Trong thánh lễ chiều Chúa Nhật thứ Ba Mùa Phục sinh tại nhà thờ Saint-Germain l'Auxerrois, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã trình bày một bài giảng rất hay về các các dấu đinh trên thân thể Chúa Phục sinh và khẳng định rằng thân thể Chúa Phục sinh là thân thể của Người trước đó chứ không phải một cơ thể khác, như chủ trương của một số người. Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng: Đó không phải là một sự luân hồi. Đó là một sự phục sinh. Từ đó, ngài trình bày mối quan hệ giữa thân xác, tinh thần và linh hồn.
Câu chuyện ngài trình bày có liên quan đến Royan, thủ phủ của miền Côte de Beauté, ở phía tây nam nước Pháp, thuộc tỉnh Charente-Maritime trong vùng Nouvelle-Aquitaine. Royan là một trong những thị trấn nghỉ mát ven biển Đại Tây Dương chủ yếu của Pháp.
Mở đầu bài giảng, Đức Tổng Giám Mục nói:
Khoảng 25 năm trước, một linh mục ở Royan đã yêu cầu tôi thiết kế cho ngôi nhà thờ của ngài một tượng Chúa Kitô. Ngài đặc biệt muốn có một Chúa Kitô phục sinh trên thập tự giá. Ban đầu chuyện này xem ra có vẻ khó khăn đối với tôi vì tôi chưa từng thấy tận mắt một cây thánh giá nào như thế. Hoặc là Chúa Kitô đang chết ở trên thập tự giá, hoặc Ngài đã sống lại. Làm gì có tượng Chúa Kitô Phục sinh lại ở trên thánh giá. Nhưng cuối cùng, tôi cũng thiết kế được một tượng Chúa khải hoàn từ trên thập tự giá. Ngài rất vui với thiết kế này nhưng sau một vài ngày, ngài nói: “Còn thiếu một thứ gì đó”. Tôi thực sự không thể nhìn ra thiếu cái gì và hỏi lại ngài: “Thưa cha, còn thiếu cái gì?” Ngài nói với tôi: “Dấu đinh trên bàn tay và bàn chân của Chúa”. Tôi tự nói với mình: “Cha ấy có lý”. Khi Chúa Giêsu sống lại, trong thân thể phục sinh của Ngài có những dấu ấn về cuộc đời Ngài, về cuộc khổ nạn mà Ngài đã trải qua và đã chỉ cho Tôma thấy. Quả thực là những dấu vết được ghi khắc nơi cơ thể của Người, dọc dài toàn bộ cuộc đời dương thế của Chúa, vẫn xuất hiện vào ngày Người sống lại. Chúa Kitô vẫn có tay, có chân, và đã đưa con cá nướng các môn đệ trao cho Ngài lên miệng. Đó thực sự là Người, Người còn sống, đó là cơ thể của Người chứ không phải một cơ thể khác. Đó không phải là một sự luân hồi. Đó là một sự phục sinh!
Làm thế nào để hiểu được mầu nhiệm phi thường này, một điều chưa từng có trước Chúa Giêsu, và sau Chúa Giêsu cũng chẳng có. Việc các môn đệ sợ hãi là điều dễ hiểu. Có cái gì đó thật phi thường ở đây! Hãy tưởng tượng trong giây lát anh chị em nhìn thấy một người mà anh chị em yêu quý, người mà anh chị em đã tận mắt thấy đã chết, người mà anh chị em đã đặt trong ngôi mộ, nhưng rồi chính người ấy đang ở đó, trước mặt anh chị em, không phải là một bóng ma, mà là một người thật với cơ thể của người đó. Và điều này diễn ra trong khi anh chị em đang thu mình trong một căn phòng khoá trái cửa lại, không chỉ một mà là hai ba lần cửa. Đáng sợ. Có điều gì đó đáng sợ hãi.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy đây mà” khi nhìn họ sợ hãi khi thấy Người đứng ở giữa họ. Nhưng ông là ai? Chữ “Thầy” của Chúa Kitô, trong bối cảnh này, buộc tôi tự hỏi về bản thân mình. Tôi là ai?
Rõ ràng là chúng ta được cấu tạo bởi một cơ thể và một tinh thần cho phép chúng ta hiểu được bản thân mình hoặc ít nhất là nhận thức được sự tồn tại của chúng ta. Các nhà triết học Hy Lạp coi thể xác là nhà tù của linh hồn. Đây là lý do tại sao Thánh Phaolô buộc phải nhấn mạnh rất nhiều đến việc khẳng định sự phục sinh của thân thể Chúa Giêsu khi thánh nhân viết thư cho các tín hữu Hy Lạp ở Cô-rinh-tô, và đưa ra tất cả các bằng chứng, cũng như trích dẫn tất cả các nhân chứng về sự phục sinh của Chúa Kitô.
Ngày nay, nhiều người cùng thời với chúng ta coi cơ thể của họ như một công cụ có thể dùng theo ý họ. Họ chăm sóc nó giống như anh chị em chăm sóc chiếc xe của anh chị em, họ sử dụng nó để dụ dỗ người khác, để di chuyển và họ đang ở trong tâm trạng của những người nói rằng “Tôi sở hữu một cơ thể”. Khi chết, người ta sẽ vứt bỏ cơ thể của chúng ta bằng cách đốt nó như thể nó là một chiếc áo cũ.
Nguyên ủy của sự sống mà chúng ta gọi là linh hồn, theo thánh ý Chúa, được sinh ra cùng lúc với cơ thể này. Đây là lý do tại sao nơi con người chúng ta, nó được gọi là “âme spirituelle”, nghĩa là “linh hồn tâm linh”. Mọi sinh vật đều có linh hồn, nhưng chỉ có con người mới có linh hồn tâm linh vì nó liên quan đến Thiên Chúa. Nó do Thiên Chúa trực tiếp tạo ra. Vào lúc chết, linh hồn tâm linh này vẫn tồn tại bên ngoài sự chết để tái nhập vào Đấng Tạo Hóa của nó. Thi thể được chôn cất của chúng ta, được chôn cất giống như của Chúa Giêsu, sẽ được hồi sinh khi Chúa Kitô trở lại, mà ta gọi là Parousie.
Đây là lý do tại sao thể xác của chúng ta cũng quan trọng như linh hồn của chúng ta vì khi thân xác sống lại, giống như thân xác Chúa Giêsu, cơ thể này sẽ thoát khỏi mọi giới hạn trần gian về thời gian và không gian.
Ngài sẽ hoàn thành viên mãn ơn gọi của con người là được ở cùng Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong lúc này đây, thể xác của chúng ta được cư ngụ bởi sự hiện diện của Thiên Chúa khi chúng ta rước Mình Máu Thánh Chúa Giêsu trong Thánh Lễ để tình yêu của Người đến đốt cháy linh hồn, tinh thần chúng ta, và soi sáng chúng ta bằng sự hiện diện thiêng liêng của Người. Chúng ta đã nghe những câu Kinh Thánh đã mở mang trí óc của chúng ta như Chúa Kitô đã khai lòng mở trí các môn đệ của Ngài.
Giờ đây chúng ta hãy để trái tim của chúng ta sống trong tình yêu cháy sáng của Người bằng cách sống xứng đáng với mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô.
Source:L'Eglise Catholique à Paris