1. Hai phần ba dân Ðức không quan tâm tới tiến trình công nghị.
Gần hai phần ba dân Ðức, tức là 63%, không quan tâm gì tới tiến trình công nghị, dự trù kéo dài hai năm, do các giáo dân và giám mục Ðức đề xướng. Trên đây là kết quả cuộc thăm dò do viện điều tra dư luận “INSA Consulere”, được tuần báo Công Giáo “Die Tagespost” thuê thực hiện.
Theo kết quả cuộc thăm dò, chỉ có 11% những người được hỏi ý kiến tuyên bố quan tâm đến sáng kiến tiến trình cải tổ; 17% không hề biết đó là gì. Tuy nhiên, có sự khác biệt: trong số các tín hữu Công Giáo, có 19% tuyên bố quan tâm đến tiến trình công nghị, đối thoại để cải tổ.
Trong số 53% tuyên bố quan tâm đến việc cải tổ, có hơn một nửa các tín hữu Công Giáo tuyên bố không quan tâm đến tiến trình đối thoại trong nội bộ Giáo hội. Nơi các tín hữu Tin lành, có 11% chú ý đến tiến trình công nghị và 63% không quan tâm đến vấn đề này. Nơi những người không tín ngưỡng, chỉ có 6% quan tâm.
Cuộc điều tra dư luận được thực hiện bằng cách hỏi ý kiến 2,036 người lớn, trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến 14 tháng 9 năm 2020.
Khóa họp toàn thể của Công nghị gồm 230 tham dự viên đã diễn ra tại Frankfurt từ ngày 30 tháng Giêng cho đến mùng 1 tháng Hai đánh dấu sự khởi đầu chính thức của tiến trình công nghị tại Đức. Bốn chủ đề chính được mang ra thảo luận là cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, đời sống linh mục, đạo đức tình dục và vị trí của phụ nữ trong Giáo hội. Ban đầu, công nghị dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 10 năm 2021, nhưng vì đại dịch nên có thể sẽ kết thúc vào tháng 2 năm 2022.
Tháng 5 vừa qua, một Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Köln đã tuyên bố ngài rút lui, không còn tham gia vào diễn đàn về vấn đề tính dục là một phần của tiến trình công nghị đang diễn ra ở Đức.
Đức Cha Dominikus Schwaderlapp nói với tờ Die Tagespost vào ngày 28 tháng Năm rằng diễn đàn đang cố gắng gieo những nghi ngờ đối với những giáo lý cơ bản của Giáo Hội Công Giáo về đạo đức tính dục bằng cách coi tính dục là một hiện tượng “đa giá trị” (polyvalent).
Tài Liệu Làm Việc cuối cùng của diễn đàn đã được xây dựng trên giả định rằng các giáo lý của Giáo hội về đạo đức tình dục đòi hỏi phải được “phát triển hơn nữa”. Theo Đức Cha Schwaderlapp, cách tiếp cận như thế không công bằng đối với quan điểm của Công Giáo về “món quà thiêng liêng tình dục. “
“Hơn 50 năm qua, Huấn quyền của Giáo hội đã đưa ra những tuyên bố chính xác về các câu hỏi liên quan đến đạo đức tình dục. Qua các tuyên bố này, Huấn quyền đã đào sâu và phát triển giáo huấn của Giáo hội.”
“Phát triển hơn nữa” không bao giờ có nghĩa là phá hủy những gì đang có, nhưng thay vào đó nó phải được xây dựng trên đó.
Source:Tagespost
2. Khảo sát cho thấy mối tương quan giữa việc tham dự Thánh lễ và quan điểm chính trị
Một cuộc khảo sát gần đây đã phát hiện ra mối tương quan giữa việc thực hành tôn giáo của những cử tri Công Giáo, và các vấn đề chính trị mà họ cho là quan trọng. Những người Công Giáo tham dự Thánh lễ thường xuyên nói rằng họ quan tâm nhiều nhất đến việc phá thai, so với các vấn đề khác.
Được thực hiện từ ngày 27 tháng 8 đến ngày 1 tháng 9 bởi RealClear Opinion Research hợp tác với EWTN News, cuộc thăm dò đã khảo sát 1,212 cử tri người Công Giáo.
Cuộc thăm dò được tiến hành trước khi Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg qua đời. Cái chết của bà đã làm rung chuyển cuộc tranh cử hiện nay. EWTN News và RealClear Opinion Research có kế hoạch khởi động một cuộc thăm dò mới vào giữa tháng 10, dự kiến sẽ phản ánh tác động mà cái chết của bà Ginsburg gây ra đối với cuộc bầu cử tháng 11 tới đây.
Trong số những người tham gia cuộc thăm dò, 36% nói rằng mỗi tuần họ tham dự Thánh lễ một lần hoặc nhiều hơn trước khi các hạn chế vì coronavirus được đặt ra đối với các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự. 42% cho biết họ tham dự Thánh lễ từ một tháng một lần đến một năm một lần, và 22% nói rằng họ tham dự Thánh lễ ít hơn một lần mỗi năm.
Về chính sách thương mại với Trung Quốc, những người được hỏi cho biết họ tin tưởng tổng thống Trump hơn Biden.
