Biến cố gần ba triệu thanh niên tụ về Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Roma giữa tháng 8 năm 2000, đã trở thành một dấu chỉ thời đại, một mốc ghi quyết liệt xoay hướng, không phải chỉ riêng cho người Công giáo, mà cho cả chủng loại người trong lúc chuyển mình vào thiên niên kỷ mới.

Rất trật tự, đầy tình người, họ đến từ khắp nơi trên thế giới với sắc thái khác nhau, văn hóa khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Tất cả hòa lại thành một tấm thảm dệt đủ màu trong một niềm tin chung, một sức sống chung, một ý hướng chung. Họ tìm gì trong một thành phố cổ chật hẹp trong những ngày nóng nực nhất trong năm? Họ tìm gì nơi một ông cụ già đã 80 tuổi mà bệnh tật chân tay run rẩy như Ðức Gioan Phaolô II, chứ không phải là một minh tinh nhạc Rock hấp dẫn?

Cho dù phản ứng của những giới đứng ngoài có khác nhau, biến cố không thể nào chỉ được nhìn ở bề mặt một cách hời hợt nữa rồi. Hơn hai mươi năm về trước, Alvin Toffler đã tiên đoán đà tiến của nhân loại qua cuốn Ðợt Sóng Thứ Ba (The Third Wave). Nhân loại đã bước đi khá dài, từ du mục săn bắn đến định cư cầy cấy, từ văn minh nông nghiệp làng mạc đến công nghệ thị thành. Và bây giờ sắp phải chuyển sang đợt sóng thứ ba là đợt văn minh tâm linh. Những giằng giật đảng phái, dân chủ hay chuyên chế, thị trường tự do hay quốc doanh, cũng chỉ là những màn giẫy giụa trước khi lăn ra chết để nhường bước cho một bước tiến vượt lên trong diễn tiến thành người, nếu không muốn tự hủy diệt hay thụt lùi thành những con thú mang mặt người.

Báo chí và các phương tiện truyền thông thường nhằm xem biến cố có ngoạn mục không, có đông người và thành công không. Ở Mỹ thì trừ đài của Mẹ Angelica trực tiếp tuyền hình, các cơ quan truyền thông mắc bệnh dị ứng hầu như có ý lờ đi, chỉ nói phớt qua như một chuyện bên lề chẳng liên hệ gì tới miếng Burger King hay chuyện thị trường chứng khoán sụt giá. Những nhà chính trị và xã hội dù cũng phải công nhận đó là một cuộc tụ họp kỳ lạ, rất đẹp mắt và có cung cách chứ không lố lăng hỗn loạn như thường thấy nơi những đám trẻ. Nhưng đây mới chỉ là những lời khen rẻ tiền, chứ chưa đi được vào niềm rung động sâu thẳm nơi tâm hồn những người trẻ đang khát đói đi tìm một cái gì. Ðiều này thì một triết gia tha thiết với giới trẻ là Maximo Karchary đã thấy: "Theo tôi, một biến cố như Ðại Hội Thanh Niên Thế Giới cần phải được nhìn với sự âu lo hơn là thái độ vui mừng chiến thắng... Ðó là cả một thảm kịch."

THỬ NHÌN VÀO MỘT THẢM KỊCH

Hiện tượng giới trẻ buông thả, bung phá thác loạn thì thật rõ. Có mặt mọi nơi, từ các ngóc ngách phố phường cho đến bên trong trường học, và đang len lỏi vào tận mỗi gia đình.

Kìa, tờ báo địa phương vừa đăng tin về cơn sốt Rave mới toanh. Ðó là tên đặt cho một trào lưu vừa phát khởi, cách đây mấy năm còn trong bóng tối, nhưng nay đã công khai ra mắt. Tạm gọi là Tụ Hội Rửng Mỡ Lên Cơn, nơi tạo ra những cảm giác mê ly ngây ngất bằng đủ mọi loại thuốc từ ma túy đến những loại tạo ảo giác mới như LSD, MDMA ...

