Sau bài "Thấy Được Những Lạ Lùng Bên Kia Cửa Tử," nhiều người viết thư "động viên" cũng như chia sẻ những kinh nghiệm bản thân về hiện tượng này. Vậy xin được góp thêm 3 bài liền qua truờng ca Hàn Mặc Tử của Phạm Duy. Một phần bài này đã được trình bày trong "Đêm Thơ-Nhạc Hàn Mặc Tử" với sự góp mặt của nhạc sĩ Phạm Duy tại New Orleans, Louisiana.
Lm. Trần Cao Tường
PHÉP VƯỢT
TRONG TRƯỜNG CA HÀN MẶC TỬ CỦA PHẠM DUY
Nằm võng đong đưa là một cái thú, ai mà chả thích như vậy. Mặc cho đời lên voi xuống chó, đẩy tới đẩy lui. Mà nhờ có “bị” đẩy tới đẩy lui như vậy thì mới thành nhịp ru cho tròn giấc ngủ. Nhạc sĩ Phạm Duy đã dùng hình ảnh tích cực dễ thương này với tiếng ru Thái Hiền để hóa giải những mâu thuẫn oái oăm cuộc đời ô trược qua bài “Võng”:
Tôi nằm võng, võng đưa võng đưa.
Ha ! Trần gian lạc thú.
Ha ! Tiên cảnh phiêu du.
Cõi tử cõi sinh, cõi tình cõi hận.
Núi đợi vực chờ, niềm vui nỗi khổ.
Tôi nằm võng, võng đưa võng đưa.
Tôi nằm đó... nằm im mọi chỗ.
Nhưng bây giờ thì ông không nằm im trên võng để cho đời sống chết mặc bay được nữa rồi. Ông phải nhẩy xuống đất một lần nữa. Lần này thì để đối diện và vật lộn với một người... cùi, tên là Hàn Mặc Tử. Thật khủng khiếp và rùng rợn! Ðể cùng tìm thấy thuốc lạ chữa trị bệnh hết thuốc chữa này, bằng Trường Ca Hàn Mặc Tử.
HIỆN THÂN BẦM DẬP
Cuộc sống mỗi người đang bình lặng an vui bỗng dưng bão tố nổi lên. Tại sao vậy? Một người tài hoa như Hàn Mặc Tử mà lại bị một chứng bệnh ghê sợ, vô phương cứu chữa. Thật phi lí!
Nhiều ngưới cũng như tôi, đã từng đọc thơ Hàn Mặc Tử, khâm phục tài nghệ của nhà thơ lạ lùng này. Ý tưởng khác thường của một nhà thần nhiệm đã chạm tới được nơi có “tòa châu báu kết bằng hương kì dị.” Hình ảnh siêu việt đầy “nhạc thiêng liêng dồn trổi khắp u linh.” Màu thơ tựa “vườn ai mướt quá xanh như ngọc.”
Tôi vẫn như một người đứng ngoài cuộc để mà thán phục, để mà thở dài thương hại. Thế thôi. Chưa bao giờ tôi thấy Hàn Mặc Tử hiện lên nguyên hình hài là một Việt Nam dầm bập đau khổ cùng độ. Chưa bao giờ tôi thấy những vật vã của chính đời mình qua con người Hàn Mặc Tử.
Quả thực, nhiều người đã cố diễn tả cái thân phận khổ nạn khốn cùng của một lớp người mang tên Việt Nam, nhưng chưa ai dám cho nó hiện hình lên ghê rợn như một người cùi, là chính hiện trạng mình, dân tộc mình. Vậy mà bây giờ nhạc sĩ Phạm Duy dám làm chuyện đó bằng trường ca Hàn Mặc Tử, vật vã như Hàn Mặc Tử và với Hàn Mặc Tử. Và cùng Hàn Mặc Tử trong thị kiến thấy được phép cứu giải, mở tới một giải thoát bất ngờ, khám phá ra một thứ thuốc lạ.
