng tôi không có tinh thần đó. Có những người đã bị thiệt hại, bị thương, từ rất lâu rồi. Không còn cách nào để làm bất cứ điều gì, vì thời hiệu tố tụng đã qua hoặc vì linh mục có liên quan đã chết. Những gì chúng tôi đang đề xuất là hỗ trợ tài chính cho những người cần giúp đỡ”.

Mở cửa các nhà thờ

Trong khi các phòng trà, nhà hát và rạp chiếu phim bị đóng cửa, một số người thắc mắc tại sao các nhà thờ vẫn được mở cửa. Họ lập luận rằng khả năng lây nhiễm là như nhau cho dù người ta đi xem hát hay đi lễ. Trước hết, Đức Tổng Giám Mục Aupetit kêu gọi đừng “đặt cái này đối lập với cái kia”, trước khi nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì quan hệ với Chúa trong những thời khắc khó khăn như hiện nay.

Tử vong

Với đại dịch, câu hỏi về cái chết đang trở lại mạnh mẽ. “Mỗi ngày, người ta đưa ra con số người chết” trong 24 giờ trước đó. Trước khi có đại dịch coronavirus, người ta không làm như thế vì không ai muốn nhắc đến cái chết. Do đó, đột nhiên người ta băn khoăn về cái chết, và ý nghĩa của cuộc sống. Đức Tổng Giám Mục Aupetit là tác giả của cuốn “La mort: méditation pour un chemin de vie” nghĩa là “Cái chết: suy tư về một con đường sống”. Ngài mời chúng ta “nhìn thẳng vào mặt cái chết”, như một cách “để sống cuộc sống mình một cách hiện tại hơn, nghĩa là để sống không phải một cách hời hợt, nhưng là đi vào bên trong cuộc sống mình”

Trợ tử

Đức Cha Aupetit nhận xét chua chát rằng “thật là nghịch lý khi người ta hô hào ban cho quyền được chết trước thực tế là cái chết đang vây quanh chúng ta, ở đâu cũng có. Chúng ta nên chiến đấu cho sự sống mới phải”.

Ngài đặc biệt tố cáo những hành vi lạm dụng nghiêm trọng được thực hiện ở Bỉ. Để trả lời cho Léa Salamé, một ký giả người Pháp, gốc Li Băng, là người đã hỏi tại sao không làm giảm nhẹ những đau đớn của những người bệnh, mà cô gọi là những người đang chịu tử đạo, Đức Tổng Giám Mục Paris, nguyên là một bác sĩ, đã thốt lên: “Nhưng tôi toàn tâm ủng hộ việc làm giảm nhẹ những đau đớn!” Ngài làm nổi bật tất cả những tiến bộ đã đạt được trong lĩnh vực chăm sóc giảm đau. “Giải pháp cho sự đau khổ không phải là giết người, mà là giảm đau cho họ, và hỗ trợ họ”.

Quản trị tổng giáo phận Paris

Việc từ chức liên tiếp, cách nhau 4 tháng, của hai vị tổng đại diện của giáo phận Paris, Đức Ông Alexis Leproux và sau đó là Đức Ông Benoist de Sinety, đã làm nảy sinh những cách giải thích trái ngược nhau trên một số phương tiện truyền thông. Đức Tổng Giám Mục Aupetit bày tỏ sự ngạc nhiên của ngài về việc các phương tiện truyền thông đưa tin một cách ồn ào về những sự ra đi này vì “một tổng đại diện có thể ra đi bất cứ khi nào ngài muốn” và nhiều người đã làm như vậy để trở lại môi trường chuyên biệt của các vị ấy. “Tôi không tin rằng có những vấn đề liên quan đến quản trị, hay có vấn đề nào như thế đã được nêu ra với tôi”.
Source:Aleteia

2. Không bao giờ quá muộn để quay về với Chúa

Từ Thư viện Tông điện, buổi yết kiến hàng tuần dưới hình thức ảo đã được truyền đi sáng ngày 7 tháng 4 năm 2021. Nhân buổi yết kiến này, Đức Phanxicô dã trình bầy bài giáo lý của ngài, bài thứ 28 trong loạt bài về cầu nguyện, tập chú vào việc cầu nguyện trong hiệp thông các thánh. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Hôm nay, tôi muốn suy gẫm về mối liên hệ giữa cầu nguyện và hiệp thông các thánh. Thật vậy, khi cầu nguyện, chúng ta không bao giờ làm như vậy một mình: ngay cả khi chúng ta không nghĩ về điều đó, chúng ta vẫn đang đắm mình trong một dòng sông hùng vĩ của những lời khẩn cầu đi trước chúng ta và diễn tiến sau chúng ta. Quả là một dòng sông hùng vĩ.