Buổi tụ hội đã được chuẩn bị cả mấy tháng, đám trai gái choai choai từ nhiều tiểu bang kéo về. Cả ngàn đứa ăn mặc lố lắng không thể tả đã chầu chực ở trước rạp từ tối, dù mãi 10g mới mở cửa. Và sau đó là một cảnh buông thả được tờ báo kể lại một cách rất chi tiết. Khói thuốc đủ loại bắt đầu bốc tỏa ám ảnh thôi miên. Ánh sáng đủ màu chớp chớp giật giật từ nhiều phía theo điệu nhạc inh ai nhức óc làm bung cả thần kinh. Cả một đám trẻ như một bày thú được xua vào rừng, được kích thích cùng độ bằng những phương tiện kỹ thuật cao độ nhất, để sống với những bản năng thú vật trong một điệu thác loạn nhất. Nhiều đứa đạt ảo giác trong cơn thuốc ngất đi theo nhịp nhảy. Ðám trẻ đúng là được bơm đẩy lên cơn, rầm rập suốt đêm như vậy với mồ hôi nhễ nhãi và cơn khát cùng độ cho tới 6g sáng thì mới bắt đầu gục xuống và tàn lịm đi.

Kết quả là 26 đứa phải chở đi nhà thương vì quá độ thuốc. Mãi thì cảnh sát mới khám phá được và ra tay can thiệp. Những đứa còn lại thì vật ra nằm ngổn ngang như những đống thịt thiu bầy hầy, với những con mắt lờ đờ vô hồn. Một số đứa ngồi phờ phạc chờ một ngày mới bắt đầu mà không biết sẽ đi đâu và làm gì. Và quang cảnh hội trường thì không thể tưởng tượng được là bẩn thỉu và nhớp nhúa tới cỡ nào. Rác rưởi tràn ngập và mùi xú uế xông lên nồng nặc đến nôn ọe.

DẤU CHỈ NÀO TỪ MỘT THẢM KỊCH?

Ðây mới chỉ là một trong muôn vàn nét khác nhau của thảm kịch tuổi trẻ, thảm kịch của nhân lọai lúc kết thúc một thế kỷ tự gọi là văn minh. Nền văn minh nào đã đưa đám trẻ đến mức độ này?! Bao người đang trăn trở tìm câu trả lời đàng sau những hiện tượng điên loạn. Giữa những lên cao vênh mặt của trí tuệ loài người mà số trẻ tự tự bây giờ đã lên mức quán quân. Những vụ bắn vào nhà trường, những băng hoại luân lý, những đổ vỡ gia đình và xã hội đã khiến những người lạc quan nhất cũng phải giơ tay lên than trời. Phản ứng thì cũng rất khác nhau. Có người đổ tội, kết án; có người chỉ biết than trách hay buông xuôi...

Cánh cửa vào ngàn năm mới đang mở ra, nhiều chuyển biến cay nghiệt bất ngờ xẩy đến nói lên điềm thời đại, như những cú đánh cực mạnh hất tung con người đang hung hăng tự mãn xuống khỏi lưng ngựa, làm xây xẩm tối tăm mặt mày. Vụ hai học sinh ở Denver tàn sát các học sinh khác rồi tự hủy diệt một cách phi lý và vô nghĩa đã trở thành điềm chỉ một cái gì sâu xa hơn. Người bắn và người bị bắn đều là nạn nhân của cả một nền văn hóa còn nằm trong trạng thái động vật tính. Hai tên choai choai tự tử cũng có thể là biểu tượng cho sự tự hủy diệt như chủng loại khủng long cách đây ba trăm triệu năm về trước, nếu không mở được con đường nào khác hơn. Ðây có thể là điềm muốn đóng cửa trần gian. Không còn gì để sống, không còn gì để hy vọng, không còn một bám víu nào của niềm tin mà đặt nền cho văn minh, không có một căn bản nào để đánh giá đúng hay sai, khi con người chỉ luẩn quẩn với những chộp giật hạ đẳng mà bất cứ con vật nào cũng đang tranh nhau như kiểu đàn gà tranh mồi và tranh gáy. Nghĩa là nền văn minh này đang làm cho chủng loại người thụt lùi lại thành vượn cổ sơ chứ không tiến hóa như giả thuyết Darwin.

Ðã đến lúc nhiều người nhận ra rằng thảm kịch tuổi trẻ chính là sản phẩm do cả một nền văn minh đương đại chế tạo ra, là hậu quả tất yếu của cả một hệ thống tư duy biến thành thể chế và nếp sống. Những mánh khóe chính trị, những lừa bịp con buôn, những chộp giật xã hội. Tuổi trẻ là những con mồi, là những nạn nhân, là những sản phẩm đồng loạt. Có thể nói, nền văn minh hiện đại được xây trên bộ "kinh tin" con người chỉ là một con vật, từ duy lợi như John Dewey đến duy vật Karl Marx. Cả hai cùng có một mẫu số chung: con người không cần một chiều kích linh thiêng nào cả. Người đúng là một con vật chỉ biết tranh mồi cho lợi tức gia tăng, ngôn ngữ vĩ đại của thuyết duy vật là "con vật kinh tế." Vì thế mà đã sinh sản ra những động vật mang mặt người "bên kia không óc bên này không tim."

