1. Linh mục Los Angeles qua đời đột ngột ngay trên bàn thờ gây thương tiếc cho nhiều người
Chào đời đầy bất lợi, mất cha năm 8 tuổi và sống sót sau trận chiến gay go với bệnh ung thư, Cha Adrian San Juan biết một điều chắc chắn rằng ngài “sẽ sớm về với Chúa”.
Thái độ đó - và những kỷ niệm về lòng nhiệt thành của vị linh mục trẻ đối với Chúa Kitô - là những gì còn lại đang an ủi những giáo dân đau buồn, những người thân và các linh mục đồng nghiệp sững sờ trước tin tức về sự ra đi đột ngột của vị linh mục 43 tuổi vào hôm Thứ Bảy, ngày 19 tháng 9, sau khi gục ngã tại một lễ cưới tại Nhà thờ St. Linus ở Norwalk, California, nơi ngài là quyền Cha Sở.
“Ngài qua đời khi đang thực thi những gì ngài yêu mến nhất: là cử hành Thánh Thể,” Rafael Alvarez, một giáo dân giáo xứ St. Linus và là một chủng sinh tại chủng viện Nữ Vương Các Thánh Thiên Thần của California. “Thánh lễ là một trong những khoảnh khắc vui nhất của ngài,” Alvarez nói.
Alvarez đã giúp lễ cho Cha San Juan khi ngài bước lên một khán đài được dựng làm nhà thờ ngoài trời. “Ngài hôn bàn thờ, và chờ đợi cho đôi tân hôn đang tiến lên bàn thờ”. Nhưng một lúc sau, có điều gì đó “không ổn”: trước sự ngạc nhiên của Alvarez, Cha San Juan đến ngồi vào ghế chủ tọa trước khi ngã xuống đất.
Các nhân viên y tế đã được gọi đến và cố gắng hô hấp nhân tạo cho Cha San Juan. Vị linh mục rõ ràng đang có vấn đề về tim. Ngài được đưa ngay đến Bệnh viện PIH Whittier trong khi một linh mục khác tại St. Linus, là Cha Marco Reyes, bước ra để tiếp tục lễ cưới.
Cha San Juan được báo cáo là đã chết một thời gian ngắn sau đó. Một nhóm nhỏ các thành viên trong gia đình được phép vào bệnh viện thăm ngài một lúc, và một linh mục đã có thể cử hành những nghi thức cuối cùng cho ngài.
Tuy nhiên, bất chấp cú sốc về cái chết của vị linh mục có vẻ khỏe mạnh, những người biết vị linh mục cho biết họ được an ủi rằng sự ra đi của ngài trước bàn thờ, diễn ra sau “cuộc sống thứ hai” trong đó ngài đã sống trọn vẹn ơn gọi của mình.
Cha San Juan là con cuối cùng trong gia đình có 6 người con. Cha chào đời vào năm 1976 tại Valenzuela, Philippines, một vùng ngoại ô của thủ đô Manila. Sự ra đời của cậu bé được chào đón như một bất ngờ kỳ diệu. Mẹ ngài hạ sinh ngài 11 năm sau khi hạ sinh người con thứ 5.
“Bởi vì tuổi cao, mẹ tôi đã có một thai kỳ rất khó khăn”, Victoria Siongco, người chị của vị linh mục quá cố cho biết. “Mẹ tôi suýt đã xảy thai.”
Mẹ của ngài, bà cố Gloria, đã phải nằm yên trên giường trong những tháng cuối của thai kỳ, cầu xin Chúa cho mẹ tròn con vuông.
“Chúng tôi thường nhìn thấy mẹ tôi cầu nguyện mỗi ngày với vòng tay dang rộng, như một biểu hiện hy sinh, để mất không mất em tôi.”
Sau một ca sinh nở phức tạp, hai mẹ con đều mạnh khoẻ. Tám năm sau, thời kỳ khó khăn lại ập đến với gia đình khi cha ngài, là ông cố Carlos, phải chống chọi với căn bệnh ung thư phổi.
