Trong khi người ta bàn luận rất nhiều về khuynh hướng bảo thủ cuả bà Barrett, về khả năng Roe V. Wade sẽ bị lật đổ hoặc Obamacare có thể trở thành vi hiến, thì không hề có ai trong giới pháp luật đã có thể nghi ngờ về khả năng trí óc hàng đầu và thái độ lịch lãm của bà Barrett, ngay cả với một người hoàn toàn bất đồng như ông Noah Feldman, giáo sư luật ở Harvard và đứng đầu trong giới cấp tiến, ông viết trên Bloomberg rằng:
”Tôi đã biết bà Barrett hơn 20 năm trước khi chúng tôi làm thư ký tại Tòa án Tối cao trong nhiệm kỳ 1998-99. Trong số ba mươi thư ký năm đó thì bà Barrett là nổi bật, tất cả chúng tôi đều đã tốt nghiệp hàng đầu ở các trường luật và đã tập sự tại các toà phúc thẩm có uy tín trước khi đến làm việc tại tòa tối cao. Bà Barrett có một sự nhạy bén pháp lý thuần túy, giữ tiết độ trong các vấn đề chủ quan và ngoài khoa học, bà là một trong hai luật sư mạnh nhất. Người còn lại là bà Jenny Martinez, hiện là viện trưởng trường Luật Stanford… Khi được giao cho một trường hợp cực kỳ phức tạp, khó khăn, đặc biệt liên quan đến một chương trình khó hiểu theo luật định, trước tiên tôi sẽ tìm đến bà Barrett để được giải thích. Sau đó, tôi tìm đến bà Martinez để được gợi ý nên suy nghĩ thê nào... Trong một thế giới mà người ta dựa vào công đức mà thôi, thì bà Barrett và bà Martinez đều xứng đáng phục vụ tại Tòa án Tối cao…Thêm vào đó, bà Barrett là một người chân thành, đáng yêu. Tôi không bao giờ nghe bà ấy thốt ra một từ không chu đáo và thiếu tử tế - kể cả trong những lúc nóng bỏng khi có sự bất đồng sâu sắc về các chủ đề quan trọng. Bà ấy sẽ là một đồng nghiệp lý tưởng. Tôi không thực sự tin vào "tính khí tư pháp” mà một số thẩm phán vĩ đại đã biểu hiện qua những hành vi cáu kỉnh, khó khăn và hay thay đổi. Nhưng nếu bạn tin vào một ‘tính khí tư pháp’ lý tưởng có sự bình tĩnh và chừng mực, thì xin yên tâm rằng bà Barrett có những tính khí ấy.”
Ở tuổi 48 còn quá trẻ, bà ấy sẽ định hình tòa án tối cao trong nhiều thế hệ.
Nhưng điều quan trọng hơn cả mà trường hợp cuả bà Barrett có khả năng ảnh hưởng tới nhiều thế hệ sau này, theo bà Erika Bachiochi, thành viên của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công và là thành viên cấp cao cuả viện Abigail Adams, thì cái gương cuả bà Barrett sẽ là một chất xúc tác để cho người ta suy nghĩ lại về một phong trào xã hội mạnh mẽ nhất trong nửa thế kỷ qua: đó là phong trào nữ quyền.
Theo bà Erika Bachiochi viết trên Politico, thì “chủ trương luật pháp mà bà Ginsburg thúc đẩy trong những năm 1970, là một chủ trương xem xét lại cách thức mà người phụ nữ bị gò bó làm người nội trợ trong khi người đàn ông là người chu cấp. Những chiến thắng chống phân biệt đối xử của bà đã mở ra một kỷ nguyên mới, trong đó nam giới và phụ nữ đều có thể tham gia vào cả hai lãnh vực (nội trợ và làm việc), tùy theo tài năng và hoàn cảnh cá nhân của họ.”
Nhưng bà Ginsburg cũng coi quyền phá thai là trọng tâm của bình đẳng tình dục và sự lãnh đạo của bà đã phát sinh ra một phong trào tập trung vào việc phá thai cho đến ngày nay. Tiếc thay, thay vì tạo hoàn cảnh cho phụ nữ được bình đẳng với nam giới, việc hiến pháp hóa quyền phá thai đã làm giảm bớt trách nhiệm của nam giới trong quan hệ tình dục, và do đó, đã bỏ qua trách nhiệm chăm sóc cho những đứa trẻ mà những người cha đáng lẽ phải chia sẻ một cách bình đẳng.
Bà Barrett là hiện thân của một loại nữ quyền mới, một nữ quyền được xây dựng dựa trên công trình chống phân biệt đối xử đáng ca ngợi của Ginsburg nhưng còn đi xa hơn. Nó không chỉ nhấn mạnh vào sự bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ, mà còn về trách nhiệm chung, đặc biệt trong lĩnh vực đời sống gia đình. Trong chủ nghĩa nữ quyền mới này, bình đẳng tình dục không là việc bắt chước khả năng của nam giới để tránh mang thai ngoài ý muốn thông qua phá thai, mà là đòi hỏi nam giới đáp ứng phụ nữ với một tinh thần trách nhiệm cao, có đi có lại và có sự quan tâm.
Tại buổi điều trần xác nhận tại Thượng viện của bà Barrett vào năm 2017, Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein đã nhận xét một cách rõ ràng: “Bà đang gây tranh cãi vì nhiều người trong chúng tôi đã sống cuộc sống như một phụ nữ thực sự nhận ra giá trị của việc cuối cùng là có thể kiểm soát hệ thống sinh sản của mình, và Roe đã tham gia vào điều đó.”
