"tình khúc tháng mười một."
CÕI ÐÓ
Giữa tháng tám năm 1999, tôi có dịp tham dự và góp phần trong khóa học về đề tài “Sự Chết và Ðời Sống Vĩnh Cửu” do Viện Triết Thần tổ chức tại California. Ðang lúc ai cũng ham sống, tìm cách sống lâu thêm cho được hưởng đời mà Viện Triết Thần lại đi bàn chuyện chết, liệu có gì hấp dẫn?! Vậy mà khóa đã thật sống động, nhiều điều mới lạ và thích thú được mở ra. Cái chết là đề tài cũ rích đáng sợ nhất không ngờ lại là điều luôn hiện đại. Có người bảo chỉ khi nào biết chết thì mới bắt đầu biết sống.
Thì mỗi ngày đều đầy những tin tức chết chóc trên báo hay Tivi đó. Kìa vụ động đất vừa xảy ra bên Thổ Nhĩ Kỳ chết bộn người, nhà cửa đổ nát, máu me và nước mắt tràn ngập. Kìa trên Chicago trời nóng quá, nhiều nhà nghèo không có máy lạnh nên đã biếu tử thần mấy trăm mạng rồi...
Xem ra tôi vẫn đọc tin như vậy một cách bình thản, dù đôi khi cũng vương một chút thương tâm, nhưng thực sự tất cả vẫn ở ngoài tôi, vẫn ở xa tôi, chẳng liên hệ gì cả. Lý do dễ hiểu là vì ai chết ấy chứ có phải tôi đâu, hay ít ra cũng có phải những người thân yêu của tôi đâu! Mình hơi buồn vì họ chết mà trong bụng thì mừng vì thấy được mình vẫn còn sống!
THỜI ÐIỂM TẬP CHẾT
TRONG KHÓA TRIẾT THẦN
Thú thực, trong suốt khóa học, tôi được nghe nhiều tư tưởng hấp dẫn, nhiều khám phá mới mẻ của nhiều nhà thông thái lỗi lạc, nhưng tôi lại bị, hay được một đoạn thật ngắn gây xúc động bất ngờ. Hình ảnh cứ lảng vảng bên trong suốt mấy ngày. Ðó là khi giáo sư Nguyễn Thái Hợp nhắc tới câu chuyện nhà thơ Du Tử Lê ngồi đối diện với quan tài của người mẹ thân yêu đã suốt đời khổ nhục mà nay sắp tan vào bụi đất. Ông đã trăn trở với vấn nạn thẳm sâu nhất của một đời người:
Chưa bao giờ tôi thấy,
tại sao kiếp người lại có thể vô nghĩa đến thế.
thầy M.G. nói, chết là về nhà
ông quên chỉ, ngôi nhà nào đây?
trên mặt đất hay sâu lòng địa ngục?
Tôi hình dung ra cảnh chính mình một ngày nào đó cũng đóng vai trò Du Tử Lê phải từ biệt người mẹ thân yêu nhất đời, vĩnh viễn hay có ngày gặp lại? Ðúng vậy, chỉ khi nào đụng chạm tới những gì thân thiết nhất, mình mới nhận ra rằng những điều suy nghĩ trước đây dù sao vẫn chỉ là những cái ở ngoài, còn bây giờ “cái đó” đã trở thành “cái này” rồi. Hơn nữa, cứ tưởng tượng mà coi, chiếc quan tài kia lại đang chứa thi hài của chính mình, nằm bất động giữa bao nghi lễ và thủ tục đang diễn ra... rồi cũng được di chuyển tới nghĩa trang. Cõi đó, riêng tôi. Một mình...
Vũ Khắc Khoan trong “Ðọc Kinh” đã khắc khoải nói lên: “Cái đó, cái mà cho đến hôm nay, chưa một vị thiện-trí-thức, chưa một vị bồ tát nào mô tả được hình tượng, xác định được thể chất, cái đó có thể giản dị như mưa và nắng, hiện hữu rất tự nhiên -mặt trời lại mọc lúc đêm tàn- nhưng cũng lại có thể vô cùng phức tạp, ẩn hiện vô lường, vô lượng danh hiệu... Những nửa khuya tỉnh giấc, cái đó - chính nó- đôi khi vẫn thấp thoáng trong tôi, hóa trang thành những lời tra vấn trớ trêu, những tại sao ray rứt, lãng đãng quanh tôi, tưởng như dễ dàng nắm bắt, bỗng lại xa vời, nhòa dần, biến hẳn tuyệt mù.”