Theo Siongco, em trai cô đã có dấu hiệu được ơn thiên triệu ngay cả trước khi bắt đầu học tiểu học. Cậu San Juan bị cuốn hút trước những cuộc rước kiệu và đã hát trong nhà thờ vào năm 3 tuổi.
“Em tôi yêu mến các vị thánh, thích cầu nguyện, ca hát, và yêu mến mọi thứ liên quan đến nhà thờ”.
Những người thân cận nhất với Cha San Juan nói rằng cuộc đời ngài được đánh dấu trên hết bởi một trải nghiệm sinh tử trong thời gian đó với một chẩn đoán ung thư tinh hoàn vào năm 2002, vài tháng trước khi ngài dự trù được thụ phong linh mục.
Hóa trị khiến ngài không còn một cọng tóc, xanh xao và gầy gò, nhưng ngài đã thề sẽ theo đuổi bằng được chức linh mục. Gia đình, bạn bè, các chủng sinh cùng lớp, và thậm chí cả các giáo sư đã tập hợp lại để cầu nguyện, và bệnh ung thư đã thuyên giảm vào năm 2003. Ngài được thụ phong linh mục vào năm sau đó.”
“Đây là cuộc đời thứ hai của tôi, không nghi ngờ gì nữa,” Cha San Juan nói với Tạp chí Phillipine Sunday Inquirer của Manila trong một cuộc phỏng vấn sau khi thụ phong vào năm 2004. “Tôi thấy mình trong tay của một người Cha nhân từ. Cuộc sống thứ hai là sự mặc khải của Ngài cho tôi rằng tôi có sứ mệnh phải làm vì Danh Ngài.”
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, vị tân linh mục chia sẻ rằng cuộc chiến với căn bệnh ung thư đã mang lại cho ngài nhiều niềm vui và một đức tin mạnh mẽ hơn.
Cha San Juan nói ngài dành “cuộc sống thứ hai” đặc biệt để tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa, Đức Trinh Nữ Maria, và sự can thiệp kỳ diệu của Thánh Têrêsa thành Lisieux, mà ngài có một lòng sùng mộ nhiệt thành trong phần còn lại của cuộc đời mình.
Sau sáu năm làm mục vụ tại các giáo xứ và trường học ở Manila, Cha San Juan chuyển đến Tổng giáo phận Los Angeles vào năm 2010 để được gần gia đình hơn. Ngài đã phục vụ tại một số giáo xứ, và chính thức nhập tịch tổng giáo phận vào năm 2015.
Cha San Juan được biết đến như một “linh mục thánh thiện, người có khiếu hài hước tuyệt vời và luôn nở nụ cười trên môi”, theo lời của Đức Ông Jim Halley, Phụ trách Giáo sĩ Tổng giáo phận Los Angeles.
Source:Catholic News Agency
2. Thánh lễ cầu nguyện cho 357 tu sĩ Tây Ban Nha qua đời vì corona virus.
Ủy ban Tu sĩ Tây Ban Nha thông báo rằng vào ngày 29 tháng 9 năm 2020, lễ các Tổng lãnh thiên thần Micae, Gabriel và Rafael, Giáo hội nước này sẽ cử hành một ngày cầu nguyện cho 357 tu sĩ đã qua đời trong đại dịch corona virus ở Tây Ban Nha và mời gọi các cộng đồng tôn giáo cùng tham gia.
Thông cáo của Ủy ban tu sĩ khẳng định: “Họ đã trung thành cho đến phút cuối. Và chính trong sự trung thành đó, các anh chị em của chúng ta đã có thể tạo ra mối liên kết hoàn toàn trung thành với Chúa là Ðấng đã kêu gọi họ phục vụ Người. Vì lý do này, giữa nỗi đau mất mát, chúng ta biết ơn chứng tá cho đến cùng của họ.”