Chứa đựng trong những lời cầu nguyện chúng ta tìm thấy trong Kinh thánh, thường vọng lại trong phụng vụ, là các dấu vết của những câu chuyện cổ xưa, của những cuộc giải phóng phi thường, của sự trục xuất và những cuộc lưu đày đau buồn, của những cuộc hồi hương đầy xúc động, của những lời chúc tụng vang lên trước những kỳ quan của sáng thế… Và do đó, những tiếng nói này được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong một sự đan xen liên tục giữa kinh nghiệm của bản thân, kinh nghiệm của dân tộc và kinh nghiệm của nhân loại mà chúng ta vốn thuộc về. Không ai có thể tách mình ra khỏi lịch sử của chính mình, lịch sử của dân tộc mình. Chúng ta luôn mang trong các thái độ của mình di sản này, ngay trong cách chúng ta cầu nguyện. Trong lời cầu nguyện ngợi khen, đặc biệt là lời cầu nguyện phát khởi từ tâm hồn các người nhỏ bé và khiêm nhường, vang vọng nhiều phần của kinh Magnificat mà Đức Maria đã dâng lên Thiên Chúa trước mặt người bà con là Elizabeth; hay bài ca cảm thán của ông già Simeon, người, khi ôm Hài Nhi Giêsu trên tay, đã nói như thế này: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi” (Lc 2:29).

Những lời cầu nguyện tốt đều có tính "mở rộng", giống như bất cứ điều gì tốt; chúng liên tục tự truyền bá, được hoặc không được đăng trên mạng xã hội: từ các khu phòng bệnh viện, từ những khoảnh khắc tụ họp lễ hội đến những khoảnh khắc chúng ta âm thầm chịu đựng… Nỗi đau của một người là nỗi đau của mọi người, và niềm hạnh phúc của một người được truyền sang linh hồn người khác. Nỗi đau và niềm hạnh phúc, tất cả là một câu chuyện, những câu chuyện tạo nên câu chuyện đời mỗi người, câu chuyện này được hồi sinh qua lời kể của chính họ, nhưng trải nghiệm vẫn y như nhau.

Cầu nguyện luôn được tái sinh: mỗi lần chúng ta nắm tay nhau và mở rộng tâm hồn với Thiên Chúa, chúng ta thấy mình được đồng hành với các vị thánh vô danh và các vị thánh được công nhận, những vị đang cầu nguyện với chúng ta và đang cầu bầu cho chúng ta như những anh chị em đã đi trước chúng ta trong cùng cuộc phiêu lưu của con người. Không có đau buồn nào trong Giáo Hội phát sinh trong cô đơn, không có nước mắt nào rơi trong quên lãng, vì mọi người cùng thở và tham dự vào một ơn thánh chung. Không phải ngẫu nhiên mà trong Giáo Hội cổ thời, người ta được chôn cất trong những khu vườn xung quanh một tòa nhà thánh thiêng, như để nói rằng, một cách nào đó, đoàn ngũ những người đi trước chúng ta đang tham dự vào mọi Bí tích Thánh Thể. Cha mẹ và ông bà của chúng ta ở đó, các cha mẹ đỡ đầu của chúng ta ở đó, các giáo lý viên và các thầy cô khác của chúng ta ở đó… Đức tin được truyền lại, được truyền tải, mà chúng ta đã nhận được. Cùng với đức tin, cách cầu nguyện và việc cầu nguyện đã được truyền lại.

Các thánh vẫn còn ở đây không xa chúng ta; và việc trưng bầy các ngài trong các nhà thờ gợi lên “đám mây nhân chứng” luôn vây quanh chúng ta (xem Dt 12: 1). Lúc bắt đầu, chúng ta đã nghe đoạn trích từ Thư gửi tín hữu Do Thái. Họ là các nhân chứng mà chúng ta không tôn thờ - nghĩa là chúng ta không tôn thờ các vị thánh này - nhưng là những vị được chúng ta tôn kính và là những vị, trong muôn ngàn cách khác nhau, đã đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu Kitô, Chúa và Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Một “vị thánh” không đưa anh chị em đến với Chúa Giêsu thì không phải là một vị thánh, thậm chí không phải là một Kitô hữu. Một vị thánh phải làm cho anh chị em nhớ đến Chúa Giêsu Kitô vì ngài từng bước trên con đường sống như một Kitô hữu. Các thánh nhắc nhở chúng ta rằng ngay trong cuộc sống của chúng ta, dù yếu đuối và đầy tội lỗi, sự thánh thiện vẫn có thể khai mở. Dù vào thời điểm sau cùng. Thực thế, chúng ta đọc trong Tin Mừng rằng vị thánh đầu tiên được chính Chúa Giêsu phong thánh là một tên trộm, không phải là một Giáo hoàng. Sự thánh thiện là một hành trình của cuộc đời, một cuộc gặp gỡ dài hay ngắn hoặc tức thời với Chúa Giêsu. Nhưng họ luôn luôn là một nhân chứng, một vị thánh là một nhân chứng, một người nam hay người nữ đã gặp Chúa Giêsu và đi theo Chúa Giêsu. Không bao giờ là quá muộn để quay về với Chúa, Đấng tốt lành và cao cả trong tình yêu thương (xem Thánh vịnh 103: 8).