CHÚNG TA ÐANG TRONG THỜI KỲ TIỀN SỬ

Những thừa mứa vật chất không làm cho người trẻ thỏa thuê, nhưng ngày càng cảm thấy nhầy nhụa, buồn nôn. Nền văn minh mà không đưa con người lên mức nhân bản hơn, sống cho ra người hơn, thì phải có gì sai trệch từ cơ chế và hệ thống. Vào thập niên '60 và '70, khi mà nếp văn minh vật chất lên cao đỉnh tự mãn thì thấy xuất hiện nhan nhản những loại sách "làm thế nào để hưởng thú" (how to enjoy). Bước sang thập niên '80 và '90 thì lại thấy hiện hình những cuốn sách "tìm cách chữa chạy" (how to heal) đầy khắp tiệm sách và trên các đầu giường: chữa chạy tình yêu, chữa chạy xung khắc gia đình, chữa chạy căng thẳng thần kinh, chữa chạy tắc máu, chữa chạy từ tổng thống đến đám choai choai v.v.

Lịch sử tiến hóa của loài người từ cái ngày còn săn hái trong hang hốc đã trải qua bao tổ chức xã hội từ nông nghiệp đến kỹ nghệ, qua bao lý thuyết kinh tế từ Thuộc Ðịa, Cộng Sản, đến Tư Bản... xem chừng vẫn chỉ loay hoay quành lui chung quanh cái dạ dầy của động vật tính nơi con người. Tổ chức xã hội có hợp lý mấy nào có hơn tổ ong, tổ kiến: vạn tuế lao động vinh quang loài kiến và những con dã tràng với lợi tức gia tăng. Tìm kiếm hoài mà vẫn không thỏa, quành lui mãi mà vẫn không rõ mình là ai! Từ một hành tinh nhìn về trái đất, có lẽ chỉ thấy duy loại động vật mang mặt người là hay nhăn nhó khổ sở một cách tội nghiệp nhất. Có điều gì sai hụt từ gốc rễ, từ cấu trúc của cuộc hiện hữu?!

Nhà khoa học và thần học Teilhard de Chardin đã nói: "Chúng ta đang trong thời kỳ tiền sử của nhân loại," và Gaston Berger thì bảo: "Lịch sử con người chưa bắt đầu," vì chưa thực sự bước tới chiều kích tâm linh là nhân phẩm đích thật của con người.

Ðúng vậy. Nhìn từ trên cao và từ xa, cả trái đất cũng là một phi thuyền đang bay vào khoảng trống vô biên, đang chuyển vào ngàn năm mới. Nhìn lại lịch sử con người từ cái ngày còn ở trong hốc đá cho đến khi biết mặc quần jean, mấy ngàn năm tưởng như một nháy mắt. Những thành quả, những phát minh, những lập thuyết, những "đỉnh cao trí tuệ loài người," những đền đài lăng tẩm, những bon chen chộp giật, những kinh tế thị trường hay quốc doanh, những vênh mặt tự hào về trí lực con người, những con tàu vĩ đại như Titanic... tất cả bỗng chốc thành chuyện nhảm nhí.

Thảm kịch một thế kỷ, một ngàn năm đã hạ màn. Bao nhiêu cuộc cách mạng, bao nhiêu vẫy vùng ngang dọc, bao nhiêu lập thuyết, bao nhiêu phát minh, rốt cục rồi cũng chỉ đưa đến một tình trạng con người nôn ọe thấy mình chỉ còn là ... cặn, bã, khi hè nhau vất bỏ chiều kích tâm linh, như trong viễn kiến của nhà thơ Du Tử Lê:

mọi điều đang biến mất

ngay chúng ta
và, tình yêu tưởng chừng bất tử.
nhân loại đang biến mất
dù những con vật hai chân hiện diện trên mặt địa cầu

đã vượt qua con số 6 tỷ.
muông thú đang biến mất
dù chúng ta vẫn dư thịt để ăn
dù chúng ta có thêm rất nhiều trại chăn nuôi
thậm chí mỗi tế bào gia súc
cũng đã cho ta một con vật in hệt.
thiên nhiên đang biến mất
núi non, biển cả, rừng cây
ngay màu xanh chúng ta đang thấy
cũng chỉ là ảo tưởng.
bởi chúng ta đã rủ nhau vứt, bỏ linh hồn
như hàng ngày, bằng ngả ruột già
chúng ta thải ra:
cặn, bã.