VẬT LỘN VỚI HÀN MẶC TỬ
Khi “trình làng” soạn phẩm Trường Ca Hàn Mặc Tử, nhạc sĩ Phạm Duy đã “phải thú thực là phổ thơ Hàn Mặc Tử khó vô kể, một năm trời vật lộn với thơ Hàn Mặc Tử.” Có thể là từ vô thức ông phải vật lộn với một cái khó vô kể khác hơn nữa, một cái gì quá khủng khiếp ghê sợ, hiện thân bằng chính người cùi Hàn Mặc Tử, về thân phận dân tộc và về chính mình là người Việt trong một hiện trạng “chẳng giống ai!” Ông đã nói rõ ý của ông: “Trong khi tôi còn sống, tôi muốn được giãi bày tâm sự về một nhạc phẩm...” “Bây giờ lí do khiến tôi muốn soạn một trường ca (hay một chương khúc) gồm nhiều bài thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử, là bởi vì sau khi đi vào Ðạo Khúc, Thiền Ca... bây giờ tôi muốn nói tới chuyện hóa giải nỗi oan khiên to lớn của cuộc đời Việt Nam sau nửa thế kỷ chiến tranh và hận thù bằng con đường đi vào Ðạo để siêu hóa mọi sự. Và đột nhiên tôi thấy đề tài này có thể biểu lộ một cách hùng hồn bằng cách phổ thơ Hàn Mặc Tử.”
Chính vì thế mà ông xin “nghe trường ca hay chương khúc này ít ra là ba, bốn lần rồi mới nên có ý kiến cho mình hoặc cho soạn giả.”
Theo đề nghị của ông, tôi cũng đã nghe trường ca này hơn bốn lần, để mong có một cảm nghĩ nào. Nghe như đang nhập thân vào dòng nhạc, vào hồn thơ, vào hình ảnh và âm thanh, chứ không phải kẻ đứng ngoài, tôi bỗng thấy rùng rợn. Và tôi bị bế tắc hoàn toàn trong mấy tháng trời không thể ghi ra được gì. Bây giờ tôi mới nhận ra là mình đã vật lộn với chính nỗi khổ tâm của đời mình và dân tộc mình. Thì ra là cũng vật lộn với... cùi.
Là một người Việt, tôi mang trọn vẹn hình hài Việt Nam “chẳng giống ai” trong đà tiến của nhân loại. Một Việt Nam bệnh hoạn từ hơn nửa thế kỷ rồi, bị xâu xé hành hạ tàn tệ nhân danh những chủ thuyết bệnh hoạn nhập cảng ngoại lai. Những cuộc chạy thoát nhục nhằn. Cuộc sống mới thằng chẳng ra thằng, ông chẳng ra ông! Con cháu mang đầy mặc cảm thua kém phải nhuộm tóc đổi dạng đổi tên thành những John Wayne, Washington... Vẫn nghe nói nước mình có trên bốn ngàn năm văn hiến với lịch sử oai hùng, sao mà gia tài bây giờ tả tơi rách nát như vậy. Tự nhiên tôi thấy rùng mình về sự phi lí cuộc đời sinh ra làm người Việt đầy bất hạnh xui xẻo: sinh ra đó, bị vất ra đó, vật vã, giẫy giụa, rồi một ngày nào lăn ra chết..!
Mặc cảm là một thứ bệnh cùi bất trị. Trùng Hansen rúc rỉa đục khoét ngày đêm, khiến da thịt bầy nhầy sần sượng tê điếng. Ðôi khi tôi cố tìm quên bằng cách lăn xả vào xã hội mới theo vòng quay như con dế. Cũng bon chen chộp giật khua múa may ra khấm khá hơn chăng. Ðôi khi tôi tìm cách che giấu bằng những khoe mẽ bề ngoài, không hơn được Tây, được Mỹ, thì ít ra cũng phải tỏ ra “ta đây,” đạp được một số người mình theo kiểu “gà què ăn quẩn cối xay.” Cho bớt tủi ấy mà. Bỗng dưng tôi thấy mình thật tội nghiệp. Nói vậy mà chẳng phải vậy. Làm thế mà chẳng phải thế. Cái mặc cảm trong tôi điều khiển. Cái bệnh bất trị nó đang hành hạ! Tôi đang vật lộn với chính tôi.
VẬT LỘN VỚI CHÍNH MÌNH
Nhạc sĩ Phạm Duy đã diễn được đúng lúc cái tâm trạng của tôi, mà có thể cũng là của mỗi người Việt lúc này, qua hiện thân Hàn Mặc Tử. Ông cũng đã vật vã, đã tìm cách chữa trị đủ cách.
Từ cái “ngày bao hùng binh tiến lên” với khí phách người trẻ muốn khôi phục đất nước kiêu hùng. Nhưng rồi “bên cầu biên giới” giáp Tầu vùng Việt Bắc, trong lúc đang tay súng tay đàn ăn thua đủ, ông đã cảm thấy thuốc chữa không đơn giản như vậy. Cuộc chiến bên ngoài vẫn chỉ là phản ảnh những xung khắc trong lòng người, ngăn cách bởi chủ thuyết, bởi tham vọng, bởi lừa lọc. Nói theo ngôn ngữ mới của uyên tâm học, là những phóng chiếu con ma đen mai phục bên trong ra ngoài.