Sách Giáo lý giải thích rằng các thánh chiêm ngưỡng Thiên Chúa, ngợi khen Người và không ngừng quan tâm đến những người mà các ngài đã bỏ lại trên trần thế. […] Sự cầu bầu của các ngài là việc phụng sự cao cả nhất của họ đối với kế hoạch Thiên Chúa. Chúng ta có thể và nên xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta và cho toàn thế giới ”(Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 2683). Có một sự liên đới đầy mầu nhiệm trong Chúa Kitô giữa những người đã bước sang đời sống khác và chúng ta đang lữ thứ trong cuộc sống hiện nay: từ Thiên đàng, những người quá cố yêu dấu của chúng ta tiếp tục chăm sóc chúng ta. Các ngài cầu nguyện cho chúng ta, và chúng ta cầu nguyện cho các ngài và chúng ta cầu nguyện với các ngài.

Sự liên kết trong lời cầu nguyện giữa chúng ta và những người đã đến trước chúng ta- chúng ta đã trải nghiệm mối liên hệ này trong lời cầu nguyện ở đây trong cuộc sống trần thế này. Chúng ta cầu nguyện cho nhau, chúng ta cầu xin và dâng những lời cầu nguyện…. Cách đầu tiên để cầu nguyện cho ai đó là nói với Thiên Chúa về người đó. Nếu chúng ta làm điều này thường xuyên, mỗi ngày, trái tim của chúng ta không khép lại mà mở ra cho anh chị em của chúng ta. Cầu nguyện cho người khác là cách đầu tiên để yêu thương họ và nó thúc đẩy chúng ta tiến đến gần hơn một cách cụ thể. Ngay cả trong những khoảnh khắc xung đột tranh chấp, cách để làm tan xung đột, làm dịu nó, là cầu nguyện cho người mà tôi đang xung đột. Và một điều gì đó đang thay đổi với lời cầu nguyện. Điều đầu tiên thay đổi là trái tim và thái độ của tôi. Chúa thay đổi nó để nó có thể biến thành một cuộc gặp gỡ, một cuộc gặp gỡ mới mẻ để cuộc xung đột không trở thành một cuộc chiến không có hồi kết thúc.

Cách đầu tiên để đương đầu với thời điểm lo âu xao xuyến là xin các anh chị em của chúng ta, trên hết là các thánh, cầu nguyện cho chúng ta. Tên được đặt cho chúng ta lúc Rửa tội không phải là một nhãn hiệu hay một vật trang trí! Đó thường là tên của Đức Trinh Nữ, hoặc một vị Thánh, những vị không mong điều gì khác hơn là “giúp chúng ta một tay” ở trong đời, giúp chúng ta một tay để có được ơn thánh của Thiên Chúa mà chúng ta rất cần. Nếu những thử thách của cuộc sống vẫn chưa đến mức cùng cực, nếu chúng ta vẫn còn khả năng kiên trì, nếu bất chấp mọi sự chúng ta vẫn tiến bước một cách phó thác, hơn là do công lao của chúng ta, có lẽ chúng ta mang ơn tất cả những điều này vì lời chuyển cầu của tất cả các thánh, trong đó, một số vị đang ở trên Thiên đàng, một số khác đang lữ hành như chúng ta trên thế gian, những người đang bảo vệ và đồng hành với chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta đều biết có những vị thánh ở đây trên trái đất này, những người nam nữ thánh thiện sống trong sự thánh thiện. Họ không biết điều đó; chúng ta cũng không biết điều đó. Nhưng có những vị thánh, những vị thánh thường ngày, những vị thánh ẩn dật, hay như tôi thích nói, “những vị thánh sống ở nhà bên cạnh”, những người chia sẻ cuộc sống của họ với chúng ta, những người làm việc với chúng ta và sống một cuộc sống thánh thiện.

Vì vậy, ngợi khen Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Rỗi duy nhất của thế giới, cùng với vườn hoa bao la những người đàn ông và đàn bà thánh thiện cư ngụ trên trái đất và những người vốn ca ngợi Thiên Chúa qua cuộc sống của chính họ. Vì - như Thánh Basil đã xác nhận - “ Chúa Thánh Thần thực sự là nơi cư ngụ của các thánh vì các ngài tự hiến mình làm nơi cư ngụ cho Thiên Chúa và được gọi là đền thờ của Người” (Về Chúa Thánh Thần, 26, 62: PG 32, 184A; xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 2684).