THỜI ÐIỂM GIỚI TRẺ KHAI MÀO MỘT CUỘC ÐẠI TỈNH NGỘ

Bác sĩ M. Scott Peck, một nhà tâm lý nổi tiếng với cuốn "Con Ðường Ít Người Ði" (The Road Less Traveled) bán chạy "bestseller" cả trên chục năm nay, đã tung ra cuốn "Một thế giới đang chờ sinh ra" (A World Waiting To Be Born), làm rung chuyển nền văn minh Âu Mỹ. Ðiều lạ là một nhà tâm lý như Scott Peck mà lại tìm ra lý do những bung phá thác loạn từ những gì linh thiêng. Kinh nghiệm của ông như một bác sĩ với cơ thể: mọi cơ năng và tế bào đều liên hệ mật thiết với nhau. Sức sống gì gắn liền những bộ phận ấy? Bởi vì khi "bộ máy" đã rã thì chữa được chỗ này sẽ phát bệnh ở chỗ khác. Mất sức rồi thì mọi sự sẽ tự nhiên sập. Cũng thế, trời đất giống như một "bộ máy," liên hệ với nhau. Scott Peck nói thẳng rằng cái sức nối kết các phần tử của "bộ máy" là chính Thần Lực từ Trời. Một nền văn minh mà bỏ Trời và lương tâm luân lý ra ngoài, và không còn cảm thấy phải có một kỷ cương tối thiểu để liên hệ với nhau, thì hậu quả tất nhiên là có thể làm những chuyện điên khùng một cách thản nhiên.

Nguyễn Thùy và Trần Minh Xuân trong Nhân Loại Mới (Mekong Tî Nạn, trang 267) đã nhận định về dấu chỉ thời đại: "Tình trạng chán sống, bung phá và nổi loạn, sa đọa của tuổi trẻ, tình trạng ngán ngẩm buông xuôi của lớp tuổi về già, sự ẩn mặt của các nhà tư tưởng... là những báo biểu sự thoái hóa của xã hội về mặt nhân văn. Hầu như không một thức giả liêm khiết nào không bi quan về thực trạng văn hóa ngày nay... Ðấy là những rẫy rụa, những phản ứng của cái trạng thái tâm lý ngột ngạt trước một xã hội ổn định mà bất an, tự do mà ràng buộc, sung mãn mà nghèo nàn... trong những sợi dây xích vô hình của cái "logic" tổ chức hợp lý."

Triết gia Maximo Karchary đã nhìn những cuộc tụ hội của giới trẻ như một "thảm kịch, một âu lo hơn là thái độ vui mừng chiến thắng..." Nhưng lần này thì phải vui mừng rồi. Vì thảm kịch tuổi trẻ đang dẫn đến một thái độ quyết liệt phản ứng lại mọi cơ cấu, thách thức và lật ngược mọi thước đo giá trị. Ðúng là một tuyên ngôn muốn phá bỏ cả một nền văn minh không còn làm cho con người hạnh phúc hơn, sống cho ra người hơn, mà càng ngày càng biến con người người thành những con thú không hồn. Và đây cũng đúng là một "nghi thức điểm đạo" trang trọng dẫn vào một Cuộc Ðại Tỉnh Ngộ, khai mở nhãn quan mới, xoay hẳn hướng đi cho chủng loại người, từ những "quả đắng cần thiết, quả đắng ân huệ."

THỜI ÐIỂM HỘI NHẬP VĂN HÓA MANG SỨC CHUYỂN LỬA

Cuộc bừng tỉnh của gần ba triệu người trẻ như trong Cuộc Ðại Hội tại Roma này không phải là một ngọn lửa bùng lên nhất thời rồi lịm tắt, nhưng đã khai mào một cuộc đứng dậy đầy tích cực mãnh liệt như một cuộc cách mạng thế giới, một bản tuyên xưng công khai vào niềm tin nơi sức thiêng phẩm giá của con người chứ không phải là những bị thịt bầy nhầy. Kìa xem quang cảnh cả triệu người trẻ đang cùng cầu nguyện tha thiết, đang hát thánh ca với chiều sâu nội tâm, đang cử hành bí tích một cách nghiêm trọng, đang cùng vác thập giá dấu ấn tình yêu vào đời thách thức với những trào lưu ngược chiều làm sa đọa...