Ông đã thử tìm thuốc tiên gắn liền những ngăn cách bằng “Con Ðường Cái Quan,” là con đường Việt. Việt là Vượt. Vượt không gian và thời gian. Khởi hành từ ngày khai nguyên người Việt và đất Việt. Vượt qua vùng Ðộng Ðình sông Dương Tử, Cánh đồng Tương, theo cánh chim mẹ qua ải Nam Quan xuống vùng sông Hồng, sông Hương, sông Chín Con Rồng. Và bây giờ thì không ngừng ở mũi Cà Mau “ăn cá nướng trui ngày mưa,” mà vượt biên lang thang trên khắp thế giới. Rồi sắp sửa vượt cầu biên giới chuyến cuối cùng “đi vào ngàn mai” khi “nghe vang tiếng gọi càn khôn” trong Rong Khúc Hát Cho Năm 2000 của ông.
Sau những phẫn nộ ca, những ray rứt “thổ huyết” hát trên đưòng vượt biển, ông cũng thử vang lên lời gọi đàn của Chim Âu tổ mẫu “Mẹ Việt Nam” để cùng tung cánh với “Bầy Chim Hồi Xứ.” Nhưng rồi bấy chim vẫn chưa chuyển mình bao nhiêu, bỗng dưng như ông thấy một thị kiến khác: bầy chim không bay được vì đang bị bệnh quá nặng. Mà bay về đâu? Hồi xứ nào? Ông đang vật vã một lần nữa để tìm cho ra nơi mà ông cũng như mỗi người sẽ bay tới sau cuộc đời này. Nơi đó sẽ vượt thời gian, vượt không gian, không còn là chỗ này hay chỗ kia. Ông đã tìm bằng Ðạo ca, Thiền ca. Và bây giờ ông tìm ra con đường Việt, Vượt biên với Trường Ca Hàn Mặc Tử.
DIỄN TIẾN VIỆC CHỮA BỆNH
Nhà uyên tâm học John Sanford đã diễn tả tiến trình chữa tâm bệnh bằng câu truyện Gia-Cóp vật nhau với bóng đen trong Kinh Do Thái. Là những gì mình vốn sợ hãi. Càng tìm cách lẩn tránh hay dồn nén thì nó càng trở thành động lực bên trong hành hạ điều khiển mình khiến bị tâm bệnh, hoăc trở thành những hiện tượng lố lăng. Muốn được chữa lành, thì bước đầu tiên là phải nhận diện và vật nhau với chính nỗi sợ đó.
Gia-Cóp phải trốn chạy sang đất Haran tránh ông anh hung dữ là E-Sau. Sau nhiều năm tị nạn, Gia-cóp lại tính việc hồi hương về quê cha đất tổ. Nhưng rồi câu chuyện đâu có đơn giản như thế. Thằng anh E-Sau vẫn lăm le đòi làm thịt, cho quân ra chặn đường. Gia-Cóp đã dám nhận diện nỗi sợ đời mình và vật nhau với nó.
“Ðêm ấy, Gia-Cóp chỗi dậy đem vợ và hai tì nữ và mười một con, ông lội qua Giabboc. Oạng đem họ đi và cho họ lội qua khe, ông cũng đem qua những gì ông có. Rồi Gia-Cóp đã ở lại một mình. Và có người đã đến vật nhau với ông mãi cho tới hừng đông. Thấy mình không thắng nổi bên kia, thì bên này đạp cho một cái vào hông. Và Gia-cóp bị sái hông trong khi đấu vật. Người mới nói: Buông ta ra vì hừng đông đã rạng”. Nhưng ông nói: “Tôi sẽ không buông Người ra, trừ phi Người chúc lành cho tôi”. Người hỏi ông: “Tên ông là gì?” Ông đáp: Gia-Cóp”. Người ta sẽ không còn gọi ngươi là Gia-Cóp nữa, nhưng là Israel. Vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa cũng như với người ta, và ngươi thằÔng thế.” (Khởi Nguyên 32:23-29)
XEM TRỜI GIẢI NGHĨA YÊU
Hàn Mặc Tử sinh năm 1912 trong một gia Công giáo. Lúc mười mấy tuổi đã bắt đầu sáng tác được những bài thơ thật đặc sắc.
Phần đầu Trường Ca Hàn Mặc Tử là ba bài nói lên nét thanh bình đầy ắp thân thương, như diễn tả được cái đẹp điển hình của ba miền Bắc, Trung, Nam. Và đồng thời cũng là cái nên thơ đầu đời, cái kinh ngạc của cuộc sống qua những gì xem ra bình lặng tầm thường nhất.