Và Vũ Khắc Khoan đã khơi dậy câu hỏi ngàn đời nay trở thành câu hỏi chính mình: “Cõi đó, lạ lạ quen quen. Cõi đó hằng đêm. Cõi đó, riêng tôi. Một mình.” (Ðọc Kinh, An Tiêm xuất bản, trang 40)
ÐI VÀO CÕI LỚN
Muốn lý luận gì thì lý luận, nhưng đứng trước quan tài của một người thương yêu, mình mới thấy thấm thía. Thân xác đẹp đẽ có quấn quít mấy rồi cũng thối rữa. Cái gì còn lại? Câu nói từ thực chứng não nề của Du Tử Lê có uy lực lay động con tim, thay đổi nhãn quan của cả một đời người: “Chưa bao giờ tôi thấy, tại sao kiếp người lại có thể vô nghĩa đến thế.” Vợ chồng dù có trở thành một xương một thịt, rồi cũng đến một lúc thấy chẳng phải vậy khi một trong hai phải bước đi lên xe hoa là chiếc quan tài mà bay vào cõi đó. Một mình.
Cùng trong thời gian này, nữ ca sĩ Thái Hằng là hiền thê của nhạc sĩ Phạm Duy đã ra đi sau sáu tháng vật lộn với con bệnh ung thư. Trước đây mấy năm nhạc sĩ Phạm Duy đã sửa soạn cho khúc tạ từ này rồi trong Rong Khúc Hát Cho Năm 2000:
Anh dẫn Em vươn tới miền an tĩnh
Cho bớt mông mênh cõi sinh mệnh buồn
Ở nhịp trần gian, quay cuồng...
Anh đã nghe vang tiếng gọi càn khôn
Nhưng nếu Em yêu muốn vào cõi lớn...
Anh dắt tay Em đi vào Ngàn Mai
Anh khoác vai Em bước về Ngàn Xưa
Ai mà chả có một lần ra đi. Sinh ký tử qui: sống gửi thác về. Nhưng về đâu, quê nào, nhà nào, thì vẫn là một câu hỏi khúc mắc nhất. Cõi lớn nào, Ngàn Mai nào, Ngàn Xưa nào? Ðó là một niềm tin hay một ảo tưởng? Có lần tôi đã tâm sự với nhạc sĩ Phạm Duy như vậy trong Ðêm Hàn Mặc Tử ở New Orleans, khi thấy Hàn Mặc Tử đã cảm nghiệm được cõi đó là cõi sáng của tình yêu rung động lớp hào quang:
Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi miền
Không u ám như cõi lòng ma quỉ
Vì có Ðấng Hằng Sống hằng ngự trị
Nhạc thiêng liêng dồn trổi khắp hư linh.
Ðúng là đứng trước cái chết, con người mới thấy niềm tin quan trọng tới cỡ nào. Niềm tin sống gửi thác về gắn liền với sinh mệnh người mình. Vì thế mà nhiều người lớn tuổi thản nhiên mua trước cỗ quan tài để sẵn trong nhà, như sắm sẵn một chiếc xe để đi về quê mẹ sau những chiều chiều ra đứng ngõ sau vọng nhìn canh cánh ruột đau chín chiều.
TIN VUI NẮM BẮT ÐƯỢC CHÌA KHÓA
Khóa Triết Thần vừa qua cũng nhằm trả lời cho câu hỏi ngàn đời trên. Giáo sư Như Hạnh Nguyễn Tự Cường, nhà Phật học có thế giá vào bậc nhất hiện nay, cũng góp phần diễn tả niềm tin vào Cuộc Sống Vĩnh Cửu là cõi Tịnh Ðộ, cõi Niết Bàn, theo quan niệm Phật giáo. Thần học gia Phan Ðình Cho thì thao thao về một Ðức Kitô là thân mình vũ trụ (Cosmic Christ) theo hướng “Bài Ca Vũ Trụ” (Hymn of the Universe) của Teihard de Chardin. Cái nhìn rất hiện đại này đã được thi sĩ William Blake hé mở từ lâu:
Thấy được cả đất trời trong một hạt cát nhỏ
Và thấy cả thiên đàng trong một bông hoa dại.