Theo dữ liệu được Ủy ban tu sĩ Tây Ban Nha cập nhật vào ngày 25 tháng 9 năm 2020, có 357 tu sĩ thuộc 73 hội dòng đã chết vì Covid-19. Ủy ban cho biết dữ liệu tiếp tục được cập nhật mỗi ngày. Ðó là lý do tại sao Ủy ban đã tuyên bố rằng “cách tốt nhất để tôn vinh những người đã qua đời của chúng ta là dành một ngày vào tháng 9 này để tưởng nhớ họ.”
Chứng tá, lòng trung thành theo Chúa đến cùng
Bằng cách này, vào ngày 29 tháng 9 năm 2020, tất cả các cộng đoàn được mời gọi “trong kinh nguyện buổi sáng, trong Thánh lễ cộng đoàn và trong buổi cầu nguyện ban chiều, tưởng nhớ tất cả các tu sĩ qua đời, nhắc tên họ vào giờ cầu nguyện của cộng đoàn”.
Ủy ban Tu sĩ cũng đề nghị đặt “một tờ giấy trên bàn thờ có ghi tên của mọi người” và cộng đoàn “tạ ơn Chúa vì chứng tá, lòng trung thành, sự kiên trì của họ trong nghịch cảnh và quyết định của họ đi theo lời kêu gọi của Chúa đến cùng.” Ủy ban cũng mời gọi chia sẻ giờ cầu nguyện này trên các mạng xã hội để nó là một tưởng niệm nho nhỏ đối với các anh chị em của chúng ta, những người đã ra đi nhưng vẫn hiện diện giữa chúng ta với ký ức và kinh nghiệm của họ về đức tin và đặc sủng mà họ đã làm cho phong phú”
3. Bí Quyết Hạnh Phúc
Trong một chương trình truyền hình Mỹ, người ta phỏng vấn một cụ già, tuổi hạc rất cao. Người ta đặt câu hỏi như sau: “Thưa cụ, chắc cụ có một bí quyết đặc biệt để được hạnh phúc?”
Cụ già trả lời một cách đơn sơ như sau: “Không, tôi chẳng có bí quyết nào gọi là đặc biệt cả. Trái lại, nó rất đơn giản như chiếc mũi trên mặt ông vậy!”. Cụ già giải thích như sau: “Mỗi buổi sáng mai, lúc thức dậy, tôi có hai điều chọn lựa, một là sống hạnh phúc, hai là sống bất hạnh. Ông nghĩ xem, tôi sẽ chọn điều nào? Dĩ nhiên tôi phải chọn được hạnh phúc”.
Câu trả lời trên đây của cụ già thật đơn giản. Abraham Lincol đã nói như sau: “Con người sở dĩ có được hạnh phúc, sung sướng hay không cũng tại lòng tưởng nghĩ như vậy”. Bạn có thể hạnh phúc, nếu bạn muốn như thế. Ðó là điều dễ thực hiện nhất trên đời. Bạn hãy chọn lựa sự bất hạnh. Ði đến đâu bạn cũng than thân trách phận, chắc chắn bạn sẽ được như ý. Nhưng nếu lúc nào bạn cũng tự nhủ rằng: “Mọi việc đều tốt đẹp, đời vẫn đẹp và đáng sống. Tôi chọn sống hạnh phúc”, thì chắc chắn bạn sẽ được điều bạn muốn.
Trẻ con rành về nghệ thuật sống hạnh phúc hơn người lớn. Trẻ em mang vào giấc ngủ của mình vô số những mộng mơ và chúng cũng thức giấc với vô số những mộng ước, trong đó cơ bản nhất vẫn là được vui chơi.
Người lớn mà có được một tinh thần như trẻ thơ lúc tráng niên và vào tuổi già, thì quả là một thiên tài, vì họ nắm được niềm hạnh phúc thật trong tâm hồn mà Chúa đã dành để cho tuổi thanh xuân. Chúa Giêsu quả là tế nhị khi Ngài nói với chúng ta rằng cần phải có tinh thần trẻ thơ thì mới vào được Nước Trời. Nước Trời là gì nếu không phải là được sống hoan lạc trong tình yêu thương của Chúa?