- Tình Quê với:
Ngàn lau không tiếng nói,
Lòng anh dường đê mê.
- Ðây Thôn Vĩ Giạ như địa đàng mơ ước:
Sao anh không về chơi Thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
- Và vào miền Nam lên Ðà Lạt trăng mờ để thấy được lẽ nhiệm mầu của Ðấng Hóa Công:
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Ðể nghe dưới đáy nước hồ reo;
Ðể nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem Trời giải nghĩa yêu.
RÙNG RỢN ÐẾN VÔ BIÊN
Nhưng rồi bỗng dưng nhà thơ tài ba khám ra bị bệnh cùi. Bệnh cùi đáng sợ, trước hết vì là bệnh nan y, trước đây vào năm 1940 khi Hàn Mặc Tử qua đời thì chưa có thuốc gì chữa trị nổi, giống như bệnh ung thư và bệnh Aids bây giờ. Nhưng cái sợ nhất là sự tủi nhục cô đơn cùng độ. Ai cũng sợ người cùi như... sợ cùi! Chơi với cùi không cùi cũng ghẻ..! Mọi người xa tránh tởm gớm. Những người thân yêu cũng chẳng dám đến gần. Sợ lây. Người cùi luôn sống trong mặc cảm chẳng giống ai. Thịt da sượng sần nhầy nhụa. Các ngón tay ngón chân đỏ hoẻn rụng dần. Mặt mũi sần sùi méo lệch thấy mà ghê! Vì thế, trước khi chết thật vầ phần xác, người bị bệnh cùi đã phải trải qua cái chết tinh thần khủng khiếp hơn bội phần.
Vào khoảng năm 1936 Hàn Mặc Tử biết mình cùi qua những dấu vết trên da thịt, phải ở riêng ra một nơi vắng lặng trong một cái chòi xơ xác ở Gò Bồi cách Qui Nhơn 15 cây số, xa tránh hết mọi người. Oạng đã diễn tả sự vật vã này trong nỗi cô đơn từng đêm.
Phần II của Trường Ca là những tiếng hoảng hốt dữ dội, những tiếng hú hồn và tiếng sáo mèo ghê rợn, những giẫy giụa rên xiết như ông Gióp và những lời cầu khẩn van xin như tiên tri Giêrêmia trong Kinh Thánh.
Hồn là ai, là ai tôi chẳng biết.
Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi.
....
Hồn đã cắn đã cào nhai ngấu nghiến
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên.
....
Tiếng rú ban đêm rợn bóng mờ
Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng.
...
Chao ôi, ghê quá trong tư tưởng
Một vũng cô liêu cũ vạn đời.
...
Bây giờ tôi dại tôi điên
Chắp tay tôi lạy cả miền không gian.
...
Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi !
Hàn Mặc Tử đã diễn tả được tất cả những gì khủng khiếp của người bị bệnh cùi, đã trở nên hiện thân và kết tinh của tất cả những gì khốn nạn nhất của một kiếp người, qua những bài thơ có một không hai trong văn chương Việt và nhân loại, và gom lại thành tập “Ðau Thương”.
PHÉP NÀO GIẢI THOÁT?
Nếu chỉ có thế thì cuộc đời này đáng sợ thật! Dù có tìm lí luận này hay tưởng tượng nọ để mà tự an ủi thì cuộc sống tự nó vẫn là một phi lí. Nhưng một thời gian trước khi chết, những bài thơ kế tiếp là những bài thơ đầy sức sống an bình và cảm tạ. Tất cả những bài thơ này được gom lại thành tập “Xuân Như Ý,” trong đó bài “Thánh Nữ Ðồng Trinh Maria”:
Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho tới cõi Thiên Ðàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.
Dù Hàn Mặc Tử vẫn chết vì bệnh cùi tại nhà thương Qui Hòa năm 1940 lúc mới 28 tuổi, nhưng thực sự ông đã được ơn lột xác thành một người mới là “Thánh Thể kết tinh” tươi đẹp lành lặn có sức “vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất” vì “ta là chim phượng hoàng” như ông đã cảm nghiệm. Oạng đang thấy mùa xuân nở qua những khổ đau. Nơi nào, lúc nào cũng là mùa xuân.
Tứ thời xuân, tứ thời xuân non nước
Phút thiêng liêng nhuần gội áng hào quang
Thiên hạ bình và Trời tuôn ơn phước
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian.