Hãy chứa đựng cõi vô biên trong lòng bàn tay
Và nắm bắt được vĩnh cửu trong một tiếng đồng hồ.
Như vậy, Quê Mẹ, Cõi Lớn, Ngàn Xưa, Ngàn Mai... đã bắt đầu từ giây phút hiện tại trong cuộc sống đời thường; đồng thời cũng vượt qua không gian và thời gian mà đi vào vĩnh cửu. Bởi vì chính Chúa Trời là cõi đó, là ngôi nhà hằng thể, là bến đậu vĩnh hằng, là nguyên thủy và là cùng đích, là Alpha và là Omega: Chúa là gia nghiệp đời con, như thánh vịnh từng diễn lên.
Chân lý của Chúa thì trường tồn, nhưng cần được diễn đạt cho hợp với văn hóa mỗi dân tộc cũng như cảm quan thời đại; vì thế mà cần đến suy tư thần học. Mỗi khía cạnh về Ðức Kitô cũng được nhấn mạnh theo cảm quan đó. Tuy nhiên tất cả cũng chỉ là những suy tư để mở rộng nhãn giới, để hội nhập môi trường. Ðiều quan trọng vẫn là có gặp gỡ được chính Chúa trong tương giao thân tình hay không. Vì thế mà trong Tin Vui Chúa Giêsu đã hỏi cho rõ: “Người ta bảo Con Người là ai?”
Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, là Êlia, là Giêrêmia hay một vị ngôn sứ nào đó. Người thì bảo là Ðấng Giải Phóng mang công bằng xã hội, là Thân Mình trời đất v.v. Nhưng Chúa muốn biết liên hệ tình nghĩa của từng người. Chúa muốn mỗi người nhận ra Chúa không do một mớ lý thuyết hay ý niệm nào cả, mà như một người thân thương có con tim biết rung động: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16:15). Ðây là lúc người tin Ðạo nhìn sâu vào con mắt rưng rưng cảm động của Chúa mà trả lời như thánh Phêrô, và đó cũng là nắm bắt được then chốt của triết thần. Nhìn được như vậy là được trao chìa khóa Nước Trời (Mt 16:19) mà mở cửa bước vào quê nhà ấm êm gặp gỡ chính Chúa vẫn luôn sống động hiện hữu đây: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16:16).
PHÚT CHỜ BÃO EL NINO
Nhà thơ Du Tử Lê sau nhiều trăn trở đã bước tới cảm nghiệm thật lạ trong thi tập Hoa Nào Tin Quả Ðắng Ðến Không Ngờ. Trong lúc chờ cơn bão El Nino chụp xuống, mọi vật mọi loài đều biết tìm cách trú núp, phương chi là con người.
thì ra, không chỉ em và, tôi
ngay thời gian / chim muông / mây, gió /. .. /
cũng cần một nơi
để treo / móc /
những đồ lỉnh kỉnh
cuối đời chúng.
Mong ước của cả một đời người là tìm được “một chỗ cất dấu rất an toàn” nơi tình yêu, nơi mái tóc, nơi trái tim, nơi nụ cười. Ðúng vậy, tình yêu tinh ròng thì đi vào vĩnh cửu, vì Thượng Ðế chính là tình yêu, như Thánh Kinh đã tỏ lộ. Bến đậu vĩnh hằng nơi quê trời đây không còn như một khối lực vô vị tẻ lạnh đến rợn người như kiểu tượng muối hòa tan trong biển cả mênh mông, mà là một Thượng Ðế Tình Yêu trong tương giao ấm áp cõi lòng với rung động con tim như Du Tử Lê cảm nghiệm:
tất cả những nơi cất dấu nọ
(ngay linh hồn tôi)
lại được cất dấu an toàn:
-trong bàn tay Thượng Ðế.
Cõi Đó trong Khúc Sáo Ân Tình, Lm. Trần Cao Tường. Thời Điểm xuất bản. Và in trong Du Tử Lê & Tác Phẩm, "tình khúc tháng mười một." HT productions.
(Cảm ơn anh Du Tử Lê đã đến đón tôi rủ đi ăn trưa hôm đó để có giờ hàn huyên thêm về "Cõi Đó")
e-mail: andytuong@cox.net