Những người Công Giáo tham dự Thánh lễ một năm một lần có khuynh hướng bầu cho ông Joe Biden, trong khi số người tham dự thánh lễ thường xuyên hơn nói họ sẽ bầu cho Tổng thống Trump.
Source:Catholic News Agency
3. Làm sao để cái nắm tay trở nên ấm áp hơn?
Trong ngày Lễ Tạ Ơn, một cô giáo dạy lớp một nọ đã bảo những học sinh của mình vẽ một bức tranh về những điều gì đó mà các em đã biết ơn. Cô nghĩ rằng hầu hết các học sinh của cô sẽ vẽ những bức tranh về gà Tây hay những bàn đầy thức ăn mà chúng được thưởng thức. Nhưng cô đã sửng sốt với bức tranh của Tony, một cậu học sinh ngồi phía cuối lớp, bức tranh có một bàn tay được vẽ bằng nét trẻ thơ rất đơn giản.
Nhưng đó là bàn tay của ai? Cả lớp đều bị cuốn hút vào hình ảnh trừu tượng đó. Cô giáo đã đến bên bàn Tony và hỏi: “Em vẽ bàn tay của ai vậy?”
Tony ngước nhìn cô, em đáp nhỏ: “Em vẽ bàn tay của cô”.
Cô giáo xúc động. Cô nhớ lại rằng vào những giờ giải lao, cô thường nắm tay Tony, một cậu bé cô độc ít nói. Cô cũng thường làm thế với những học sinh khác, nhưng với Tony, nó lại mang ý nghĩa rất lớn.
Quý vị và các bạn thân mến!
Chắc hẳn cô giáo không ngờ rằng cử chỉ nắm tay đơn giản của cô lại mang đến cho cậu học trò bé nhỏ của mình niềm hạnh phúc, và điều đó trở thành một cảm xúc tốt đẹp khiến cậu ta nhớ mãi với lòng biết ơn. Tuy cô độc ít nói nhưng Tony vẫn không muốn bị cô giáo lãng quên trong tập thể học sinh lớp, và những cái nắm tay của cô giáo như một nhắc nhở rằng cậu vẫn hiện diện một cách sống động giữa bạn bè trong lớp học của mình.
Nhiều người làm công tác từ thiện đã chia sẻ rằng, khi đi thăm một trại mồ côi điều làm cho các em bé ở đây hạnh phúc không chỉ là những quà tặng, bánh kẹo nhưng là những ôm hôn không ngần ngại của họ dành cho những tấm thân bé bỏng có phần nhếch nhác hơn so với những đứa trẻ bình thường. Ðến viếng một trung tâm dưỡng lão, điều làm cho các cụ già cảm thấy ấm lòng đó là những cái siết tay thân ái, những vuốt ve gần gũi trên những hình hài đã hao mòn vì những năm tháng cô đơn. Khi tiếp xúc với những phận người bất hạnh, nếu chúng ta bất chấp những hình thức kém tươi tốt, thiếu sạch sẽ của những thân thể tiều tụy, để đem lại cho họ những cử chỉ yêu thương, âu yếm, là chúng ta đã đem lại cho họ niềm tin tưởng hạnh phúc rằng họ vẫn được mọi người yêu thương, họ vẫn rất đáng yêu. Ðiều đó giúp họ có thêm hơi ấm để tiếp tục sống và thêm tin tưởng rằng cuộc sống dễ thương biết bao.
Chúng ta không chỉ trao tặng cho nhau vật chất, mà còn có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhau bằng cách thể hiện những cử chỉ yêu thương dù rất đơn sơ, nhỏ nhoi. Một ánh mắt trìu mến và cảm xúc ấm áp từ đôi bàn tay, những lối giao tiếp phi ngôn ngữ này có khả năng thay được ngàn vạn lời trái tim muốn nói.
Phúc Âm thánh Luca chương 4, đoạn 12 và 13 tường thuật lại rằng khi người phung cùi đến xin Chúa Giêsu chữa bệnh, Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn anh sạch đi”. Và người phung cùi đã được sạch bệnh. Với quyền năng Ðấng Tối Cao, Ngài chỉ cần phán một lời thì chứng phong cùi cũng sẽ biến khỏi người bệnh. Nhưng Chúa Giêsu vẫn chạm tay của mình vào thân thể cùi lở, hôi hám đó để người bệnh cảm nhận rằng anh ta vẫn không hề bị ghê gớm, ghét bỏ nhưng ngược lại, anh ta vẫn nhận được tình yêu thương, sự cảm thông qua sự va chạm thân thiện của Ngài.
Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng khao khát được yêu thương, và nhất là khi tình yêu đó được thể hiện bằng những cử chỉ âu yếm cụ thể. Xin cho chúng con biết ôm lấy những người đau khổ, nhẹ nhàng lau nước mắt cho những ai đang than khóc, nắm tay người đang thất vọng vì họ sẽ cần lắm những chỉ an ủi, ôm ấp yêu thương của chúng con. Và qua những anh em đau khổ này chúng con cũng thể hiện được tình yêu của chúng con đối với Chúa, vì Ngài cũng đã dạy rằng: “Những gì các con làm cho các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các con đã làm cho chính Ta”. Amen.