Các quan chức cuả Vatican cho biết rằng theo thông lệ, các vị giáo hoàng thường tránh gặp các chính trị gia trước một cuộc bầu cử, tuy nhiên, người ta cũng quan sát rằng Vatican đang có những lo ngại về những nỗ lực của ông Pompeo nhằm lôi kéo Giáo Hội Công Giáo vào chính trường Mỹ bằng cách yêu cầu Vatican tố cáo các sự lạm dụng cuả Trung Quốc.
“Vâng, ông ấy có hỏi. Nhưng Đức Giáo Hoàng đã nói rõ ràng rằng các nhân vật chính trị sẽ không được tiếp kiến trong muà bầu cử. Đó là lý do, ” là lời cuả Quốc vụ khanh Hồng Y Pietro Parolin nói với Reuters vào hôm thứ Tư.
Quyết định này của Vatican được công bố ngay sau khi ông Pompeo phát biểu tại một hội nghị ở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa thánh, ông đã kêu gọi Vatican tham gia với Hoa Kỳ lên án các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc và các cuộc tấn công chống lại tự do tôn giáo.
Lời kêu gọi này của ông Pompeo được đưa ra trong lúc có những nỗ lực của Vatican nhằm gia hạn một thỏa thuận hai năm trước giữa Vatican và Trung Quốc, cho phép giáo hoàng có thẩm quyền lớn hơn trong việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc.
Vatican tin rằng thỏa thuận này sẽ đảm bảo an ninh và tự do tôn giáo lớn hơn cho người Công Giáo ở Trung Quốc, là những người ngày càng trở thành mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong một bài bình luận hồi đầu tháng, ông Pompeo lập luận rằng Giáo Hội Công Giáo có trách nhiệm đóng vai trò “nhân chứng đạo đức”, nên bác bỏ các quan hệ với Trung Quốc, ông còn lên tiếng cáo buộc các linh mục chính thức cuả Trung Quốc là không thể tin tưởng được.
“Vatican đã hợp pháp hóa các linh mục và giám mục Trung Quốc mà lòng trung thành vẫn chưa rõ ràng, gây nhầm lẫn cho những người Công Giáo Trung Quốc luôn tin tưởng vào Giáo hội,” Pompeo nói. “Nhiều người từ chối không đến những nơi thờ tự được nhà nước công nhận, vì sợ rằng việc đó sẽ tiết lộ họ là người Công Giáo trung thành, họ sẽ phải chịu đựng ngược đãi như những tín đồ khác mà họ đã chứng kiến.”
Các quan chức ở Tòa Thánh cũng nhận rằng thỏa thuận này không hoàn hảo, nhưng cho rằng đây là một bước đi đúng hướng.
“Vấn đề bảo vệ tự do tôn giáo để cho phép Giáo Hội Công Giáo địa phương thực thi sứ mệnh của mình vẫn là một phần không thể thiếu trong phạm vi hoạt động của Tòa thánh,” theo lời tổng trưởng ngoại giao cuả Toà Thánh, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher.
Hồng Y Quốc vụ khanh Parolin cho biết ngài “ngạc nhiên” trước phát biểu của Pompeo hôm thứ Tư, và nói rằng cuộc gặp gỡ của họ vào cuối tuần sẽ là thời điểm thích hợp hơn để nói lên những lo ngại của ông ta.
Đức TGM Gallagher nói với Reuters: “Thông thường, người ta chuẩn bị các cuộc thăm viếng qua các quan chức cấp cao, và đàm phán chương trình nghị sự cho những gì sẽ nói một cách riêng tư, bí mật. Đó là một trong những quy tắc ngoại giao”.
Ông Pompeo đã gay gắt chỉ trích Trung Quốc trong vài tháng qua về nhiều vấn đề từ coronavirus, cuộc chạy đua trên mạng 5G, việc thu hồi quyền tự trị của Hồng Kông và những vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ.
"Không nơi nào mà tự do tôn giáo bị tấn công nhiều hơn là ở Trung Quốc", ông Pompeo nói trong cuộc hội nghị hôm thứ Tư, cáo buộc Trung Quốc đang làm việc "cả ngày lẫn đêm để đánh sập ngọn đèn tự do, đặc biệt là tự do tôn giáo, trên một quy mô kinh hoàng."