Sau bao quành lui kiếm tìm, con người mới sực khám phá ra mình là ai thật. Giới trẻ đi tìm giá trị mới, nền tảng mới, hướng đi mới cho một cuộc hội nhập văn hóa khơi mở một nền văn minh mới sâu xa đúng nghĩa, cho chủng loại người, hợp với lời của Ðức Gioan Phaolô II trong buổi khai mạc Ðại Hội: "Các bạn đến Rôma, trong Năm Thánh kỷ niệm hai ngàn năm Ðức Kitô giáng sinh này, để mở rộng tâm hồn đón nhậïn quyền năng của sự sống trong Người. Các bạn đến đây để tái khám phá chân lý về sự tạo dựng và để tìm lại một cảm thức thán phục trước vẻ đẹp của thế giới tạo vật. Các bạn đến để canh tân trong chính tâm hồn các bạn ý thức về phẩm giá của con người, được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa."

"Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật" (Ga 1,14). Một triết gia đương thời đã nhấn mạnh đến ý nghĩa của sự chết trong cuộc sống nhân loại, đến độ mô tả con người như là "một hữu thể được tạo dựng cho cái chết." Tin mừng, ngược lại, xác định rõ rằng con người là một hữu thể được tạo dựng cho sự sống. Mọi người được Thiên Chúa mời gọi chia sẻ sự sống thần linh. Con người là một hữu thể được mời gọi hướng đến vinh quang."

Ðúng vậy. Con người chỉ nhận thức được căn tính vinh quang của mình khi khám phá và đón nhận Ðức Kitô là nguồn cội sự sống, và muôn vật được dựng nên trong Người. Nói theo nét văn hóa Việt là con người chỉ thực sự vuông tròn toàn mãn khi cõi vuông thể chất nối được vào cõi tròn trời cao. Tách rời là một nền nhân bản bệnh hoạn làm hủy hoại căn tính của mình.

Gần ba triệu người trẻ đang đón chào và bước qua thế kỷ 21 với một nhãn quan mới, với khóe mắt sáng rực. Hành trang được trao là cuốn Lời Chúa và ngọn nến sáng. Lửa tình người chiếu tỏa từ đây. Lửa tình Trời chuyển lực từ đây. Thay cho những thảm kịch. Thay cho những rã rời. Và chỉ khi nối được vào nguồn sinh lực như vậy, con người mới thực sự "hội nhập văn hóa," mới phát triển được nhân phẩm đích thực, mới nhận được lực mà chuyển lửa làm bừng dậy một thế giới mới, như lời Ðức Gioan Phaolô II trong ngày bế mạc Ðại Hội:

"Khi các bạn xác tín vào nhân phẩm của mình, các bạn sẽ chuyển lửa làm bừng khởi cả thế giới... Cha trông mong với sự tin tưởng vào nhân loại mới mà các bạn đang giúp hình thành. Cha nhìn đến Giáo Hội mà trong mọi thời kỳ đã được trẻ trung hóa nhờ Thần Khí của Ðức Kitô và hôm nay được vui mừng vì những ý nguyện và sự dấn thân của các bạn."

CHÀO 21

Từ những thực chứng não nề của cuộc sống, từ những phi lý tận cùng của cái kiếp người, từ những bầm dập vô nghĩa của thân phận người Việt, nhà thơ Du Tử Lê đã hụ còi lên đường bước vào ngưỡng cửa thiên niên kỷ mới với thi tập Hoa Nào Tin Quả Ðắng Ðến Không Ngờ, một thi tập với những dấu thật lạ ghi mốc quan trọng trong nền văn học Việt Nam. Cũng chính là lúc mỗi người cần tìm cho riêng mình một điều gì khác:

không ai hiểu thịt da tôi bìa sách
bọc, bao ngoài quá đỗi thực, hư: riêng
không ai hiểu linh hồn tôi mướt, sạch
mọc lên từ một cội rất linh thiêng.
....
không lâu nữa, chúng ta sẽ bước vào ngôi nhà 21
nhưng dù cho chúng ta có khua chiêng, gióng trống cách gì,
khoa học tiến bộ tới đâu
(thì) nhân loại cũng không thể triệt tiêu nổi
mặt bên kia
tấm gương đời sống.
phải chăng,
vì thế,
chúng ta vẫn cần có lấy cho riêng mình
một điều gì khác?



Và bỗng đốn ngộ khám phá ra căn tính nguồn cội đích thật của mình, ghi lại Hình Dung Một Cuốn Sách Khác:

không ai hiểu thịt da tôi bìa sách
bọc, bao ngoài quá đỗi thực, hư: riêng
không ai hiểu linh hồn tôi mướt, sạch
mọc lên từ một cội rất linh thiêng.