Câu chuyện về cuộc đời của bà Barrett đã khiến cho những người tranh đấu cho nữ quyền lớn tuổi như bà Feinstein phải ngỡ ngàng vì việc sinh con và nuôi con từ lâu vẫn ngụ ý là sự duy trì một kịch bản cuả xã hội truyền thống, trong đó người phụ nữ phải ở nhà với lũ trẻ.
Lúc đó việc một bà mẹ có bảy người con mà có thể trở thành một thẩm phán liên bang dường như là rất khó tưởng tượng nổi: Làm sao mà bà ấy có thể vươn lên đỉnh cao nghề nghiệp mà đồng thời “hoàn toàn chiu chắt” với đàn con, một điều bí ẩn không phù hợp với bất kỳ một mẫu mực nào đã có.
Trong một cuộc trò chuyện năm 2019 tại Câu lạc bộ Notre Dame ở Washington DC, bà Barrett đã được hỏi làm thế nào, trong khi nuôi dạy rất nhiều đứa trẻ, hai trong số đó được nhận nuôi từ Haiti và một đứa có nhu cầu đặc biệt, bà có thể cân bằng giữa cuộc sống gia đình với công việc đòi hỏi của mình. Bà đã trả lời cùng một câu trả lời năm 2017 sau lời nhận xét cuả bà Feinstein.
Bà Barrett đã khen ngợi chồng mình (cũng là một luật sư): “Chúng tôi lập chương trình để có một người ở nhà vào những thời điểm khác nhau… Điều thực sự làm cho việc đó hoạt động được là vì có nỗ lực chung (cuả nhóm)… Hiện tại… Anh Jesse thực sự đang làm nhiều việc nặng hơn… nấu ăn và đưa bọn nhỏ đi bác sĩ vào ban ngày. Chúng tôi luân chuyển chu kỳ với nhau và ngay bây giờ… anh ấy đang làm nhiều việc ở nhà hơn một chút…. Chúng tôi đánh giá mọi bước xem nó có hoạt động tốt cho gia đình không, cho công việc tôi đang làm hay không… nhưng nó đã hoạt động và hoạt động tốt: bọn trẻ rất hạnh phúc, tôi thích dạy học.”
Bà Barrett nói rằng đối với cả người cha và người mẹ, thì nhu cầu của con cái là đứng hàng đầu, nghề nghiệp của họ đứng thứ hai - nhưng cả con cái và nghề nghiệp của họ đều phát triển mạnh. Thay vì cho rằng việc chăm sóc là “sự lựa chọn” của phụ nữ để tự mình ôm lấy hoặc từ bỏ, như vụ án Roe V. Wade đã gây ra, bà Barrett nhận xét rằng cả người mẹ và người cha đều bị ràng buộc bởi một trách nhiệm chung đối với những đứa trẻ. Đó là chủ nghĩa nữ quyền mới, tái tạo lại chủ nghĩa nữ quyền cũ.
Không chỉ có tinh thần đồng đội của cặp Barretts đã làm cho tất cả những điều này trở nên khả thi. Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, bà tỏ lòng lòng biết ơn bà dì của chồng đã giúp đỡ việc nuôi con trong hơn một thập kỷ. Và bà cũng biết ơn sự linh hoạt của sở làm và nhận xét rằng sự hiện diện ngày càng tăng của phụ nữ trong nghề luật đã tạo ra những điều kiện tốt hơn so với khi bà ấy mới bước vào nghề, còn là một luật sư trẻ: "Khi phụ nữ có mặt nhiều hơn trong các trường luật... trên các công ty… thì nơi làm việc trở nên linh hoạt hơn vì người phụ nữ tìm kiếm những tiện nghi đó.”
Theo bà Erika Bachiochi thì sự thật đáng buồn là gần 50 năm sau khi Roe hợp pháp hóa phá thai, các loại tiện nghi giúp quản lý cuộc sống gia đình và sinh đẻ mới bắt đầu được thực hiện. Nhưng một số lớn các công ty vẫn còn tham gia vào việc phân biệt đối xử với những phụ nữ có thai. Các nghiên cứu cho thấy rằng người phụ nữ có con thường được cho là kém năng lực hoặc kém cam kết với công việc hơn là so với các đồng nghiệp không bị cản trở; và khi các ông bố bà mẹ tìm cách trở lại làm việc sau thời kỳ chăm sóc con cái, dù chỉ là một thời gian ngắn, việc họ vắng mặt trên thị trường sẽ bị phạt nhiều hơn bởi các nhà tuyển dụng. Một ông chủ nổi tiếng của một công ty - và ứng cử viên tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ - đã được cho là đã bảo một nhân viên đang mang thai "giết nó đi". Không có gì lạ khi nhiều phụ nữ mang thai đã phải cột bụng để che giấu cái thai lúc đi làm.
Hy vọng rằng với sự thăng tiến cuả bà Barrett thì một nền văn hoá đặt ưu tiên trên việc chăm sóc gia đình sẽ phát triển đủ mạnh để trở thành một phong trào có thể thách thức nền văn hoá thống trị vốn coi thường nghĩa vụ gia đình đối với cả phụ nữ và nam giới. Thương hiệu nữ quyền của thẩm phán Ginsburg sẽ phải nhường chỗ cho một điều mới mẻ hơn, một xã hội mà chúng ta sẽ không còn đấu tranh về chuyện phá thai nữa vì nó không còn phù hợp.