Sau khi chết, trong túi áo ông, các nữ tu coi sóc nhà cùi đã tìm thấy bài viết “Linh Hồn Thanh Khiết”:
“Tôi muốn tắm trong đại dương ánh sáng, trong biển hồn kính mến thiêng liêng. Nhiều phép lạ bởi Trời đưa xuống, người thế gian nghẹn ngào vì cảm mộ khi quan chiêm công trình thần bí Ðấng Tối Cao.”
Trần Thanh Mại trong cuốn Hàn Mặc Tử xuất bản năm 1941 đã có nhiều nhận xét tỏ ra thán phục Hàn Mặc Tử, nhưng ông vẫn không hiểu được tại sao nhà thơ kì lạ này có thể tâm sự: “Tuy cực khổ thế mà tôi vẫn an vui, ngày nào cũng có cười cả. Nếu là không cười với ai, thì lại cười một mình, xem ra thú vị không biết mấy." Ðiều gì đã tạo ra sự thay đổi lạ lùng này? Và Ông Mại đã không ngần ngại phê bình ngay: “Trong câu nói đơn sơ ấy, người ta nhận thấy một mối si gan ghê gớm, khiến cho ngưòi ta phải rùng mình, như đứng trước một cái gì không thuộc giống người, một thứ gì của yêu quái đưa ra để mà nhát người thường.” (trang 127).
Và vì thấy thơ Hàn Mặc Tử có quá nhiều ý tưởng và hình ảnh lạ, Ông Mại liền vội kết luận ngay là Hàn Mặc Tử bị ảnh hưởng phái tượng trưng bên Pháp của Mallarmé: “Phái tượng trưng cho rằng muốn cho thơ lên cái mức thuần túy, phải làm cho nó bí hiểm, tối tăm, Ngoài những ý tưởng kì dị phi thường, sự cố ý làm cho tối nghĩa ấy đã đưa Mallarmé đến lối đổi cả mẹo luật... Tiếng nói bây giờ chỉ thành những dấu hiệu, những âm nhạc điệu. Người đọc càng không hiểu chừng nào càng tốt chừng nấy.” (trang 140)
ÁNH TRĂNG HAY ÁNH SÁNG?
Một hình ảnh nổi nhất trong hầu hết các bài thơ Hàn Mặc Tử là Trăng. Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang cũng lập luận như Ông Trần Thanh Mại, cho là vì “trùng cùi Hansen đục khoét thân xác nhiều về đêm, làm đau đớn nhiều về đêm nên bệnh nhân mất ngủ và lấy trăng làm nguồn an ủi, nơi giãi bày thống khổ. Biết chắc thêm một điều nữa là những vi trùng Hansen đã làm tổn hại giây thần kinh mắt của người bệnh khiến bệnh nhân thích sống với ánh trăng êm dịu hơn” (Nguyệt san Y Tế, bộ 1, số 12, tháng 12.1993).
Nhận xét trên có thể đúng ở một khía cạnh nào đó, nhưng không đủ để giải thích những cái thấy lạ lùng nơi Hàn Mặc Tử. Thì đây chính Hàn Mặc Tử trả lời trong bài “Chơi Giữa Mùa Trăng” khi còn nhỏ lúc khoảng 12 tuổi với người chị là Nguyễn Như Lễ: “Những phút sáng láng như hôm nay soi sáng linh hồn tôi, và giải thoát cái “ta” của tôi ra khỏi nơi giam cầm của xác thịt... Chị ơi, rồi ánh sáng đêm nay sẽ tan đi, ta sẽ buồn thương và nhớ tiếc. Em muốn bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi...”
Trong “Hàn Mặc Tử Anh Tôi” do Tin xuất bản năm 1990, người em ruột là Nguyễn Bá Tín đã “bật mí” một số chi tiết quan trọng mà thiếu những chi tiết đó thì khó lòng mà hiểu được Hàn Mặc Tử.
Hồi nhỏ Hàn Mặc Tử Nguyễn Trọng Trí là một chú bé đầy hoạt lực, mê thích đủ thứ. Cái ám ảnh về trăng bắt đầu bằng những kỷ niệm đẹp của những đêm trăng hồi còn rất nhỏ ở động cát gần Sa Kỳ, Quảng Ngãi, chứ đâu phải vì trùng Hansen: “Trăng bao phủ tứ phía bằng một ánh sáng lung linh, chờn chợn, khó phân biệt từ trên trăng tỏa xuống hay từ cát trắng chiếu lên” (trang 19). Mê trăng là vì ánh sáng trăng lung linh huyền ảo dẫn đi tìm ánh sáng muôn năm.
(tiếp lần tới, bài 2: Những huyền bí bên kia cõi chết qua hiện tượng Hàn Mặc Tử)
Lm. Trần Cao Tường; e-mail: andytuong@cox.net